Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH-NĂM B: SỐNG BÍ TÍCH KHAI TÂM
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC 1:  Cv 4,32-35
32 Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
33 Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
34 Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền,35 đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.
ĐÁP CA:  Tv 117
       Đ.  1 Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
2 Ít-ra-en hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 3 Nhà A-ha-ron hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. 4 Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
16 "Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, 17 Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm. 18 Sửa phạt tôi, vâng Chúa sửa phạt tôi, nhưng không nỡ để tôi phải chết.
22 Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 23 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. 24 Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ.
BÀI ĐỌC 2:  1Ga 5,1-6
Thưa anh em, 1 phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. 2 Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.
3 Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, 4vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian,đó là lòng tin của chúng ta. 5 Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa?6 Chính Đức Giê-su Ki-tô là  Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG:  
Hall-Hall:  Chúa nói: “Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.” (x Ga 20,29)
TIN MỪNG:  Ga 20,19-31
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!"20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin."26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em."27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."28 Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! "29 Đức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người. 
BÀI GIẢNG
SỐNG BÍ TÍCH KHAI TÂM
Để làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh, một trong những lý do có tính thuyết phục người nghe phải tin chắc Chúa Giêsu đã sống lại là dựa vào sự cứng tin của các Tông Đồ, dù đã được nghe tin Thầy các ông đã từ cõi chết sống lại. Thực vậy, chính Chúa Giêsu đã trách ông Tôma: “Con đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27:  Tin Mừng). Thậm chí cả đến lúc Chúa Giêsu Phục Sinh sai các Tông Đồ đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng làm chứng cho Ngài đã chết và sống lại, thế mà trong số những người được sai đi có kẻ còn hoài nghi (x Mt 28,17). Chỉ sau khi Chúa Giêsu về Trời, Ngài sai Thánh Thần đến với các ông, từ đó các ông mới trở thành những chứng nhân can đảm, dám liều mạng vì làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại, để những ai nghe lời các ông mà tin, thì có phúc hơn những người đã thấy Chúa Giêsu sống lại mới tin, như Ngài nói với ông Tôma: “Này anh Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29:  Tung Hô Tin Mừng).
Những người đã được Chúa Giêsu Phục Sinh chúc phúc dù không thấy Ngài mà tin, họ phải thể hiện Đức Tin bằng việc làm, như thánh Gioan Tông Đồ nói: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các Điều Răn của Người. Mà các Điều Răn của Người có nặng nề gì đâu, vì ai thắng thế gian kẻ tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu ; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là Sự Thật” (1Ga 5,1-6:  Bài đọc II).
Như thế Chúa Giêsu Phục Sinh đến với những ai tin vào Ngài nhờ nước máu, Thần Khí sự thật là chứng nhân. Nghĩa là người được lãnh nhận Bí tích Khai Tâm, phát xuất từ Chúa Giêsu Thập Giá. Bởi vì khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, “Ngài trao ban Thần Khí” (Ga 19,30). Thần Khí cũng là Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba, chính Ngài là chứng nhân cho những ai lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy bằng nước, và hiệp dâng Bí tích Thánh Thể (bằng máu):   Nước và máu ở đây khơi nguồn từ tim Chúa Giêsu bị đâm (x Ga 19,34), được tháp nhập nên một với Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài giúp họ sống Bí tích Khai Tâm (Thánh Tẩy, Thêm Sức, Thánh Thể), mới xứng đáng là con Thiên Chúa, là Hiền Thê của Chúa Kitô (x 1Ga 3,2a; 2Cr 11,2).
I. SỐNG BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Có một thứ thanh tẩy Thầy phải chịu và Thầy những bồn chồn chờ đến lúc hoàn tất” (Lc 12,50), là Ngài nói về nước từ tim Ngài dốc ra khi bị đâm trên đồi Sọ, để thanh tẩy, để tái sinh những ai tin vào Ngài, hầu được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, mới làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh: “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí ; tuyên sấm đi hỡi con người! Ngươi hãy nói với thần khí:  Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này:  từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh” (Ed 37,9). Sấm ngôn này nói về những kẻ đã chết vì tội lỗi, nhưng tin vào Chúa Giêsu mà lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì thánh Phaolô nói: “Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi”(x 2Cr 5,17). Và như thế là Chúa Giêsu đã hoàn tất dòng giống Adam. Vì thời Cựu Ước, sau Thiên Chúa nắn tạo Adam từ bùn đất, Ngài thổi hơi vào mũi ông (x St 2,7) ; Đến thời Tân Ước, con người được tái sinh nhờ danh Chúa Giêsu (x Cv 2,38), Chúa Giêsu cũng thổi hơi và trao ban Thần Khí cho họ (x Ga 20,22:  Tin Mừng), họ mới xứng đáng là Hiền Thê của Ngài.
Trong mối tình phu-thê, hai người nam nữ yêu nhau thật, nhìn con người của họ xem ra không có gì thay đổi, nhưng ý hướng của họ hoàn toàn thay đổi:  tư tưởng, lời nói, hành động, vợ hay chồng đều nhằm diễn tả tình yêu của mình. Ví dụ:  Anh A trước và sau khi lấy vợ, nhìn không thấy gì khác, nhưng tâm tư của anh hoàn toàn lệ thuộc vào tình yêu muốn làm vui lòng vợ:  Trước đây khi còn độc thân, sau khi tan sở, anh về nhà lúc nào tùy ý, tiền lương anh tiêu cho thỏa dạ. Nhưng khi anh đã có vợ, anh chỉ muốn về nhà càng sớm càng tốt ; lương tháng không dám tiêu chỉ muốn đưa hết cho vợ mà lấy làm vui. Cũng thế, sau khi được lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, ta là Hiền Thê của Chúa Kitô (x 2Cr 11,2), thì từ tư tưởng, lời nói việc làm, luôn có ý hướng sống sao cho đẹp lòng Chúa. Bởi vì Ngài yêu ta bằng mối tình người đời không ai có thể sánh kịp.
II. SỐNG BÍ TÍCH THÊM SỨC
Chúa Giêsu Phục Sinh gặp bà Maria Madalêna, Ngài không trao ban Thánh Thần, Ngài đi đường với hai môn đệ không thuộc Nhóm Mười Hai, cũng không trao ban Thánh Thần, nhưng Ngài chỉ ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ thuộc Nhóm Mười Hai vào ngày Chúa nhật khi các ông cùng nhau hội họp. Đây là hình ảnh Hội Thánh sơ khai cử hành Phụng Vụ. Bởi thế trong Mục Vụ, Bí tích Thêm Sức trao ban Thánh Thần cho các tín hữu, chỉ có các Giám Mục là hiện thân các Tông Đồ đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, mới có quyền trao ban cho các tín hữu.  Chúa Thánh Thần sẽ làm cho ta biết đón nhận Lời Chúa và biết sử dụng của cải đúng ý Chúa:
1- Chúa Thánh Thần giúp ta đón nhận Lời Chúa
Ông Tôma không tin Chúa Giêsu đã sống lại khi nghe anh em nói, ông còn đòi hỏi: “Nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào bàn tay Ngài, thì tôi không tin” (x Ga 20,20.27:  Tin Mừng). thánh sử Gioan có ý ghi lại chi tiết này để ông có quyền nói với các tín hữu: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1,1). Nói như thế, ông Gioan muốn xác quyết với các tín hữu: Tin Mừng Chúa Giêsu Phục Sinh, các Tông Đồ loan báo cho anh em là Tin Mừng rất xác thực, vì đã tận dụng mọi khả năng Chúa ban để đón nhận:  
¨   Tai nghe tin Chúa Giêsu sống lại, kém chính xác. Dân gian có câu: “Ông nói gà, bà nghe vịt”.
¨   Mắt nhìn trực tiếp Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến, các Tông Đồ vẫn tưởng là ma.
¨   Khối óc trái tim để cung chiêm Tin Mừng Chúa sống lại, dẫn đến hành động Đức Tin
¨   Tay chộp lấy, chính xác và trọn vẹn nhất.
Thực vậy, một Kitô hữu muốn trưởng thành về Đức Tin và lòng Mến, thì phải lắng tai nghe giảng, mắt nhìn Sách Thánh đọc, khối óctrái tim suy gẫm Lời Chúa, tay dùng bút ghi lại. Nhưng muốn đạt được ơn cứu độ, còn phải giơ tay đón nhận lấy Bánh Hằng Sống (rước Lễ).
Ngày nay chúng ta còn nhiều phương tiện khoa học, giúp ta đón nhận Lời Chúa như máy vi tính, điện thoại, radio, camera…. Liệu chúng ta có biết tận dụng nó để làm triển nở Đức Tin và lòng Mến?
2- Chúa Thánh Thần giúp ta biết chia sẻ của cải
Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái là của riêng mình, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung. Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn gì, vì tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa đều bán đi, lấy tiền đem đặt tất cả dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Với tinh thần sống Đạo này, Chúa ban cho họ được dồi dào ân sủng” (Cv 4,32-35:  Bài đọc I).

Khi còn sống ở đời này, “của cải phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu”, phải  hiểu một cách cụ thể là : Chia vào bốn mục đích :

1-     Làm phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh (x GLHT số 2041-2043). Đây là điều răn thứ 5, điều răn mới trong 5 điều răn của Hội Thánh.

2-     Nuôi sống bản thân (x Kn 1,14a ; St 2, 16 ; St 9,2-3).

3-     Tạo ra phương tiện để phục vụ (x Lc 19, 11t).

4-     Chia sẻ cho người không có khả năng tự kiếm sống: trẻ con, người già, người tàn tật…

Đây là hình ảnh diễn tả con cái Thiên Chúa sống chung một nhà vào thời cánh chung.
Ngày nay Hội Thánh thêm Điều Răn mới là Điều Răn  thứ V dạy các tín hữu:  Với Đức Tin và lòng Mến, tùy theo khả năng mỗi người, hãy đóng góp của cải vật chất cho những nhu cầu của Hội Thánh để làm phát triển Tin Mừng (x GL Roma số 2043).
III. SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Thánh Gioan ghi nhận: “Chúa Giêsu Phục Sinh đến với các Tông Đồ vào chiều thứ I trong tuần” (x Ga 20,19a:  Tin Mừng). Ngày thứ I trong tuần là ngày Chúa nhật, truyền thống Hội Thánh sơ khai cử hành Thánh Lễ. Trong bối cảnh này ông Tôma có mặt, Chúa Giêsu bảo ông hãy thọc bàn tay vào cạnh sườn Thầy, xỏ ngón tay vào lỗ đinh bàn tay Thầy (x Ga 20,27:  Tin Mừng), nhưng ông đã không làm, mà vội sụp lạy thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28:  Tin Mừng). Đây là lời tuyên xưng Đức Tin của cộng đoàn dân Chúa trong Phụng Vụ vào thời Giáo Hội sơ khai. Mà người ta chỉ có thể thờ lạy Thiên Chúa của mình khi hiệp thông trọn vẹn Hy Tế Chúa Giêsu thiết lập, Chúa Giêsu gọi đó là cách thờ phượng Chúa Cha ưng nhận (x Ga 4,23-24). Ai hiệp dâng Thánh Lễ với Chúa Giêsu thì được Hội Thánh ghi tạc Lời Chúa vào lòng (x 2Cr 3,3) và được rước Mình Thánh Chúa (x Mt 26,26t), là nguồn phát sinh sự bình an. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu Phục Sinh ba lần ban bình an cho cộng đoàn những kẻ tin hội họp trong ngày Chúa nhật cử hành Phụng Vụ (x Ga 20,19.21.26:  Tin Mừng). Bởi thế trong Thánh Lễ, chủ tế cũng ba lần chúc bình an cho dân Chúa:  Mở đầu Thánh Lễ, trước khi rước Lễ, và trước kết Lễ.
Thế nên người Công Giáo sống Bí tích Khai Tâm là cách để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và điều khiển mọi sinh hoạt trong cuộc sống của mình, nên chỉ những ai được Chúa Thánh Thần chiếm đoạt mới là người có quyền quản lý Nước Trời. Vì vậy mà khi Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi vào các Tông Đồ, Ngài nói:  “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22b-23: Tin Mừng). Càng có nhiều người được vào Nước Thiên Chúa, thì vết tử thương của Chúa Giêsu càng mau se lại, bởi lẽ người Công Giáo là những chi thể của Chúa Giêsu Phục Sinh tiếp tục làm nhiều dấu lạ qua đời sống của họ. Vì thế, kết thúc Mạc Khải, thánh Gioan viết: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này.Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31:  Tin Mừng). Ngược lại, kẻ nào không sống Bí tích Khai Tâm, không để Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ trong các sinh hoạt của họ, khiến Chúa Giêsu cứ phải rên lên: “Không biết ngày Con Người trở lại, có còn gặp được niềm tin trên mặt đất này không?” (Lc 18,8), thì chắc chắn vết tử thương của Ngài càng thêm lở loét!
Vậy chỉ khi ta sống trọn vẹn Bí tích Khai Tâm, mới cất cao lời cầu: “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118/117,1:  Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu!  (1Ga 5,3).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: