BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Cv 15, 7-21
7 Sau khi đã tranh luận nhiều, ông Phê-rô đứng
lên nói: "Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã
chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và
tin theo.8 Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ
Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta.9
Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để
thanh tẩy lòng họ.10 Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên
Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng
ta đã không có sức mang nổi?11 Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giê-su
mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ."
12
Bấy giờ toàn thể hội nghị im lặng. Họ nghe ông Ba-na-ba và ông Phao-lô thuật
lại các dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa đã dùng hai ông mà làm giữa các dân
ngoại.
13 Khi hai ông dứt lời, ông Gia-cô-bê lên tiếng
nói: "Thưa anh em, xin nghe tôi đây:14 Ông Si-môn đã thuật lại
cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân
ngoại một dân mang danh Người.15 Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp
với điều ấy, như đã chép:16 Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng
lại lều Đa-vít đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng
lại lều ấy.17 Như vậy các người còn lại và tất cả các dân ngoại được
mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy,18 Người là Đấng
cho biết những điều ấy tự ngàn xưa.
19
"Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc
dân ngoại trở lại với Thiên Chúa,20 nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng
những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt
loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết.21 Thật vậy, từ những thế
hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Mô-sê đều có những người rao giảng: họ đọc lời
của ông trong các hội đường mỗi ngày sa-bát."
ĐÁP CA : Tv 95
Đ. Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công
Chúa làm. (x c 3).
1 Hát lên mừng Chúa một
bài ca mới,hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu!2a Hát lên mừng
Chúa, chúc tụng Thánh Danh!
2b Ngày qua ngày, hãy
loan báo ơn Người cứu độ,3 kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,cho
mọi nước hay những kỳ công của Người.
10 Hãy nói với chư dân:
Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,Người
xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
BÀI GIẢNG
THIÊN CHÚA Ở CÙNG TA
Trong Kinh Thánh, thành ngữ “Chúa ở cùng” có một nội dung đặc thù là : Ai được Chúa ở cùng,
người ấy được Chúa trao cho một sứ mệnh vượt khả năng, và Ngài giúp họ thành
công mỹ mãn hơn lòng mong ước. Đan cử như
* Ông Môsê run sợ và trốn
tránh quyền lực đế quốc Ai Cập đang truy đuổi, vì ông là người Do Thái đã giết
một người Ai Cập, ông lại mang tật nói ngọng ! Nhưng khi được Chúa nói : “Ta ở
cùng ngươi”. Thế là ông dám đương đầu với quyền lực đế quốc Ai Cập để
dẫn dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ ! (x Xh 3,12t)
* Ngôn sứ Giêrêmia thưa với Thiên Chúa : “Tôi chỉ bằng đứa con nít, lại bị bao kẻ ác
muốn chôn sống tôi, họ đã từng quăng tôi xuống giếng cạn ! Làm sao tôi có khả
năng dạy bảo chúng phải sửa cách sống để theo ý Chúa được ?” Nhưng Ngài bảo
: “Có
Ta ở với ngươi”. Thế là ông Giêrêmia trở thành ngôn sứ tuyệt vời của
Thiên Chúa (x Gr 1,1-8) ; rồi cả đến ngôn sứ Isaia cũng vậy (x Is 41,10-20).
* Khi ông Môsê biết mình sắp qua đời, muốn trao cho ông Giosuê
sứ mệnh tiếp tục dẫn dắt dân Do Thái vào đất Hứa, mà ông Giosuê chỉ là đồ đệ
của ông Môsê, ngay chính bản thân ông Môsê còn bị dân chống đối, thì làm sao
Giosuê có thể thay thế sứ mệnh cao cả này được ? Nhưng ông Môsê nói nói với ông
Giosuê : “Có Chúa ở cùng con!” Thế là ông Giosuê đã thành công trong
nhiệm vụ được giao phó ! (x Gs 1,6-9)
* Đặc biệt nhất là vào thời Thiên Chúa khai mào thực hiện
ơn cứu độ cho nhân loại, Ngài dùng cô Maria, quê Nazareth chẳng có gì hay cả !
(x Ga 1,46) Nhưng khi thiên thần nói : “Chúa ở cùng
bà”, thì cô Maria dù chẳng liên hệ đến nam giới mà cô vẫn sinh
Con Thiên Chúa, trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế! (x Lc 1,28).
* Khi Chúa Giêsu về Trời, Ngài trao quyền cho các môn đệ,
họ là tập thể bất toàn, không chỉ bất toàn về số lượng (11/12), mà còn bất cập
về phẩm chất Đức Tin, vì trong số họ có kẻ hồ nghi về Thầy Giêsu! Thế nhưng
Chúa vẫn tín nhiệm và sai họ đi khắp thế gian để cứu đời ! Bởi vì Ngài hứa : “Ta ở
với các con mọi ngày cho đến tận thế
!” (Mt 28,16-20).
Vậy ta
phải sống thế nào để được Thiên Chúa ở cùng ?
Trong Tin Mừng Gioan không có thành ngữ “Thiên
Chúa ở cùng”, nhưng dựa vào Lời Đức Giêsu dạy : “Nếu anh em tuân giữ các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ lưu lại trong
lòng yêu mến của Thầy, cũng như Thầy đã giữ các lệnh truyền của Cha Thầy, và
lưu lại trong lòng yêu mến của Người” (Ga 15,10 : Tin Mừng). Đó là cách
Chúa ở cùng loài người, vì Lời Chúa là cơ thể thứ hai của Chúa Giêsu. Chính vì
thế mà lời rao giảng đầu tiên Đức Giêsu không nói “hãy tin vào tôi”, mà Ngài
nói : “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng”
(Mc 1,15). Tin vào Tin Mừng là tin lời rao giảng của các chủ chăn trong Hội
Thánh, thì mọi thế hệ bất cứ ai cũng có điều kiện đón nhận ; còn tin vào Đức
Giêsu, người Nazareth, thì không phải ai cũng được thấy.
Nhưng lệnh truyền của Chúa ở đâu, để tôi nghe và tuân giữ ?
Thánh Tôma Tiến sĩ nói : “Mỗi vấn đề được
giải quyết trong lãnh vực của nó”. Cụ thể muốn “được Chúa ở cùng” phải
giải quyết trong Đạo Công Giáo, đặc biệt ta phải xác tín : Chúa chỉ ban quyền
công bố Lời Chúa (Chân Lý) cho Hội Thánh. Thực vậy,
C Mt 11,25 : Đức Giêsu nói : “Lạy Cha, Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không mạc khải cho hạng khôn
ngoan thông thái mà mạc khải cho những kẻ bé mọn”. “Kẻ bé mọn” trong Tân
Ước, đặc biệt chỉ về các chủ chăn và các tín hữu trong Hội Thánh. Như Đức Giêsu
đã nói với các môn đệ
-
Nếu chúng con không trở nên bé nhỏ, chúng con không thể làm môn đệ
của Thầy (Mt 18,3).
-
Đừng sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha các con đã khấng ban Nước
Trời cho các con (Lc 12,32).
-
Hỡi các con thơ bé, Ta chỉ ở với các con một ít nữa thôi (Ga
13,33).
-
Thánh Gioan viết thư cho các tín hữu, có nhiều người lớn tuổi hơn
ông, nhưng ông luôn viết : “Hỡi các con
thơ bé” (1Ga 2,1.12.14.18.28).
C Mt 16,13-17 : Khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ : “Người
ta nói gì về Thầy?” Các ông thưa : “Có
người nói Thầy là Êlya, kẻ khác nói
Thầy là Giêrêmia, cũng có kẻ nói Thầy là Gioan Tẩy Giả. Nói chung, dư luận nói
Thầy là một ngôn sứ”. Đức Giêsu không có ý kiến gì về những nhận xét đó. Ngài hỏi
Nhóm Mười Hai : “Còn anh em, anh em nói
Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa : “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Đức Giêsu xác nhận ngay : “Không phải
phàm nhân nào mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Rõ
ràng có nhiều người nói tốt về Đức Giêsu, xem ra Ngài chẳng quan tâm, chỉ riêng
có ông Phêrô tuyên xưng Đức Tin, thì được Ngài khen nói chính xác nhất, bởi vì
riêng mình ông đại diện Nhóm Mười Hai được Cha trên trời mạc khải cho.
C Ga 18,19-21 : Thượng tế Caipha hỏi Đức Giêsu dạy giáo lý
thế nào? Ngài trả lời : “Ai muốn nghe
giáo lý của tôi, cứ vào Nhà Thờ hỏi người nghe tôi nói, hằng ngày tôi giảng dạy
trong đó”. Như vậy, hỏi người nghe Đức Giêsu chính là hỏi môn đệ Ngài, và
Ngài xác nhận đó chính là Ngài giảng dạy hằng ngày.
C Lc 10,16 : Đức Giêsu nói : “Ai nghe lời môn đệ Ta là nghe
Lời Ta, ai khước từ môn đệ Ta là khước từ Ta và là khước từ Đấng đã sai Ta”.
C Lc 22,31-32 : Đức Giêsu cầu nguyện riêng cho ông Phêrô, vị
thủ lãnh Giáo Hội, vì ông có nhiệm vụ củng cố Đức Tin cộng đoàn.
C Gl 1,8 : Ông Phaolô xác tín : “Cho dù thiên thần trên trời xuống loan báo Tin Mừng khác với Tin Mừng
Hội Thánh rao giảng, thì đó là đồ chúc dữ !”
Xưa kia bà Mariam không
tin ông Môsê được đặc quyền Chúa cho công bố Lời Chúa, bà nói : “Dễ chừng chỉ có Thiên Chúa phán dạy qua ông
Môsê hay sao? Ngài đã không phán dạy ngang qua chúng ta nữa đó ư!” Chúa
nghe được, phạt bà bị cùi tức khắc ! (x Ds 12,1-13). Vì việc công bố Lời Chúa ,
Chúa trao cho ai là quyền tự do của Thiên Chúa, loài người không ai được so bì,
không ai được tự cho mình có quyền công bố và cắt nghĩa Lời Chúa. Thánh Kinh
dạy : “Anh em phải biết điều này : không
ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời
ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc
đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa.” (2Pr 1,20-21).
Thế mà tiếc thay rất nhiều
người đã ly khai với Hội Thánh Công Giáo là Mẹ, là Thầy dạy Đức Tin, viện cớ có
nhiều chủ chăn trong Hội Thánh bất xứng! Nếu trong một gia đình ông bố vướng
nhiều tật xấu, thử hỏi có ai chấp nhận cho đứa con lìa bỏ gia đình và không
nhìn nhận người người sinh ra mình là bố, nên không vâng lời khi bố dạy điều
tốt ?!
Chính vì những chứng từ
trên đây nói về quyền giáo huấn của Hội Thánh đã được Chúa trao, và Hội Thánh đã
thể hiện quyền này cách cụ thể ngay trong đời sống Giáo Hội sơ khai, là Chúa
mạc khải riêng cho ông Phêrô, cũng như soi sáng cho các Tông Đồ quyết định bỏ
việc cắt bì, và cứ ban Bí tích Thánh Tẩy cho bất cứ ai nghe Lời Chúa do các
Tông Đồ loan báo mà tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất (x Cv 4,12).
Tuy nhiên quyền giáo
huấn của Hội Thánh được Chúa Thánh Thần hướng dẫn dần dần đến Chân Lý vẹn toàn.
Đan cử : các Tông Đồ quyết định bỏ cắt bì, nhưng vẫn còn phải kiêng đồ ăn ô uế,
những đồ cúng cho ngẫu tượng ; kiêng ăn thịt con vật chết chưa cắt tiết, kiêng
ăn máu. Nhưng ngày nay các Luật ấy Hội Thánh không buộc tuân giữ. Đó là bằng
chứng Chúa Thánh Thần dẫn đưa Đức Tin của dân Chúa mỗi ngày thêm hoàn hảo (x Cv
15,7-21 : Bài đọc). Đúng như Đức Giêsu đã nói với các Tông Đồ : “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng hiện giờ anh em không mang nổi, khi nào Thánh Thần đến, Ngài là Thần Khí
sự thật sẽ đưa anh em vào tất cả sự thật, vì không phải tự mình mà Ngài nói,
nhưng nghe gì Ngài sẽ nói ra và sẽ loan báo cho anh em những điều sẽ đến”
(Ga 16,13-14).
Ngày nay, mỗi khi tham
dự Thánh Lễ là ta được trực tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2). Do đó
giáo huấn của Công Đồng Vat.II buộc người giảng phải dựa vào các Bài đọc Hội
Thánh đã chọn để trình bày cho giáo dân thấy “Lời Chúa tối ư quan trọng trong Phụng Vụ, là rút ra những mầu nhiệm Đức
Tin và những QuyTắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ”
(Hiến Chế Phụng Vụ số 24 và 52).
Khi các mục tử dạy giáo
lý, phải kín múc Chân Lý từ năm nguồn :
-
Thánh Truyền.
-
Kinh Thánh.
-
Phụng Vụ.
-
Giáo Luật.
-
Giáo huấn của Hội Thánh.
(xem CĐ. Vat.II Trong Sắc Lệnh Nhiệm Vụ Mục Vụ của Giám Mục
số 14)
1/ Thánh Truyền. Là lời giảng của Đức Giêsu cũng như của các Tông Đồ
không được ghi lại thành văn bản. Như thế Thánh Truyền có trước Tân Ước và rất
phong phú.
2/ Kinh Thánh. Là một phần của Thánh Truyền được ghi lại bằng văn
bản.
3/ Phụng Vụ. Các thể thức Hội Thánh dạy cầu nguyện, phụng thờ Thiên
Chúa, được quy định hợp với Thánh Kinh và Thánh Truyền.
4/ Giáo Luật. Quy định những sinh hoạt trong Hội Thánh và quy tắc cử
hành các Bí tích.
5/ Giáo huấn của Hội Thánh. Chỉ dẫn về cách sống đạo do Đức Giáo hoàng
hợp với Giám mục đoàn, được công bố trong các Công Đồng Chung và sách Giáo Lý
Roma.
Vậy khi ta được Lời
Chúa lưu lại trong tâm hồn và đem ra thực hành, biểu lộ lòng yêu mến Chúa, là ta
được ở lại trong lòng Mến của Chúa Giêsu. Có thế ta mới thuộc về đoàn chiên của
Ngài chăm sóc, như Ngài nói : “Chiên của
tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27 : Tung
Hô Tin Mừng). Đó là cách Chúa ở cùng ta,
giúp ta làm gì cũng thành công (x Tv 1,2-3). Đến như “làm những việc như Chúa Giêsu và còn làm những việc lớn lao hơn, vì
được Chúa Giêsu lên Trời ngự bên hữu Chúa Cha chuyển cầu cho” (Ga 14,12). Để
ta “kể cho muôn dân biết những kỳ công
Chúa làm” (Tv 96/95,3 : Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Nếu anh em tuân giữ
các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ lưu lại trong lòng yêu mến của Thầy, cũng
như Thầy đã giữ các lệnh truyền của Cha Thầy, và lưu lại trong lòng yêu mến của
Người (Ga 15,10).
http://phaolomoi.net
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH