BÀI GIẢNG
CẦU
NGUYỆN LÀ XIN ĐƯỢC CỘNG TÁC VỚI CHÚA GIÊSU
THỰC
HIỆN Ý CHA TRÊN TRỜI
Đức Giêsu dạy
chúng ta cầu nguyện xem ra nghịch với khát vọng mọi người. Vì hầu hết người ta
đến với Chúa chỉ mong được Ngài đáp cứu những nhu cầu họ đang cần, chứ hiếm có
ai cầu nguyện mà quan tâm đến việc làm vinh danh Chúa! Thế mà Đức Giêsu lại ưu
tiên dạy cầu nguyện : “Xin làm cho danh
thánh Cha vinh hiển“ (x Mt 6,9-10 : Tin Mừng). Sau đó Ngài mới dạy xin cho
nhu cầu của “chúng con” (x Mt 6,11-13 : Tin Mừng). Vì “chúng con” nhờ được tái sinh trong Bí tích Thánh Tẩy, đã
trở nên Hiền Thê của Đức Giêsu Kitô (x 2 Cr 11,2 : Bài đọc năm lẻ). Mà trong
đời sống vợ chồng mỗi người chỉ có thể bày tỏ tình yêu của mình qua ý hướng :
nói gì, làm gì, ưu tiên dành cho người bạn trăm năm được vinh dự nhất. Muốn thế
phải thực hành Lời Chúa, chứ không thể bắt chước bà Eva nghe quỷ xúi giục làm
theo ý nó, rồi bà lại xúi Adam chồng mình cũng làm theo. Thế là họ cùng nhau
gạt bỏ Lệnh Chúa truyền, hậu quả là làm cho cả dòng giống nhào xuống hố tử thần
(x St 3). Do đó thánh Phaolô nói : “Tôi
sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối Eva thế nào, thì nay chính
lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy”
(2Cr 11,3). Bởi vì “người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4b).
Để hiểu nội
dung lời cầu nguyện mà Đức Giêsu dạy trong Kinh Lạy Cha, ta hãy tìm hiểu từng
điều Ngài dạy :
A. TRƯỚC NHẤT PHẢI ƯU TIÊN CẦU NGUYỆN :
XIN CHO DANH CHÚA HIỂN VINH.
“Lạy”: Động từ này
được đặt ở đầu lời cầu nguyện, để khẳng định người ta chỉ thờ phượng một Thiên Chúa mà thôi, vì Ngài là Cha, Đấng
thấu suốt mọi sự.
v “Cha”: Là tiếng con nít bắt đầu trong đời nó bập bẹ với
người nuôi dưỡng nó. Thời gian đó, nó cứ bám chặt lấy người âu yếm nó. Thánh
Phaolô xác tín với các tín hữu : “Anh em đã nhận được Thần Khí làm cho nên
nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên rằng “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15bc : Tung Hô Tin Mừng). Nghĩa
là chính Thánh Thần làm cho ta bám chặt vào Thiên Chúa là Cha như thể trẻ thơ
không thể rời xa cha mẹ nó!
v “Chúng con”: Người Do Thái tự hào Thiên Chúa chỉ nhận dân tộc
họ là con, nên chỉ có dân này được phúc gọi Thiên Chúa là Cha, còn dân ngoại
được Chúa coi như loài chó mà thôi (x Mt 15,26). Trong kinh Lạy Cha, Đức Giêsu
mở rộng liên hệ Ngài với loài người, cũng như xác định rõ và đầy đủ hơn: Thiên
Chúa là Cha thật của mọi loại người trong Hội Thánh. Bao lâu cả loài người trở
thành người Công Giáo chân chính, thì bấy giờ ai cũng nhìn nhận nhau là anh em
con một Cha trên trời, một Thầy dạy duy nhất là Đức Giêsu Kitô (x Mt 23,8-10).
Lúc ấy chắc chắn có hòa bình thực sự trên trái đất, thế giới này là Thiên Đàng.
v “Đấng ngự trên trời”: Là Thiên Chúa toàn năng, cao cả trổi
vượt trên triều đình thần thánh, Ngài là Chúa muôn loài, Ngài thấu suốt lòng dạ
mọi người.
v “Danh thánh Cha”: Thánh là tách biệt, khác lối sống
phàm nhân không thuộc về Chúa, như Đức
Giêsu thưa với Chúa Cha về các môn đệ : “Con
đã ban cho chúng Lời của Cha và thế gian đã
ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc
về thế gian” (Ga 17,14). Đối với Thiên Chúa, Danh Ngài là Thánh, nghĩa là Danh
Cha trên trời khác và hơn hết muôn loài hữu hình và vô hình, Danh Chúa diễn tả
bản tính của Ngài :
·
Tự Hữu : không bởi đâu sinh ra.
·
Hằng Có :
trường tồn, không khởi sự, không tận cùng.
·
Tòan Năng :
biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, chết ra sống.
·
Thấu suốt mọi sự : ngay cả các điều thâm sâu trong
lòng người, dù chưa tỏ lộ.
·
Khôn Ngoan : mọi đường lối của Chúa đều ngay thẳng,
hoàn hảo hết ý.
·
Chân Lý : ngoài Thiên Chúa không có sự thật.
·
Thánh thiện : không vết tỳ ố.
·
Sự Sống : mọi
vật có sự sống đều do Thiên Chúa ban cho.
·
Tình Yêu : Ngài là Tình Yêu, vô vị lợi, luôn ban
điều thiện hảo mà không nhận lại điều gì
v “Hiển vinh”: Hiển là lộ ra khi loài người nhận biết phạm trù
danh thánh Cha như trên. Càng nhiều người nhận biết danh thánh Cha, thì Cha
càng lộ ra vinh hiển. Nhưng vì Chúa yêu thương loài người, Ngài muốn lệ thuộc
vào ta khi ta trở nên Tông Đồ của Đức Kitô (x Ga.15,8). Thánh Irênê nói : “Vinh quang Thiên Chúa là cộng lại những
người được Chúa Giê-su cứu độ”.
v “Triều đại Cha mau đến”: Một cộng đoàn dân tộc đi lên hay đi
xuống, tùy thuộc vào triều đại (hay chính thể) của dân tộc ấy. Ví dụ dân tộc
Việt Nam,
dưới triều đại vua Quang Trung khác triều đại Hồ Chí Minh : người dân được vươn
lên tự do hạnh phúc hay sống cảnh sợ hãi, mất hết quyền mà không ai dám mở
miệng. Do đó dân tộc Việt Nam
có trải nghiệm về sự khác biệt giữa các triều đại. Vậy “triều đại Cha mau đến”, để khẳng định rằng : Hội Thánh Công Giáo
được sinh ra từ cạnh sườn Đức Giêsu bị đâm trên thập giá, đó chính là Nước
Thiên Chúa khai diễn cho con người được cứu độ. Bởi đó Chúa muốn mọi dân mọi
nước mau trở thành dân Ngài trong Hội Thánh Công Giáo, là đoàn chiên của Mục Tử
Giêsu nhân lành, chỉ có Mục Tử Giêsu mới cho đoàn chiên sự sống dồi dào như
Thiên Chúa và được gìn giữ chở che, không sự dữ nào cướp khỏi tay quyền năng và
yêu thương của Thiên Chúa được (x Ga 10,27-30).
v “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”: Hy vọng vào
Nước Trời mai sau được hạnh phúc như thế nào, thì hãy thể hiện niềm tin ấy
trong cuộc sống hôm nay. Cụ thể Thánh Lễ là thực tại phúc lộc trên trời được
thể hiện trên trái đất. Do đó ta đi dự Lễ là được tiên thường dự tiệc Nước
Thiên Chúa. Nói cách khác, Nước Trời khởi đi từ cuộc sống trần thế mỗi khi Hội
Thánh dâng Lễ, và viên mãn trong ngày cánh chung.
B. PHẦN THỨ HAI ĐỨC GIÊSU DẠY : XIN CHO
NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI.
v “Lương thực hằng ngày”: Chúa muốn mọi người được sống đời
đời, nhờ Chúa ban năm lương thực :
1.
Sống nhờ Đức Tin (x Rm.1,17).
2.
Sống nhờ thi hành Lời Chúa (x Mt.4,4 ; Ga 4,34).
3.
Sống nhờ Thánh Thể (x Ga.6,35).
4.
Sống nhờ Đức Mến thể hiện bằng tấm lòng sám hối
tội mình và được kết hợp với Chúa Giêsu (x Lc 23,43).
5.
Sống nhờ của cải vật chất không thừa, không
thiếu (x Cn.30,8-9).
Năm
nguồn sống này đã được diễn tả qua năm chiếc bánh Đức Giêsu dùng để nuôi trên
năm ngàn người ăn no mà vẫn còn dư (x Mt 14,13-21).
v “Xin tha tội chúng con, như con tha cho kẻ có lỗi với con”: Ta xúc phạm
đến Chúa là tội nặng nề hơn đồng loại xúc phạm đến ta. Đồng loại xúc phạm đến
ta chỉ là lỗi. Ta có tha thứ lỗi cho đồng loại cũng chẳng đáng giá gì so với
Chúa tha tội cho ta. Chân lý này đã diễn tả qua dụ ngôn người tôi tớ mắc nợ vua
mười ngàn nén vàng, tương đương với 60 triệu ngày công, vì tiền công nhật được
quy là một quan (x Mt 20,2). Nếu làm tối đa một năm 300 ngày, thì phải mất 200
ngàn năm ngày công, đã được vua tha bổng. Khi ra về anh gặp bạn chỉ nợ có 100
quan, tương đương với 100 ngày công (gần bốn tháng), anh bạn này không xin tha
mà chỉ xin khất, thế mà kẻ được vua tha nợ lại tóm lấy bạn tống vào ngục! Vua
nghe được cho gọi tên nợ lại và cho tống giam, vì vua đã tha cho anh một số nợ
khổng lồ, trong khi đó anh lại không cho bạn khất một số nợ chẳng đáng là bao!
(x Mt 18,23-35 - theo Chú Giải của TOB). Đúng là “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương”
(Tv 103/102,8). Vì lý do này mà trước khi hối nhân vào tòa Giải Tội và trước
lúc rước Lễ, Hội Thánh đòi buộc phải đọc kinh Lạy Cha.
v “Đừng để chúng con sa chước cám dỗ”: Đừng để
chúng con là người Công Giáo được đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể mà lại ra tồi
tệ hơn. Bởi thế trong Thánh Lễ, trước khi chủ tế rước Chúa, thì phải cúi mình
đọc thầm : “Lạy Chúa Giêsu Kitô,Con Thiên
Chúa hằng sống, bởi thánh ý Chúa Cha và nhờ sự hợp tác của Chúa Thánh Thần,Chúa
đã chết để ban cho thế gian được sống, xin dùng Mình và Máu Thánh Chúa đây cứu
con khỏi mọi tội lỗi và mọi sự dữ, xin cho con hằng tuân giữ Giới Răn Chúa và
đừng để con lìa xa Chúa bao giờ”. Kìa ma qủy đã dùng Lời Chúa mà cám dỗ Đức
Giêsu phạm tội nghịch với ý Chúa Cha. Nhưng Đức Giêsu đã được Thánh Thần hướng
dẫn dùng Lời Chúa đánh gục Satan trong cả ba lần chúng cám dỗ Ngài, thì ta cũng
xin Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn ta biết sống Lời Chúa, như Lời Ngài dạy : “Chúa sẽ ban Thánh Thần cho những ai kêu xin
Người” (x Mt.4,1–11 ; Lc 11,13). Vì qua Bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được
tái sinh để thuộc về dòng giống Thiên Chúa, không còn là dòng giống của Adam,
Eva, một dòng giống bị Satan hướng dẫn chống lại lệnh Chúa, khác hẳn Đức Giêsu
tấn công Satan bằng Lời Chúa (x St 3 so với Mt 4).
v “Xin cứu chúng con khỏi sự dữ”: Vì Thiên
Chúa là Cha toàn năng, giàu lòng thương
xót, chỉ có Ngài biến dữ ra lành, biến tội ra ơn, biến chết ra sống cho ai biết sám hối tội mình xin Chúa xót thương và
xin được theo Ngài (x Ep 2,4 ; Lc 23,39- 43).
Để việc cầu
nguyện sinh hiệu quả, ta cần lưu ý về cách thức cầu nguyện, Hội Thánh dạy ta :
“Việc cầu nguyện phải đi đôi với việc
đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng ta
ngỏ lời với Chúa khi cầu nguyện và chúng ta nghe Ngài lúc chúng ta đọc Thánh
Kinh” (Hiến Chế Mạc Khải số 25). Nhưng phải đọc Thánh Kinh trong Hội
Thánh (x Hiến Chế Phụng Vụ số 7), phải hiểu cách cụ thể là chu toàn giờ kinh
Phụng Vụ đặc biệt là hiệp dâng Thánh Lễ. Bởi vì khi ta cầu nguyện trong Phụng
Vụ là được cùng với Hội Thánh dùng Lời Chúa chuyện vãn với Ngài để được “Thánh Thần lựa ý Thiên Chúa mà chuyển cầu
cho chúng ta” (Rm 8,26)
Thánh Phaolô muốn nhấn mạnh cho
chúng ta thêm lòng tin vào Lời Chúa khi ta đọc Thánh Kinh : “Anh em chịu lấy Lời Thiên Chúa nghe tự chúng
tôi, anh em đã đón nhận lấy không phải như lời của những người phàm - mà đích
thực là thế - nhưng là Lời Thiên Chúa và Lời ấy đang thi thố quyền năng nơi anh
em là những kẻ tin” (1 Tx 2,13). Thánh Tông Đồ xác tín như thế vì ngài dựa
vào lời ngôn sứ Isaia : “Lời Chúa thấm
vào lòng người phát sinh sự sống, khách quan và hiệu quả hơn nước mưa thấm vào
lòng đất nảy sinh cây cối và côn trùng” (x Is 55,10-11). Thậm chí tảng đá
không thấm nước, nhưng nếu nước cứ đổ xuống dầm dìa nhiều ngày, thì sự sống tối
thiểu cũng xuất hiện, đó là rêu xanh ! Thế thì Lời Chúa nếu thấm vào lòng
người, dù chai đá đến đâu, chắc chắn cũng được
biến đổi và sinh sự sống mới.
Sau khi chúng ta đã tìm hiểu kinh Lạy
Cha, cho ta xác tín : Cầu nguyện như Đức Giêsu dạy là cộng tác với Ngài để
cùng thực hiện chương trình cứu độ loài người Chúa Cha trao phó. Chân Lý
này dựa vào Hc 48, 1-14 (Bài đọc năm chẵn), minh chứng ngôn sứ Êlya thể hiện ý
Chúa, báo trước Đức Giêsu thực hiện chương trình cứu độ loài người:
- Ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào
ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng (Hc 48,1).
+
Đức Giêsu nói : “Tôi đã ném lửa vào trần
gian và nào tôi hằng mong ước, nếu nó đã được nhen lên” (Lc 12, 49)
- Ông Êlya dùng Lời của Đấng Tối Cao
mà làm cho một người chết sống lại, thoát khỏi tay tử thần và cõi âm ty (Hc
48,5).
+
Đức Giêsu làm cho ba người chết sống lại : con gái ông Giairô (Mc 5,35t) ; con
trai bà góa thành Naim (Lc 7,11t) ; Lazaro, em Matta và Maria (Ga 11).
- Ông Êlya đã đẩy các vua vào cõi
chết và xô người quyền thế xuống khỏi giường (Hc 48,6).
+
Đức Maria ca tụng Thiên Chúa lúc sai Con Ngài vào đời : “Chúa hạ kẻ quyền năng
khỏi ngôi báu, và suy tôn những người khiêm nhường” (Lc 1,52).
- Tại núi Sinai,
ông đã nghe lời khiển trách. Tại núi Khô-rếp, ông Êlya đã nghe án trừng phạt
(Hc 48,7).
+
Tại núi Sọ, Đức Giêsu nghe lời mọi người nguyền rủa (Mt 27,39t).
- Ông Êlya đã xức dầu tấn phong cho
các vua chúa để họ cầm quyền xét xử (Hc 48,8a).
+
Đức Giêsu trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho ông Phêrô (Mt 16,18 ; Ga 21,15t).
- Ông Êlya xức dầu cho các ngôn sứ
để họ tiếp nối sứ mệnh của ông (Hc 48,8b).
+
Đức Giêsu truyền cho các Tông Đồ nối tiếp sứ mệnh của Ngài là đi tập họp môn đệ
cho Ngài bằng cách ban Thánh Tẩy và dạy những điều Đức Giêsu đã truyền (Mt
28,19-20).
- Ông Êlya được rước lên Trời giữa
đám lửa cháy như cơn lốc (Hc 48,9).
+
Đức Giêsu được rước lên Trời có đám mây quyện lấy Ngài (Cv 1,9-12).
- Ông Êlya làm nguôi cơn giận của
Thiên Chúa trước khi cơn thịnh nộ bừng
lên, để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu, và tái lập các chi họ Giacob
(Hc 48,10).
+
Đức Giêsu khi bị treo trên thập giá, Ngài đã cầu nguyện cho kẻ hại Ngài, làm
nguôi cơn giận của Cha, hầu lôi kéo mọi
người lên cùng Cha (Lc 23,34 ; Ga 12,32).
- Phúc cho ai được nhìn thấy ông
Êlya và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa (Hc 48,11).
+
Ông Simeon và bà Anna được diễm phúc nhận ra Hài Nhi Giêsu là Đấng Cứu Thế, ông
Simeon bồng Hài Nhi và ước mong được về với Chúa trong bình an (Lc 2,25-40).
- Sau khi ông Êlya được rước lên
Trời, thì ông Êlysa được đầy Thần Khí của thầy (Hc 48,12a).
+
Đức Giêsu khi đã về Trời, Ngài hứa làm cho những ai tin theo Ngài làm được
những việc như Ngài và còn hơn Ngài (Ga 14,12).
- Ông Êlysa môn đệ của ngôn sứ Êlya
được lòng tin mạnh mẽ, không thủ lãnh nào thế gian có thể lung lạc được ông,
cũng không ai khuất phục được ông (Hc 48,12b).
+
Đức Giêsu cầu nguyện riêng cho ông Phêrô, để ông khỏi mất đức tin, vì ông có
nhiệm vụ củng cố đức tin anh em (Lc 22,31-32).
- Chẳng có điều gì quá sức ông
Êlysa, ngay cả khi ông đã qua đời, thân xác ông vẫn còn giữ năng lực của một
ngôn sứ (Hc 48,13).
+
Các môn đệ Đức Giêsu có sức mạnh đến nỗi không có gì các ông không làm được. Cụ
thể dù bị cấm cách bắt bớ, các ông càng hăng say (Cv 4).
Vậy đời sống ngôn sứ Êlya tiên báo
về đời sống Đức Giêsu trên, cũng tiên báo cho hết thảy những ai biết cầu nguyện
với Chúa trong kinh Lạy Cha, để được cộng tác với Chúa Giê-su làm hoàn tất
chương trình cứu độ loài người, đúng với lời kinh ta đọc : “Lạy Chúa, những công trình tay Chúa thực
hiện, quả là chân thật và công minh” (Tv 111/110,7a : ĐC năm lẻ), để quy tụ
muôn dân đến “trước nhan thánh Chúa, người công chính hãy vui mừng”(Tv
97/96,12a : ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Lương thực cần dùng nuôi sống con người nhờ 5 tấm bánh :
1.
Sống nhờ Đức Tin (x Rm.1,17).
2.
Sống nhờ nghe và thi hành Lời Chúa (x Mt.4,4 ; Ga 4,34).
3.
Sống nhờ Thánh Thể (x Ga.6,35).
4.
Sống nhờ sám hối tội mình và xin theo Chúa (x Lc 23,43).
5.
Sống nhờ của cải vật chất không thừa, không thiếu (x
Cn.30,8-9).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH