BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC :
2Tm 3,10-17
10
Anh thân mến, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy
lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi;11 anh đã
biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-ô,
Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào. Nhưng Chúa đã giải thoát tôi khỏi
tất cả.12 Vả lại, những ai muốn sống đạo đức trong Đức Ki-tô Giê-su,
đều sẽ bị bắt bớ. 13 Còn hạng người xấu xa và bịp bợm sẽ ngày càng
xấu hơn, họ vừa lừa dối, vừa bị lừa dối.
14 Phần
anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học
với những ai.15 Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có
thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô
Giê-su.16 Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa
linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên
công chính.17 Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được
trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.
ĐÁP CA : Tv
118
Đ. Lạy
Chúa, kẻ yêu Luật Chúa hưởng an bình thư thái. (c 165)
157
Những kẻ bắt bớ hành hạ con thật là nhiều,nhưng thánh ý Ngài, con chẳng lìa xa.
160 Căn nguyên lời Ngài là chân lý,mọi quyết định công minh của Ngài
tồn tại muôn năm.
161 Quan
quyền bách hại con vô cớ,nhưng lòng này sợ lời Chúa mà thôi.165 Kẻ
yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào.
166 Lạy
Chúa, con đợi trông ơn Ngài cứu độ,mệnh lệnh Ngài, con vẫn thực thi.168
Đường con Chúa rõ mười mươi,huấn lệnh, thánh ý, con thời vâng theo.
BÀI GIẢNG
MỤC TỬ
ĐAVID TIỀN TRƯNG MỤC TỬ GIÊSU
Lời
Chúa trong Thánh Lễ hôm qua, các đối thủ của Đức Giêsu tấn công Ngài lần chót
về vấn đề Giới Răn trọng nhất. Sau khi Đức Giêsu trả lời, thì ông Ký lục tấm
tắc khen ngợi : “Thầy trả lời rất chí lý”,
và Đức Giêsu đã nói với ông : “Ông không
còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (Mc 12,34), có nghĩa là các ông sắp giết tôi,
nhưng tôi sẽ làm vua, chăm sóc cả những kẻ thù ghét tôi. Bởi đó Tin Mừng hôm
nay Đức Giêsu đặt câu hỏi với các đối thủ về thân thế Đức Kitô là Con Vua
Đavid. Trong các vua của dân Israel,
không có vua nào sánh bằng vua Đavid, vì trong triều đại vua này, dân được
thịnh vượng và hạnh phúc nhất. Triều đại vua Đavid được Chúa chúc phúc như vậy
là để ông làm tiền trưng Đấng Cứu Thế (Kitô).
-
Ngài thuộc dòng vua
Đavid.
-
Ngài là Con Cha trên
trời.
I. ĐỨC KITÔ
THUỘC DÒNG VUA ĐAVID : vừa theo nghĩa xác thịt, vừa theo nghĩa tinh thần.
1/ Đức Kitô thuộc dòng vua Đavid theo nghĩa
xác thịt.
Chính
thánh Tông Đồ đã giới thiệu Đức Kitô Giêsu – Con Một Thiên Chúa – với giáo đoàn
Roma : “Đức Kitô Giêsu xuất hiện từ dòng
dõi vua Đavid, xét như một người phàm” (Rm 1,3). Bởi vì theo pháp lý, Ngài
là con ông Giuse thuộc dòng họ vua Đavid (x Mt 1,20 ; Lc 2,4). Như thế là làm
ứng nghiệm Lời Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Nathan hứa cho triều đại vua Đavid :
“Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi
đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một
người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững
bền.Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của
nó vững bền mãi mãi” (2Sm 7,12-13).
2/ Đức
Kitô thuộc dòng vua Đavid theo nghĩa tinh thần.
a- Đavid xuất thân là kẻ chăn chiên - mục tử - nhiều lần
ông đã liều mạng cứu chiên thoát nanh vuốt sư tử, mà chẳng lần nào sư tử táp được ông (x 1Sm 17,36).
a’ Nhưng
vua Đavid vẫn thua xa Mục Tử Giêsu.
Ngài nói : “Tôi chính là Mục Tử nhân lành,
Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
b- Đavid dùng
cây nỏ và một trong năm viên sỏi bắn gục tướng Gôlyat, hắn là kẻ thù số một đang
dẫn đầu quân Philitinh đến tiêu diệt dân Do Thái, mà Đavid không mất một giọt
máu (x 1Sm 17).
b’ Tuy
thế Đavid vẫn thua xa Đức Kitô dùng
cây thập giá (nỏ thần) và chỉ cần một trong năm thương tích trên thân Thể, đó
là tim Ngài bị đâm, nước và máu dốc ra hết, phát sinh các Bí tích, phá quyền
lực Satan, đánh gục thần chết (x Ga 19,31-37), để cho những ai tin theo Ngài là
Thiên Chúa, Đấng cứu độ duy nhất, được thoát chết vì tội mình.
c- Chúa hứa bảo
vệ ngai báu Đavid vững bền muôn đời (x 2Sm 7,8-14).
c’ Nhưng
đó chỉ là dấu Thiên Chúa ban cho Đức Kitô ngai Đavid, Cha Ngài, và Ngài sẽ làm
Vua trên nhà Giacob cho đến vô cùng vô tận (x Lc 1, 32-33).
d- Vua Đavid
nghe tin Absalon, đứa con bất hiếu đòi lấy mạng cha, để tiếm quyền vua, đã bị
tướng Gioab đâm chết, vua liền òa lên khóc : “Absalon, Absalon con ơi, ước gì cha chết thay cho con” (2Sm 19,1)
d’ Vua
Đavid vẫn thua xa Đức Giêsu, vì ông mới chỉ ước chết thay cho con bất hiếu ;
còn “Đức Kitô đã chết vì chúng ta,
ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu
thương chúng ta” (Rm 5,8).
II. ĐỨC
KITÔ LÀ CON CHA TRÊN TRỜI.
Chúa nói
về Đấng Kitô, Con Vua Đavid : “Đối với nó
Ta sẽ là Cha, đối với Ta nó sẽ là con” (2Sm 7,14a). Do đó, Đức Kitô dù là
Con vua Đavid theo nghĩa xác thịt, nhưng Ngài trổi vượt hơn Đavid, vì Đavid chỉ
là phàm nhân, ông được ngôn sứ Samuel xức dầu ô liu tấn phong làm vua Israel (x
1Sm 16) ; thua xa Đức Giêsu Ngài là Con Một
Cha trên trời, được Cha xức dầu là Thánh
Thần, và đặt làm Vua trên các vua : Vua trời đất, để “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho kẻ tù đày, cho
người đui mù được thấy, cho kẻ bị áp bức được giải oan, loan báo năm hồng ân
của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19 ; Pl 2,9-11). Bởi thế, Đức Giêsu nhắc đến vua
Đavid được Chúa linh hứng tung hô Đấng Kitô : “Sấm ngôn của Đức Chúa, ngỏ cùng Chúa Thượng tôi : Bên hữu Cha đây, Con
lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con” (Tv
111/110,1 = Mc 12,36 : Tin Mừng).
Chúa đã
mạc khải về Đấng Kitô như vậy, thế mà khi Đức Giêsu hỏi các Luật sĩ : “Chính Đavid gọi Đức Kitô là Chúa, thì bởi
đâu Ngài là Con của ông được?” (Mc 12,37 : Tin Mừng). Nhưng bọn Luật sĩ
không ai trả lời được, chỉ vì họ không tin Lời Chúa Cha đã giới thiệu về Đức
Kitô nơi sông Giođan, lúc ông Gioan Bt làm phép rửa cho Ngài : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về
Con” (Mc 1,11). Bởi lẽ những kẻ chống đối Đức Giêsu không được Thánh Thần
soi sáng để hiểu cặn kẽ về thân thế Đấng Kitô. Khi Đức Giêsu khóa miệng đối thủ
bằng câu hỏi như thế, chúng tức cuồng lên và quyết tâm diệt Ngài ! Nhưng Ngài không dùng quyền Vua của mình để diệt
chúng, mà Ngài chỉ hết lòng chu toàn sứ mệnh ngôn sứ, nhằm cứu cả những kẻ
tội lỗi thoát tay tử thần. Bởi thế mà có lần Đức Giêsu phải thức suốt đêm dạy
giáo lý cho ông Nicôđêmô (x Ga 3), nhịn đói nhịn khát trên đường đi loan báo
Tin Mừng (x Ga 4,7t). Thậm chí có lần Ngài kéo dài lời giảng suốt ba ngày (x Mt
15,32t), và Ngài chấp nhận cả một đoàn lũ dân đông vô kể phản đối Lời giảng của
Ngài về Bí tích Thánh Thể (x Ga 6,60t), cuối cùng Ngài sẵn lòng mất mạng vì Lời
rao giảng, bị mọi người kết án là nói lộng ngôn (x Mt 26, 57-68). Như vậy, Đức
Giêsu chỉ dùng Lời giảng của Ngài như
cây gậy, biểu lộ vương quyền của Ngài xua đuổi ác thần, và dẫn dắt dân Ngài
đến nguồn sống sung mãn như Thiên Chúa, để dân Ngài được bình an và hân hoan
nói : “Dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì
nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Cây gậy
Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23/22,4).
Tông Đồ Phaolô
rất xứng đáng là thầy của Timôthê, đồ đệ của ông, vì ông đã noi gương Mục Tử
Giêsu trong sứ mệnh ngôn sứ, nên ông nói với Timôthêu : “Anh đã học đòi nơi tôi về đạo lý, về đức hạnh, dự định, lòng tin, đại
lượng, mến yêu kiên nhẫn, trong bắt bớ, trong thống khổ, nhưng Chúa đã cho tôi
thoát khỏi tất cả. Bởi đó, phần anh, hãy kiên trì trong các điều anh đã được
xác tín, bởi biết đã học với ai, và từ bé anh đã biết Kinh Thánh. Kinh
Thánh có phương dạy khôn anh hòng trông
được cứu độ nhờ bởi tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Kinh Thánh tất cả đã được thần hứng và có ích cho việc
giảng dạy,biện bác, cải thiện và đào tạo trong đàng công chính, ngõ hầu người
của Thiên Chúa được hoàn bị, cáng đáng được mọi việc lành” (2Tm 3,10-17 :
Bài đọc năm chẵn).
Vậy ai
yêu Lề Luật của Chúa, mới có thể cất lời thưa : “Lạy Chúa, kẻ yêu Luật
Chúa hưởng an bình thư thái” (Tv 119/118,165 : ĐC năm chẵn).
Để minh
họa “người yêu Luật Chúa được hưởng an
bình thư thái”, ta cứ nhìn gia đình ông Tôbya. Ông là chồng, là cha luôn
sống theo Luật Chúa, ông đã từng dạy con biết chia sẻ, và trân trọng người giúp
việc nhà, như ông nói : “Con hãy gọi thợ
lại trả công và thêm chút gì vào tiền công của họ” (Tb 12,1). Ông còn chôn
cất những người đồng đạo bị vua giết. Và cho dù ông Tôbya bị Chúa thử thách :
mù vì bị chim phóng uế vào mắt! (x Tb 2). Nhưng rồi Chúa đã sai thiên sứ
Raphael dẫn con ông đi đòi được nợ, và con ông đã cưới được người vợ hiền,
chính sứ thần Raphael còn chỉ cho con ông Tôbya lấy mật cá xức vào mắt cha, thế
là ông được sáng mắt và ông cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa : “Chúc tụng Thiên Chúa! Chúc tụng Danh cao
trọng của Người.Chúc tụng mọi thiên sứ thánh thiện của Người! Ước gì Danh cao
trọng của Người che chở chúng ta!Chúc
tụng mọi thiên sứ đến muôn đời ! Vì tôi đã bị Người đánh phạt,nhưng nay
lại được thấy Tôbia, con tôi !” (Tb 11, 5-17 : Bài đọc năm lẻ).
Gia đình
Tôbya tuân giữ Luật Chúa, được Chúa cho hưởng bình an thư thái, vẫn thua xa
những ai tuân giữ Lời Đức Kitô qua giáo huấn của Hội Thánh, người ấy mới thực
sự là người yêu mến Thiên Chúa, được Đức Giêsu khen và xác nhận : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy” (Ga 14,23 :
Tung Hô Tin Mừng). Ai được Chúa ở cùng người ấy, thì “chẳng
những làm được những việc như Chúa Giêsu và còn làm được những việc lớn lao hơn
nữa” (Ga 14,12), để rồi cất cao lời tung hô : “Ca tụng Chúa đi hồn tôi hỡi” (Tv 146/145,1 : ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Kinh Thánh
tất cả đã được thần hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, cải
thiện và đào tạo trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn
bị, cáng đáng được mọi việc lành (2Tm 3,16-17).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH
QUANG THỊNH