BÀI GIẢNG
TRONG CHÚA
GIÊSU
CON NGƯỜI TRỞ NÊN TUYỆT HẢO
Đức Giêsu nói : “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng
có ai cao trọng hơn ông Gioan Bt. Tuy nhiên kẻ nhỏ hơn trong Nước Trời còn cao
trọng hơn ông” (Mt 11,11).
Lời
xác định trên Đức Giêsu có ý so sánh ông Gioan Bt với người Công Giáo :
A. SỞ DĨ GIOAN TẨY GIẢ CAO TRỌNG NHẤT TRONG NHỮNG NGƯỜI
DO NGƯỜI NỮ SINH RA, là vì từ thời Adam, Eva và chắc chắn cho đến ngày cánh
chung, không một người nào có mặt trên trái đất này giống Đức Giêsu về cuộc
sống trên dương thế như ông Gioan. Thực vậy, giữa Đức Giêsu và ông Gioan từ lúc
sinh vào đời cho đến lúc chết, có nhiều điểm tương đồng rất sít sao, mà trong
nhân loại không ai có được.
1-
Cả Gioan, cả Đức Giêsu trước khi được thụ thai trong lòng
mẹ đều do Thiên thần Gabriel báo tin (x Lc 1,19 = Lc 1,26).
2-
Cả Gioan, cả Đức Giêsu đều sinh ra từ đôi vợ chồng khác
thường : Cha mẹ của Gioan đã gần 100 tuổi mà chưa có con, thế mà ông Dacarya
lại được thiên thần báo tin cho biết : Vợ chồng ông sẽ sinh con ; cũng thế, Đức
Giêsu được sinh ra trong một gia đình mà vợ chồng không ăn ở với nhau (x Lc 1,7
= Lc 1,34) , vì chỉ có ông Giuse sống hướng về cánh chung : “Có vợ mà kể như không có” (1 Cr 7,29).
3-
Tên Gioan và tên Đức Giêsu đều được thiên thần bảo cha mẹ phải đặt con
mình như thế (x Lc 1,13 = Lc 1,31).
4-
Thân thế ông Gioan và Đức Giêsu đều thuộc dòng tộc giàu
có : Gioan là con vị tư tế ở thành Giêrusalem ; Đức Giêsu là Con của Cha trên
trời, thế mà cả hai Vị sinh ra trong cảnh nghèo : Gioan sinh ra được nuôi dưỡng
trong sa mạc (x Lc 1,80) ; Đức Giêsu sinh ra được mẹ Ngài lấy tã bọc đặt nằm
trong máng cỏ (x Lc 2,7).
5-
Ông Gioan và Đức Giêsu đều thống nhất chương trình hành
động. Do đó cả hai Vị đều mở đầu sứ mệnh bằng công thức : “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (x Mt 3,2 = Mt 4,17).
6- Sứ điệp Tin Mừng của ông
Gioan và của Đức Giêsu đều nóng bỏng và dứt khoát, không khoan nhượng cho những
kẻ bất lương, nhất là những kẻ không tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất (x
Cv 4,12). Cụ thể :
-
Ông Gioan nói với mọi
người : “Cái rìu đã để sẵn gốc cây, cây
nào không sinh trái thì bị chặt quăng vào lò lửa” (Mt 3,10). Có nghĩa là
ngay hôm nay ai không tin vào Chúa Giêsu để làm việc tốt, thì phải diệt ngay.
-
Còn Đức Giêsu nhìn cây
vả lớn, lá xum suê, Ngài đến tìm quả mà không có, dù lúc ấy không phải là mùa
trái vả, mà Ngài lại lên tiếng trách nó : “Không
bao giờ Ta ăn trái mày nữa !” Sáng hôm sau, các môn đệ đi ngang qua thấy
cây vả đã chết khô từ ngọn đến rễ (x Mt 21,18-19) : Cây vả lớn là dấu chỉ những
người được Thiên Chúa nuôi dưỡng và giáo dục mà hôm nay không trở nên người công
chính, nhờ tin vào Chúa Giêsu (x Gl 2,16), thì kẻ đó không thể được cứu độ.
7-
Ông Gioan và Đức Giêsu đều động viên người ta chia sẻ :
-
Ông Gioan nói : “Ai có hai áo hãy chia
cho người không có một cái, và ai có của ăn thì cũng hãy làm như vậy” (Lc
3,11).
-
Chúa Giêsu dạy : “Cho thì có phúc hơn là
lấy” (Cv 20,35)
8- Ông Gioan và Đức Giêsu đều chết vì chân lý :
-
Ông Gioan dám lên tiếng
trách vua Hêrôđê không được cướp vợ anh mình, do đó ông bị cắt đầu (x Mt
14,3t).
-
Đức Giêsu lên tiếng
khiển trách những đầu mục Do Thái sống đạo
hình thức : Giả bộ đọc kinh dài để nuốt chửng tài sản bà góa, làm cho
người tân tòng thành con cái hỏa ngục gấp đôi mình, lại còn ngăn cản những ai
muốn vào Nước Trời (x Mt 23). Do đó Ngài bị treo trên thập giá (x Mt 27,23t).
B. KẺ NHỎ TRONG NƯỚC TRỜI CÒN CAO
TRỌNG HƠN ÔNG GIOAN TẨY GIẢ.
C Thuật ngữ “kẻ nhỏ” trong Tân Ước luôn luôn chỉ về
những người thuộc về Hội Thánh, những người được Chúa Giêsu cứu độ. Thực vậy,
các Tông Đồ là những người lớn tuổi, mà Đức Giêsu đòi hỏi họ phải trở nên trẻ
nhỏ mới được vào Nước Thiên Chúa (x Mt 18,3) ; Ngài nói với các môn đệ : “Hỡi các con thơ bé, Thầy chỉ còn ở với các
con một ít nữa thôi” (Ga 13,33a) ; cũng như Ngài nói : “Đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha chúng
con đã khấng ban Nước Trời cho chúng con” (Lc 12,32).
C Các thư của thánh Gioan viết cho các giáo đoàn có
nhiều người lớn tuổi, thế mà ông luôn luôn gọi họ là : “Hỡi các con thơ bé” (x 1Ga 2,1.12.14.18.28).
Vậy
“kẻ nhỏ trong Nước Trời lớn hơn ông Gioan
Tẩy Giả”, chính là người Công Giáo sau khi đã lãnh Bí tích Khai Tâm, họ hơn
ông Gioan những điểm sau :
1.
Ông Gioan chỉ là chú phù rể đối với Đức Giêsu (x Ga 3,29) ; trong khi đó người
Công Giáo được gọi là Hiền Thê của Chúa Giêsu, khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy (x
2Cr 11,2).
2. Ông Gioan sinh ra bởi dòng giống Adam,
Eva, thua xa người Công Giáo được tái sinh bởi Adam cuối cùng là Chúa Giêsu (x
Cv 2,38). Bởi thế Kinh Thánh nói : “Đấng tác thánh và những người được thánh hóa
cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt,
cùng một sự sống với Chúa Ba Ngôi, đến nỗi được đồng hóa với Chúa Giêsu ”
(Dt 2,11 ; Ga 6,57 ; Gl 2,20).
3.
Ông Gioan so với Đức Giêsu không đáng giá gì, nên ba lần ông nói : “Tôi không phải là Đấng Kitô, tôi không phải
là Êlya, tôi không phải là một ngôn sứ”, như người ta đã tưởng lầm ông là
thế, ông Gioan chỉ là tiếng kêu trong sa mạc, và ông tuyên bố : “Đấng đến sau tôi (Đức Giêsu), trổi vượt hơn
tôi, tôi không xứng đáng cởi quai dép cho Ngài” (Ga 1,20-27). Như vậy, Đức
Giêsu là Số Một, ba lần không của ông Gioan
đứng sau Số Một trở thành số ngàn. Rõ ràng nếu không có số một, thì cả
tỷ zero cũng là zero, nhưng nhờ số một,zero trở nên giá trị gấp mười! Mà người
Công Giáo lại được đồng hóa với Chúa Giêsu về nguồn gốc, về xương thịt, về sự
sống (x Gl 2,20 ; Dt 2,11 ; Ga 6,57). Bởi thế người Công Giáo còn hơn ông Gioan
gấp mười lần, đến nỗi Chúa Giêsu về Trời làm cho ai tin vào Ngài, thì chẳng
những làm được như Ngài mà còn hơn nữa (x Ga 14,12). Cụ thể cả cuộc đời Đức
Giêsu phục vụ đến chết, mới đưa một anh trộm lành vào Thiên Đàng ; còn người
Công Giáo mỗi khi đi dự Lễ, hiệp thông với Hội Thánh cầu nguyện cho những người
đã qua đời, thì biết bao linh hồn được về Thiên Đàng ; hoặc Đức Giêsu không lập
một giáo đoàn nào, trong khi đó ông Phaolô đã khai sinh được rất nhiều giáo
đoàn…
Mặc
dù ta được cao cả hơn ông Gioan Bt, nhưng chỉ được thấy rõ trong ngày cánh
chung. Thánh Gioan nói : “Hiện giờ chúng
ta là con Thiên Chúa;nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày
tỏ.Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người,vì
Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Bởi đó thánh Phaolô
nói : “Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông
mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì
ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi?Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình
chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25).
Vì
những lý do trên tưởng rằng người Công Giáo phải mừng ngày lãnh Bí tích Thánh
Tẩy mới chính là ngày sinh nhật của mình được sinh ra trong Chúa Giêsu, và đã
được thanh tẩy tinh tuyền. Còn ngày sinh nhật bởi cha mẹ trần thế, chỉ thuộc
dòng giống Adam bị chúc dữ, vì “từ trong
lòng mẹ tôi đã là kẻ bất lương” (Tv 51/50,7). Bởi thế, lời kinh “tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng”
(Tv 139/138, 14a), chỉ thích hợp cho người Công Giáo.
C. NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI CHIẾN ĐẤU VÌ TIN MỪNG VÀ ĐI VÀO
CON ĐƯỜNG HẸP.
Ai muốn đón nhận được ơn cao trọng nhất là làm con
Đức Chúa Trời (x Ga 1,12), đến nỗi được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20), thì
không phải như kẻ “há miệng chờ sung”,
bởi đó Đức Giêsu nói : “Từ thời Gioan Tẩy
Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì
chiếm được” (Mt 11,12 : Tin Mừng).
Vậy, muốn được trở nên con Thiên Chúa, là người cao
trọng nhất trong Nước Trời, thì ta phải mạnh sức (cường bạo) để đón nhận, bắt
chước những chứng nhân của Tin Mừng, khởi đi từ thời ông Gioan Tẩy Giả. Cụ thể
:
1/ Phải từ
bỏ và đi đường hẹp.
Bắt chước lối sống của ông
Gioan Bt, tuy ông là con một của gia đình rất giàu có, nhưng nhu cầu sự sống
của ông rất đơn giản : “Mặc áo lông lạc
đà, thắt xiêm bằng da thú vật, ăn châu chấu và mật ong dại” (x Mt 3,4) ; và
đến cuối đời, ông chấp nhận mất mạng vì không muốn ai phạm tội (x Mt 14,3t). Bởi
vậy Đức Giêsu nói : “Ai yêu cha yêu mẹ
hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không
xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với
Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì
Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,37-39), và “hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến
diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó.Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến
sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14).
2/ Mau lẹ vượt rào cản đến với Chúa Giêsu.
Bắt chước bốn người khỏe
khiêng người bất toại đến cho Đức Giêsu, biết không thể đưa bệnh nhân vào lối
cửa trước hay cửa sau, vì căn nhà chật ních những người đang nghe Đức Giêsu
giảng dạy, thế là bốn người khỏe leo ngay lên mái nhà, dám liều đục một lỗ to
và thả người bất toại xuống gấp cho Đức Giêsu ! (x Mc 2,1-12). Vì vậy thánh
Phaolô nói : “Ai lừng khừng sẽ làm mất ơn
Chúa, trở nên kẻ cay đắng gây xáo trộn và làm hư hỏng nhiều người” (Dt
12,15).
3/ Tích cực loan báo Tin Mừng, không ai cấm cản được.
Đan cử : Đức Giêsu chữa lành
cho người cùi và người điếc ngọng, Ngài cấm họ không được nói cho ai biết về
Ngài. Nhưng lệnh cấm ấy không được họ tôn trọng, họ càng nói nhiều hơn nữa để
mọi người tìm đến với Đức Giêsu (x Mc 1,40t ; Mc 7,31t). Vì thế thánh Phaolô
nói : “Tôi có sự thật về Đức Kitô, thì
không ai bịt miệng tôi được!” (2Cr 11,10).
4/ Đặt việc Nước Thiên Chúa hơn mọi việc trần thế.
Thực vậy, ông Matthêu đang
ngồi thu thuế, là một mối lợi lớn cho ông, thế mà khi nghe Đức Giêsu gọi : “Hãy theo tôi”, ông liền bỏ ngay nghề nghiệp về nhà làm tiệc và mời
nhiều người tội lỗi đền đồng bàn với Đức Giêsu, rồi ông lên đường đi theo Ngài
(x Mc 2,13t). Cả các ông Anrê và Phêrô, Giacôbê và Gioan, đang bận rộn công
việc chài lưới, nhưng khi nghe Đức Giêsu gọi, các ông tức khắc theo Ngài (x Mt
4,18-22). Thậm chí, một người xin Đức Giêsu về an táng cha mới qua đời, rồi mới
theo Ngài, nhưng Đức Giêsu bảo : “Cứ để
kẻ chết chôn kẻ chết, phần anh hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa” (Lc
9,59-60).
5/ Phải quảng đại chia sẻ.
Bắt chước ông Giakêu khi được
Đức Giêsu đến thăm nhà, ông dám bán cả gia tài, một nửa chia cho kẻ nghèo và đền gấp bốn lần cho những ai ông
đã làm thiệt hại (x Lc 19). Sống như ông Giakêu chắc chắn người đời cho là ngu
dại, như lời sách Diễm ca nói : “Dù nước
lũ có dâng lên, dù sóng thần có ập tới, cũng không vùi lấp được tình yêu, ai
đem hết gia tài sự nghiệp đổi lấy tình yêu, ắt sẽ bị người đời khinh dể!”
(Dc 8,7).
6/ Phải khắc phục bản thân sống theo Tin Mừng.
Như thánh Tông Đồ nói :
-
Tôi được phép làm mọi
sự; nhưng không phải mọi sự đều có ích.Tôi được phép làm mọi sự; nhưng tôi sẽ
không để sự gì làm chủ được tôi (1 Cr 6,12).
-
Tôi chạy mà không phải
chạy hờ, tôi đấu quyền mà không phải đấm không khí, trái lại, tôi nhắm con
ngươi đồng tử mà thụi vào chính thân tôi, và bắt nó quỵ lụy phục tùng, kẻo sau
khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại (1 Cr 9,26- 27).
Những
người sống làm con Đức Chúa Trời trên đây, Đức Giêsu gọi họ là những “kẻ bé
nhỏ” trong Nước Thiên Chúa, nhưng họ đã trở nên chứng nhân cường bạo của Tin
Mừng, họ làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia loan báo về thời đại Đấng Cứu Thế xuất
hiện :
“Họ không sợ hãi chi, vì chính Chúa phù hộ họ, dù dưới mắt người đời họ
chỉ là loài sâu bọ, những kẻ mọn hèn. Nhưng họ đã được Chúa phù hộ, vì Ngài là
Đấng Cứu Chuộc, Ngài đã biến họ thành những cái bừa vừa sắc, vừa mới, vừa đầy
răng nhọn – một dụng cụ dùng vào nông nghiệp hiệu quả nhất – họ sẽ làm cho
Thiên Chúa vui mừng hoan hỷ. Chúa sẽ khai suối giữa sa mạc, trên đồi trọc hay
dưới thung lũng, và cho mọc um lên vườn cây quý giá : nào trắc bá, nào hoàng dương, tức là Chúa biến dữ ra lành,
tội ra ơn, chết ra sống cho họ” (x Is 41,13-20 : Bài đọc).
Sở dĩ có những người dùng sức
mạnh để chiếm hữu ơn làm con Chúa như trên, là vì họ đã nhận ra Con Thiên Chúa
xuống thế làm người để canh tân bộ mặt trái đất, hơn nước mưa đổ xuống nương
đồng. Do đó ta hãy cầu nguyện cho mọi người đón nhận được Chúa Giêsu, như lời
ngôn sứ Isaia nói : “Trời cao hỡi, nào
gieo sương, mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính, đất mở ra đi, cho nẩy mầm Đấng
cứu độ” (Is 45,8 : Tung Hô Tin Mừng), để họ được xứng đáng là chứng nhân
của Thiên Chúa : “Ngài là Đấng từ bi và
nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 145/144,8 : Đáp ca).
Chắc nhiều người Việt còn nhớ
vào năm 1972 chuyện tổng thống Bô-cát-xa người Phi Châu, vào thời Việt Nam bị
Pháp thuộc, ông Bô-cát-xa là lính đánh thuê cho Pháp ở VN, thời gian ấy ông đã
dan díu với một phụ nữ VN và sinh ra một bé gái mang hai mầu da, nên người ta
gọi là cô là Ba Xí. Sau khi ông Bô-cát-xa trở về nước, hoàn cảnh đã đưa đẩy ông
trở thành Tổng thống. Lúc ấy, ông nhớ lại mối tình quá khứ hồi còn đi lính đánh
thuê, và có để lại một đứa con ở VN, do đó ông nhờ tòa Đại sứ giúp ông tìm lại
mẹ con cô Ba Xí. Chuyện nực cười đã xảy ra : Có rất nhiều bà dẫn đứa con xấu xí
đến tòa Đại xứ khai báo : Đây là vợ, là con của ông Bô-cát-xa. Nhưng nhờ ngành
y học, người ta tìm ra được cô con gái của ông Bô-cát-xa, thế là mẹ con cô Ba
Xí được bốc đi ngoại quốc. Mẹ trở thành
hoàng hậu, con gái được làm công chúa ! Nhưng tưởng rằng niềm vui của mẹ con bà
thua xa người Công Giáo không có dòng họ gì với Thiên Chúa, lại là kẻ phản bội,
đến nỗi giết cả Con Thiên Chúa, thế mà nhờ lòng sám hối và tin theo Chúa Giêsu,
lại được đồng hóa với Con Thiên Chúa, như thánh Tông Đồ nói : “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Chúa
Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
THUỘC LÒNG
Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ,
Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được (Mt 11,12).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH