BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI
ĐỌC : Mk 2, 1-5
1
Khốn thay những kẻ nằm trên giường toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều
ác! Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện vì nắm sẵn quyền bính trong tay. 2
Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy, muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt.
Chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp. 3 Vì vậy, Đức
Chúa phán như sau: Ta toan tính giáng hoạ xuống gia tộc này khiến các ngươi
không rút cổ ra được,cũng không thể
ngẩng đầu bước đi, vì thời đó sẽ là thời tai hoạ. 4 Ngày ấy, người
ta sẽ ngâm thơ chế giễu các ngươi, sẽ cất lên bài ca than vãn: "Chúng tôi
đã bị huỷ diệt hoàn toàn, phần đất của dân tôi đã vào tay kẻ khác. Than ôi,
người ta lại tước đoạt của tôi, và chia đồng ruộng của chúng tôi cho quân phản
nghịch! " 5 Vì vậy, trong đại hội của Đức Chúa sẽ chẳng ai
chăng dây chia phần cho ngươi.
ĐÁP
CA : Tv 9
Đ. Lạy
Chúa, xin đừng quên những người nghèo khổ. (c 12b)
1 Lạy Chúa, sao Chúa nỡ đứng xa,ngày khốn quẫn, sao Ngài đành
ẩn mặt? 2 Kẻ ác kiêu căng đuổi bắt người nghèo khổ:họ mắc phải mưu
nó đã bày ra.
3 Kẻ ác khoe khoang tham vọng của mình, bóc lột người ta, xúc
phạm khinh thường Chúa. 4 Kẻ ác dám ngông nghênh bảo rằng:
"Chúa chẳng phạt, vì có Chúa đâu! " Tư tưởng nó chung quy là vậy.
7 Miệng độc dữ điêu ngoa, những buông lời nguyền rủa,lưỡi nói
toàn chuyện gian ác bất công. 8 Nó phục cạnh xóm làng giết trộm
người vô tội, mắt rình ai yếu thế.
14 Nhưng Chúa nhìn nỗi khổ cực đau thương,Chúa để ý, tự tay lo
liệu. Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa,kẻ mồ côi được chính Chúa phù
trì.
BÀI GIẢNG
THÁNH
GIÁ HƠN KHỔ GIÁ!
Người
đời thường nói : “Ở hiền gặp lành”,
điều đó chỉ đúng cho những ai sống khiêm nhường, hiền lành như Đức Giêsu, thì
tới ngày cánh chung mới thấy đúng là “ở hiền gặp lành”. Bao lâu ta còn sống
trên đời, nếu sống ác để thủ lợi, chắc chắn có lúc cảm thấy đời là khổ giá, đưa
đến cái chết tủi nhục, và còn khốn nạn hơn nữa, đến ngày cánh chung sẽ bị trói
quăng ra bên ngoài khóc lóc nghiến răng, vì giòi bọ rúc rỉa mà không chết, lửa
thiêu không hề tắt (x Mt 22,13 ; Mc 9,48). Chỉ có những ai làm lành mà phải khổ
như Đức Giêsu, thì đó là Thánh Giá, góp nên một Hy Tế với Đức Giêsu, để sinh ơn
cứu độ, được sống hạnh phúc dồi dào muôn đời.
Tin
Mừng Matthêu thuật lại :Đức Giêsu vừa mới chữa lành người có tay khô bại vào
ngày thứ bảy – ngày cấm làm việc theo Luật Phụng Vụ Do Thái giáo – làm bọn Biệt
phái uất ức đi bàn mưu tính kế làm sao diệt được Ngài (x Mt 12,14 : Tin Mừng).
Vì Đức Giêsu chưa muốn trao nộp mạng mình cho chúng, nên Ngài rút lui khỏi nơi
đó, không phải vì Ngài yếu, không đủ khả năng chống lại chúng, mà Ngài không
muốn dùng quyền để diệt kẻ ác ; cũng không muốn ai hiểu lầm Ngài lập vương quốc
chống đế quốc Roma đang thống trị Do Thái, hầu chia quyền cho những kẻ theo
Ngài (x Mt 20,21 ; Cv 1,6). Bởi đó Ngài truyền cho mọi người đừng làm Ngài bị
lộ, để Roma không gây khó dễ hoặc sẽ giết Ngài sớm ! (x Mt 12,16 : Tin Mừng).
Như
thế Đức Giêsu rút lui để đi vào cuộc “Tĩnh Tâm” chuẩn bị cho “Lễ Phong Vương”
sẽ chính thức vào giờ của Ngài chịu Tử Nạn, để rồi sống lại trong vinh quang,
không phải để ăn trên ngồi trốc ra lệnh cho bầy tôi phục vụ mình, mà là để làm
tròn nhiệm vụ Tư Tế và Ngôn Sứ, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói về “Người
Tôi Tớ Giavê” trong nghi lễ phong vương (x Is 42, 1-9), mà ông Matthêu
nhắc lại : “Đây là người Tôi Trung Ta đã
tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta
ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý cho muôn dân. Người sẽ không cãi vã,
không kêu to, chẳng ai nghe Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập,
Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người
đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người”
(Mt 12,18-21 : Tin Mừng).
- “Tôi
tớ Ta chọn là người trung thành, Ta yêu mến” (Mt 12,18a : Tin Mừng).
Đây là lời công bố trong “lễ Vọng” Chúa Cha phong vương cho Đức Giêsu ở sông
Giođan, lúc ông Gioan làm phép rửa cho. Nhưng Ngài không phải là “Kẻ Tôi Tớ” mà là “Con Chí Ái Cha trên trời” (x Mt 3,17a).
-
“Ta
cho Thần Khí Ta ngự trên Người, và Người sẽ loan báo công lý cho muôn dân” (Mt 12,18b : Tin Mừng). Ai được
phong vương, người ấy được dầu xức, dầu xức trên đầu Đức Giê-su không phải là
dầu vật chất mà là dầu “Thần Khí”, làm cho Ngài nhiệt tình thi hành quyền Ngôn
Sứ cách sống động và hoàn hảo (x Mt 3,16b).
-
“Người
sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe Người lên tiếng giữa phố phường”
(Mt 12,19 : Tin Mừng). Như thế tinh thần phục vụ của Đức Giêsu rất mực khiêm
nhu như chim câu (x Mt 3,16c ) và êm đềm như làn gió hiu hiu (x 1V 19,12). Ai
nghe Lời Đức Giêsu công khai nơi phố phường thì chẳng hiểu gì, trừ khi ở riêng
với Ngài mới được Ngài giải nghĩa cho hiểu (x Mc 4,33-34).
-
“Cây
lau bị giập Người không bẻ gãy, tim đèn leo loét chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi
Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,20 : Tin Mừng).
C “Cây
lau bị giập Người không bẻ gãy” : Ám chỉ đế quốc Ai Cập đã bị Chúa dùng ông
Môsê giáng xuống 12 phép lạ gây tai họa trừng phạt họ, nhưng Chúa không dùng
ông Môsê xóa nước này khỏi bản đồ thế giới (x Xh 7-12).
C “Tim
đèn leo loét chẳng nỡ tắt đi” : Ám chỉ đế quốc Babylon đã bị Chúa dùng ông
Cyros vua Ba Tư đánh cho tan tành để giải phóng dân Israel thoát nô lệ và cho
hồi hương tái thiết đền thờ Giêrusalem (x Ezra 1). Nhưng Chúa không dùng vua
Cyros diệt hết dân Babylon.
Nói tóm lại, đế
quốc Ai Cập và Babylon, dù bị tai họa ập đến, nhưng đó là cách Chúa giáo dục họ
phải bỏ lối sống gian ác, vì Chúa không nhắm diệt kẻ ác, mà muốn cho chúng hoán
cải nên thánh!
C “Cho
đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” : Đó là chiến thắng của Đức
Giêsu, vì Ngài mang sứ mệnh giải phóng loài người thoát tử thần, còn hơn ông
Môsê và vua Cyros giải phóng dân Do Thái thoát nô lệ, vì Ngài không giống hai
ông này đi tiêu diệt kẻ ác, mà Ngài hoán cải kẻ ác, tầm cỡ như ông Pharaon, vua
đế quốc Ai Cập, hoặc như ông Nabukodonosor, vua đế quốc Babylon, thành người
công chính. Đúng là Ngài “không bẻ gãy
cây lau bị giập”, và còn khơi “tim
đèn loe loét” để nó bùng cháy cho đến khi Ngài đưa công lý đến toàn thắng
và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Ngài (x Mt 12,21 : Tin Mừng), để mọi người phải thốt lên : “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
(Tv 136/135,1 : ĐC năm lẻ).
Xưa
kia dân Do Thái khi xuất khỏi Ai Cập, có khoảng sáu trăm ngàn người đàn ông
phải chạy bộ, không kể con nít, cả một
đám đông hỗn tạp cùng lên đường với họ, mang theo chiên cừu bò dê, họp thành
một đàn súc vật đông đảo. Họ lấy bột đã nhào đưa từ Ai Cập ra mà nướng thành
bánh không men, vì bột chưa dậy men. Bởi lẽ trước phép lạ thứ 12, ông Môsê dùng
gậy rẽ nước Biển Đỏ cho dân chạy trốn, thì Chúa đã dùng tay ông giáng trên họ
11 tai họa, nhất là khi các con đầu lòng
của loài vật, cũng như người Ai Cập, kể cả con của vua, bị thần giết chết, lúc
đó vua mới ra lệnh trục xuất ngay bọn Do Thái ra khỏi vương quốc của ông, không
ai được chậm trễ, bởi thế ngay cả lương thực cũng không kịp chuẩn bị (x Xh
7-15). Đó là đêm canh thức Chúa đưa họ ra khỏi đất Ai Cập (x Xh 12, 37-42 : Bài
đọc năm lẻ).
Cuộc vượt qua ấy là dấu chỉ vào thời Tân
Ước Đức Giêsu canh thức suốt đêm tại núi ô liu, Ngài cầu nguyện thiết tha đến
nỗi toát mồ hôi máu, xin Chúa Cha cất chén (không phải chết đau khổ nhục nhã),
nhưng Ngài đã tuân theo ý Cha chấp nhận cái chết đau thương trên thập giá, minh
chứng tình yêu tuyệt hảo để cứu loài người thoát tay tử thần. Đây mới chính là
cuộc vượt qua, Chúa muốn đưa cả loài người thoát nô lệ Satan, khởi đi từ lúc
Đức Giêsu xuống sông Giođan để ông Gioan làm phép rửa cho, và Ngài đã trao cho
Hội Thánh nối dài và mở rộng ơn huệ này, như thánh Phaolô nói : “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian
được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố Lời hòa giải” (2Cr
5,19 : Tung Hô Tin Mừng). Thế nên kẻ nào ngoan cố cứ đắm chìm trong tội ác bóc
lột người khác, không trừ kẻ nghèo hèn để làm giàu, lại không biết sám hối tội
mình mà đến cùng Hội Thánh để xin ơn hòa giải, khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy,
thì Chúa sẽ giáng họa xuống như Ngài dùng miệng ngôn sứ Mikha nói : “Ta toan tính giáng hoạ xuống gia tộc này
khiến các ngươi không rút cổ ra
được,cũng không thể ngẩng đầu bước đi, vì thời đó sẽ là thời tai hoạ. Ngày
ấy, người ta sẽ ngâm thơ chế giễu các ngươi, sẽ cất lên bài ca than vãn:
"Chúng tôi đã bị huỷ diệt hoàn toàn, phần đất của dân tôi đã vào tay kẻ
khác. Than ôi, người ta lại tước đoạt của tôi, và chia đồng ruộng của chúng tôi
cho quân phản nghịch! " Vì vậy, trong đại hội của Đức Chúa sẽ chẳng ai
chăng dây chia phần cho ngươi” (Mk 2,3-5 : Bài đọc năm chẵn).
Vậy hết những ai muốn được Chúa rút án
phạt không còn than khóc vì tội mình gây ra, thì hãy thật lòng sám hối tin theo
Chúa Giêsu, như thánh Phêrô đã giới thiệu : “Đức Ki-tô đã phải chịu nạn chịu chết vì anh em, trối lại cho anh em một
gương mẫu, ngõ hầu anh em dõi theo vết chân Ngài” (1Pr 2,21), vì ông đã xác
tín với mọi người : “Dưới gầm trời này,
không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào
danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12)
Chúng ta biết thân phận mình yếu hèn,
muốn dõi theo chân Đức Giêsu, thì phải cầu nguyện : “Lạy Chúa, xin đứng dậy ra tay, xin đừng quên những người nghèo khổ”
(Tv 10/9B, 12 : Đáp ca năm chẵn).Chính Chúa Giêsu Thánh Thể mới ra tay cứu
những ai nghèo khổ vì tội ngập đầu.
THUỘC LÒNG
Làm lành mà phải khổ nếu Chúa muốn thế, còn
hơn là làm sự dữ ! (1 Pr 3,17).
http://phaolomoi.net
Linh
mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH