BÀI GIẢNG
CON ĐƯỜNG
ĐI XÂY DỰNG NƯỚC THIÊN CHÚA
Ai ý
thức mình đã được Chúa kêu gọi tham gia vào công việc xây dựng Nước Thiên Chúa,
thì phải làm cho đồng loại thuộc về Chúa Kitô, để cùng trở nên những viên đá
sống, được Chúa Thánh Thần dùng xây dựng Hội Thánh. Muốn thế phải đi con đường
Đức Giêsu chỉ cho (dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay) :
-
Phải được Chúa Thánh Thần thanh tẩy để nên thánh
trước.
-
Phải chấp nhận gian khổ trên đường phục vụ Tin Mừng .
-
Phải loan báo Tin Mừng cách công khai.
-
Rao giảng Tin Mừng để không còn sợ bị diệt.
-
Rao giảng Tin Mừng là lệnh bắt buộc mọi người, nếu muốn được Đức Giêsu bênh đỡ.
1/ PHẢI ĐƯỢC
CHÚA THÁNH THẦN THANH TẨY ĐỂ NÊN THÁNH TRƯỚC.
Ai muốn tham gia vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa,
phải được Chúa thanh tẩy. Vì ta không thể cho ai cái gì nếu ta không có : ta
không thể giúp anh em nên thánh, nếu ta không nên thánh ; ta không thể lôi anh
em ra khỏi vòng tội lỗi, nếu ta không được Chúa thanh tẩy. Điều này cần thiết
hơn ngôn sứ Isaia ý thức miệng lưỡi mình dơ bẩn, nên ông cầu nguyện xin Chúa
thanh tẩy, Chúa sai thiên thần gắp than hồng từ bàn thờ thanh tẩy miệng lưỡi
ông bớt bất xứng, để ông được chung với muôn tạo vật cất lời ca ngợi Thiên Chúa
(x Is 6,1-8 : Bài đọc năm chẵn).
Than hồng thanh tẩy miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, đó là dấu
chỉ Chúa muốn ta mỗi ngày đến tham dự Phụng Vụ, đặc biệt là Thánh Lễ, Chúa cũng
sai Linh mục của Ngài đặt Lời và Thánh Thể vào con người tội lỗi của ta, chắc
chắn ta được trở nên tinh sạch hơn ngôn sứ Isaia. Bởi vì Thánh Thể là nguồn
thanh tẩy tâm hồn phàm nhân biết sám hối xin Chúa thương xót. Vì qua Phụng Vụ,
Thiên Chúa biểu lộ “Ngài là Vua vinh
hiển, Chúa mặc oai phong tựa cẩm bào” (Tv 93/92,1a : Đáp ca năm chẵn), chỉ
có Vua Giêsu che chở ta, nhất là lúc ta bị tấn công khi loan báo Lời Chúa để tu
sửa tâm hồn đồng loại thành Đền Thờ cho Thiên Chúa ngự (x 1Cr 3,16). Vì bất cứ
ai làm việc gì cũng cần được Chúa đồng lao cộng khổ. Vua thánh Đavid nói : “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả
cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, uổng công người trấn thủ
canh đêm. Bạn có thức khuya hay dậy sớm, khó nhọc làm ăn cũng hoài công, còn kẻ
được Chúa thương dầu có ngủ, Người vẫn ban cho đủ tiêu dùng” (Tv
127/126,1-2). Chính Đức Giêsu đã khẳng định với các môn đệ : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì
không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
2/ PHẢI CHẤP
NHẬN GIAN KHỔ TRÊN ĐƯỜNG PHỤC VỤ TIN MỪNG.
Đức
Giêsu nói : “Môn đệ không lẽ hơn Thầy và tôi tớ không hơn chủ. Môn đệ được như Thầy
và tôi tớ được như chủ là đủ rồi. Nếu chúng đã gọi chủ nhà là Beelzebul (tướng
quỷ), thì huống hồ là người nhà của Ngài” (Mt 10, 24-25 : Tin Mừng).
Như
thế người môn đệ của Đức Giê-su không còn lựa chọn nào khác ngoại trừ con đường
phục vụ trong gian khổ như Thầy. Bởi vì, chính Đức Giê-su nhìn thấy trước bóng
thập giá, với bản tính loài người, Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu, nên Ngài
xin Chúa Cha có thể cho Ngài đừng uống “chén đắng” đó không ? (x Lc 22,39t).
Thế nhưng Chúa Cha im lặng với ngụ ý :
a- Không có con đường nào khác ngoài phục vụ trong gian
khổ để diễn tả tình yêu cao cả nhất (x Ga 15,13).
b- Chúa Cha muốn để Con Một Ngài tùy ý chọn.
c-
Chúa không bó
tay trước sự dữ, chẳng bao lâu Thần Khí Chúa làm cho Đức Giêsu sống lại, minh
chứng Ngài là Thiên Chúa toàn năng biến dữ ra lành, nên chẳng còn gì phải sợ.
Chân lý này đã được diễn tả qua đời sống của các con ông Giacob: Các anh ông
Giuse lo sợ khi cha già Giacob qua đời, nghĩ rằng Giuse không còn nể, không còn
sợ cha, sẽ trả thù các anh trước đây đã hại ông, nên các anh sấp rạp mình dưới
chân Giuse xin tha mạng! Tâm tình sám hối của các anh làm cho Giuse phải khóc
lên, ông nói : “Tôi đâu có thay quyền
Thiên Chúa, các anh định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành
điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay là cứu sống một dân đông đảo. Bây
giờ các anh đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng cho các anh và con cháu các anh” (x
St 49,29-32 ; 50,15-25 : Bài đọc năm lẻ).
Ông Giuse chỉ là hình bóng mờ nhạt diễn tả Chúa
Giêsu, vì ông là người phải chết ở
tuổi 110, mà đã làm cho các anh được an ủi khi ông trò chuyện thân mật với ;
huống chi Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài nhân ái hơn tất cả những tình thương của
người mẹ trên thế gian cộng lại (x Is 49,15) ; Ngài cũng là Cha giàu lòng
thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung đối với những kẻ kêu xin Ngài
(x Ep 2,4 ; Tv 86/85,5), vì Ngài là Chúa,
không phải là người như ông Giuse, Ngài đã đánh
gục tử thần hơn hẳn Giuse chỉ thọ 110 tuổi. Như thế mọi tội nhân biết sám
hối xin Ngài tha thứ tội đã xúc phạm đến Chúa và đồng loại, thì không bao giờ
phải sợ hãi bởi đã thoát khỏi tay tử thần, không còn làm nô lệ cho satan, hơn
hẳn dân Israel sau khi ông Giuse chết, vua Ai Cập bắt làm nô lệ.
Bởi đó người môn đệ của Đức Giêsu khi phục vụ cũng
phải tự ý chấp nhận gian khổ để nối dài và mở rộng tình yêu Thiên Chúa và sự
toàn năng của Ngài muốn làm cho tất cả những ai tin vào Ngài dù có phải chết vì
tội vẫn được sống muôn đời, bởi lẽ đã được Chúa Thánh Thần làm cho trở nên công
chính trong Chúa Giêsu (x Rm 8,10).
3/ PHẢI
LOAN BÁO TIN MỪNG CÁCH CÔNG KHAI.
Đức Giêsu dạy các môn đệ : “Anh em đừng sợ người ta. Thật ra,
không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ
không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày;
và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,
26-27 : Tin Mừng).
Lời giáo huấn trên Đức Giêsu có ý dạy :
a- Phải
sống chân thực. Đức Giêsu dạy đừng sợ, nhưng có điều phải sợ : sợ lối sống giả
hình, bên ngoài tỏ ra đạo đức nhưng lòng đầy nham hiểm! Do đó chỉ không sợ khi
sống chân thực, hành động đúng Lời Đức Giêsu dạy, nêú có bị hiểu lầm, bị đàm
tiếu, thì tới ngày cánh chung, sự thật sẽ được lộ ra. Vậy ta cứ đợi đến ngày
cánh chung Chúa bênh vực người sống chân thật, và ta sẽ nhìn thấy kẻ đã từng
đàm tiếu chê bai ta, họ phải đấm ngực mà thốt lên : “À ra thế!”
b. Phải
mạnh dạn rao giảng công khai. Mệnh
lệnh “rao giảng trên mái nhà” là công
bố Tin Mừng cách công khai, không nói gì chùng lén, vì vào thời Đức Giêsu lệnh
vua muốn thông báo cho dân, người đưa tin vào leo lên mái nhà là một sân thượng
bằng, để công bố rõ cho mọi người nghe.
Đối
với người môn đệ Đức Giêsu trong mọi thời đại, hình ảnh rao giảng trên mái nhà
phải hiểu rằng đời sống của họ đi đôi với lời rao giảng giống Thầy Giêsu làm
rồi mới dạy (x Cv 1,1), đáp ứng lời kêu gọi của thánh Phaolô : “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi đối với
Chúa Ki-tô” (1Cr 11,1).
4/ RAO
GIẢNG TIN MỪNG ĐỂ KHÔNG CÒN SỢ BỊ DIỆT.
Đức
Giêsu nói : “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn
; hãy sợ Đấng có thể diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28 :
Tin Mừng). Như thế ta không sợ sự dữ đến, vì
a- Diệt thì sợ hơn giết.
Kẻ ác chỉ có giết thân xác ta, nhưng không diệt được hồn xác ta. Duy có Thiên
Chúa mới có quyền diệt cả hồn lẫn xác kẻ ác trong hỏa ngục (x Mt 10,28b : Tin
Mừng).
b- Ta là loài thụ tạo được Chúa quý trọng nhất, nên Ngài
ra sức bảo vệ. Vì thế Ngài so sánh : “Hai
con chim sẻ há không bán được một đồng tiền sao? Thế mà không một con nào rơi
xuống đất ngoài ý Cha trên trời” (Mt 10,29 : Tin Mừng). Ông Matthêu nói hai
chim sẻ giá một đồng ; còn ông Luca (12,6) lại ghi năm chim sẻ giá hai đồng,có
nghĩa là chim sẻ là loài rất rẻ, nên ai mua bốn con thì được thêm một! Vậy mà
Thiên Chúa còn quan tâm trù liệu lương thực đủ nuôi sống chúng, huống chi ta là
con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, thì khi ta làm việc lành mà phải khổ, chắc
chắn Chúa sẽ bảo vệ ta “như con ngươi mắt
Ngài” (x Dnl 32,10).
c-
Chúa triệt để
gìn giữ vẹn toàn mạng sống ta. Đức Giêsu nói : “Những sợi tóc trên đầu chúng con cũng được đếm cả rồi” (Mt 10,30:
Tin Mừng). Tóc là phần chi thể của ta, nhưng không ai để ý bảo vệ từng sợi và
cũng chẳng cần biết đầu mình có bao nhiêu sợi tóc. Thế mà Thiên Chúa biết từng
sợi tóc của ta và Ngài còn cộng sổ, nói lên Ngài bảo vệ, chăm sóc vẹn toàn mạng
sống ta, cả đến những phần thân thể như tóc ta chẳng quan tâm còn hay rụng!
Kìa xem ba chú bé vì chỉ trung thành tôn thờ Thiên
Chúa, nên bị vua Nabukodonosor quẳng vào lò lửa nóng gấp bảy lần bình thường,
thế mà không một sợi nào trên đầu các chú bị lửa tèm ! (x Dn 3,1-30) Như thế,
Chúa chăm sóc và bảo vệ ta hơn lòng mơ ước (x Ep 3,20). Do đó thánh Phê-rô có
lời khuyên : “Nếu anh em bị sỉ nhục vì
danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí của Thiên Chúa ngự trên
anh em” (1Pr 4,14 : Tung Hô Tin Mừng). Vậy “hỡi những ai nghèo hèn (vì có tội), hãy kiếm tìm Thiên Chúa (để Thần
Khí Chúa ngự) là tâm hồn phấn khởi vui
tươi” (Tv 69/68,33 : ĐC năm lẻ).
5/ RAO
GIẢNG TIN MỪNG LÀ LỆNH BẮT BUỘC MỌI NGƯỜI NẾU MUỐN ĐƯỢC CHÚA GIÊSU BÊNH ĐỠ.
Như Đức Giêsu nói : “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước
mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng
ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người
ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33 : Tin Mừng).
Không ai trong loài người vô tội khi đứng trước tòa
Chúa phán xét, nhưng nếu ta nhiệt tình loan báo Tin Mừng giống Chúa Giêsu, thì
được Ngài tuyên nhận ta trước mặt Cha Ngài, mà Ngài không quan tâm đến tội ta.
Thánh Phaolô nói : “Nếu ta chối Ngài,
Ngài sẽ chối ta, nếu ta bất trung, Ngài vẫn trung thành, vì Ngài không thể chối
bỏ chính mình” (2Tm 2,12b-13). Thế nên ai xưng danh Đức Giêsu mới giống
Ngài hết lòng rao giảng Lời của Cha, dù bị người đời cũng như những người trong
gia tộc kết án “mát, khùng” (x Mc
3,21) ; có lúc người ta mỉa mai Ngài ăn nói thiếu văn hóa, không ai nghe được,
cho nên cả đoàn lũ dân và nhiều môn đệ từ bỏ Đức Giêsu (x Ga 6,60-66). Và tệ
nhất, vì nhiệt tình rao giảng chân lý mà bị treo trên thập giá ! Bởi vậy, ta
phải quyết “thà chết vì chân lý còn hơn là sống không chân lý”. Cụ thể phải
làm và nói được như thánh Phaolô : “Khốn
cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng, tự ý làm thì tôi có công, còn ngoài ý
tôi, thì Chúa đã ký thác cho tôi” (1Cr 9,16b-17) ; “tôi có sự thật về Đức Ki-tô không ai bịt miệng tôi được” (2Cr
11,10). Không chỉ là nói Lời Chúa mà còn không câm miệng trước sự thật, người
Tông Đồ phải mang trách nhiệm bảo vệ sự thật, bảo vệ những người thấp cổ bé
miệng khi bị trù dập. Hãy noi gương thánh Gioan Bt, khi ông phản đối vua Hêrôđê
cướp vợ anh mình, ông chấp nhận mất đầu! (x Mc 6,17t).
THUỘC LÒNG.
Giáo dân có thể và phải có một hoạt động
cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả những lúc họ bận tâm lo lắng
việc trần thế (HCHT số 35).
http://phaolomoi.net
Linh mục
GIUSE ĐINH QUANG THỊNH