BÀI GIẢNG
SỐNG DẤU
CHỈ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Chúng ta biết toàn bộ Tin Mừng của
Gioan, ông chỉ ghi lại 7 phép lạ Chúa Giêsu đã làm :
1- Nước lã hóa rượu nho (x Ga 2,1-12).
2- Con của vị sĩ quan sắp chết lại được khỏe mạnh (x Ga
4,46-54).
3- Người tàn phế nằm bờ giếng được khỏe (x Ga 5,1-18).
4- Năm bánh, hai cá cả đoàn dân ăn còn dư (x Ga 6,1-15).
5- Chúa đi trên mặt biển đến với thuyền các môn đệ đang
gặp sóng gió liền được yên (x Ga 6,16-21).
6- Người mù từ thuở mới sinh được sáng mắt (x Ga 9,1t).
7- Ladarô chết đã án táng bốn ngày cũng được sống lại (x
Ga 11).
Bảy phép lạ trên ông Gioan gọi đó
là ‘DẤU LẠ”, Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình tuần Sáng thế khởi đầu Thiên
Chúa đã tạo dựng muôn vật rất tốt đẹp chỉ bằng Lời phán ra (x St 1) ; nên Tin
Mừng Gioan được gọi là “TUẦN SÁNG THẾ MỚI”. Ngày thứ tư trong tuần Sáng Thế thứ
I, Thiên Chúa tạo dựng nên tinh tú, mà dân ngoại hiểu đó là các vị thần phải
tôn thờ, nhất là thần mặt trời; thì dấu lạ thứ tư trong tuần Sáng Thế mới, Chúa
Giêsu chỉ dùng năm bánh và hai cá nuôi đoàn lũ dân đông không đếm nổi. Ông Gioan
muốn chúng ta hiểu đây là dấu chỉ về Bí
tích Thánh Thể Chúa Giêsu thiết lập, vì những chi tiết trong trình
thuật Hóa Bánh được lặp lại vào lúc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể :
-
Đức
Giêsu lên núi với các môn đệ, lúc ấy sắp đến lễ Vượt Qua (x Ga 6,3-4) : Đức
Giêsu lập Bí tích Thánh Thể khi Ngài cùng ăn tiệc Vượt Qua với các môn đệ (x Mt
26,26t). Và khi Ngài dâng Lễ trên đồi Sọ có môn đệ Gioan (x Ga 19,26).
-
Đức
Giêsu ra lệnh các môn đệ bảo dân ngồi xuống nơi bãi cỏ (x Ga 6,10) : Hình ảnh
Chúa Giêsu là Mục Tử đưa chiên vào đồng cỏ, chính là tiệc Thánh Thể.
-
Đức
Giêsu cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra phân phát cho dân (x Ga 6,11) : Lúc
Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh đọc lời chúc tụng rồi bẻ ra
phân phát cho các môn đệ và nói : “Hãy
cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy” (Mc 14,22).
Ai đến tham dự Tiệc Thánh Thể, thì cùng được thông
hiệp sự sống với Thiên Chúa (x Ga 6,57), được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20), trở nên bậc thần
thánh (x Ga 10,34).
Từ trình thuật Hóa Bánh chúng ta
rút ra tám dấu lạ để thể hiện bằng việc làm hầu diễn tả chiều sâu, chiều rộng
của mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể :
I.
DẤU LẠ THỨ I : AI ĐỀ NGHỊ CHO DÂN ĂN ?
Cả Đức Giêsu, cả môn đệ :
1.
Chính Đức Giêsu
thấy dân đói, Ngài muốn cho họ ăn, Ngài hỏi các môn đệ : “Thầy mua đâu được bánh cho dân ăn?” (Ga
6,5).
2.
Chính các môn đệ
khởi xướng đến thưa
với Thầy Giêsu : “Xin Thầy giải tán dân,
để họ vào làng mua thực phẩm mà ăn” (Mt 14,15 ; Mc 6, 35-36 ; Lc 9,12).
Vậy Chúa Giêsu muốn mọi người phải
tự mình nhìn thấy nhu cầu của đồng loại như Ngài, và tìm cách giải quyết giúp
họ, một khi chính mình đã thuộc về Chúa Kitô như ông Phaolô (x Pl 3,12b), nên ông
Phaolô khuyên các tín hữu : “Anh em hãy
bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô. Tôi như một tù nhân trong Chúa – một người tù phải hoàn toàn làm theo lệnh
người cai tù – ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, hãy lấy tình bác ái mà chịu
đựng nhau, duy trì sự hiệp nhất, ăn ở thuận hòa, và cùng chia sẻ cho nhau trong
cùng một niềm hy vọng, vì chúng ta đã cùng chịu một Phép Rửa, trở nên chi thể
trong thân mình Đức Kitô Giêsu” (1Cr
11,1 ; Ep 4,1-6 : Bài đọc II).
II. DẤU LẠ THỨ II : NẾU CÁC MÔN ĐỆ CÓ 200$, CŨNG KHÔNG
ĐỦ ĐỂ MUA BÁNH NUÔI DÂN (x
Mc 6,37 ; Ga 6,7). SỐ TIỀN NÀY NÊU DẤU
CHỈ GÌ?
Người
Do Thái đi làm lương công nhật là một đồng (x Mt 20,2), thì 200$ là tiền công
một năm, số tiền quá lớn.
Vậy
mọi người cần tận lực làm việc mới trở nên giàu có, mới có của chia sẻ để làm
cho người anh em giàu, còn mình chấp mình nghèo giống Chúa Giêsu (x 2Cr 8,9).
III. DẤU LẠ THỨ III : ĐỨC GIÊSU DÙNG 5 BÁNH VÀ 2 CÁ NUÔI
ĐOÀN LŨ DÂN (x Mt
14,13-21 ; Mc 6,31-44 ; Lc 9,10-17 ; Ga 6,1-13), CON SỐ BÁNH CÁ ẤY NÊN DẤU C HỈ GÌ ?
1- Con cá tiếng Hy Lạp là Ictus, và
Ictus cũng có nghĩa là bàn tiệc. Vậy hai con cá là dấu chỉ hai bàn tiệc trong
Thánh Lễ :
v Bàn tiệc Lời
Chúa : Gồm các
Bài đọc, Bài giảng và kinh Tin Kính.
v Bàn tiệc
Thánh Thể : Từ
lúc dâng bánh rượu tới khi mọi người rước Lễ.
Hai
bàn tiệc trên liên kết chặt chẽ tạo nên một hành vi phụng thờ duy nhất (x Hiến
Chế Phụng Vụ số 56).
2-
Năm bánh : Chúa Giêsu muốn mọi người đến dự tiệc Thánh Thể để
được Ngài cho năm nguồn sống :
a- Đức Tin và lòng Mến : Vì người công chính sống bởi Đức Tin (x Rm 1,17) và chỉ có lòng Mến tồn
tại muôn đời (x 1Cr 13,13).
b- Lời Chúa : Trong
Thánh Lễ, chính Chúa Giêsu ban Lời cho chúng ta (x Dt 1,1-2), và Ngài muốn mọi
người phải xác tín rằng : “Người ta sống
không chỉ nhờ bánh mà còn sống bởi mọi Lời xuất từ miệng Thiên Chúa” (x Mt
4,4).
c- Thịt Máu Chúa Giêsu (Chúa Giêsu Thánh Thể) : Ai lãnh nhận, thì dù có chết cũng sẽ được
sống lại, vì cùng một sự sống với Thiên Chúa (x Ga 6,34-58).
d- Chúa giúp chu toàn bổn phận : Như Đức Giêsu đang lúc đói khát, đến nỗi phải xin nước
giếng uống, thế mà các môn đệ mời Ngài ăn bánh, Ngài lại nói : “Thầy có của ăn rồi, của ăn của Thầy là làm
theo ý Đấng đã sai Thầy” (x Ga 4,34).
e- Của vật chất vừa đủ : Vì lòng tham của con người ai cũng muốn có nhiều của cải, và khi đã
giàu có, của cải sẽ lấp mắt không nhìn
thấy Chúa (mất Đức Tin) ; và nếu quá túng thiếu, cũng không ai tự sức mình làm
cho có đủ của ăn, mà đói quá thì sinh trộm cắp làm Chúa xấu hổ ! Nhưng còn đỡ
tệ hơn nhiều của làm mất Đức Tin. Chỉ có Chúa mới làm cho ta có đủ của dùng
không dư không thiếu (x Cn 30,8-9).
IV. DẤU LẠ THỨ IV : ĐỨC GIÊSU DÙNG 7 BÁNH VÀ ÍT CÁ NUÔI
DÂN, CÓ MẤY TÁC GIẢ GHI LẠI VÀ CÓ Ý NGHĨA GÌ?
Phép lạ hóa bánh lần II : bảy
chiếc bánh và ít cá, chỉ có hai tác Matthêu và Marcô ghi lại (x Mt 15,32-39 ;
Mc 8,1-10).
Đây là dấu chỉ về 7 Bí tích là kho
tàng ơn Thiên Chúa, Hội Thánh dùng phân phát cho muôn dân, hơn xưa ông Giuse thu
tích thóc lúa trong bảy năm được mùa vào kho lẫm, và sau bảy năm hạn hán, mất
mùa, cả thế giới lâm cảnh đói khát, nên ai cũng tuốn đến với ông Giuse mua
lương thực (x St 41t).
Vậy những ai đóng góp của cải vật
chất cho Hội Thánh để làm phát triển ơn Chúa, làm giàu kho tàng bảy Bí tích mà
Hội Thánh có nhiệm vụ phân phát cho đoàn chiên Chúa đã trao.
V. DẤU LẠ THỨ V : ĐỨC GIÊSU GIẢNG TRƯỚC HAY SAU KHI NGÀI
CHO DÂN ĂN?
Có
hai cách ghi :
1- Theo Tin Mừng Gioan : Chúa Giêsu giảng sau khi Ngài cho dân ăn no. Thánh sử Gioan ghi như vậy vì dựa vào khoa sư phạm giáo dục của Chúa
Giêsu : “Ngài làm trước dạy sau” (Cv 1,1). Ngài cho dân ăn no thỏa như thế để Ngài muốn
dạy mọi người : “Của ăn no bụng là lương thực hư nát, mà các ngươi còn
vất vả, tất bật chạy đi tìm Ta giúp ; thì hãy gia công hơn nữa để tìm lương
thực cho linh hồn lưu lại đến sự sống đời đời, đó là Thịt và Máu Ta ban cho các
ngươi, khi các ngươi đến dự tiệc Thánh Thể Ta đã dọn sẵn” (x Ga 6,14-15.22t).
2-
Theo Tin Mừng Nhất Lãm (Mt, Mc, Lc), Đức Giêsu giảng trước, sau đó Ngài mới cho dân ăn.
Cách
ghi này tác giả Nhất lãm đã dựa vào cơ cấu của Thánh lễ để viết : Trong Thánh
lễ giảng Lời trước cho rước Lễ sau. Trong Thánh Lễ cả Chúa Giêsu, cả môn đệ đều
cho dân ăn.
a. Chủ tế phải cho dân ăn :
Trình
thuật hóa bánh theo Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại : Đức Giêsu ra lệnh cho các môn
đệ : “Các con hãy cho dân ăn” (x Mt
14,16 ; Mc 6,37 ; Lc 9,13) ; thì khi Giám mục hay Linh mục dâng lễ phải giảng
Lời đã vất vả soạn để nuôi giáo dân. Nếu dâng lễ mà không giảng, hỏi người dâng lễ đã lấy gì là “bánh” của mình đặt vào tay Đức Giêsu để nuôi dân? Nếu chỉ dùng quyền chức Linh
mục mà cho dân ăn Chúa Giêsu Phục Sinh (rước Lễ), thì đó là “Chúa Giêsu cà thọt” ; Ngài bị cụt một phần thân thể vì thiếu bài giảng
của người dâng Lễ! Trong Hiến Chế Mạc Khải số 21, Hội Thánh dạy : “Hội Thánh luôn tôn kính Kinh Thánh như chính
Thân Thể Chúa Kitô, nhất là trong Phụng Vụ Thánh, Giáo Hội không ngừng lấy Bánh
ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa,cũng như từ bàn tiệc Mình Chúa Kitô để ban
phát cho các tín hữu. Thánh Kinh đã và đang được Hội Thánh xem như là quy luật
tối cao hướng dẫn Đức Tin được Thiên Chúa linh hứng và đã được ghi chép một lần
cho muôn đời. Bởi vậy mọi lời giảng dạy trong Hội Thánh cũng như chính chính
Đạo Thánh Chúa Kitô phải được Thánh Kinh nuôi dưỡng và hướng dẫn”. Vì “bài giảng trong Thánh Lễ rất đáng được coi là phần của chính Phụng vụ” (x HC Phụng
Vụ số 52).
b. Đức Giêsu cho dân ăn.
Đức
Giêsu thấy dân đến với Ngài xin bánh ăn,
hoặc xin được chữa lành mọi bệnh tật (x Ga 6,22-26 ; Mc 1,21-39) mà xem ra Ngài
không quan tâm đến khát vọng của họ, lại lên tiếng “DẠY NHIỀU ĐIỀU” (x Mc
6,34). Và vì phải nói nhiều điều với dân, nên Ngài đã kéo dài tới ba ngày! (x
Mt 15,32). Đây là điều Đức Giêsu muốn nói với các chủ chăn : “Đừng lo làm hài lòng người đời”
(Gl.1,10), vì người đời chỉ muốn nghe giảng càng vắn càng thích, không giảng càng
tốt ! Bởi lẽ “Chúa của họ là cái bụng,
vinh quang đặt nơi điều đáng xấu hổ, họ chỉ biết nghĩ đến những điều ở dưới
đất, đích cùng của họ là diệt vong !” (Pl 3,19), nên họ thường lấy câu :
“Có thực mới vực được đạo làm thánh giáo” (x Mc 7,7b -8), mà gạt bỏ đi Lời Chúa
dạy : “Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và sự công chính của Ngài, còn cơm ăn áo mặc Ngài ban thêm sau” (Mt 6,33).
Vậy
chủ chăn phải noi gương Thầy Giêsu, có
quyền bắt dân nghe nhiều điều, những điều rút ra từ các Bài đọc mà Hội Thánh đã chọn trong mỗi Thánh
Lễ, nếu giấu đi Bài đọc nào là phạm tội giết hồn xác của tín hữu và quăng xuống
hỏa ngục! (x Cv 20,26-27). Thánh Tông Đồ đã bắt chước Thầy Giêsu cũng giảng
nhiều điều, đến nỗi ông kéo dài bài giảng đến quá nửa đêm, anh Êutykhô từ lầu
ba ngủ gật nhào đầu xuống đất! Thế mà
ông Phaolô không cho ai đưa anh đi cấp cứu, mọi người cứ phải ngồi nghe ông
giảng nhiều điều cho đến sáng, rất may sau buổi Lễ anh Êutykhô ra về bình an (x
Cv 20,7t). Bởi thế có khi giảng không vừa ý người đời như Thầy Giêsu, bị toàn
dân chống đối và bỏ đi hết thảy, cũng không hối hận (x Ga 6,60-66). Vì phải hết
lòng loan báo Tin Mừng, nên ông Phaolô khuyên Giám mục Timôthê, môn đệ của mình
: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng,
lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện ; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên
nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật
vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo
những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn
nghe.Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang
đường.Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công
việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2Tm 4,2-5).
Còn
đối với các Kitô hữu, khi tham dự Thánh Lễ phải quảng đại nghe Lời Chúa, dù có
ngăn trở công ăn việc làm, mất ăn mất ngủ, hay nhịn đói nhịn khát, cũng cứ kiên
nhẫn nghe giảng lâu giờ như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai, dĩ nhiên chẳng
khi nào đi dự Lễ mà nghe giảng lâu tới ba ngày hay nghe thủng đêm (x Mt 15,32 ;
Cv 20,7-11). Tiếc rằng ngày nay rất nhiều người chỉ bố thí cho Chúa năm mười
phút nghe giảng là đã lâu rồi ; trong khi đó lại rất quảng đại ngồi lâu giờ dự
tiệc của người trần thế! Có ai khi dự tiệc người đời mà chốc chốc lại đưa tay
coi đồng hồ? Trong khi đó, có nhiều người đi dự lễ cứ sốt ruột xem đồng hồ
hoài! Hãy nhớ rằng thời Cựu Ước nhiều người không muốn nghe lời các ngôn sứ,
nên xảy ra hạn hán, cả xứ chết đói, chỉ những ai đến nghe giáo huấn của ngôn sứ
Êlysa thì được ông cho ăn no, dù ông chỉ
có 20 chiếc bánh mà nuôi cả 100 người ăn no mà còn dư !(x 2V 4,42-44 : Bài đọc
I). Thế thì ai đến dự Lễ nghe Lời Chúa qua Hội Thánh rao giảng, thì chắc chắn
không ai phải đói, bởi lẽ Chúa Giêsu quyền năng hơn ông Êlysa, Ngài chỉ dùng 5
chiếc bánh và 2 con cái, nuôi một đoàn lũ đông vô kể ăn no mà vẫn còn dư. Nhưng
việc đó chỉ là dấu chỉ về tiệc Thánh Thể, ai đến dự cũng được no thỏa sự sống
hạnh phúc muôn đời.
VI. DẤU LẠ THỨ VI : BÁNH VÀ CÁ CỦA AI ?
Bánh và cá của các môn đệ hoặc của
em bé :
a.
Theo Tin Mừng
Nhất lãm : Bánh và cá của các môn đệ đưa cho Thầy Giêsu (x Mt 14,17 ;
15,34 ; Mc 6,5 ;Lc 9,13).
b.
Theo Tin Mừng
Gioan : Bánh và cá của em bé đưa cho Chúa Giêsu (x Ga 6,9).
Như thế Chúa muốn người Công Giáo,
người lớn cũng như trẻ nhỏ phải cộng tác với Ngài trong mầu nhiệm Thánh Thể để
nuôi nhau. Nói cách khác, khi ta rước lễ, ta không ăn riêng Chúa Giêsu đã chết
và sống lại, mà ta còn nuốt vào lòng mình cả các thánh nữa. Chính vì thế lời
cầu nguyện khi Chầu Thánh Thể, vị chủ sự xướng : “Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại”, mọi người đáp lại : “Bánh đó đủ mọi mùi thơm ngon”. Đủ mọi mùi
đó là : mùi thơm của Chúa Giêsu Phục Sinh cộng với mùi thơm của các Kitô hữu
thánh thiện (x 2Cr 2,15).
Theo lương tâm, không có luật nào
buộc ta phải chia bánh cho người khác lúc ta đang túng thiếu, đang đói khát.
Thế mà Thầy trò gồm 13 người, cũng đang lúc đói như bao nhiêu người đến nghe Đức
Giêsu giảng, cả Nhóm chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, chắc chắn không đủ
cho Nhóm được no, nhưng cứ làm theo Lời Thầy dạy : Phải đặt nhu cầu của đồng
loại trước nhu cầu của Nhóm, nên sẵn sàng đem chia bánh cá theo lệnh Thầy. Vậy
nếu loài người ai cũng quý trọng đón
nhận Lời Chúa, để có
tâm hồn quảng đại như các Tông Đồ, thì thế giới này chẳng còn có ai sống trong
cảnh nghèo đói, điều này lạ hơn, làm Chúa vinh hiển hơn. Xưa Chúa mưa manna và
chim cút ngập trại dân Do thái, cứ lượm ăn mỗi ngày, mới có đủ sức đi trong sa
mạc 40 năm về miền đất Hứa (x Xh 16). Vả lại, nếu người ta sống ích kỷ, thì
Chúa có hóa ra bao nhiêu của cải, người ta cũng tranh nhau giành giật đến đổ
máu vì miếng ăn!
VII. DẤU LẠ THỨ VII : AI BẺ BÁNH VÀ CHIA CHO DÂN?
Cả Đức Giêsu, cả môn đệ :
a.
Theo Tin Mừng
Gioan : Chính Đức Giêsu cầm bánh bẻ ra phát cho dân ăn (x Ga 6,11). Đây là dấu chỉ
Ngài bẻ nát cuộc đời trên thập giá, trở
thành Bánh Hằng Sống nuôi dân Ngài.
b.
Theo Tin Mừng
Nhất Lãm : Chính các môn đệ lấy bánh từ tay Thầy Giêsu bẻ ra chia cho dân (x Mt 14,19b
; 15,36b ; Mc 6,41b ; 8,7b ; Lc 9,16b). Đây là dấu chỉ các ông cũng phải mất
mạng như Thầy trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, để bù vào những gì còn thiếu
trong cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu (x Cl 1,24), và như thế trở nên cùng một tấm
Bánh Hằng Sống nuôi đoàn dân Chúa trao phó. Chân lý này đã được báo trước qua sự
cố ông Gioan Bt bị cắt đầu được nhắc đến ngay trước phép lạ hóa bánh, để xác quyết
rằng cái chết của ông Gioan Bt vì sứ mệnh Chúa trao, là dấu chỉ báo trước Chúa
Giêsu sẽ bị giết và môn đệ Ngài cũng bị giết! (x Ga 21,19). Để cùng trở thành
bánh hằng sống nuôi muôn dân (x Cl. 1,24 ; Mt 14,1-12 ; Mc 6,17-28 ; Lc 9,1-9).
Ta biết rằng Tin Mừng Nhất Lãm
nhắc lại sự cố ông Gioan Bt bị cắt đầu trước trình thuật Hóa Bánh để các môn đệ
noi gương bắt chước trên con đường phục vụ. Trong khi đó ông Gioan không ghi sự
cố ấy trước trình thuật Hóa Bánh, vì không ai làm mẫu cho Chúa Giêsu trong sứ
mệnh thi hành ý Chúa Cha.
VIII. DẤU LẠ THỨ VIII : NHỮNG MẨU BÁNH DÂN ĂN CÒN DƯ THU
LẠI ĐƯỢC MẤY THÚNG?
Cả
bốn tác giả Tin Mừng đều ghi trong trình thuật hóa bánh lần I : Đức Giêsu dùng năm bánh và hai cá nuôi số dân đông không
đếm nổi : chỉ đếm đàn ông đã tới 5.000 người, đàn bà con nít không kể. Cuối
cùng các môn đệ thu lại những mẩu bánh còn dư được 12 thúng! (x Mt 14,20-21 ;
Mc 6,43-44 ; Lc 9,17 ; Ga 6,13)
Nhưng
trong trình thuật hóa bánh lần II : Chúa lại dùng 7 bánh và ít cá nhỏ, nuôi số
dân đông : đàn ông đếm được 4.000 người không kể đàn bà con nít. Các môn đệ thu
góp những mẩu bánh dư được 7 thúng ! (x Mt 15,37-38 ; Mc 8,8-9).
Số thúng bánh dư là dấu chỉ :
- 12 thúng là dấu chỉ 12 môn đệ
Đức Giêsu đặt làm nền tảng xây dựng Hội Thánh.
-
Số 7 thúng bánh dư là dấu chỉ 7 Bí tích Đức Giêsu thiết lập, là những kho tàng
ơn Chúa, Hội Thánh dùng để nuôi dân.
Đây
là những dấu chỉ dạy dân Chúa cần ý thức đóng góp của cải cho các chủ chăn để
xây dựng Hội Thánh, nhất là làm phát triển Tin Mừng, sinh nhiều ân sủng, chứ
không chỉ những ơn từ bảy Bí tích mà thụ nhân được hưởng. Vì thế Điều Răn V của
Hội Thánh dạy các tín hữu phải đóng góp của cải vật chất tùy theo khả năng và
lòng Mến của mình cho nhu cầu của Hội Thánh (x GLHT số 2041-2043).
Thực
ra việc đóng góp của cải cho Hội Thánh chưa đụng đến nhu cầu sự sống của người
tín hữu, đó chỉ là của dư như những thúng bánh ăn còn thừa! Ta đặt giả thuyết :
Mỗi người bớt 1/10 của ăn nuôi thân xác mình để cộng tác với Hội Thánh, thì
chắc chắn chưa ai phải cảm thấy đói. Bởi vì khẩu phần 9USD cũng tương đương với
khẩu phần 10USD. Như thế, nếu mỗi người đi dự lễ Chúa nhật, trong cả tuần góp được
10USD bỏ vào giỏ Nhà Thờ, thì chắc chắn không giáo xứ nào thiếu tiền để phát
triển Tin Mừng, tập họp được nhiều người về cho Chúa.
Thật
tội nghiệp cho Chúa, Ngài hạ mình xuống xin chúng ta tiền của dư thừa để Ngài
được vinh hiển, mà rất hiếm người bố thí cho!!
Vậy
ai thực hiện được tám dấu lạ trên rút ra từ trình thuật Hóa Bánh, chắc chắn họ
xứng đáng là “bậc thần thánh” (x Ga 10,34), vì đã cộng tác với
Chúa Giêsu làm hoàn hảo công trình Thiên Chúa tạo dựng muôn vật trong “Tuần Sáng Thế mới” mà Chúa Giêsu đang thực hiện khởi đi từ mầu nhiệm Tử
Nạn và Phục Sinh cho tới ngày cánh chung, đúng với ý nghĩa con số 8 (Đức Giêsu bị
giết vào ngày thứ sáu, ngày thứ bảy Ngài được an táng, Chúa nhật hay là ngày
thứ tám trong tuần Ngài phục sinh).
Muốn
sống mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể, không phải tin là dự tiệc Thánh Thể như lãnh
bùa hộ mệnh, để rồi an tâm sống buông thả theo xác thịt, mà phải biết cầu
nguyện : “Lạy Chúa, xin mở lòng nhân hậu
mà hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này,
chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại” (Lời nguyện đầu Lễ). Vì
chúng ta tin Chúa Giêsu là “Vị ngôn sứ vĩ
đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (Lc
7,16 : Tung Hô Tin Mừng). Chúa viếng thăm chúng ta Ngài mang theo quà. Quả thật
“Chúa rộng mở tay ban, đoàn con hết thảy muôn vàn thỏa thuê” (Tv
145/144,15 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Ông Phaolô chỉ nói lại cho chúng ta duy có một câu
Chúa Giêsu dạy : “Cho thì có phúc hơn là
lấy!” (Cv 20,35).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH