Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
Sau hai vụ tự tử, các linh mục tự hỏi về "bầu khí nghi ngờ"

Ngày thứ hai 22 tháng 10 – 2018,150 linh mục ở Bourgogne họp ở Paray-le-Monial trong một khóa đào tạo. Vụ linh mục ở giáo phận Orléans tự tử vừa xảy ra cách đây hai ngày, một tháng sau khi một vụ khác xảy ra ở giáo phận Rouen đã là đề tài của các câu chuyện trao đổi.

sau-hai-vu-tu-tu-cac-linh-muc-tu-hoi-ve-bau-khi-nghi-ngo.jpg
Hình: Các linh mục họp ở Ars-sur-Formans tháng 9 – 2018.
© Pierre-Antoine PLUQUET/CIRIC

Giáo sư François Chiron môn thần học tín điều ở Đại học công giáo Lyon mở tờ giấy nhỏ và đọc câu hỏi ẩn danh: “Làm thế nào sống trong một xã hội không nhận biết sự đặc biệt của mình và cũng không tin vào đó?” Cả phòng im lặng. Ngày thứ hai 22 tháng 10, 150 linh mục thuộc bốn giáo phận Bourgogne về họp ở Paray-le-Monial để theo khóa đào tạo đặc biệt có chủ đề: “Linh mục cho giáo xứ truyền giáo”. Mở đầu linh mục Chiron bình giải: “Ngày nay chiều kích đau khổ tinh thần của Chúa Kitô không còn nữa, mà, sự xấu hổ là sự thương khó Chúa Kitô phải chịu trong những ngày Phục Sinh. Nhưng để trả lời thẳng thắn vào câu hỏi: trong những ngày này, khi chúng ta đi trên xe lửa, người dân nhìn chúng ta với ánh mắt nặng nề và khinh bỉ, tôi không sống dưới chân giá trị linh mục của tôi, vì tôi nhớ Chúa Kitô, Đấng bị cho là kẻ mạo danh, kẻ tội phạm.”

Vào giờ giải lao, ở công viên Chapelains, mặt trời tháng mười chói sáng và lá mùa thu đã bắt đầu đổi màu, các cuộc thảo luận tiếp tục tốt đẹp. Trong đầu tất cả các linh mục là vụ bi thảm xảy ra ở giáo phận Orléans hai ngày trước đó, thứ bảy 20-10 linh mục Pierre-Yves Fumery 38 tuổi kết liễu đời mình. Sự kiện trở nên bi thảm hơn vì cách đây một tháng, linh mục Jean-Baptiste Sèbe, cũng 38 tuổi đã tự tử ở giáo phận Rouen. Mỗi người đều liên quan đến một vụ có hành vi ứng xử “không phù hợp”; linh mục Sebe là với một phụ nữ trưởng thành khi sự việc xảy ra, linh mục Fumery là với cô tuổi vị thành niên –  các sự việc chưa dẫn đến việc truy tố -. “Trượt ngã”, “lỗi đạo đức”, “hạnh kiểm không thích ứng”: đó là những chữ được Tổng Giám mục giáo phận Rouen và Orléans dùng để nói với báo chí, không phải là không khó khăn khi nói để tránh các nhầm lẫn với nhiều vụ tai tiếng ấu dâm khác được báo chí đưa ra trong mấy tháng gần đây.


Với hàng loạt khám phá, đã có một bầu khí nghi ngờ chung chung và nhiều linh mục càng ngày càng cảm thấy khó để chịu đựng. Ở nhà ăn của trung tâm, nơi hàng trăm linh mục đến ăn trưa, Tổng Giám mục Hervé Giraud giáo phận Sans-Auxerre cho biết: “Nhiều linh mục đến nói với tôi: ‘Bây giờ bất cứ một ánh mắt nhìn nào, chúng tôi cũng bị buộc tội, bị lên án.” Một lát sau, trong giờ giải lao giữa hai giờ học, cầm ly cà phê trên tay, hai người trong số họ hào hứng thảo luận. Nhưng khi hỏi họ về vụ tự tử của hai linh mục vừa qua thì gương mặt họ nhăn lại, nụ cười méo xệch. “Chúng tôi cũng đang nói về chuyện này…” Và họ bắt đầu nói, chúng tôi có cảm tưởng như hai linh mục giáo phận Dijon này đang muốn nói, đang muốn trút hết cảm xúc đang dâng đầy tràn.

Một xã hội hoàn toàn suy yếu

Người đầu tiên mặc áo chùng cổ la mã, gương mặt còn rất trẻ, cha mới chịu chức ba tháng. Đó là linh mục Jean-Philippe Nollé 27 tuổi, cha không sợ phải nói thẳng. Cha nói: “Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên về hai vụ tự tử này. Tôi nghĩ cuộc sống hiện nay của các linh mục không được thăng bằng. Một yếu tố quyết định, đó là tình bằng hữu. Mà bây giờ, trong bối cảnh hiện nay, các tình bạn này luôn bị nghi ngờ. Với cha Fumery thì cuộc điều tra cho thấy không có gì đáng trách về mặt hình sự. Và cha tự tử để xin lỗi về điều này! Điều làm cho tôi khó chịu là có một bầu khí nghi ngờ hiện nay chung quanh các linh mục, mà cũng có nghi ngờ giữa các linh mục và giám mục và người ta đang đổ dầu thêm cho chuyện này.”


Linh mục Mathieu Delestre bạn của cha Nollé hơn cha Nollé 20 tuổi cũng tìm cách để hiểu. Chủ đề sáng nay về tương quan giữa linh mục và quyền uy làm cha suy nghĩ: “Ngày nay trên khía cạnh thể chế mà quyền uy của linh mục dựa trên đó không còn là là điểm quy chiếu chính. Bây giờ, quyền uy này dựa trên nhân cách, trên ảnh hưởng của linh mục nhiều hơn. Vì thế nên khá mất quân bình. Như thế ‘phải xác định vị trí mình là linh mục, nhưng cuối cùng giáo dân lại đòi hỏi mình phải là một người thiện cảm, làm vui lòng họ hơn là thuần túy một linh mục, như thế có những lúc làm cho chúng tôi bị cám dỗ… đến cái chết, cuối cùng là vậy. Việc trong một tháng có hai vụ tự tử thì thật hãi hùng. Tôi khá choáng’, linh mục thở dài, rõ ràng cha bị sốc nặng. Tuổi 38 của các linh mục này không phải là không quan trọng, cha nói tiếp: “Việc bước qua tuổi 40 không hiển nhiên vậy. Chúng ta bị xô ngã qua một phần đời mà phải thấm nhập vào chiều kích ‘một ngày nào đó sẽ kết thúc’. Tôi ý thức chuyện này vì tôi làm tuyên úy bệnh viện trong vòng chín năm, tôi thấy nhiều người sắp chết vì ung thư.”

Một linh mục khác rụt rè đến gần. Cha cũng muốn tham dự thảo luận. Đó là linh mục Patrick Royonnais, 27 năm chịu chức, gần đây cha được bổ về giáo phận Sens-Auxerre, cha cũng muốn tìm hiểu thái độ tận căn của hai linh mục này: “Tất nhiên điều này nằm trong bối cảnh của một tình trạng mong manh của hàng giáo sĩ. Nhưng bất cứ ai tin một chút vào những gì mình làm và đối diện với chính sự mơ hồ của hạnh kiểm của mình khi bị đưa ra giữa nơi công cộng… Làm sao chịu đựng được hình ảnh mình bị xuống cấp đến như thế? Điều này đã xảy đến cho tôi một lần, tôi không biết mình phải phản ứng như thế nào.”

Cha cũng vậy, cha tự hỏi về sự khó khăn hiện nay để hiểu địa vị linh mục của mình: “Theo tôi, điều làm cho chúng tôi mong manh, đó là sự bế tắc giữa con người thật của mình và con người linh mục. Từ sau Công đồng Vatican II, chúng ta có hai cách nhìn đối chọi nhau. Một mặt là cái nhìn hơi “thiêng liêng” về linh mục; một mặt là tầm nhìn của linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn.” Linh mục mặc “áo thường” hơi bối rối trước các linh mục trẻ mặc áo chùng mang cổ la-mã: “Khi tôi vào chủng viện giáo phận Lyon, lúc đó còn 1200 linh mục. Có tối đa 20 linh mục mặc áo chùng hay mang cổ la-mã. Bây giờ chúng tôi chỉ có 240. Nếu chúng tôi có mười người không mang dấu hiệu tôn giáo đặc biệt, đó là tối đa. Về khía cạnh bản sắc thì đây là chuyện ngược lại. Khi có ít linh mục, chúng ta nghĩ khẳng định căn tính của mình thì sẽ tốt hơn. Khi căn tính là con đường được chọn để đi ra khỏi cái bẫy xấu… thì tôi nghĩ nó không mạnh lắm.”

Lời giải phóng

Nhưng trước khi suy nghĩ lại về vai trò và cương vị linh mục, thì phải làm gì để đi ra khỏi bầu khí ngờ vực chung chung mà bây giờ đè nặng trên hàng giáo sĩ? Trong lần họp khoáng đại ở Lộ Đức vào ngày 3 tháng 11 sắp tới, các giám mục Pháp sẽ bàn thảo về một ủy ban điều tra độc lập về nạn ấu dâm trong Giáo hội. Theo Tổng Giám mục Hervé Giraud giáo phận Sens-Auxerre, “nếu có một ủy ban thì phải có một cái gì thật sự được quyết định chung: các hiệp hội nạn nhân, các giám mục và chúng ta đồng ý, với sự đóng góp của các chuyên gia độc lập chẳng hạn. Phải lên một hình thức đồng ý chung”. Tuy nhiên ý kiến “phơi bày tất cả” làm cho một số người e ngại. Linh mục Grégoire Drouot, tổng đại diện giáo phận Autun cho biết: “Ở một số lớn giáo phận đã có ban lắng nghe. Phải có một ủy ban thêm? Tôi không biết. Đôi khi mong muốn rọi ánh sáng trên tất cả sự việc, tôi không nói đó là xấu, nhưng tôi tự hỏi.”

Tổng Giám mục Hervé Giraud nhấn mạnh: “Thỉnh thoảng tôi nghe một vài linh mục và giáo dân nói: ‘Đừng nói về chuyện này nữa, chúng ta đã nói quá nhiều’. Nhưng là giám mục, tôi buộc phải nói làm sao để lời được giải thoát. Ngày 15 tháng 9 vừa qua, Tổng Giám mục Giraud đã đề nghị trong giáo phận của ngài nên có giờ đọc lectio sách thánh và đi bộ ở Vézelay, rồi đọc ở Auxerre thư của Đức Phanxicô gởi cho dân Chúa, cùng với ban lắng nghe của giáo phận. Khi đó mỗi giáo dân được mời đến thảo luận với giám mục hay với ban lắng nghe. Từ đó năm người, chính họ là nạn nhân của các vụ lạm dụng đã viết cho ngài. Giám mục Hervé Giraud ghi nhận: “Chúng tôi còn quá rụt rè. Phải tìm các phương tiện để lời được giải phóng nơi những người chưa có thể nói lên. Vậy, phải dành thì giờ riêng cho mỗi nạn nhân. Và không thể nào lấy đi lời của những người mà tôi không biết.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
(phanxico.vn 24.10.2018
/ lavie.fr, Bénédicte Lutaud, Paray-le-Monial, 2018-10-23)

Lên đầu trang