Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Hiệu lực của lá phiếu Công Giáo trong cuộc Bầu Cử Giữa Kỳ Mỹ

 

Khi phân tích về khuynh hướng bầu phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ, nhiều nhà bình luận đã nêu ra một câu hỏi:

Có chăng thực sự một lá phiếu Công Giáo?

Câu hỏi này đã từng được nêu lên nhiều lần trước đây, và câu trả lời vẫn thường là Không!

Vì hình như các cử tri Công Gíao của Mỹ không hề bỏ phiếu theo những hướng dẫn của hàng giáo phẩm.

Đan cử thí dụ năm 2008 trước đây, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ra nhiều tuyên bố người Công Giáo cần đưa việc 'chống phá thai' làm ưu tiên số một, rõ ràng là có ý khuyến khích giáo dân dồn phiếu cho ứng cử viên 'phò sự sống' McCain thay vì cho ứng cử vịên 'phò phá thai' Obama. Nhưng kết quả thăm dò cho thấy người Công Giáo đã dồn phiếu cho Obama với tỷ lệ áp đảo là 54%-44%.

Vậy mỗi khi nói về 'lá phiếu Công Giáo', người ta thường phân biệt 2 định nghĩa khác nhau:

-Một là chủ trương của các 'đấng bản quyền' Công Giáo Mỹ. Đây có thể coi như là một lọai 'endorsement' ('ủng hộ') không chính thức cho một ứng cử viên hay cho một chủ trương nào đó. Những 'endorsement' này thường không có hiệu lực và không nhất thiết là đáng quan tâm.

-Hai là khuynh hướng mà người dân Công Giáo sẽ bầu. Khuynh hướng này thì cũng giống như đại đa số công chúng Mỹ, nghĩa là rất tự do và tùy hứng.

Nói một cách khác, người Công Giáo Hoa Kỳ không hề có một kỷ luật bầu cử giống như của người Do Thái hay của người da đen, và như vậy lá phiếu của họ không có sức mạnh.

Không có sức mạnh cũng có nghĩa là tiếng nói của nhóm có thể bị lờ đi.

Cho nên không những những ưu tiên của Công Giáo đã trở thành trò đùa trong giới truyền thông báo chí, mà ngay cả những dân biểu thành danh nhờ danh hiệu Công Giáo nhiều khi cũng lấy việc chống hàng giáo phẩm làm một danh dự. Trường hợp bà Nancy Pelosi hay dân biểu Kennedy là những thí dụ điển hình.

Nhưng hình như cuộc diện đã đổi ngược qua cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Người ta thấy rõ ràng có những dấu hiệu của một 'lá phiếu Công Giáo', không những vậy, lá phiếu này có hiệu lực và rất đáng nể.

Trước hết là những dấu hiệu mở màn.

Trong cuộc tranh luận quốc gia về Cải Tổ Y Tế năm ngóai, mọi người đã sững sờ khi thấy Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thành công trong việc đưa Tu Chánh Án Stupak-Pitts vào dự luật của Hạ Viện. Tuy kết quả sau cùng đã bị Thượng Viện phá thối, nhưng tiếng nói của HĐGM cũng từ đó được lắng nghe một cách nghiêm trang hơn.

Cũng trong cuộc tranh luận này, hai dân biểu nổi tiếng là Patrick Kennedy và Bart Stupak đã phải quyết định không thể ra tranh cử được nữa vì mất phiếu Công Giáo. DB Kennedy đã bị ĐGM Thomas Tobin của Providence mô tả là một 'thất vọng' lớn và là một 'tai tiếng giữa chúng tôi', còn Stupak thì bị hội 'Susan B. Anthony List' kết án là một tên phản bội.

Nhưng kết quả của cuộc bầu phiếu đã rỏ ràng cho thấy cái thông điệp Công Giáo lần này không chỉ là một tiếng nói suông, nhưng là một tiếng nói quyết định.

Những cử tri Công giáo đã dồn phiếu ồ ạt để thay đổi cơ cấu của Hạ viện, nhiều ghế Thống Đốc và tăng nhân số phò sự sống trên Thượng viện. Một số thăm dò cho thấy tỷ lệ này là áp đảo, lên cao tới 62%-38%.

Những Dân Biểu Dân chủ, đặc biệt là những người bỏ phiếu cho Cải Tổ Y Tế của Tổng thống Obama, đã chịu thiệt hại nặng, trong khi những đảng viên 'phò sự sống' của đảng Cộng hòa đã được ủng hộ mạnh mẽ.

Dân biểu John Boehner (R-Ohio) dự kiến sẽ được bầu làm Chủ Tịch Hạ Viện. Ông sẽ là người Công giáo đầu tiên của Đảng Cộng hòa giữ vị trí này. Một người Công Giáo 'phò phá thai', bà Nancy Pelosi (D-Calif.), sẽ bị hất ra khỏi chiếc ghế quyền lực này.

Danh sách những nhân vật bị hất cẳng vì đã bầu cho luật Cải Tổ Y tế thì rất dài, đây là những thí dụ:

Tại Pennsylvania, DB Kathy Dahlkemper thua Mike Kelly, trong khi DB Paul Kajnorski thua Lou Barletta. DB Ohio Charlie Wilson, 14 năm thâm niên, bị thua bởi một người chưa hề làm chính trị là Bill Johnson, trong khi DB John Boccieri của Ohio thua Jim Renacci. DB West Virginia Allan Mollohan thua Mike Oliverio ở vòng đầu, Mike Oliverio rồi cũng bị thua bởi một người của đảng Cộng hòa là David McKinley. DB Indiana Baron Hill mất ghế vì Todd Young.

Một số đảng viên Dân Chủ đã hổ trợ cho Cải Tổ Y Tế nhưng nhờ là 'phò sự sống' nên vẫn tái đắc cử là: DB West Virginia Nick Rahall, Dân biểu Joe Donnelly của Indiana và DB Marcy Kaptur của Ohio.

DB Bart Stupak, Dân Chủ Michigan, đã từng lãnh đạo phong trào để giới hạn tài trợ phá thai, cũng đã nghỉ hưu sau khi tranh cãi về thỏa hiệp của ông với tổng thống Obama. Ghế dân biểu của ông nay dành cho một người Cộng hòa là Benishek, một bác sĩ phò sự sống.

Đảng Dân chủ vẫn kiểm soát được Thượng viện Mỹ. Một số 'phò phá thai' vẩn còn được bầu lại như Thượng nghị sĩ Barbara Boxer (D-Calif.) Harry Reid của nevada và Christopher Coons của Delaware.

Tuy nhiên, những ứng cử viên phò sự sống đã dành được nhiều ghế hơn như Marco Rubio (R-Fla.) và Kelly Ayotte (RN.H.).

Tại Pennsylvania ứng viên 'phò sự sống' Pat Toomey có vẻ sẽ thắng Thượng nghị sĩ Dân chủ 'phò phá thai' Arlen Specter.

Phe 'phò sự sống' cũng thắng lớn ở cấp Tiểu bang, giành được các ghế Thống Đốc sau đây: Jan Brewer (R-Ariz.), Mary Fallin (R-Okla.), Nikki Haley (R-S.C.), Susana Martinez (R-N.M.), Sam Brownback(R-Kansas.)

Tại Iowa, nơi mà năm ngóai tòa án tối cao của Tiểu bang đã hổ trợ cho việc 'hôn nhân đồng tính', thì cả ba vị thẩm phán bỏ phiếu thuận về việc này đã bị lọai ra khỏi chức vụ.

Với những kết quả còn nóng hổi này, vai trò của người Công giáo trong cuộc bầu cử sẽ tiếp tục được mang ra mổ sẻ, và một số các nhà quan sát sẽ vẫn đặt câu hỏi liệu có một "lá phiếu Công giáo" hay không. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta sẽ thấy có một sự lưu ý hơn về những ưu tiên của người Công Giáo và, trước một nhận thức mới (dù hư hay thực) về cái gọi là 'quyền lực Công Giáo', sẽ có nhiều cảm ứng thuận nghịch xảy ra trong quãng trường công cộng.

Vấn đề là chúng ta đã sẵn sàng lãnh nhận vai trò mới này chưa?

Trần Mạnh Trác

VietCatholic News (04 Nov 2010 15:46)

Lên đầu trang