Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Bài viết
Câu chuyện lạ lùng của ca đoàn cho người ngoài đường phố

Một ca đoàn ở thành phố Nantes quy tụ các người sống bấp bênh ngoài đường phố. Ca đoàn hát trong tang lễ của những người ngoài đường phố. Và họ cũng hát cho Đức Giáo hoàng vào tháng 11 này, trong dịp họ hành hương theo đoàn Fratello về Vatican nhân ngày Năm Thánh Lòng Thương Xót cho người vô gia cư.

“Hisse và hooo, Santiiiaaanoooo..” những câu điệp khúc được hát đi hát lại cho ấm giọng, ba mươi ca viên ca đoàn Ánh trăng đường phố (Au clair de la rue) hát bài “L’Auvergnat” của nhạc sĩ Georges Brassens. Ở tầng hầm của một nhà hát kịch thành phố Nantes Chiều thứ năm hôm đó ở, rất nhiều người đã không cầm nước mắt khi họ hát: “Bài hát này là của bạn (…) khi thần chết mang bạn đi, nó sẽ dẫn bạn lên Trời, lên với Chúa Cha vĩnh cửu.” Điệp khúc này họ đã sống. Họ biết họ còn sẽ sống với nó.

Ca đoàn này không phải là ca đoàn bình thường: đây là ca đoàn tổng hợp của một vài bà điệu đàng, tóc bạc chải chuốt, của những giọng hát rè rè (vì rượu, vì thuốc lá, vì xúc động hay còn vì gì nữa… làm sao biết được?) Đủ thành phần tạp nham, không tiền, không vòng vàng, một ca đoàn đúng nghĩa ca đoàn dù nhiều khi họ hát sai.

Ca trưởng Paolo ngoài bảy mươi, ông thích nhảy nhót, mặc quần ngắn và áo t-shirt, đầu cạo nhẵn bóng, bắp chân đầy lông, ông thú nhận: “Đúng, tôi hát sai, nhưng khi đông người thì không ai nghe! – Paolo, không phải chỉ có một mình anh hát sai đâu, ông Yves trong nhóm nói. Đúng, còn Catơrina nữa, cô ấy hát sai bét, nhưng đó lại là cái ơn!” Cả nhóm lăn ra cười, Catơrina cười đầu tiên. Dù hát rò rè, khi tập Catơrina thường hay đứng dậy và xoay một vòng, người đàn bà này không có tuổi, tóc xám, bà là mẹ của bốn đứa con được giao cho cơ quan xã hội nuôi. Bà sẽ hát (sai) trước Đức Giáo hoàng (thật) trong chuyến đi của đoàn Fratello đến Rôma. Chúng tôi cá là Đức Giáo hoàng sẽ khóc.

Ca đoàn này ra đời đã được 10 năm nay do sự gặp gỡ ‘duyên số’ của ông Yannick Jollivet, một cựu kỷ sư về hưu sớm với ông Serge Rousse, một người vô gia cư, đúng hơn là một người đói khát, chịu nhiều thăng trầm của cuộc sống.

Ông Yannick Jollivet nhớ lại: “Một sáng tháng 1 năm 2005, tôi thấy ông Serge đang ăn xin. Dáng vẻ của ông vừa buồn vừa tức giận. Ông giải thích cho tôi: ‘Tôi vừa chôn ba người bạn vô gia cư. Một mình tôi đi từ nhà xác ra nghĩa trang. Tôi quá buồn khi thấy họ chết như vậy…  họ bị chôn còn thua con chó!’” Yannick lớn lên ở Viện Mồ Côi Auteuil, ông xúc động mạnh khi nghe bạn mình khóc. Ông kỷ sư vừa bị liệt bán thân; bị ba cơn nhồi máu cơ tim làm cho ông phải nằm bẹp. Bị dìm xuống đáy là dịp cho ông nhìn những ai đang bò và đôi khi những người đang bò này cố gắng đứng dậy.

Yannick tìm một vài người bạn để cùng đưa những người vô gia cư về nơi an nghỉ cuối cùng. Họ chơi nhạc để mang lại một chút nhân phẩm và bầu khí vui tươi. Ông Yves, cựu nhân viên bưu điện nói: “Từ đầu tháng 10 đến nay, tôi đã chôn ba người.” Ông là người chơi đàn xếp (accordeon) trong tất cả các tang lễ. Ông có cây đàn xếp-mini bằng gỗ, ông giữ rất cẩn thận. Ông cho biết: “Sinh hoạt ca đoàn không phải dễ. Bạn nghĩ là tôi có thể sống nhờ lương hưu bưu điện sao, bạn mơ rồi. Phải phụ thêm. Khi có tang lễ, tôi phải dời mấy lớp dạy đàn xếp lại, nhưng chôn người nghèo là việc  ưu tiên hàng đầu của tôi!”

Theo năm tháng và theo số người chết, họ nảy ra một ý nghĩ: vì sao không thành lập một ca đoàn của những người ngoài đường cho những người ngoài đường? Serge kêu bạn bè của anh; Yannick kêu bạn bè của mình. Và họ có ca đoàn hát ngoài đường, trong nghĩa trang và ở Nghị viện Âu châu trong một buổi hòa nhạc lịch sử ở Bruxelles năm 2008. Bà Mathée Jollivet, vợ của ông Yannick, bà cũng đã từng ở trong gia đình tiếp nhận, bà xác nhận: “Mang tiếng hát, đó là mang sự sống. Đó là mang đến một con đường và đôi khi còn mang đến cả hy vọng. Đối với nhiều người, ca đoàn là gia đình thứ nhì của họ.”

[…]

“Nhờ Tổ chức Ladarô, tôi lên đường lại”

Ông Christian Delouche 55 tuổi, gương mặt cằn cỗi, mắt kiếng dán sát mũi để đọc bài hát cho rõ, ông không hay đi tập hát. Ông là cựu nhân viên an ninh, ông sống ngoài đường từ hai năm nay, ông biết từng ống cống, từng ê chề của đời sống ngoài đường. Ông sống được đến ngày hôm nay là nhờ cơ quan Ladarô, một hiệp hội phối hợp các căn hộ chia sẻ với người ngoài đường và với các thiện nguyện viên trẻ tích cực. Trong mỗi nhà đều có một nhà tạm.

Tổ chức Ladarô phối hợp với các tổ chức khác như Cứu cấp Công giáo, Tổ chức Vinh Sơn, Làng Thánh Giuse… để thực hiện chuyến hành hương Fratello. Chuyến đi này quy tụ 6000 người có hoàn cảnh sống khó khăn trên toàn Âu châu, họ đi Roma từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 11, một chuyến hành hương chưa từng có đối với họ.

Christian Delouche đã gặp Đức Giáo hoàng trong chuyến hành hương Ladarô đầu tiên năm 2014. «Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, nhưng tôi không tin mấy: được thấy Đức Giáo hoàng sát gần… Vậy mà, Đức Phanxicô ngừng lại, ngài cầm tay tôi, ngài nghe tôi rồi ngài ban phép lành cho tôi như một người cha nhân từ.»

Từ khi được 4 tháng, Christian đã bị đem vào nuôi ở nhà tiếp nhận để thoát khỏi người cha nghiện rượu hung bạo… Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ kết thúc ngày 20 tháng 11, nhưng nó chỉ mới bắt đầu.

Một vài con số

2007: Yannick Jollivet và Serge thành lập ca đoàn Ánh trăng ngoài đường.

2008: Chôn người vô gia cư đầu tiên, «Petit René».

25 ca viên tập mỗi tuần.

250 người ngoài đường được đưa tiễn đến nơi an nghĩ cuối cùng.

3 ca đoàn Ánh trăng ngoài đường được thành lập cho đến bây giờ: ở Nantes, Saint-Nazaire và Bordeaux. Nhiều chương trình đi diễn đang được dự trù, trong đó có một chương trình ở Paris và ở… New York.

 concert-12-nov-16

Hình: Toàn ca đoàn trong một phòng của tòa thị chính Nantes

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Lên đầu trang
Các bài khác cùng chủ đề: