BÀI GIẢNG
CHÚA BIẾN TỘI RA ƠN
Đức Giêsu đã dùng hình ảnh thửa ruộng có lúa và cỏ
chen nhau mọc để diễn tả đời sống Hội Thánh cũng như đời sống mỗi Kitô hữu. Ta
biết đất nào cỏ không mọc được, thì cũng chẳng thể trồng tỉa cây gì mà hy vọng
có thu hoạch. Đó cũng là lý do Chúa để tội lỗi còn xảy ra trong lòng Hội Thánh
cũng như trong tâm hồn mỗi người Công
Giáo.
Hiến
Chế Hội Thánh số 8, nói về sự khiêm tốn của Hội Thánh trong lãnh vực luân lý :
“Hội Thánh Chúa Ki-tô tuy là thánh thiện,
vì Chúa Ki-tô là Đầu Hội Thánh, nhưng vì Hội Thánh luôn luôn ấp ủ trong lòng
mình các tội nhân, nên Hội Thánh không ngừng sám hối và canh tân”.
Nhìn
vào khuôn mặt Hội Thánh qua các thời đại đã minh chứng thảm trạng trên, vì sự
xấu xảy ra ngay từ trong cơ cấu tổ chức của Hội Thánh, cũng như từng cá nhân
mang Dấu Thánh Chúa Kitô :
-
Xấu trong cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh. Một đoạn phim đen tối nhất trong lịch sử đời sống
Hội Thánh : Từ năm 1378 – 1417, suốt 39 năm Hội Thánh có ba Giáo hoàng tranh
quyền : một ở Roma (Ý), một ở Pisa (Bỉ), một ở Avignon (Pháp) !
-
Tội lỗi xảy ra ngay trong con người mang Dấu Thánh. Đến như thánh Phao-lô, một vị Tông Đồ xuất sắc nhất
không ai sánh bằng (x 2 Cr 11,5), nhưng đã ba lần ông phải rên lên nài xin Chúa
“đừng để Satan vả mặt con” (x 2 Cr
12,7-9), vì chính ông đã thú nhận sự bất lực của bản thân trước đòi hỏi nên
thánh với giáo đoàn Roma : “Chẳng có gì
lành cư ngụ trong tôi. Điều tốt trong tầm tay tôi không làm, nhưng chính tôi
lại làm điều tôi ghét” (Rm 7,18-19). Ông Phaolô khám phá ra : cuộc chiến
giữa thiện và ác luôn xảy ra trong nội tâm con người, nên ông có lời khuyên các
tín hữu : “Xác thịt có những đam mê chống
lại Thần Khí và Thần Khí có những đam mê chống lại xác thịt, đôi đàng cự lại
nhau, khiến anh em không thể hễ muốn gì là làm được. Vậy anh em hãy bước đi
theo Thần Khí, và anh em sẽ không làm thỏa mãn các đam mê xác thịt,vì Thần Khí
dẫn anh em đi không phải chịu quyền Lề Luật, vì Luật giam người ta trong tội”
(Gl 5,16-18 ; 3,22).
Thực tế ấy đặt ra cho chúng ta những vấn đề :
C Tội lỗi
phát xuất bởi đâu ?
C Tại sao
Chúa để tội lỗi xảy ra ?
C Chúa diệt
tội lỗi thế nào ?
1/ NGUỒN
GỐC TỘI LỖI.
Phát
xuất từ ba kẻ thù :
a- Bởi ma quỷ. Chính ma quỷ đã xúi Eva, nguyên tổ loài người đừng
tin tưởng vào Lời Chúa để hành động, nhưng hãy tự xét điều gì tốt thì làm (x St
3). Chính vì thế mà Đức Giêsu nói : “Kẻ
thù gieo cỏ lùng là ma quỷ” (Mt 13, 39a : Tin Mừng).
b- Bởi Lề Luật. Thánh Phaolô nói : “Kinh Thánh giam chúng ta trong
tội” (Gl 3,22). Có nghĩa là Kinh Thánh
chỉ cho ta biết điều xấu phải tránh, điều tốt phải làm. Nhưng trong thực
tế, không ai chu toàn hai mục đích này của Kinh Thánh. Cho nên ai cũng cảm thấy
càng để tâm thi hành Lời Kinh Thánh, thì càng thấy mình bị giam trong tội!
