BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Ed
16,1-15.60.63
1
Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng : 2 Hỡi con người, hãy cho
Giê-ru-sa-lem biết các điều ghê tởm của nó.3 Ngươi sẽ nói: ĐỨC CHÚA
là Chúa Thượng phán thế này với Giê-ru-sa-lem: Gốc gác ngươi, dòng họ ngươi
phát xuất từ đất Ca-na-an; cha ngươi là người E-mô-ri, mẹ ngươi là người Khết.4
Lúc chào đời, ngày mới sinh ra, ngươi không được ai cắt rốn cũng không ai lấy
nước tắm rửa cho sạch, chẳng được ai xát muối và lấy tã bọc cho.5
Không người nào ái ngại đưa mắt nhìn ngươi mà làm cho ngươi chỉ một trong những
điều ấy vì xót thương ngươi. Ngày mới sinh ra, ngươi bị quẳng ra giữa đồng vì
ai cũng ghê tởm ngươi.
6
Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi giẫy giụa trong máu. Thấy ngươi mình
đầy máu me, Ta đã phán với ngươi: "Cứ việc sống! "7 Ta làm
cho ngươi nẩy nở như hoa ngoài đồng. Ngươi đã nẩy nở, lớn lên và thành cô thiếu
nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng ngươi vẫn trần truồng, không
mảnh vải che thân.8 Ta đi ngang qua chỗ ngươi và thấy ngươi. Này
ngươi đã đến tuổi, tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân
thể loã lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập giao ước với ngươi - sấm ngôn của
ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng - và ngươi thuộc về Ta.9 Ta đã lấy nước tắm
rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi.10 Ta đã cho ngươi
mặc đồ gấm vóc, đi giày da mềm, thắt khăn vải gai mịn và khoác toàn tơ lụa.11
Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi: đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ.12
Ta đã lấy khuyên xỏ vào mũi ngươi, đeo hoa tai cho ngươi và lấy triều thiên rực
rỡ đội lên đầu ngươi.13 Đồ trang sức của ngươi đều là vàng bạc, y
phục của ngươi là vải gai mịn, tơ lụa và gấm vóc. Ngươi được nuôi bằng tinh bột
lúa miến, mật ong và dầu. Ngươi đã nên xinh đẹp tuyệt trần và xứng ngôi hoàng
hậu.14 Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của
ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu toả trên ngươi, -
sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.
15 Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ
vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường:
ngươi thuộc về chúng.
60 Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã
lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước
vĩnh cửu 63 để ngươi nhớ lại mà lấy làm xấu hổ và, trong lúc phải
tủi nhục, ngươi sẽ không còn mở miệng nói gì được nữa, khi Ta tha thứ cho ngươi
tất cả những việc ngươi đã làm - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng.
ĐÁP CA : Is 12
Đ. Giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Chúa lại ban niềm an ủi. (c
1c)
2 Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và
không còn sợ hãi,bởi vì ĐỨC CHÚA là sức mạnh tôi,là Đấng tôi ca ngợi, chính
Người cứu độ tôi.3 Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.
4bcd Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh
Người,vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân,và nhắc nhở: danh Người siêu
việt.
5 Đàn ca lên mừng Chúa,vì Người đã thực hiện bao kỳ công;
điều đó, phải cho toàn cõi đất được tường.6 Dân Xi-on, hãy reo hò mừng rỡ,vì giữa ngươi,
Đức Thánh của Ít-ra-en quả thật là vĩ đại!
BÀI GIẢNG
HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
Để
nắm vững giáo lý Hôn Nhân Công Giáo, ta hãy lắng nghe và tìm hiểu Đức Giêsu trả
lời thắc mắc về hôn nhân của người Biệt phái và môn đệ Ngài.
A. ĐỨC GIÊSU TRẢ LỜI THẮC MẮC CHO NGƯỜI BIỆT PHÁI ĐẶT CÂU HỎI :
-
Về vấn đề ly dị.
-
Về vấn đề ông Môsê cho phép ly dị.
I. VỀ VẤN ĐỀ LY DỊ.
Người
Biệt phái đến gặp Đức Giêsu và hỏi thử Ngài : "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?
"Người đáp: "Các ông không đọc
thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam
có nữ", vì thế Người đã phán: "Người ta sẽ lìa cha mẹ mà
gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt." Như vậy, họ
không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã
phối hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19, 3-6 : Tin Mừng).
Như
vậy câu trả lời của Đức Giêsu : cấm không được ly dị vì hai lý do
1/ Một vợ một chồng Chúa
đã thiết định từ thuở ban đầu là tốt đẹp (x Mt 19,4 : Tin Mừng), loài người không được phép thay
đổi ý định tốt đẹp của Thiên Chúa. Thế mà thời Cựu Ước Luật Môsê cho phép người
nam lấy nhiều vợ hoặc cho phép rẫy vợ để lấy vợ khác. Nhưng Đức Giêsu xác định
: “Đó không phải là ý muốn của ông Môsê,
nhưng vì lòng chai dạ đá của dân mà ông Môsê phải chấp nhận, vì ông biết trái ý
Chúa từ thuở ban đầu” (x Mt 19,8 : Tin Mừng), nhìn vào thực tế ,đa thê quả
là gương xấu,đã gây nhiều tai họa. Cụ thể : Vua Đavid được danh là tiền thân
Chúa Ki-tô, ông đã có vợ, nhưng vẫn say mê sắc đẹp vợ của ông Uria, dẫn vua đến
phạm tội ngoại tình, rồi âm mưu giết Uria để cướp vợ ông (x 2 Sm 11) ; vua Salômôn
dù được danh là khôn ngoan nhất trên đời, thế mà lại ngu xuẩn xây chùa miếu cho
các vợ ngoại, hậu quả làm cho đất nước bị chia đôi (x 1V 11). Trong khi đó
những gia đình đơn hôn vẫn nêu gương sáng như gia đình Tôbya để có nhiều điều
kiện làm việc bác ái (x Sách Tôbya), và gia đình Hô-sê, ông chỉ trung thành với
cô vợ điếm, ông đã trở thành dấu chỉ diễn tả tình thương của Chúa Giêsu đối với
Hội Thánh Ngài (x Sách Hô-sê).
2/ Vợ chồng diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh Chúa Ki-tô lữ hành. Như
Lời Đức Giê-su đã nói : “Người nam sẽ bỏ
cha mẹ mà luyến ái với vợ mình” (Mt 19,5a : Tin Mừng). Chân lý này Đức
Giê-su muốn nói về chính Ngài : Ngài đã bỏ Cha trên trời đến trần gian muốn
“cưới” lấy loài người là những người sống đức ái trong Hội Thánh (x HCHT số 14)
và Chúa muốn dùng đời sống hôn nhân Công Giáo phải diễn tả tình yêu giữa Chúa
Kitô và Hội Thánh. Bởi đó Thánh Phaolô nói : “Chồng phải yêu thương vợ như Đức Ki-tô yêu Hội Thánh ; và vợ phải phục
tùng chồng như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô” (Ep 5,21t).
Như
thế vợ chồng là hình ảnh Hội Thánh lữ hành, họ trở nên dấu chỉ ơn cứu độ cho thế gian. Nhờ đó, họ giới thiệu
Hội Thánh Chúa Kitô với thế gian qua đời sống gia đình của họ. Chân lý này đã
được Chúa mạc khải qua lịch sử dân tộc Do Thái, là dân Ngài chọn :
F Chúa
đã chọn dân Do Thái giữa muôn ngàn dân tộc.
Ông Giosuê nhắc lại bao việc lạ lùng
Chúa đã dùng cánh tay uy quyền mà đưa dân tộc Do Thái về định cư miền đất hứa
chảy sữa và mật: Ngay từ lúc cha của Abraham – tổ phụ Do Thái – còn thờ các
ngẫu thần, thì Chúa đã chọn ông Abraham, cho ông sinh Isaac trong tuổi già.
Dòng giống này được Giuse đưa sang Ai Cập định cư, đời sống của họ rất phồn
thịnh. Nhưng khi ông Giuse chết, đế quốc Ai Cập bắt dân Do Thái làm nô lệ. Chúa
dùng bàn tay ông Môsê đánh phạt dân Ai Cập và đưa dân về chiếm miền đất chảy
sữa và mật (x Xh 3,8), đất của bao dân tộc hùng mạnh hơn Do Thái. Ông Balac
thấy dân Do Thái hùng mạnh nên nhờ thầy tướng số Bilơam chúc dữ, nhưng Chúa lại
dùng ông Bilơam chúc phúc cho Do Thái thoát khỏi tay Balac. Cụ thể như dân Do
Thái thấy Chúa dùng ong bầu đuổi hai vua Êmôri cho khuất mắt, để dành đất cho
Do Thái, họ không vất vả khai phá mà có thành quách lớn, những vườn nho, vườn ô
liu không trồng mà được ăn trái (Gs 24,1-13: Bài đọc năm lẻ). Vì “muôn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv
136/135 : ĐC năm lẻ).
F Chúa
không rẫy từ dân Do Thái dù họ phạm tội.
Chân lý này Chúa đã diễn tả qua miệng
ngôn sứ Êdêkien: “Hỡi con người, hãy cho
Giê-ru-sa-lem (nơi Thánh thờ phượng Chúa) biết các điều ghê tởm của nó, gốc gác
của nó là dòng họ xuất phát từ đất Canaan, cha nó là người Êmori, mẹ nó là
người Khết. Lúc chào đời không ai cắt rốn,không ai tắm rửa, cũng không ai lấy
tã bọc cho nó, nó bị quăng ra giữa đồng vì ai cũng ghê tởm nó. Ta đi ngang qua
thấy nó giãy giụa trong máu, thấy nó mình đầy máu me, Ta đã phán với nó : “Cứ
việc sống”, Ta làm cho nó nảy nở như hoa ngoài đồng, nó đã lớn và thành thiếu
nữ với bộ ngực nở nang, mái tóc mượt mà, nhưng nó vẫn là kẻ trần truồng, không
mảnh vải che thân. Ta đi ngang qua chỗ nó và thấy, và Ta nói với nó : “Nay
ngươi đã đến tuổi yêu đương. Ta đã lấy vạt áo của Ta phủ lên để che thân thể
lõa lồ của ngươi. Ta đã thề nguyền và lập Giao Ước với ngươi, ngươi thuộc về
Ta, Ta lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi. Ta đã cho
ngươi mặc đồ gấm vóc, đi giày da mềm, thắt khăn vải gai mịn và khoác áo tơ lụa.
Ta đã lấy đồ trang sức tô điểm cho ngươi : đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ,
đeo hoa tai cho ngươi, và lấy triều thiên rực rỡ đội trên đầu ngươi. Giữa muôn
dân nước, ngươi được nổi tiếng về nhan sắc của ngươi. Thế mà ngươi đã cậy có
nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách
qua đường! Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại Giao Ước Ta đã lập với ngươi thời ngươi còn
thanh xuân, Ta sẽ thiết lập với ngươi một Giao Ước vĩnh cửu, Ta đã tha thứ cho
ngươi tất cả những việc ngươi đã làm” (Ed 16,1-15.60.63 : Bài đọc năm
chẵn). Vì thế mà ngôn sứ Isaia nói : “Giờ
đây cơn giận đã nguôi rồi và Chúa lại ban niềm an ủi” (Is 12,1c : ĐC năm
chẵn).
Do
đó nếu vợ chồng Công Giáo được phép ly dị nhau, không hẳn là họ làm thiệt hại
nhau, vì đôi bên đồng ý ly dị, nhưng họ vẫn là kẻ phản bội lại sứ mệnh diễn tả
Hội Thánh, xúc phạm đến sự thánh thiện của Hội Thánh, bởi vì người chồng là
hiện thân Chúa Kitô trong gia đình Công Giáo (x Ep 5,21t).
II. VẤN ĐỀ ÔNG MÔSÊ CHO PHÉP LY DỊ.
Có bốn lý do ly dị và cấm ly dị :
1/ Trọng nam khinh nữ. Người Do Thái cũng như nhiều dân tộc khác dành nhiều đặc quyền cho
người nam, đó cũng là lý do khi người Do Thái viết gia phả, họ không bao giờ đưa
phụ nữ vào, như gia phả của Adam (x St 4-5), gia phả của ông Noe (x St 10).
Ngay tại Việt Nam,
các cụ thường nói : “Nhất nam viết hữu,
thập nữ viết vô!”
2/ Dòng tộc đông đúc là phúc lộc Chúa ban. Người
Do Thái muốn Chúa thực hiện lời chúc phúc cho dòng tộc của họ đông như sao
trời, như cát biển (x St 22,17). Mà muốn đông con nhiều cháu thì phải lấy nhiều
vợ, người vợ của họ phải là “khác nào cây
nho đầy hoa trái (đông con), và bầy con tựa những cành ô-liu mơn mởn, xúm xít
tại bàn ăn” (Tv 128/127,3).
Trước
đây cứ vào dịp Tết, lời đầu tiên người ta hỏi thăm nhau cũng là chúc mừng nhau
trong dịp đầu Xuân : “Bác được bao nhiêu cháu ?” Câu đáp thật vui vẻ : “Cám ơn,
Chúa cho vợ chồng tôi sinh được mười lăm cháu…!”
3/ Hôn nhân thời Cựu Ước không phải là Bí
tích, chỉ là hôn nhân tự nhiên, nhằm hai mục đích : giúp đỡ nhau và sinh con cái, khi họ bất hòa thì không đạt được hai
mục đích trên. Đó là lý do đưa đến ly dị!
4/ Vì lòng chai dạ đá mà ông Môsê cho phép
rẫy vợ (Mt 19,8a). Đức Giê-su đã khẳng định như vậy, bởi vì ý định từ thuở
ban đầu của Thiên Chúa là một vợ một chồng (x Mt 19,8b), đây là dấu chỉ Luật
Cựu Ước chưa hoàn hảo. Cụ thể ông Môsê cho rẫy vợ (x Mt 19,7: Tin Mừng), Luật
chỉ hoàn hảo nhờ Chúa Giêsu (x Mt 5,17). Do đó Chúa Giêsu cấm ly dị vì trái với
ý Chúa đã thiết định một vợ một chồng ngay từ thuở ban đầu, nên Ngài không cho
phép ai phá vỡ Luật đó (x Mt 19,4-6: Tin Mừng). Đức Giêsu nói: “hai người đã trở nên một xương một thịt, cho
nên sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6 :
Tin Mừng). Thật là vô cùng khốn nạn nếu vợ chồng có Luật cho ly dị, chắc chắn
sẽ gây xáo trộn trong gia đình, con cái không biết theo ai, và như vậy vợ chồng
đã tự “xé xác” con cái mình. Và còn làm cho xã hội gia tăng thêm những kẻ phạm
pháp. Ấy chưa kể là họ tự tố cáo mình là những kẻ dối trá, vì trong ngày Lễ
Cưới họ đã thề trước Chúa và Hội Thánh : “Anh
(Em) yêu Em (Anh) khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như
lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng Em (Anh) mọi ngày suốt đời Anh (Em)”.
B. ĐỨC GIÊSU TRẢ LỜI CHO CÁC MÔN ĐỆ VỀ NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI SỐNG GIA
ĐÌNH.
Môn
đệ hỏi : “Nếu thân phận chồng đối với vợ
là như vậy, thì thà đừng cưới vợ”, thì Đức Giêsu trả lời : “Không phải mọi người hiểu được điều này, nhưng chỉ có những ai
được Thiên Chúa ban cho mới hiểu. Vì có những người yêm hoạn bởi từ lòng mẹ đã
sinh ra như vậy ; và có những người yêm hoạn bởi người khác làm cho; lại có
những người tự ý làm cho mình thành yêm hoạn vì Nước Trời” (Mt 19,10-12 :
Tin Mừng).
-
“Có người yêm hoạn từ lòng mẹ”
(Mt 19,12a). Đây là một loại bệnh về sinh lý thuộc mầu nhiệm sự dữ, Đức Giê-su
đã giải thích về bệnh tật người ta phải mang : “Chẳng phải tội người ấy hay cha mẹ nó đã phạm, song để nơi nó công việc
Thiên Chúa được hiện tỏ” (Ga 9,3). Cụ thể người bị tật bẩm sinh không có
khả năng sinh sản, họ vẫn là người bình
thường, nên không ai được chủ trương phải giải quyết sinh lý mới là người bình
thường.
-
“Có những người bị người khác làm
cho yêm hoạn” (Mt 19,12b). Cụ thể các hoạn quan trong đền vua, chỉ vì miếng
cơm manh áo mà chịu thiến!
-
“Có những kẻ yêm hoạn vì Nước Trời”
(Mt 19,12c). Câu này có quyền hiểu hai nghĩa:
·
Đức Giêsu nói về hàng giáo sĩ của Hội Thánh, họ tình nguyện sống độc thân
để chuyên lo việc Nước Thiên Chúa (x 1 Cr 7,32). Đức Giêsu gọi những người này
là thiên thần : “Con cái đời này cưới vợ
lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi
chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa,
vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái
sự sống lại” (Lc 20,34-36). Như
vậy, người sống độc thân vì Nước Trời diễn tả giá trị Hội Thánh thời cánh
chung.
·
Vợ chồng trung tín với nhau theo
Luật Chúa, cũng được hiểu là một loại “yêm hoạn” vì Nước Trời. Bởi lẽ một giáo
sĩ phải giữ ba lời khấn : vâng lời, khó
nghèo và khiết tịnh. Thế thì vợ chồng vâng lời nhau thì khó hơn một tu sĩ
vâng lời Bề Trên ; vợ chồng sống khó nghèo tức là vợ sống vì chồng, chồng sống
vì vợ, cả vợ chồng sống vì đàn con, nên họ chấp nhận cảnh nghèo, điều này làm
họ mệt mỏi hơn giáo sĩ không được có tài sản ; vợ chồng trung thành với nhau về
vấn đề sinh lý, thì còn khó hơn một giáo sĩ giữ đức khiết tịnh. Bởi thế thánh
Phaolô khuyên các tín hữu nếu có thể hãy sống độc thân như ông, “vì người có vợ thì lo lắng việc đời, họ tìm
cách làm đẹp lòng vợ; người độc thân thì lo việc Chúa để làm đẹp lòng Chúa”
(1Cr 7,33). Và ông đề nghị : “Người có vợ
hãy ở như không có, vì ngày cánh chung đã gần kề” (1Cr 7,29).
Vậy vợ chồng có sứ mệnh diễn tả đời sống Hội Thánh lữ hành, đó là mục đích
chính của Hôn Nhân Kitô giáo. Khi vợ chồng có sự bất hòa, hãy nhớ Hội Thánh
được gọi là trẻ thơ (x 1Ga 2,1.12.14.18.28), thì hãy sống tinh thần trẻ thơ như
thánh Phaolô dạy : “Có bất hòa thì như con nít thôi”
(1Cr 14,20). Nhất là muốn gia đình hạnh phúc, phải thực hành lời thánh Phaolô
dạy trong Bức thư ông nói về gia đình : “Hãy cùng nhau đối đáp những bài Thánh vịnh,
Thánh thi và Thánh ca, do Thần Khi Thiên Chúa linh hứng” (Ep 5,19). Nói
cách khác, gia đình, vợ chồng, con cháu luôn biết dùng Lời Chúa mà đối đáp với
nhau, vì tin vào lời khuyên của thánh Tông Đồ : “Anh em hãy đón nhận Lời Thiên Chúa, không phải như lời người phàm,
nhưng như Lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của Lời ấy” (1Tx 2,13: Tung Hô
Tin Mừng). Nghĩa là đặt tất cả niềm tin vào sức mạnh Lời Chúa luôn biến dữ ra
lành, lại được lãnh nhận dồi dào ân sủng của Thiên Chúa, cộng đoàn mới được
bình an, hạnh phúc sung mãn.
THUỘC LÒNG.
Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu
Hội Thánh và vợ phải phục tùng chồng như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô (Ep
5,21).
*
XIN ĐƯỢC GÓP Ý :
Nhìn vào thực tế, chắc ai cũng phải
công nhận hầu hết những đôi vợ chồng còn ở với nhau chỉ vì nghĩa vụ chứ không
phải vì tình yêu, cho nên họ phải chịu đựng nhau. Khi không chịu đựng nổi, thì
chắc chắn đi đến ly dị!
Vậy
tôi đề nghị các bạn trẻ trước khi lập gia đình cần phải cầu nguyện nhiều xin
Chúa soi sáng, lắng nghe kinh nghiệm của cha mẹ và những người đi trước hướng
dẫn. Khi đã quyết định thì phải có tiêu chuẩn chọn bạn. Tôi xin đưa ra chín
tiêu chuẩn sau :
NHỮNG TIÊU CHUẨN CHỌN BẠN
TRĂM NĂM
Thiết tưởng có chín tiêu chuẩn sau đây:
1- Cùng Tin: Thánh Phaolô dạy: “Chớ có lứa đôi lệch lạc
giữa người tin Chúa và kẻ không tin, vì hòa hợp thế nào được giữa ánh sáng và
bóng tối!” (2 Cr 6, 14).
2- Tự Lập: Chúa Giêsu nói: “Người nam sẽ bỏ cha mẹ
mình mà luyến ái với vợ” (Mt 19, 5). Vậy:
- Tự lập về mặt kinh
tế: Vợ chồng không lệ thuộc vào tiền của bên nội hay bên ngoại. Liệu
sao vợ chồng có khả năng tổ chức một gia đình đủ cho nhu cầu tối thiểu.
- Tự lập về mặt tinh
thần: Vợ chồng phải đặt trách nhiệm xây dựng một gia đình hiệp nhất
trong ý Chúa, không vì chữ hiếu mà nghiêng ngả bên nội hay bên ngoại.
3- Trẻ Thơ: Thánh Phao-lô nói: “Anh em có bất hoà
thì như con nít thôi!” (1Cr 14, 20).
4- Tuổi Đời: Vợ không nên nhiều tuổi hơn chồng, vì sắc
đẹp và khả năng sinh lý của vợ chóng tàn hơn chồng.
5- Văn Hóa: Văn hóa của vợ không nên trổi vượt hơn
chồng. Vì nếu văn hóa của vợ trổi hơn chồng, người chồng sẽ mặc cảm.
6- Làm Việc: Nhờ cả hai vợ chồng
thích làm việc, họ dễ cảm thông lẫn nhau, nhất là tháo vát giải quyết được
những khó khăn của gia đình.
7- Khỏe Mạnh: Cả hai vợ chồng cần có
sức khoẻ tương đối, vừa để đảm bảo kinh tế gia đình, vừa để bảo đảm sức khoẻ
con cái.
8- Vui Tươi: Niềm vui trên khuôn mặt
là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Thực vậy, thiên thần nói với Đức Ma-ri-a trong lúc truyền tin: “Vui
lên! Hỡi Đầy ơn phúc! Chúa ở cùng Bà” (Lc 1, 28). Pla-ton định
nghĩa: “Con người là con vật biết cười!”
9- Khó Với Mình, Quảng Đại Với
Chúa Và Tha Nhân (x 2 Cr 6, 12t).
Đó là tu thân: tự bắt mình đi ngược lại bản tính ích kỷ.
Nhưng trong thực tế, không ai tìm được một người đủ chín tiêu
chuẩn trên, nhưng tưởng đó là một chỉ tiêu cần thiết đặt ra để các bạn chọn
lựa. Một người bạn chọn, càng đạt được nhiều tiêu chuẩn trên, thì bạn càng an
tâm hơn. Nếu tiêu chuẩn quá ít thì phải nhắm trứơc sự chịu đựng của mình.
TÓM TẮT:
Cùng tin, tự lập, trẻ
thơ.
Tuổi đời văn hóa : thiếp nhờ chàng hơn.
Cùng
làm, mạnh khỏe, vui tươi.
Khó ta,
quảng đại tha nhân. Cưới liền!
http://phaolomoi.net
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH