BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC 1: Gr 31,31-34
31 Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa
- Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới,32 không
giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi
đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của
chúng - sấm ngôn của Đức Chúa.33 Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với
nhà Ít-ra-en sau những ngày đó - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ
chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của
chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta.34 Chúng sẽ không còn phải dạy bảo
nhau, kẻ này nói với người kia: "Hãy học cho biết Đức Chúa", vì hết
thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Ta
sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa.
ĐÁP CA: Tv 50
Đ. 12a Lạy Chúa Trời, xin
tạo cho con một tấm lòng trong trắng.
3 Lạy
Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,mở lượng hải hà xoá tội con đã
phạm. 4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh
tẩy.
12 Lạy
Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con
nên chung thuỷ.13 Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
14 Xin ban
lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng
con; 15 đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ
trở lại cùng Ngài.
BÀI ĐỌC 2: Dt 5,7-9
7 Khi còn sống kiếp phàm
nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin
lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng
tôn kính.8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau
khổ mới học được thế nào là vâng phục;9 và khi chính bản thân đã tới
mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng
phục Người.
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 12,26
Chúa nói rằng: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo
Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.”
TIN MỪNG: Ga 12,20-33
Vào dịp lễ Vượt Qua năm
ấy, 20 trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa,
có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa,
miền Ga-li-lê, và xin rằng: "Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông
Giê-su."22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng
với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su.23 Đức Giê-su trả lời:
"Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh
em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một
mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý
mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ
giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo
Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của
Thầy sẽ quý trọng người ấy."
27 "Bây giờ, tâm hồn Thầy xao
xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì
giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha." Bấy giờ
có tiếng từ trời vọng xuống: "Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh
nữa! "29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: "Đó là
tiếng sấm! " Người khác lại bảo: "Tiếng một thiên thần nói với ông ta
đấy! "30 Đức Giê-su đáp: "Tiếng ấy đã vọng xuống không phải
vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế
gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32 Phần
tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với
tôi."33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách
nào.
BÀI GIẢNG
HIẾN LỄ MỚI !
Tuần tới, Chúa nhật lễ
Lá đưa Đức Giêsu vào cuộc khổ nạn. Ngài sẽ bị giết chết trên thập giá. Ngài vừa
là Chủ Tế, vừa là Của Lễ mới, thay thế của lễ chiên cừu bò lừa bị sát tế dâng
lên Chúa trong dịp lễ Vượt Qua, theo Luật Môsê, đó là Hy Tế mới Chúa Giêsu
thiết lập, và Ngài xác nhận: “Những kẻ thờ phượng đích thực, sẽ thờ phượng
Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ
phượng Người như thế” (Ga 4,23). Hy Tế này Đức Giêsu vừa ban Giao Ước
Mới, cũng là Di Chúc (x Dt 9,16), và ban ơn tha tội cho những ai đến thông hiệp
với Ngài.
1/ Đức Kitô là Tư Tế mới (x GL Roma số 1410)
Ta biết Ngôi Hai Thiên
Chúa chỉ “hành nghề Tư Tế” khi Ngài nhập thể làm người, “Ngài đã dâng lên Chúa Cha chính Con Người của Ngài cùng với lời khẩn
nguyện lớn tiếng kêu van trong nước mắt và Ngài đã được nhậm lời thoát khỏi sợ
hãi. “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã
phải trải qua đau khổ mà học cho biết vâng phục, một khi đã thành toàn, Ngài đã
nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho những ai tùng phục Ngài” (Dt 5,7-9: Bài
đọc II).
2/ Ngài là Lễ Vật mới
Ngài không giết con
vật nào để dâng cho Chúa Cha mà dâng chính mình khi Ngài chịu để cho sự dữ tấn
công :
Ø Hoặc là quyền lực Satan
tấn công. Ngài nói: “Như ông Môsê giương
cao con rắn trong sa-mạc, Con Người cũng PHẢI BỊ treo lên như vậy” (Ga 3,14:
Bản dịch của NTT): Loan báo Khổ Nạn lần I.
Ø Hoặc là Ngài bị nhân
loại bất tín tấn công. Ngài nói: “Khi các
ngươi NHẮC CON NGƯỜI LÊN CAO, bấy giờ các
ngươi biết Ta là Chúa” (Ga 8,28: Bản dịch của NTT): Loan báo Khổ Nạn lần
II.
Ø Hoặc là do ý Cha muốn
Ngài chấp nhận đau khổ để biểu lộ quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Ngài
nói: “Một khi TA ĐƯỢC GIƯƠNG cao khỏi mặt
đất, Ta sẽ kéo mọi người lại với Ta” (Ga 12,32: Bản dịch của NTT): Loan báo
Khổ Nạn lần III.
Ngài bị giết chết
không phải như hạt lúa thối đi, vì hạt giống thối thì không bao giờ mọc lên
được. Thế nên phải hiểu Lời Đức Giêsu nói: “Đã
đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo
vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi,
nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24: Tin Mừng). “Hạt
lúa chết đi” là ám chỉ chính Ngài sẽ bị giết và được ông Nicôđêmô lãnh
xác Ngài an táng trong lòng đất, chưa trọn ba ngày, thì “hạt giống” này đã mọc
lên (Chúa Giêsu Phục Sinh), để rồi Ngài sai các Tông Đồ đi khắp thế giới tập
họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc: ban Thánh Tẩy cho họ, và dạy họ mọi điều Đức
Giêsu đã truyền cho các ông (x Mt 28,19-20), và cứ như thế cho tới ngày cánh
chung, thì từ “hạt lúa mì” ấy đã chết sinh ra biết bao hạt khác, mà thánh
Gioan được Chúa cho nhìn thấy trước: “Con
Chiên đứng trên núi Sion và với 144 ngàn người, mang danh của Ngài và danh của
Cha Ngài viết trên trán họ. Ngoài 144 ngàn người ấy, những người đã được mua
chuộc từ cõi đất, họ là những kẻ không bị dây dớm với phụ nữ vì họ trinh khiết
; họ được tháp tùng theo Chiên Con bất cứ Ngài đi đâu ; họ đã được mua chuộc
giữa loài người, làm tiên thường hiến dâng Thiên Chúa và Con Chiên” (Kh
14,1.3b-4).
Những người được Chúa
cứu độ đã diễn tả người tôi trung Thiên Chúa mà ngôn sứ Isaia đã nói: “Thiên Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.Nếu người hiến thân làm lễ
vật đền tội,người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,và nhờ người, ý
muốn của Thiên Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình,người sẽ nhìn thấy
ánh sáng và được mãn nguyện.Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung
của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì
thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản,và cùng với những bậc anh hùng hào
kiệt,nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị
liệt vào hàng tội nhân;nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can
thiệp cho những kẻ tội lỗi” (Is 53, 10-12).
3/ Hiệu qủa Hiến Lễ mới
Xưa kia nhiều lần
Thiên Chúa đã ban Giao Ước cho con người :
Þ Giao ước với ông Noe
không còn lụt qua dấu hiệu chiếc cầu vồng (x St 9,1-17)
Þ Giao ước với ông Abraham
sinh con đông như sao trời như cát bãi biển qua dấu phải chịu cắt bì (x St
17,1-27)
Þ Giao ước với ông Môsê
qua luật pháp được đánh giá bằng máu chiên bò (x Xh 19-24)
Þ Giao ước cho dòng dõi
vua Đavid trường tồn, vinh quang qua dấu một trinh nữ sinh con (x 2Sm 7).
Đặc biệt nhất là giao
ước với toàn dân Chúa qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: “Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống
như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, …Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc
vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ
là dân của Ta. …Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của
chúng nữa.” (Gr 31,31-34: Bài đọc 1)
Ta để ý đến nội dung Giao ước mới do ngôn sứ
Giêrêmia loan báo như trên có hai hiệu quả chính: Ban Giao Ước Mới và tha
tội.
*
Thần Khí Chúa đặt LỜI VÀO CON NGƯỜI được Chúa cứu chuộc (x Gr 31,33).
* Ta sẽ THA TỘI cho chúng. (x Gr
31,34)
Hai hiệu qủa trên
chính Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc tử nạn của Ngài :
a- Ban Giao ước mới: Chúa Giêsu là hiện
thân Lời của Chúa Cha, là Ngôi Lời hằng hữu (x Ga 1,1), đồng thời Ngài là “hạt
giống tốt” của Thiên Chúa gieo xuống gian trần, để sinh nhiều “hạt giống tốt”
khác (x Ga 12,24), là những con người đã được Hội Thánh ghi tạc Lời Chúa vào
tấm xương thịt và linh hồn, nên thánh Phaolô nói: “Lời Chúa nay không phải viết bằng giấy mực, cũng không phải như xưa
viết trên tấm đá, nhưng là viết bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống trên
những tấm bia tâm hồn và bia xác thịt” (2Cr 3,3). Đặc biệt Giao ước được
ban trong giờ chết lại trở thành DI CHÚC cho người nhận (x Dt 9,16).
Hiểu được như thế ta
mới rõ lý do thánh Gioan Tông Đồ viết về Đức Giêsu trên thập giá: ông nhấn mạnh
về Thiên tính của Ngài: “Ngài nghiêng đầu
trao ban Thần Khí” (Ga 19,30), khác với Nhất lãm viết về nhân tính của Chúa
Giêsu: “Ngài gục đầu tắt thở” (Mc
15,37).
b- Tha
tội:
Đức Giêsu nói: “Giờ đây đang diễn ra cuộc
phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!”
(Ga 12,31) Đầu mục thế gian bị khai trừ chính là Satan, thế gian, tội lỗi, không
có quyền thống trị con người, vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã đánh gục nó! Bởi thế,
Bí tích Thánh Thể (Lễ tế mới của Đức Giêsu dâng) là trung tâm phát sinh mọi ơn
của của các Bí tích khác nên trở thành Bí tích tha tội bậc nhất: Ai mắc tội nhẹ với lòng sám hối lên rước Lễ
đã được Chúa tha thứ, thậm chí người mang tội trọng CẦN rước Lễ, muốn xưng tội
mà chưa cho điều kiện,cũng được rước Lễ, “kèm theo quyết tâm thống hối trọn
vẹn bao gồm dốc lòng quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể” (Giáo Luật
số 916 và Giáo Lý Roma số 1407.1414.1416). Vì thế mỗi khi tham dự Thánh Lễ, ta
cất lời cầu: “Lạy Chúa, xin tạo cho con
một tấm lòng trong trắng” (Tv 51/50,12a: Đáp ca).
4/ Đồng tế
Đức Giêsu không thiết
lập lễ tế một mình, Ngài nói: “Khi được
giương cao,Ta sẽ kéo mọi người lên (đồng tế) với Ta” (Ga 12,32). Vì Ngài
muốn ai phục vụ Ngài thì Ngài ở đâu – dù trên thập giá – họ cũng ở đó, để khi
Ngài được Chúa Cha tôn vinh, thì kẻ ấy cũng được vinh hiển. Nhưng Ngài lo sợ theo
bản tính loài người: “Không biết đến ngày
cánh chung khi Ngài trở lại trần gian liệu có còn gặp được niềm tin trên mặt
đất này nữa không?” (Lc 18,8). Đó là nỗi sợ cô đơn, Ngài phải chấp nhận. Vì
thế Ngài nói: “Bây giờ tâm hồn Thầy xao
xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng chính vì
giờ này mà Con đã đến” (Ga 12,27: Tin Mừng). Giờ của Ngài là giờ tự nguyện
hiến tế đồng thời là giờ Ngài biểu lộ vinh quang (x Ga 2,4 ; Ga 7,6.8.30 ; Ga
8,20), như Ngài nói: “Ai hầu hạ Ta, thì
hãy theo Ta, và Ta ở đâu kẻ hầu hạ Ta cũng sẽ ở đó. Mà ai hầu hạ Ta thì Cha Ta
sẽ tôn vinh nó” (Ga 12,26 – Bản dịch NTT: Tung Hô Tin Mừng). Động từ “hầu
hạ”, Hy ngữ là “Litrêô” dịch sang tiếng Do Thái là “Avad”, có hai nghĩa: phụng
thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân ; còn động từ “treo lên” (x Ga 12,32) Hy-ngữ
là “Hupsun” cũng có hai nghĩa: bị đóng đinh và được tôn vinh.
Tác giả sách Sáng thế
viết: Ngài là Tư Tế theo kiểu Menkixêđek, nghĩa là xưa khi ông Abraham thắng
mọi vua chúa trên đời để bảo vệ tài sản cho cháu Lot, ông còn phải dâng cho Menkixêđek
chiến lợi phẩm và nhận lại bánh và rượu do Menkixêđek trao cho (x St 14). Điều
ấy chứng tỏ nay Đức Giêsu có quyền đòi mọi người phải có lòng nhân ái như ông
Abraham đối với cháu Lot, để việc nghĩa ấy góp chung một của lễ với Đức Giêsu,
hầu lôi kéo muôn dân đến với Chúa Cha, như dân Hy Lạp nhờ môn đệ Đức Giêsu dẫn
đến gặp Ngài (x Ga 12,20-23: Tin Mừng). Đó là những kẻ do Cha lấy từ thế gian
trao cho Đức Giêsu, vì thế Chúa Cha đã nói với Đức Giêsu: “Ta đã tôn vinh danh Ta, và Ta lại sẽ tôn vinh”, và Đức Giêsu hiểu ý
Chúa Cha nên nói với dân: “Tiếng ấy phát
ra không phải vì Ta mà vì các ngươi” (x Ga 12,28-30: Tin Mừng).
THUỘC LÒNG.
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn
trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12,24).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH