BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Ep 2, 19-22
19 Thưa anh em, anh em không còn
phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người
thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa,20 bởi đã được xây
dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính
Đức Ki-tô Giê-su.21 Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn
khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa.22 Trong
Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi
nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
ĐÁP CA: Tv 18A
Đ. Tiếng các
ngài đã vang dội khắp hoàn cầu. (x c 5a)
2 Trời xanh tường thuật vinh quang
Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. 3 Ngày qua mách
bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia.
4 Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe
thấy âm thanh, 5ab mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp
loan đi tới chân trời góc biển.
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Lạy Thiên Chúa,
chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông
Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 6, 12-19
12 Trong những ngày
ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng
Thiên Chúa.13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai
ông và gọi là Tông Đồ.14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô,
rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an,
Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô,15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông
An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê,
và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các
ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và
đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải
Tia và Xi-đôn18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh
tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành.19 Tất
cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra,
chữa lành hết mọi người.
BÀI GIẢNG
CÓ CHÚA GIÊSU MỚI SỐNG THỰC
Hôm nay Hội Thánh kính hai thánh
Tông Đồ Si-mon và Giu-đa. Ông Si-mon có biệt danh là Nhiệt Thành, có lẽ ông là
người thuộc nhóm cực đoan, muốn dùng vũ lực chống Roma, còn ông Giu-đa cũng có
tên là Ta-đê-ô, là tác giả thư cuối cùng trong bảy Thư Công Giáo. Ông là người
hỏi Đức Giê-su trong bữa ăn tối: “Thưa Thầy, tại sao Thầy tỏ mình cho chúng
con mà không tỏ cho thế gian”, và ông đã nhận được Lời Chúa hứa: “Ai yêu
mến Thầy, thì Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và
ở lại với người ấy” (Ga 14,22-23).
Chưa bao giờ Đức Giê-su phải thức
suốt đêm để cầu nguyện, ngoại trừ lúc Ngài chọn các môn đệ, để sai họ đi tiếp
nối sứ mệnh của Ngài, hầu thâu họp muôn người về cho Chúa. Vì “ai có Chúa Giê-su thì sống, kẻ không có Chúa
Giê-su là chết!” (1Ga 5,12). Do đó
-
Con
người chỉ tồn tại nhờ được Chúa gọi tên (x Kn 11,25: Bản dịch NTT).
-
Đụng
chạm vào Chúa Giê-su chính là hiệp thông với Hội Thánh.
1/ CON NGƯỜI CHỈ TỒN
TẠI NHỜ ĐƯỢC CHÚA GỌI TÊN (x Kn 11,25).
Thực vậy, trong danh sách 12 môn
đệ Đức Giê-su chọn, họ là những người bình thường như bao người khác, thế nên
danh sách Nhóm Mười Hai có tới ba cặp tên trùng nhau :
-
Simon
em của An-rê và Simon Nhiệt Thành.
-
Gia-cô-bê
anh của Gioan và Gia-cô-bê con của An-phê.
-
Giuđa
Nhiệt Thành và Giuđa Iscariot.
Sau khi Đức Giê-su cầu nguyện, sáng
sớm Ngài gọi những người muốn chọn, họ có tên bình thường như bao người khác
Xoài, Ổi, Mít,Chanh, Cam (x Lc 6,12-16)… Nếu Đức Giê-su không chọn gọi họ, thì
nay “họ
đã qua đi như không bao giờ có họ trên đời, bởi không người nào trên đời còn
nhớ đến họ, họ xong đời là xong hẳn, và cả con cái họ sau này cũng thế thôi!” (Hc 44,9) Nhưng danh tính, sự nghiệp các môn đệ Đức
Giê-su chọn vẫn còn lưu danh muôn thuở,
chỉ vì Đức Giê-su đã gọi họ từ trong thế gian và họ không còn thuộc về thế gian
nữa (x Ga 17,6.15), để rồi đi tập họp mọi sự về cho Chúa, như lời thánh Phao-lô
nói: “Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa Ki-tô, Chúa Ki-tô thuộc về
Chúa Cha” (1Cr 3,22-23).
2/ ĐỤNG CHẠM VÀO
CHÚA GIÊ-SU CHÍNH LÀ HIỆP THÔNG VỚI HỘI THÁNH.
Sau khi Đức Giê-su cầu nguyện để
chọn các môn đệ và từ trên núi xuống, có cả đoàn lũ dân Do Thái miền Giu-đê,
Giê-ru-sa-lem cùng với dân ngoại miền Tia và Xi-đôn, cả các bệnh nhân cũng lũ lượt
kéo đến nghe Lời Đức Giê-su, và các bệnh nhân được chữa lành ; cả đến các người
bị thần ô uế nhập, cũng tìm cách sờ vào Đức Giê-su, thì họ được lành mạnh ngay
(x Lc 6,17-19: Tin Mừng). Hình ảnh này
đã tiên báo về đời sống Hội Thánh Chúa Ki-tô, bởi vì từ núi Sọ, nơi Đức Giê-su
bị đóng đinh, Ngài đã cầu nguyện cho cả kẻ hại Ngài được cứu độ, và từ cạnh
sườn Ngài bị đâm, nước và máu đổ xuống phát sinh các Bí tích, đó chính là giờ
phút Adam cuối cùng sinh Hội Thánh (x Ga 19). Như thế hình ảnh từ trên núi đi
xuống trở thành dấu chỉ Đức Giê-su từ cõi chết sống lại, trước khi Ngài lên
Trời, Ngài sai các môn đệ đi tập họp muôn dân bằng hai việc: ban Thánh Tẩy và dạy dân những Lời Đức Giê-su
truyền (x Mt 28,19-20). Ai gia nhập Hội Thánh là người đó được Đức Giê-su chộp
lấy (x Pl 3,12). Những ai thuộc về Hội Thánh Chúa Ki-tô thì thánh Tông Đồ nói: “Anh em
không còn phải là người xa lạ, hay là người tạm trú, nhưng là người đồng hương
với những người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây
dựng trên nền móng là các Tông Đồ và
ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Chúa Ki-tô Giê-su. Trong Người toàn thể
công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong
Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác
thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2,19-20: Bài đọc).
Trong đoạn thư này thánh Phao-lô
nhấn mạnh: người được Chúa chọn là người
đồng hương, là người nhà của Thiên Chúa, là ông muốn cho các tín hữu hiểu rằng: Chúa sẽ ra sức bảo vệ mạng sống họ, đến nỗi
sợi tóc trên đầu của họ cũng không bị mất! (x Mt 10,30) Điều này quan trọng hơn
ông Phao-lô vốn dĩ là người Do Thái, nhưng để việc rao giảng Tin Mừng tránh
người Do Thái trù dập tối đa, Phao-lô đã lấy được quốc tịch Roma để bảo vệ ông.
Vì ai thuộc về công dân Roma, thì không người nào được quyền đánh họ trên 39
roi! Chính vì vậy mà năm lần ông bị người đồng chủng đánh không quá 39 trượng! Nhiều
người Do Thái thấy thế thèm, nên hỏi ông Phao-lô: “Phải
tốn bao nhiêu tiền mới có quốc tịch ấy?” (x Cv 22,28 ; 2Cr 11,24-25). Còn
người Công Giáo chẳng mất xu nào mà có quốc tịch Nước Trời, để cùng với muôn
tạo vật diễn tả vinh quang Thiên Chúa, đúng với lời kinh: “Tiếng
các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu” (Tv 19/18A,1-5: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Con người chỉ tồn tại nhờ được Chúa gọi tên (Kn 11,25)