Thánh Phaolô cho ý kiến : “Kinh Thánh có
giá trị như một quản giáo dẫn ta đến gặp Chúa Giêsu Kitô, chỉ có Ngài mới giải
thoát chúng ta khỏi án của Lề Luật, ta không có sức thi hành trọn vẹn” (Gl
3,24).
c-
Bởi ta lạm dụng quyền tự do. Đức Giêsu nói : “Ma quỷ là kẻ thù gieo cỏ lùng, gieo tội lỗi vào lòng ta” (Mt
13,39a). Thế nhưng trong thực tế, mỗi ngày ta chưa thấy ma quỷ gieo cỏ lùng, mà
là chính ta làm bậy nói láo, gây nhiều gương xấu, đó là cỏ lùng hằng ngày ta
gieo vào lòng tha nhân, mà đúng ra ta phải gieo Lời Chúa, làm việc lành gây
gương sáng, mới thực là hạt giống tốt, thì ta lại chẳng quan tâm ?! Thử hỏi các
bậc làm cha mẹ mỗi ngày nói cho con được mấy câu Lời Chúa – gieo giống tốt, hay
cứ mở miệng ra là chửi thề ? Và còn gây nhiều gương mù cho con cháu? Quả thật
kẻ thù là người nhà của mình (x Mt 10,36).
2/ CHÚA CHO
PHÉP TỘI LỖI XẢY RA.
Chính
là Ngài muốn biểu lộ lòng thương xót và sự toàn năng. Vì thế thánh Phaolô nói :
“Thiên Chúa giam hãm mọi người trong tội
không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32). Nghĩa là nếu Thiên
Chúa làm cho mọi người được hoàn thiện ngay từ thuở Ngài tạo dựng họ, thì làm
sao người ta cảm nghiệm được lòng Chúa
thương xót, và trở nên kẻ kiêu hãnh.
Đối
với Chúa, vì Ngài là Đấng toàn năng, không ai mạnh bằng Ngài, nên Ngài diệt sự
ác (tội lỗi) lúc nào là tùy ý, chỉ có những kẻ hèn yếu mới lo diệt kẻ thù.
Chính vì vậy mà tác giả sách Khôn ngoan nói : “Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh, Ngài lấy lượng từ bi
cao cả mà cai quản chúng con, nhưng Chúa
có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12,18).
Bởi
thế Tông Đồ Phaolô đã nhận ra con người yếu đuối bất toàn của mình, để khỏi tự
cao tự đại về những mạc khải cao siêu Chúa đã ban cho. Tuy thế, tâm hồn ông vẫn
ray rứt vì Chúa để satan vả mặt ông, đã ba lần ông thưa cùng Chúa “xin cất nỗi
khổ nhục ấy”, nhưng Chúa chỉ trả lời : “Ơn
Ta đủ cho ngươi, vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành. Vì vậy
tôi rất vui sướng mà vênh vang nơi các yếu đuối của tôi, để quyền năng của Đức
Ki-tô đậu lại trên tôi, cho nên tôi vui thỏa trong các nỗi yếu đuối, trong lăng
nhục, trong quẫn bách, trong bắt bớ, trong cùng khốn vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi
yếu chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12, 7-10).
3/ CHÚA
DIỆT SỰ ÁC (NHỔ CỎ LÙNG) VÀO NGÀY CÁNH CHUNG (MÙA GẶT).
Những
tôi tớ của chủ cứ sốt ruột lo lắng cỏ lùng mọc chen với lúa trong ruộng, nên
xin chủ ra lệnh nhổ cỏ ngay. Nhưng chủ nói : “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.
Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi,
còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi." (Mt 13,29-30 : Tin Mừng).
Như thế Chúa không muốn diệt kẻ ác ngay vì
-
Cỏ lùng không thể biến
thành lúa, nhưng kẻ ác có thể nên thánh. Đan cử như ông Saulô vốn dĩ là kẻ ác
làm hại người ta hơn cỏ lùng, thế mà khi Chúa bảo ông đến với ông Hananya, môn
đệ Ngài, và sau khi được thụ giáo, ông đã trở nên thánh Tông Đồ chuyên lo cho
dân ngoại (x Cv 7-9 ; Gl 2).
-
Chúa chỉ diệt ác thần
vào ngày cánh chung. Thánh Gioan trong một thị kiến Chúa cho biết “ngày cánh chung biển không còn nữa” (Kh
21,1). Theo quan niệm của người Do Thái, biển là sào huyệt của quỷ, nên có lần
quỷ xin Đức Giêsu xuất khỏi một người nhập vào đàn heo nhào xuống biển (x Mt
8,32). Chỉ có những người công chính mới được vào dự tiệc với Chiên Con (x Ga
19,7t). Đó là mùa gặt vào ngày cánh chung.
Tuy nhiên mùa gặt lúa không phải chỉ đợi đến ngày
cánh chung (x Kh 14,15 ; Mt 25, 31-46), mà mùa gặt được thu hoạch ngay khi Hội
Thánh cử hành Phụng Vụ, đặc biệt là dâng Lễ (x Ga 4, 35-38), nơi đây “chúng ta được giặt áo của mình trắng tinh
trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14). Vì vậy chẳng những mỗi Thánh Lễ Chúa đã
thiêu đốt cỏ lùng (tội lỗi), mà Ngài còn ban ơn để bón tưới cho “hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (x
Mt 13,38). Như thế Chúa không cho phép ai nán lại trong tội, nhưng phải sám hối
và mau mắn đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Chính Chúa đã dùng miệng ngôn sứ
Giêrêmia nói cho dân Giuđa, cũng là cho cho chúng ta : “Tất cả những người Giu-đa qua cửa này vào thờ phượng Đức Chúa, hãy cải
thiện lối sống và hành động của các ngươi, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này.
Đừng ỷ vào đã có Đền Thờ Đức Chúa ! Nếu các ngươi thật sự cải thiện lối sống và hành động các ngươi, nếu
các ngươi thật sự đối xử công bằng với nhau, không ức hiếp, không đổ máu bất cứ
ai,và không đi theo thần ngoại, Ta sẽ cho các ngươi lưu lại nơi này trong phần
đất Ta đã ban cho cha ông các ngươi đến muôn đời” (Gr 7,1-11 : Bài đọc năm
chẵn). Đó là cách thi hành Lời Chúa mà người Công Giáo còn phải triệt để thi
hành hơn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dù người Do Thái trước và sau khi họ
giết bò làm hy lễ kỳ an tế Thiên Chúa, ông Môsê chứng kiến hai lần dân lớn
tiếng thề : “Mọi Lời Chúa phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3-8 : Bài đọc
năm lẻ). Để “tiến dâng Thiên Chúa lời tạ
ơn làm Hy Lễ” (Tv 50/49, 14a : ĐC năm lẻ).
Như
thế, vào thời Cựu Ước, người Do Thái nếu sống bất lương thì không được vào Nhà
Chúa dâng lễ. Nhưng vào thời Tân Ước, ai nhận biết mình là người tội lỗi, hãy
vào Nhà Chúa với lòng sám hối, dâng tội cho Chúa, vì “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài
cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng ngài tâm thần tan nát, một
tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng
khinh chê” (Tv 51/50, 18-19). Để rồi được Chúa thanh tẩy và Ngài còn đổ
nhiều ân sủng xuống, như thánh Phaolô nói : “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20). Nhờ thế mới nói lên niềm xác tín : “Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái” (Tv 84/83, 2
: ĐC năm chẵn).
Chúng
ta phải như một nông dân muốn có mùa gặt bội thu, thì trước đó cần phải có bốn
yếu tố :
-
Có giống tốt
; thế thì trong mỗi Thánh Lễ ta được chính Chúa Giêsu gieo Lời vào lòng (x Dt
1,1-2), đó mới thực là Giống Tốt để phát sinh nhiều con cái cho Nước Thiên
Chúa. Cần thiết hơn là có hạt lúa mẩy.
-
Có đất tốt
; thế thì mỗi khi được rước Lễ, là ta được đồng hóa Chúa Giêsu (x Gl 2,20),
được trở nên người tốt nhờ, với, trong Chúa Giêsu. Chính Ngài làm cho Lời đã
được gieo vào tâm hồn ta sinh nhiều hoa trái việc lành làm vinh hiển Chúa (x Ga
15,8). Bởi thế thánh Giacôbê khuyên các tín hữu : “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã gieo vào lòng anh em, Lời ấy có sức cứu
độ linh hồn anh em” (Gc 1,21bc :
Tung Hô Tin Mừng). Điều này quan trọng hơn hạt lúa tốt gieo vào đất tốt.
-
Có phân bón
; thế thì mỗi khi dự Lễ, ta cần phải sám hối tội để được Chúa biến tội ra ơn.
Thánh Tông Đồ nói : “Ở đâu tội lỗi đã lan
tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20). Ân sủng Chúa sẽ tăng sức mạnh
cho ta hăng hái hơn trong việc phục vụ. Ngôn sứ Baruc nói : “Xưa kia anh em lạc xa sự thật, nay anh em
trở về hãy nhiệt tình gấp mười để tìm kiếm Ngài” (Br 4,28). Cần thiết hơn có
phân bón cho cây.
-
Có nước tưới
; thì thế mỗi khi dự Thánh Lễ, ta sẽ được Chúa ban hết ơn này đến ơn khác (x Ga
1,16). Nhất là được Chúa Giêsu đồng công cộng tác biến mọi sự nên tốt đẹp (x Rm
8,28). Quan trọng hơn có nước tưới nương đồng.
THUỘC LÒNG
Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo
ngã! (1 Cr 10,12)
http://phaolomoi.net
Linh mục
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH