BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : 1V
18,20-39
20
Hồi đó vua A-kháp sai người đi mời toàn thể con cái Ít-ra-en và triệu tập các
ngôn sứ trên núi Các-men.21 Bấy giờ, ông Ê-li-a đến bên dân và nói:
"Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho tới bao giờ? Nếu Đức Chúa là
Thiên Chúa, hãy theo Người; còn nếu là Ba-an thì cứ theo nó! " Nhưng dân
chúng không đáp lại lời nào.22 Ông Ê-li-a lại nói với dân: "Chỉ
sót lại mình tôi là ngôn sứ của Đức Chúa, còn ngôn sứ của Ba-an có những bốn
trăm năm mươi người.23 Hãy cho chúng tôi hai con bò mộng; họ hãy
chọn lấy một con, chặt ra và đặt trên củi, nhưng đừng châm lửa; tôi cũng làm
thịt con bò kia, rồi đặt trên củi, nhưng sẽ không châm lửa.24 Đoạn
các ngươi hãy kêu cầu danh thần của các ngươi; còn tôi, tôi kêu cầu danh Đức Chúa.
Vị thần nào đáp lại bằng lửa thì vị đó chính là Thiên Chúa. Toàn dân trả lời và
nói: "Đề nghị hay đó! "25 Bấy giờ, ông Ê-li-a nói với các
ngôn sứ Ba-an: "Các người chọn lấy một con bò và làm trước đi, vì các
người đông hơn. Rồi hãy kêu cầu danh thần của các người nhưng đừng châm
lửa."26 Vậy, họ lấy con bò người ta đưa cho họ, làm thịt, rồi
kêu cầu danh thần Ba-an từ sáng tới trưa: "Lạy thần Ba-an, xin đáp lời
chúng tôi! " Nhưng không một tiếng nói, không một ai trả lời, và họ nhảy
khập khiễng bên cạnh bàn thờ họ đã dựng.27 Đến trưa, ông Ê-li-a chế
nhạo họ rằng: "Kêu lớn tiếng lên, vì người là một vị thần mà! Người đang
mải suy nghĩ, hay là đi vắng hoặc trẩy đường xa; có khi người đang ngủ, thì sẽ
thức dậy thôi! "28 Họ càng kêu lớn tiếng hơn và theo thói tục
của họ, họ dùng gươm, giáo rạch mình đến chảy máu.29 Quá trưa rồi mà
họ vẫn tiếp tục nói liên miên cho tới giờ dâng lễ; nhưng vẫn không một tiếng
nói, không ai trả lời, không người để ý.
30 Bấy giờ ông Ê-li-a
nói với toàn dân: "Các người hãy lại đây." Toàn dân tiến lại gần ông.
Ông dọn lại bàn thờ Đức Chúa đã bị phá huỷ.31 Ông Ê-li-a lấy mười
hai phiến đá, theo số các chi tộc con cháu ông Gia-cóp, người đã được Đức Chúa
phán bảo rằng: "Tên ngươi sẽ là Ít-ra-en."32 Ông dùng các
phiến đá ấy xây lại một bàn thờ kính Đức Chúa. Ông đào một đường mương chung
quanh bàn thờ rộng cỡ hai thúng hạt giống.33 Ông xếp củi lên, rồi
làm thịt con bò mộng và đặt trên đống củi.34 Ông nói: "Hãy đổ
nước đầy bốn lu và tưới lên lễ vật và củi." Họ làm như vậy. Ông nói:
"Lần thứ hai nữa", họ làm lần thứ hai. Ông lại nói: "Lần thứ ba!
" và họ làm lần thứ ba.35 Nước chảy tràn quanh bàn thờ, khiến
đường mương cũng đầy nước.36 Đến giờ dâng lễ, ngôn sứ Ê-li-a tiến ra
và nói: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en! Ước
chi hôm nay người ta biết rằng trong Ít-ra-en Ngài là Thiên Chúa và con là tôi
tớ Ngài. Cũng vì lời Ngài phán mà con đã làm tất cả các việc này.37
Xin đáp lời con, lạy Đức Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Ngài là Đức
Chúa, Thiên Chúa thật, và Ngài đã khiến họ thay lòng đổi dạ."38
Bấy giờ lửa của Đức Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước
trong mương cũng hút cạn luôn.39 Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục
sát đất và nói: "Đức Chúa quả là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa!
ĐÁP CA : Tv 15
Đ. Lạy
Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu. (c 1)
1 Lạy Chúa Trời, xin
giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. 2a Con thưa cùng Chúa:
"Ngài là Chúa con thờ."
3a Còn thần ngoại xứ
này, vẫn gia tăng tàn phá, và thiên hạ tới tấp chạy theo.4 Máu tế
thần, con quyết chẳng dâng.
5 Lạy Chúa, Chúa là
phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con,
chính Ngài nắm giữ. 8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở
bên, chẳng nao núng bao giờ.
11 Chúa sẽ dạy con
biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài,
hoan lạc chẳng hề vơi!
BÀI GIẢNG
MỌI SỰ CHỈ HOÀN HẢO NHỜ VỚI TRONG CHÚA GIÊSU
Đức Giêsu
đã khẳng định : “Đừng tưởng Ta đến để bãi bỏ Lề
Luật hay các ngôn sứ : Ta đến không phải để bãi bỏ, mà là để làm trọn”
(Mt 5,17 : Tin Mừng).
Đặc biệt
Đức Giêsu đến làm trọn giá trị Phụng Vụ của Do Thái giáo nhằm đem ơn cứu độ cho
muôn dân. Để hiểu vấn đề này, giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Mạc
Khải số 16 dạy : “Giá trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước ; Giá trị Tân Ước đã tiềm
ẩn trong Cựu Ước”. Như thế, những gì trong Cựu Ước không được thể hiện
nơi việc làm và Lời nói của Đức Giêsu, hoặc không sáng tỏ trong giáo huấn của
Hội Thánh Công Giáo, thì đó chỉ là yếu tố nhân loại, không phải ý Chúa. Đan cử
- Luật Môsê cho phép người đàn ông ly dị cách dễ dàng và có
quyền lấy nhiều vợ, điều ấy không thể hiện nơi giáo huấn của Chúa Giêsu, nên
phải bỏ điều đó. Bởi vì Đức Giê-su đòi buộc người ta chỉ một vợ một chồng, và
không bao giờ được phép ly dị (x Mt 19,1-9).
- Luật Môsê
bắt phải cắt bì cho trẻ nam, sau tám ngày tuổi, điều này không sáng tỏ trong
giáo lý Hội Thánh. Bởi vì Quyền giáo huấn của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần
hướng dẫn đã bỏ cắt bì (x Cv 15).
- Nhất là
Đức Giêsu làm hoàn hảo ý nghĩa và giá trị Phụng vụ Do Thái giáo.Đan cử : Lễ tế
của ông Êlya trên núi Carmen thắng lễ tế của dân ngoại. Chiến thắng này nêu dấu
chỉ chiến thắng Hy Tế của Đức Giêsu thiết lập. Bởi đó ta thấy các chi tiết
trong việc dâng lễ của ngôn sứ Êlya (x 1V 18,20-30 : Bài đọc năm chẵn), được
Đức Giêsu làm hoàn hảo trong Hy Tế của Ngài :
1-
Lễ tế của 450 tư tế
ngoại giáo dâng thần Baal, thua xa lễ tế một mình ông Êlya dâng (c 22). Nhưng
đó chỉ là lễ tế của phàm nhân theo Luật
ông Môsê truyền.
Thua xa Hy Lễ của
Chúa Giêsu, chỉ mình Ngài là Tư Tế, Ngài là Con Một Cha trên trời, Ngài thánh
đức, vô tỳ tích, tách biệt khỏi người tội lỗi và siêu vượt các tầng trời. Đấng
mỗi ngày không có nhu cầu như các thượng tế khác (x Dt 7,26-27a).
2-
Các tư tế thờ thần Baal,
chọn con bò tốt nhất sát tế dâng cho ngẫu thần. Trái lại, ngôn sứ Êlya lấy con
bò người ta phế thải sát tế dâng kính Thiên Chúa (c 23).
Thua xa lễ vật của
Chúa Giêsu. Vì Ngài chính là Lễ Vật, Ngài như con chiên bị loài người phế thải,
nhưng chính Ngài mới là Của Lễ được Chúa Cha chấp nhận, nhằm sinh ơn cứu độ muôn
dân (x Dt 10,5-7).
3-
Ngôn sứ Êlya xếp 12
viên đá theo số các chi tộc con cái của ông Giacob để lập bàn thờ (c 31).
Đức Giêsu chọn 12
môn đệ để xây dựng Hội Thánh Ngài. Vì Ngài là ông Giacob mới (x Cv 1,21-22),và Ngài truyền
cho Hội Thánh phải làm hiện tại hóa Hy Tế của Ngài cho tới ngày cánh chung Ngài
trở lại trần gian (x 1Cr 11,25).
4-
Ngôn sứ Êlya xẻ thịt
con bò tơ đặt trên đống củi (c 33).
Đức Giêsu là Con
Chiên Thiên Chúa bị sát tế trên thập giá (x Ga 1,29 ; 19,12t).
5-
Ngôn sứ Êlya cho đổ ba
lần nước trên của lễ và trên củi (c 34).
Ai muốn tham dự Thánh
Lễ thì trước nhất phải được tái sinh bởi nước và Thần Khí, qua ba lần trầm mình
trong nước, cùng với lời đọc : “Tôi rửa
anh (chị) nhân Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Ga 3,5 ; Mt
28,19-20).
6-
Sau lời cầu nguyện của
ngôn sứ Êlya, lửa trời tung xuống thiêu rụi lễ vật ông dâng (c 36-38).
Sau lời cầu nguyện
của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, bởi lửa tình yêu của Ngài cho phép kẻ ác bắt và
giết Ngài, thì lại Ngài trở nên của lễ dâng Chúa Cha, cứu những ai tin vào Ngài
là Thiên Chúa cứu độ duy nhất (x Lc 22, 39-53 ; Cv 4,12).
7- Toàn dân thấy Chúa
nhận lễ vật ngôn sứ Êlya, còn lễ vật của 450 tư tế chẳng có thần nào nhận, nên
mọi người phủ phục sát đất tung hô rằng : “Đức
Chúa là Thiên Chúa! Đức Chúa quả là Thiên Chúa” (c 39).
Như thế ngôn sứ Êlya đã
được toàn dân tôn kính, vinh quang của ông khác nào vinh quang Chúa ban
cho ông Môsê sau 40 ngày được đàm đạo với Chúa ở núi Sinai, và được nhận hai
Bia Đá ghi Lời Chúa (x Xh 34,29-35) ; Vinh quang của Thiên Chúa bày tỏ khi ngôn
sứ Êlya dâng lễ trên núi Carmen theo Luật Môsê. Thánh Phaolô cho biết lễ tế ấy
giá trị còn thua xa những người phục vụ Giao Ước mới Chúa Giêsu thiết lập. Ông
nói : “Đấng ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước mới, không phải Giao
Ước căn cứ trên chữ viết được ghi trên hai Bia Đá, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì
chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống. Nếu việc phục vụ Lề Luật
– thứ Lề Luật chỉ đưa đến sự chết và được khắc ghi từng chữ trên những bia đá –
mà được vinh quang đến nỗi dân Israel không thể nhìn mặt ông Môsê được, vì mặt
ông chói lọi vinh quang – dù đó chỉ là vinh quang chóng qua – thì việc phục vụ
Thần Khí lại không được vinh quang hơn hay
sao? Nếu cái chóng qua mà còn vinh quang, thì cái còn mãi lại chẳng vinh quang
hơn hay sao?” (2Cr 3,4-11 : Bài đọc năm lẻ). Chỉ những ai thông dự vào
vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh mới tuyên xưng Đức Tin : “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài quả
là Đấng Thánh” (Tv 99/98,9c : ĐC năm lẻ).
Vậy Đức Giêsu
đã làm hoàn hảo ý nghĩa và giá trị Phụng Vụ Do Thái giáo để cứu độ muôn dân,
nên đã trở thành Giới Răn quan trọng nhất (x Mt 22, 34-40). Giới Răn này đứng
hàng đầu trong Thập Giới và cũng đứng hàng đầu trong các Điều răn của Hội Thánh.
Do đó Hội Thánh buộc nặng người Công Giáo đến tuổi trưởng thành phải dự Lễ Chúa
nhật và Lễ Trọng (x Giáo Luật số 1247). Lễ ngày thường không có Luật nào buộc
người Công Giáo phải đi dự, do đó nếu người Công Giáo không dự Lễ ngày thường, cùng
lắm là bị xếp vào hạng vi phạm Luật nhỏ. Nếu người Công Giáo nào cũng sống Đạo
như thế, thì liệu giáo xứ của họ có làm gương sáng cho ai hay không? Họ sống
Đạo vì yêu hay sống đạo vì sợ Luật ? Trái lại, nếu mỗi giáo xứ, tất cả mọi người
đều đi dự Lễ hằng ngày, tức là họ giữ Luật trọng cũng như Luật nhỏ vì yêu, thì
giáo xứ ấy làm vinh hiển Chúa biết mấy! Vì thế Đức Giêsu nói : “Kẻ nào phạm đến một trong những Điều Răn nhỏ
hèn nhất, và dạy người ta như vậy, thì sẽ bị liệt là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời,
còn kẻ nào làm và dạy, thì sẽ được tôn làm lớn trong Nước Trời” (Mt 5,19 :
Tin Mừng). Trong khi đó Chúa đặt chỉ tiêu nên thánh cho mọi người phải nên hoàn
hảo như Cha trên trời (x Mt 5,48), mới đúng là người được Chúa cứu độ, làm vinh
hiển Ngài !
Thực ra chỉ
lúc ta đến dự Lễ, mới có thể cầu nguyện : “Lạy
Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu” (Tv 16/15,1 : ĐC
năm chẵn). Để rồi mọi ngày trong đời sống tiếp tục cầu xin : “Lạy Thiên Chúa con thờ, lối đi của Ngài xin
chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài” (Tv 24,4b.5a :
Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Lòng mến Thiên Chúa là thế này : là ta giữ
các Lệnh truyền của Người. Và Lệnh truyền của Người không nặng nề (1Ga
5,3).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE
ĐINH QUANG THỊNH