BÀI GIẢNG
HÀNH
TRANG NGƯỜI TÔNG ĐỒ ĐỨC KITÔ
Đức Giêsu muốn tất
cả người Công Giáo phải làm Tông Đồ cho Ngài khởi đi từ lúc lãnh Bí tích Thánh
Tẩy. Mà muốn chung đường truyền giáo với Đức Giêsu, thì phải thống nhất chương
trình hành động với Ngài để cứu độ muôn dân. Chính vì thế mà ông Gioan Bt, cũng
như các môn đệ đều phải mở đầu lời giảng giống Thầy Giêsu : “Nước Trời đã gần bên” (Mt 3,2 = Mt 4,17
= Mt 10,7 : Tin Mừng). Nước Trời đến để biến dữ ra lành, chết ra sống, tội ra
ơn. Thánh Phaolô nói : “Ở đâu tội lỗi
tràn đầy, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20).
Chân
lý này đã được diễn tả nơi lòng nhân ái của ông Giuse, con trưởng chính thức
của ông Giacob, dù ông Giuse đã bị các anh cùng cha khác mẹ tìm mưu tính kế
thâm độc để loại ra khỏi gia đình. Nhưng Chúa ra tay cứu ông : đáng lẽ Giuse bị
các anh giết, thì anh Rưuvên lại đề nghị nhốt Giuse dưới giếng cạn, nhưng anh
Giuđa đề nghị đợi người Madian đi qua bán cho họ với giá nô lệ, rồi họ bán ông
Giuse cho ông Phutipha, người Ai Cập. Thay vì ông Giuse làm nô lệ, ông lại
được ông chủ đặt làm quản gia. Ngày kia
khi ông Phutipha vắng nhà, vợ Phutipha đòi làm tình với Giuse, ông chống lại và
bỏ trốn, cuối cùng cũng bị bắt nhốt vào tù ; Đáng lẽ Giuse bị chết rũ tù, thì
lại được làm cai tù ; Rồi vì nhờ ông Giuse giải mộng cho vua Pharaôn, được vua
cất nhắc làm tể tướng đế quốc Ai Cập, trao cho ông Giuse việc coi kho lương
thực của đế quốc.
Những
biến cố buồn vui dồn dập xảy đến cho ông Giuse như thế, khiến ông Phaolô kết
luận : “Với ai yêu mến Thiên Chúa, được Ngài đồng công cộng tác, biến mọi sự ra
lành” (Rm 8,28a). Ông Giuse nhận ra bàn tay Chúa thương và gìn giữ, ban
cho ông có chức quyền, lý ra ông phải trả thù các anh đã hại ông, thế nhưng khi
các anh nhận diện người vị vọng này là Giuse, họ hoảng sợ sụp lạy trước mặt
Giuse xin tha mạng, nhưng ông Giuse trấn tĩnh các anh và ôn tồn nói : “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận, vì đã
bán tôi sang đây : chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gởi tôi đi
trước anh em” (x St 44,18-29 ; 45,1-5 : Bài đọc năm lẻ).
Ông
Giuse tỏ ra quá nhân ái đối với các anh hại mình như thế, nhưng vẫn còn thua xa
Đức Giêsu, vì có nhiều kẻ ghen tỵ thấy Đức Giêsu làm và dạy được dân chúng ca
tụng, Ngài tỏ ra có uy quyền chứ không như các kinh sư của họ. thế là là họ
quyết phải loại trừ, tìm mưu tính kế cáo gian với phe cánh Hêrôđê để đóng đinh
Ngài trên thập giá, nhưng ba ngày sau Ngài phục sinh, lại ban dồi dào ân sủng
nhiều hơn cho những kẻ đã xúc phạm đến Ngài, vì Ngài muốn đưa cả loài người tội
lỗi vào hưởng phúc trường sinh trong Nước Thiên Chúa. Nên Ngài nói : “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15 : Tung Hô Tin Mừng). Khi Đức Giêsu
sai các môn đệ lên đường truyền giáo, Ngài đã ban cho các ông quyền năng “làm
cho kẻ liệt được lành, kẻ chết được sống lại, người phung hủi được tẩy sạch,
xua trừ ma quỷ” (x Mt 10,8a : Tin Mừng). Ai được các môn đệ chữa lành bệnh
tật, đều nhận ra các ông đã dùng quyền năng Chúa ban mà tha tội cho. Đây là ơn
nhưng không do công nghiệp cứu chuộc của Chúa Giêsu thực hiện qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Như Ngài nói : “Các ngươi đã không công mà được thì cũng hãy
cho không” (Mt 10,8b : Tin Mừng).
Ơn
nhưng không Chúa ban đã hé mở từ tổ phụ Giacob : Có một người đã đấu với ông
mãi tới hừng đông ló rạng, người ấy thấy không thắng nổi Giacob, thì đạp vào
hông Giacob, nên làm ông bị trật xương hông. Người lạ mặt nói : “Buông ta ra vì trời đã sáng”, nhưng ông
Giacob nói : “Tôi sẽ không buông Người
ra, trừ phi là Người chúc lành cho tôi”. Người ấy liền đổi tên Giacob thành
Israel,
vì Giacob đấu với Thiên Chúa và cũng như với người ta và đã thắng (x St
32,25-29). Vì thế dòng tộc Giacob dù bị đế quốc Ai Cập trù dập, Chúa cũng đưa
họ thoát cảnh nô lệ. Cả đến Ephraim, em ông Manassê, là con của Giuse, cháu nội
ông Giacob (x St 41,51), đã được ông nội nhận làm con trưởng và đặt tay ban
phúc lành mà Chúa đã hứa cho từ tổ phụ Abraham (x St 22,17-18 ; St 48). Do đó
Chúa chăm sóc Ephraim như chăm sóc con ruột của ông Giacob (Israel), như
Chúa nói : “Ta tập đi cho Ephraim, đã đỡ
nâng cánh tay nó, Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta
xử với chúng như người nựng trẻ thơ , nâng lên áp vào má ; Ta cúi xuống gần nó
mà đút cho nó ăn. Ta không đành lòng trao nộp ngươi cho kẻ thù, trái tim Ta
thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi, Ta là Chúa chứ không phải người phàm” (Hs
11,1-9 : Bài đọc năm chẵn). Chúa có lòng xót thương trên nhà Giacob như thế, đó
là dấu chỉ Ngài tỏ lòng thương xót cả loài người, bằng cách Ngài chọn 12 Tông
Đồ và sai họ đi ban phát ơn cứu độ, hơn xưa Chúa đã chăm sóc dòng tộc Israel.
Đó là cách “Chúa mới tỏa ánh Tôn Nhan
rạng ngời để mọi người được cứu độ” (Tv 80/79, 4b : ĐC năm chẵn). Vậy “hãy nhớ lại những kỳ công Chúa đã thực hiện”
(Tv 105/104,5a : ĐC năm lẻ).
Tuy
nhiên người Tông Đồ của Chúa chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh Chúa trao một khi
các ông ý thức thực hành những chỉ thị Chúa dạy trên đường truyền giáo :
1/ Không tham tiền, nên “đừng chuốc lấy vàng lấy bạc
hay tiền đồng hòng vặn thắt lưng” (Mt 10,9) : Làm việc Tông Đồ cho Đức Kitô
không phải là chuyện thương mại kiếm lời vật chất, mà vì yêu Chúa, yêu đồng
loại, đã nhận ơn nơi Chúa không công mà được, thì cũng phải cho đi không.
2/ Không bao bị, vì người Tông Đồ chính là người quản lý
trung trực của Thiên Chúa, bất cứ lúc nào Chúa đến cũng gặp thấy nó đang chia
sẻ đúng lúc và phải thời (Lc 12,42). Bởi thế không mang bao bị để thu tích của
cải riêng cho mình.
3/ Không
mặc hai áo, vì đã chia sẻ như ông Gioan Bt dạy : “Ai có hai áo hãy chia cho người không có và kẻ có của ăn cũng phải làm
như thế”(Lc 3,11). Chỉ giữ lại cho mình của cải để có điều kiện phục vụ đạt
hiệu quả cao, chớ tích trữ của để làm giàu, vì nó sẽ lấp mắt không nhận biết
Thiên Chúa (x Cv 30,8).
4/ Không mang giày dép. Vì khi thi hành
sứ mệnh Chúa trao, nếu gặp nguy hiểm, đã có Ngài bảo vệ. Đó cũng là lý do khi
Chúa gọi ông Môsê lãnh đạo dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, ông đến với Chúa, Ngài
bảo ông phải bỏ dép ra (x Xh 3,5).
5/ Không gậy gộc. Chính là không dùng
quyền bính theo thói đời để đe nạt người khác, mà dùng Lời Chúa để giáo dục,
nuôi dưỡng, bảo vệ đồng loại. Vì “Lời
Chúa phán ra là cây gậy đánh cường
bạo” (Is 11,4b : bản dịch NTT). Người Tông Đồ của Đức Giêsu có trải nghiệm
này như lời kinh đọc : “Cây gậy Ngài bảo
vệ còn vững dạ an tâm” (Tv 23/22,4).
6/ Thợ đáng được của nuôi ăn, nên khi “bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò
hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng” (Mt 10,11a). Người xứng đáng là người
khao khát chân lý, môn đệ giảng Lời cho
loại người này, thì chắc chắn được đãi ngộ. Vì chủ chăn nào hết lòng lo
việc Nước Thiên Chúa, thì giáo dân sẵn sàng “móc mắt dâng” (x Gl 4,15). Chính
Chúa cũng ưu đãi mục tử nào chu toàn sứ mệnh tư tế và ngôn sứ. Ngài nói : “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế” (Gr
31,14). Đó là quyền được hưởng vì sứ mệnh. Tuy nhiên có những trường hợp để
khỏi gây cớ vấp phạm, hãy bắt chước ông Phaolô “đem Tin Mừng biếu không, khiến đừng có bận tâm quyền được hưởng
nhờ Tin Mừng” (1Cr 9,18).
Tóm lại, đời sống Tông Đồ phải bắt chước
sống nghèo như Đức Giêsu. Thánh Phaolô nói : “Làm sao anh em trở nên giàu có như Đức Ki-tô, mà vì chúng ta, Người đã
trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Ngài mà chúng ta được trở nên giàu
có” (2Cr 8,9). Làm cho người anh em được giàu không phải chỉ là giàu của
cải vật chất, mà giàu Thiên Chúa, giàu ơn Ngài. Vì sứ mệnh chính của Hội Thánh
là đưa Chúa cho đồng loại chứ không phải chỉ nhắm đưa của cải vật chất. Thế nên
ông Phêrô đã nói với anh què ngồi ở cửa Đền Thờ ngửa tay xin tiền : “Vàng bạc
thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, người Nazareth,
anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,1-6). Bởi thế, cuối đời phục vụ của Tông Đồ
Phao-lô, ông nói với các tín hữu : “Tôi
xin phó thác anh em cho Chúa và cho Lời ân sủng. Lời có sức ban cho anh em phần
cơ nghiệp” (Cv 20,32).
7/ Đi phục vụ ở đâu là do Bề trên chỉ định,
cho nên “hãy ở lại đó cho đến lúc ra
đi” (Mt 10,11b : Tin Mừng). Có nghĩa là không lân la kiếm chác, đứng núi nọ
đứng núi kia cao. Việc Tông Đồ chỉ có giá trị khi đến đúng nơi làm đúng việc Bề
trên đã chỉ định. Thánh Phaolô nói : “Làm
sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm
sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được
sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!”
(Rm 10,14-15).
Chính
vì vậy mà cả đến thánh Phaolô, dù ông đã được trực tiếp học giáo lý với Chúa ở
Ả Rập ba năm, sau đó ông phải về hiệp thông với các thủ lãnh là ông Phêrô, và
ông Giacôbê làm giám mục Giêrusalem. Ông Phaolô nói : “Tôi lên Giêrusalem tham kiến ông Phêrô rồi lưu lại với ông ấy 15 ngày,
tôi cũng gặp cả ông Giacôbê, tôi gặp các vị đó nhân một mạc khải, và tôi đã
trình bày cho họ về Tin Mừng tôi rao giảng, kẻo mình xưa nay đã từng bôn ba mà
lại ra vô ích” (x Gl 1,18-19 ; Gl 2,2).
8/ Loan báo Tin Mừng luôn phát sinh
sự bình an. Đức Giêsu
nói : “Nếu nhà nào xứng đáng thì bình an
các ngươi chúc sẽ đến trên nhà ấy, nhược bằng nhà ấy không xứng đáng, thì bình
an các ngươi chúc, sẽ trở về với các ngươi” (Mt 10,13: Tin Mừng). Đây là
điều lợi nhất, vì việc loan báo Tin Mừng không bao giờ vô ích, đó là nguyên lý
phát sinh sự bình an, “chính Chúa là sự
bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
Bởi
thế, sau mỗi Thánh Lễ, Chủ tế hay Phó tế cất tiếng nói : “Lễ đã xong, chúc anh chị em ra đi bình an”, có nghĩa là ra đi để
loan báo Tin Mừng, làm cho Lời Chúa trong Thánh Lễ được lan rộng tới nhiều tâm
hồn mà ta gặp gỡ trên đường đời, có thế mới đáng được lãnh nhận phúc bình an
của Chúa trong Thánh Lễ.
9/ Không toa rập theo lối sống người vô
đạo, không chiều theo ý người đời. Đức Giêsu nói : “Ai không đón nhận các ngươi và không nghe lời các ngươi, thì hãy ra
khỏi nhà hay thành ấy và rũ bụi chân” (Mt 10,14). Hành động này là phong
tục của người Do Thái từ đất dân ngoại về miền đất mẹ, không để bụi dân ngoại
bám vào, chứng tỏ dù sống với người ngoại, nhưng không nhiễm lây lối sống thờ
ngẫu tượng của dân ngoại. Cũng không chiều theo lối sống của người đời, họ
không thiết tha nghe Lời Chúa mà chỉ tìm của cải vật chất. Gặp hoàn cảnh như
thế vẫn kiên trì giảng dạy, như Đức Giêsu biết đoàn lũ đông đảo đến với Ngài,
chỉ vì muốn được Ngài cho của cải vật chất, nhưng Đức Giêsu lại hết lòng giảng
về mầu nhiệm Thánh Thể, khiến cả đoàn lũ, có cả một số môn đệ Đức Giêsu, hết
thảy đều bỏ đi, nhưng Ngài không ân hận, vì bài giảng! (x Ga 6,22-66). Có lúc
Đức Giêsu giảng liên tục tới ba ngày, người ta phải bỏ việc, bỏ ăn, bỏ ngủ để
nghe (x Mt 15, 32). Như thế, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh : người giảng có quyền
bắt người khác phải nghe, và giáo dân cũng phải quảng đại đến nghe Lời Chúa.
Thánh Phaolô đã sống chân lý này, cụ thể ông đến Trôa giảng suốt đêm, làm anh
Êutykhô từ lầu ba ngủ gật nhào đầu xuống đất, ông Phaolô đến ôm xác anh và nói
với cộng đoàn : “Đừng xôn xao vì hồn vẫn
còn trong nó”. Bởi lẽ ông Phaolô đã quyết “nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là nô lệ của Đức
Kitô” (Gl 1,10), nên ông lên tiếp
tục giảng cho đến sáng. Vì ông Phaolô tin Lời Chúa làm cho người ta sống, nên
khi tan Lễ, anh cũng chỗi dậy vui vẻ cùng ra về với mọi người (x Cv 20,7t).
10/ Ai không nghe Lời Chúa do các Tông Đồ
giảng, thì nặng tội hơn dân Sôđôma cuồng dâm. Đức Giêsu đã khẳng định như thế, Ngài
nói với các môn đệ : “Thầy bảo thật anh
em, trong ngày phán xét đất Sôđôm và Gômôra còn dược xét xử khoan hồng hơn
thánh đó” (Mt 10,15 : Tin Mừng). Ta biết dân ở Sôđôma phạm tội xác thịt bất
thường : nam với nam, nữ với nữ, Chúa thịnh nộ tung lửa trời xuống thiêu rụi
thành phố và các thành lân cận (x St 19). Người đời cho tội mê đắm xác thịt là
nặng nề nhất, nhưng Đức Giêsu lại khiển trách các thượng tế và hàng niên trường
chống đối Lời Ngài dạy : “Tôi bảo các ông những người thu thuế và
những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21,23a.31b).
Vậy
ai thực hành mười chỉ thị Đức Giêsu đã dạy trên, người ấy mới thực là môn đệ
chính danh của Ngài để làm vinh danh Thiên Chúa, như Ngài nói với các môn đệ :
“Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh
em sinh nhiều hoa trái, và như thế mới trở thành môn đệ của Thầy” (Ga
15,8).
THUỘC
LÒNG
Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng
không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm.
Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới
đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên
Chúa giao phó (1Cr 9,16-17).
http://phaolomoi.net
Linh
mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH