BÀI GIẢNG
CỬA HẸP VÀO SỰ SỐNG!
Sở dĩ
Chúa không trả lời câu hỏi người ta đặt ra cho Ngài: “Chỉ ít người được cứu
độ phải không?” (Lc 13,23: Tin Mừng) vì nếu Ngài trả lời nhiều người được
cứu độ, người ta sẽ sống phóng túng, còn nếu Ngài nói ít người được cứu, thì
nhiều ngừơi sẽ thất vọng ! Ít hay nhiều người được cứu độ là do sống ba nhân
đức: Tin, Cậy, Mến của mỗi người, biết cộng tác với nhau trong đời sống Hội Thánh Chúa Ki-tô. Do
đó Chúa Giêsu phải lên tiếng hướng mở lòng mọi người: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết có
nhiều người sẽ tìm cách vào mà không được” (Lc 13,24: Tin Mừng). Cửa hẹp có hai cánh:
-
Hẹp luân lý đạo đức.
-
Hẹp Đức Tin.
I. CÁNH CỬA LUÂN LÝ
ĐẠO ĐỨC.
Dù
có nhiều người đến cửa Trời kêu van: “Xin mở cửa cho chúng tôi, chúng tôi đã từng ăn uống trước mặt
Ngài hằng được Ngài dạy bảo chúng tôi nơi công cộng”, nhưng họ vẫn bị Chúa xua đuổi: “Ta không biết các ngươi,
xéo đi xa Ta, các ngươi chỉ là phường tác quái” (x Lc 13,25-27: Tin Mừng).
Vì: “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta một
vời” (Mt 15,8).
Để diễn tả tôn kính Thiên Chúa hết
lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, chứ không bằng môi miệng, ta phải đi
ba bước: Tin – Sống – Tế. Thế nên dù
nhiều người đến cửa Trời xin mở, vẫn bị khước từ, là vì họ đã tin nghe Lời Chúa giảng dạy nơi công
cộng, họ đã tế (cầu nguyện) xin Chúa
mở cửa Trời, nhưng họ không sống
niềm tin. Bởi thế Chúa nói: “Không phải
những ai cứ kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai
thi hành ý Cha trên trời” (Mt 7,21).
Lý do nếu ta sống :
- Duy chỉ tin Chúa thì ta chẳng hơn quỷ, vì quỷ cũng
tin Chúa, nhưng nó không sống theo ý Chúa, nên run sợ! (x Gc 2,19).
- Duy chỉ tế lễ (cầu nguyện) thì ta chẳng hơn gì
thầy cúng. Mục sư Martin Luther King nói: “Cầu
mong và phó thác nơi Chúa làm mọi sự, còn mình chẳng chịu làm gì, đó là đại mê
tín!”
- Duy chỉ thương giúp đồng loại, không cần kết hợp với Chúa
Giê-su, ta giống người cộng sản chủ trương như thế, thì việc làm ấy trước sau
sẽ ra tro bụi (x Cv 5,38), thậm chí thánh Phao-lô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài
cơ nghiệp mà chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có
Đức Ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Đức Ái ở đây không
phải là đức tính tốt, mà là một ngôi vị. Vì “Thiên Chúa là Đức Ái” (1Ga 4,8).
Vậy người Công Giáo không sống duy, nhưng sống nối kết: Tin Chúa thì sống như Chúa để
trở nên một hy tế cầu khẩn Chúa Cha, nhờ, với, trong Chúa Giê-su.
Chân lý (Tin, Sống, Tế) không đòi
ta phải đổi địa vị, đổi hoàn cảnh sống, mà ở địa vị nào cũng có thể nên thánh.
Vì thế thánh Tông Đồ nói:
· “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh
thần của Chúa, hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất”. Thánh Phao-lô gọi
“thảo kính cha mẹ” là điều răn thứ nhất, vì mười điều răn của Chúa ghi trên hai
bia đá, bia I ghi ba điều về Chúa, bia II ghi bảy điều về người. Dòng chữ ở đầu
bia I ghi: “Thờ phượng Thiên Chúa trên
hết mọi sự” ; dòng chữ ở đầu bia II ghi: “Thảo kính cha mẹ”, nếu xếp hai bia này bên cạnh nhau, ta nhận thấy
hai điều răn đầu mỗi bia đối xứng nhau. Bởi thế “ai tôn kính cha mẹ thì được hạnh phúc và sống thọ”.
· Cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận,
nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.
· Kẻ nô lệ, hãy vâng lời những người chủ ở
đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ như vâng Lời Đức Ki-tô. Đừng chỉ vâng lời trước
mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng như
nô lệ của Đức Ki-tô, đem cả tâm hồn
thi hành ý Chúa.
Anh em biết đấy: Ai làm điều tốt
sẽ được Chúa trả công, bất luận nô lệ hay tự do. Người làm chủ cũng hãy đối xử
như thế với nô lệ. Đừng dọa nạt: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của
anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6,1-9).
Ai sống được như thế, chắc chắn là
họ đang đi cửa hẹp, vào hưởng hạnh phúc dồi dào vĩnh cửu với Thiên Chúa. Vì “Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán”
(Tv 145/144,13).
Thực vậy, có nhiều người hằng ngày
đến nhà Chúa nghe Lời và cầu nguyện, nhưng trong thâm tâm lại chỉ muốn Chúa ban
ơn để làm theo sở thích của mình, tức là đi đường rộng rãi thênh thang, chắc
chắn sẽ bị diệt vong. Cụ thể :
- Làm ra tiền thì tiêu xả láng, nhưng
khi chia sẻ cho đồng loại, hay đóng góp vào việc xây dựng Hội Thánh và phát
triển Tin Mừng thì keo kiệt!
- Mình làm lỗi thì không muốn ai nhắc
đến, xin Chúa xót thương tha thứ, nhưng ngừơi khác không vừa ý mình thì thổi
phồng hoặc thêu dệt lỗi của họ để bêu dếu trước mặt mọi người, và mong Chúa giáng
họa trên nó!
- Rảnh rỗi chơi mất thời giờ thì không
xót xa, nhưng ai nhờ vả, hoặc có người nhắc nhở đi Lễ, đi học Lời Chúa thì nại
lý do không có giờ !
…………………..
Trái lại người vào cửa hẹp dẫn đến
sự sống, thì:
o
Sống quên mình vì Chúa và đồng loại, chính là lúc gặp lại bản thân
(x Mt 16,25).
o
Chăm sóc đồng loại để họ thuộc về Chúa chính là được Chúa chăm sóc
mình (x Mt 25,40)
Vì :
o
Muốn mình bớt khổ hãy làm cho người khác sống thánh thiện (x Gc
5,20).
o
Hứng theo xác thịt là chết, còn hứng theo Thần khí là sống và bình
an (x Rm 8, 6).
o
Khó với mình nhưng quảng đại với Chúa và tha nhân (x 2Cr 6,12-13).
II. CÁNH CỬA ĐỨC TIN.
Chúa còn xua đuổi cả những ngừơi: “Dù
đã ăn uống trước mặt Chúa, nghe Ngài giảng dạy nơi công cộng” (Lc 13,26: Tin Mừng) và bị Ngài kết án: “quân làm điều bất chính” (Lc 13,27: Tin
Mừng). Đó là những người triệt để thi
hành Luật Môsê, mà không tin, không tham dự Phụng Vụ Chúa Giêsu thiết lập. Loại
người này bị Chúa khiển trách: “Mọi điều Môsê viết, là viết về Ta, mà các
ngươi không tin vào Ta, thì đến cửa trời các ngươi có cầu cứu Môsê can
thiệp cho các ngươi vào hưởng hoan lạc với Môsê trong Nước Chúa, lúc ấy Môsê
lại đứng ra tố cáo tội các ngươi” (Ga 5,45).
Ngày nay, một giáo sĩ dùng quyền
của Chúa để cử hành Bí tích, dù đời của
họ bất xứng, thì Bí tích họ cử hành vẫn thành, người lãnh Bí tích vẫn nhận được
ơn Chúa. Thánh Tô-ma Tiến sĩ nói: “Giu-đa
có ban Thánh Tẩy, thì không phải Giu-đa cử hành mà là chính Chúa Ki-tô”. Nhưng
giáo sĩ nào cứ gan lỳ nán lại trong tội lỗi, mà dựa vào quyền Chúa ban để giảng
dạy, để trừ quỷ, thì họ sẽ bị lãnh án nặng trước mặt Chúa, như Chúa dùng miệng
ngôn sứ Malaki nói: “ Các tư tế không
quan tâm nghe Lời Ta, không làm vinh danh Ta, khi nó dâng lễ, Ta sẽ chặt
cánh tay nó và Ta sẽ vãi phân lên mặt nó. Nó giơ tay chúc phúc, Ta sẽ phóng dữ
xuống trên nó, phải đem vất bỏ nó ngoài thành cùng với vật phế thải của lễ tế
nó dâng!” (Ml 2,1-3).
Vậy ai muốn được Chúa cứu độ, phải
đi cửa hẹp là con đường Hy Tế thập giá Chúa thiết lập. Cụ thể là thu mình lại
đừng chu du trên mọi hấp lực của thế gian, như tiền của, cảm tình ướt át, địa
vị danh vọng... để có thời giờ tham dự Thánh Lễ. Khi ta dâng Lễ, dù “ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải,
thì chính Thánh Thần lựa ý Thiên Chúa chuyển cầu cho ta” (Rm 8,26-27). Có
nghĩa là trong khi ta dự lễ, không phải là ta cầu nguyện mà chính Chúa Giê-su
làm Chủ Tế cầu nguyện cho mọi người trước mặt Chúa Cha, vì Ngài vừa là Tư Tế,
vừa là Lễ Vật. Do đó nếu vì tính yếu đuối xác thịt của ta mà ta không đủ sức
cầm trí khi dâng Lễ, ta vẫn không sợ mình mất ơn, bởi vì ta chỉ là người ăn
theo, công nghiệp Chúa Giê-su và cộng đoàn các thánh bù cho ta, và nhất là đã
có Chúa Thánh Thần làm cho mọi người được liên kết với Chúa Ki-tô, Ngài lại lựa
ý Thiên Chúa để chuyển cầu cho mọi thành phần trong Hội Thánh (x Rm 8,26-30).
Ta cứ tưởng nghĩ: cửa trời rất
hẹp, nhiều người đến, ai cũng tranh vào trước, mà trên vai lại lỉnh kỉnh mang
đủ mọi thứ, nào nhà lầu, xe hơi, tivi, tủ lạnh, lại kéo theo két sắt tiền, thì
làm sao mà tranh với người khác để qua cửa hẹp ? Do đó muốn chen vào dễ dàng,
chỉ có cách là chia sẻ cho nhu cầu của Hội Thánh và cho những người không có
khả năng tự sống. Đó là cửa hẹp dẫn đến sự sống.
Vì thế, thánh Augustin khuyến cáo mọi người
chúng ta: “Anh chạy khỏe lắm rồi, nhưng
lại trật đường mất rồi !”
Vậy những ai chưa thắng lòng tham
của đời, thì hãy cầu xin Chúa giúp sức: “lạy
Chuá, con tin tưởng vào tình thương của Chúa, xin đoái nhìn và thương đáp lại,
tỏa ánh sáng cho đôi mắt rạng ngời, để con khỏi ngủ giấc ngàn thu, để kẻ thù
con không thể nói: Ta đã thắng nó rồi, và đối thủ không được mừng vui khi thấy
con gục ngã, con được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng hát bài ca dâng Chúa,
vì phúc lộc Ngài ban” (Tv 13/12,4-6).
Trong cuộc thi
Olympic tổ chức vào năm 1924, vận động viên điền kinh E-ríc Lít-đen (Eric
Liddel), người Xcốt-len, giành được 2 huy chương vàng ở cự ly 200m và 400m. Còn
một giải cự ly 100m được tổ chức vào ngày Chúa nhật, ai cũng nắm chắc anh E-ríc
Lít-đen là người sẽ đeo vòng nguyệt quế ở cuộc thi này, vì ngoài anh không còn
đối thủ nào sáng giá hơn. Nhưng E-ríc Lít-đen đã từ chối dự thi, vì hôm đó là
ngày Chúa nhật, ngày lễ nghỉ, anh cần đi dự Lễ nên anh bỏ thi. Bởi lẽ Điều răn mới
thứ I của Hội Thánh dạy: Dự lễ và kiêng việc xác ngày Chúa nhật.
Giáo lý Công Đồng Vat.II còn nhấn
mạnh hơn về ý nghĩa ngày của Chúa: “Ngày
Chúa nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức
của các tín hữu, để ngày ấy trở nên ngày vui mừng và ngày nghỉ việc... Bởi vì
ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng Vụ” (Hiến Chế
Phụng Vụ số 106). Do đó huy chương vàng đối với anh không thể sánh bằng việc
anh đi tham dự Thánh Lễ, anh đã đi qua cửa hẹp dẫn đến sự sống.
THUỘC LÒNG
Hãy vào cổng hẹp, vì rộng rãi và thênh thang là con đường
dẫn đến hư vong, và lắm kẻ ngang qua đó,
còn cổng hẹp và đường chật thì dẫn đến sự sống, và ít kẻ gặp được nó ! (Mt 7,13-14).