Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Nghe Nhạc Thánh Ca trên điện thoại android
Tin tức
5 tin 'bong bóng xì hơi' cuả báo chí Mỹ nói về Vatican


Trần Mạnh Trác  1/3/2015

 

Theo ký giả John L. Allen Jr. thì báo chí Mỹ đã thổi phồng quá đáng 5 câu chuyện cuả Vatican, mà chúng ta tạm gọi là 5 quả 'bong bóng xì hơi' như sau: (thứ tự từ nhỏ đến lớn)

Bong bóng số 5: "ĐGH nói tiên tri sẽ chết trong vòng hai năm"

Trong một cuộc họp báo tháng tám, ĐGH Phanxicô nói như sau, "Điều này sẽ không kéo dài lâu, hai hoặc ba năm gì đó, và sau đó thì... về nghỉ ở nhà Cha."

Báo chí đã bàn luận rộng rãi như đó là lời tiên tri về cái chết của chính ngài, hoặc có lẽ là một lời nhắc khéo về một kế hoạch từ chức bí mật. 

Sự thật không phải như vậy.

Hoàn cảnh cuả câu nói là để trả lời cho một câu hỏi rằng, ĐGH nghĩ gì về sự nổi tiếng 'như một siêu sao' của ngài. Ngài nói "Điều này sẽ không kéo dài lâu," nghiã là sự hồ hởi cuả quần chúng thì không lâu bền. Vinh quang là phù du. Ngài không có ý nói về sức khoẻ hay tuổi thọ của mình.

Bong bóng số 4: 'Đột phá' với Trung Quốc


Trong chuyến đi Hàn Quốc, ĐGH Phanxicô đã được phép bay qua không phận Trung Quốc. Và theo thông lệ, ngài gửi một điện tín đến vị lãnh đạo của nước mà ngài bay qua. 

Thông điệp ngắn gọn của ngài gửi cho Chủ tịch Tập Cận Bình được đồn đoán là một bước ngoặt đáng kể.

"Tôi xin kính chúc những điều tốt đẹp nhất đến với ngài và quí đồng bào, và tôi cầu xin Thiên Chúa ban phước lành hòa bình và hạnh phúc cho quí quốc".

Nguyên văn chỉ có 25 chữ, vậy mà nó đã gây ra một cơn sốt truyền thông, như thể đã có một thỏa thuận bất ngờ về ngoại giao, và ĐGH sẽ đáp xuống Quảng trường Thiên An Môn vào những ngày kế tiếp.

Sự thật là mối quan hệ giữa Roma và Bắc Kinh thì luôn luôn vẫn là "một bước tiến, hai bước lùi", giống như những lần khác trong 2 thập kỷ vừa qua, và chắc chắn sẽ không xảy ra vì một bức điện tín đơn giản.

Gần đây Đức Hồng Y Pietro Parolin, nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican, đã trả lời về quan hệ Vatican và Trung Quốc như sau: "Cuộc hành trình đã và vẫn còn dài, được đánh dấu bằng nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, và vẫn chưa đi đến hồi kết thúc. Nó sẽ kết thúc khi nào Chúa muốn. "

Bong bóng số 3: ĐHY Kasper và TGM Chaput

Thượng Hội Đồng về gia đình, diễn ra tại Roma hồi tháng Mười vừa qua, đã là một cuộc hội nghị 'lắm chuyện', mà hai trong những nguyên nhân là v/đ người đồng tính và việc rước lễ cho người Công Giáo ly dị và tái hôn.

Một số những câu chuyện xảy ra ngoài lề đã trở thành những pha 'giật gân' được báo chí phóng đại một ngàn lần to hơn.

Thí dụ, Đức Hồng Y Walter Kasper, cổ động cho một giải pháp giúp những người ly dị, bị đồn thổi là đã nói rằng các giám mục châu Phi "không nên bảo chúng tôi phải làm gì". Lời nói đó được phân tích như là đang có một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nhóm châu Phi và Châu Âu.

Sau khi Thượng Hội Đồng kết thúc, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput của Philadelphia, tuy không tham gia, cho biết báo chí đã tạo ra "sự nhầm lẫn", và đó là " trò của ma quỷ." Vì người ta thường coi ĐGM Chaput là một nhân vật bảo thủ, cho nên lời nói đó đã được phán đoán như là một lời phê bình tới chính ĐGH.

Trong thực tế, ĐHY Kasper có ý nói là các khu vực khác nhau thì nên tìm giải pháp riêng cho họ, và ĐGM Chaput đã nói rằng các phương tiện truyền thông gây ra nhầm lẫn chứ không có ý nói về tình trạng cuả Thượng Hội Đồng. Nhưng sự cường điệu cuả những lời bình luận trên báo chí làm cho câu chuyện trở thành to lớn hơn và bầu không khí trở thành nóng bỏng hơn là so với những gì hai vị dự định muốn nói.

Cho nên chúng ta phải kiểm chứng những luận điệu cuả báo chí, nhất là trong bối cảnh mà báo chí đang tưởng tượng là có một cuộc khủng hoảng nào đó.

Bong bóng số 2: Quan điểm cuả Giáo hoàng về sự tiến hóa

Ngày 27 tháng 10, Đức Phanxicô nói với Viện Khoa học rằng "tiến hóa trong tự nhiên là không trái ngược với quan niệm sáng tạo," và nói thêm rằng Thiên Chúa không phải là một "ảo thuật gia", tạo ra sự vật với một "cây đũa thần".

Tuyên bố này đã được ca ngợi là một cuộc cách mạng về thần học.

Nhưng nếu chúng ta tìm kiếm trên Internet, trên Google, thì sẽ thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã hoàn toàn nói lại những điều tương tự đã được nói bởi Đức Piô XII (thông điệp Humani Generis vào năm 1950.) và bởi Đức John Paul II (gọi tiến hóa là "hơn là một giả thuyết.")

Bong bóng số 1: Súc vật cũng lên thiên đàng

Nhưng quả bong bóng to nhất có lẽ là câu chuyện bắt đầu vào ngày 27 Tháng 11, khi ĐTC Phanxicô dạy về ơn cứu chuộc đã cho biết nó có nghĩa là "việc mang tất cả mọi sự đạt tới sự hình thành một cách viên mãn." ( “the bringing of all things into the fullness of being.”)

Một tờ báo Ý suy đoán rằng có lẽ ĐTC Phanxicô cũng có ý định bao gồm cả súc vật nữa, và trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI khi Ngài an ủi một cậu bé đã bị mất con chó của mình rằng "chúng ta sẽ lại thấy chúng ở trên trời." (“we will see our animals again in heaven.”)

Và khi câu chuyện lây lan qua báo chí tiếng Anh, thì nó trở thành việc ĐTC Phanxicô an ủi một cậu bé quẫn trí bị mất chó, và từ đó câu chuyện đạt được 'một bước nhảy vọt', trở thành một bằng chứng nữa cho thấy rằng vị giáo hoàng luôn luôn tìm cách đi ra ngoài những khuôn mẫu hẹp hòi.

Nhưng đó chỉ là một câu chuyện bịa đặt, dù là tuyệt vời, nhưng vẫn là hoàn toàn không có thực.

Có người sẽ hỏi, vậy chứ súc vật có thể lên Thiên Đàng không? 

Theo Đức Benedictô XVI thì khi súc vật chết, có nghĩa là chúng "chấm dứt cuộc sống trên trái đất" ("means the end of their existence on earth,") và chúng không có "ơn gọi để sống một cuộc sống vĩnh cửu" ("are not called to eternal life.")

Vậy khi một vị mục tử dỗ dành một em bé nào đó, thì những cách an ủi phải được hiểu theo hoàn cảnh và lợi ích mục vụ cho giới nhi đồng, giống như việc người ta dùng Santa Claus để dạy những đức tính cho trẻ con, như việc cha mẹ dọa ma để con cái tránh những hành động nguy hiểm, nhà trường đọc chuyện thần thoại để học sinh phát triển trí tưởng tượng, óc sáng tạo...

 

Lên đầu trang