Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY- NĂM B: PHẢI CHẤP NHẬN ĐỔ MÁU MỚI CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐẠO
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 BÀI ĐỌC 1: Xh 20,1-17
Ngày ấy, trên núi Xi-nai 1 Thiên Chúa phán tất cả  những lời sau đây: 2"Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của  ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.
5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa , Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. 7 Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì  Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.
8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh.9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi.10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa , Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi.11 Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.
12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. 13 Ngươi không được giết người.
14 Ngươi không được ngoại tình.
15 Ngươi không được trộm cắp.
16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.
17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta."
ĐÁP CA: Tv 18B
     Đ.        Lạy Chúa, Chúa mới có những Lời đem lại sự sống đời đời.  (Ga 6,68c)
8 Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn.
9 Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh.
11 Thật quý báu hơn vàng, hơn vàng y muôn lượng, ngọt ngào hơn mật ong, hơn mật ong nguyên chất.
BÀI ĐỌC 2: 1Cr 1,22-25
Thưa anh em 22 trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 3,16
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
TIN MỪNG: Ga 2,13-25
 13 Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem.14 Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền.15 Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.16 Người nói với những kẻ bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán."17 Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
18 Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? "19 Đức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại."20 Người Do-thái nói: "Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? "21 Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.22 Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
23 Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm.24 Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy,25 và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người. 
BÀI GIẢNG
PHẢI CHẤP NHẬN ĐỔ MÁU
MỚI CANH TÂN ĐỜI SỐNG ĐẠO
 
Giáo huấn Chúa nhật II Mùa Chay năm B, Chúa Cha đòi buộc loài người phải “nghe Lời Con Yêu Dấu của Ta” (Mc 9,7). Nhưng sau đó Đức Giêsu cấm các môn đệ nói lời ấy với bất cứ ai cho đến khi Ngài từ cõi chết sống lại, và ta đã hiểu rằng: Nghe Lời Con Chí Ái của Chúa Cha chính là nghe lời Hội Thánh Công Giáo công bố Lời Chúa trong Phụng Vụ (x Dt 1,1-2). Mà Đức Giêsu đã khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Như thế Con Chí Ái của Chúa Cha và Hội Thánh giảng dạy đều nhắm làm hoàn  hảo Giao Ước Chúa đã lập với dân Israel. Muốn làm cho giá trị giao ước cũ được hoàn hảo sinh ơn cứu độ, Đức Giêsu phải trả giá đắt là đành mất mạng sống mới canh tân đổi mới được cả một truyền thống cơ cấu quyền bính đã từng dạy và thực hành Luật bất toàn thời Cựu Ước.
Thực vậy, đời sống của các tư tế thuộc tộc Lêvi đã được Luật Môsê quy định: “Các tư tế Lê-vi, toàn thể chi tộc Lê-vi, sẽ không được chung phần và hưởng gia nghiệp với Ít-ra-en: họ sẽ sống nhờ các lễ hoả tế dâng ĐỨC CHÚA và nhờ gia nghiệp của Người.  Họ không có gia nghiệp giữa các chi tộc anh em: chính ĐỨC CHÚA là gia nghiệp của họ, như Người đã phán với họ.Đây là quyền lợi các tư tế được hưởng trên dân, trên những người dâng bò hay chiên dê làm lễ hy sinh: người ta sẽ biếu tư tế một cái vai, hai cái hàm và cái dạ dày.  Anh (em) phải biếu tư tế sản phẩm đầu mùa lấy từ lúa mì, rượu mới, dầu tươi của anh (em), và từ lông chiên dê mới xén” (Dnl 18,1-4). Thế mà Đức Giêsu lại vô cùng phẫn nỗ chưa từng thấy trong đời của Ngài, vì truyền thống sinh hoạt của hàng tư tế vào “dịp lễ Vượt Qua là một Đại Lễ quan trọng nhất của Phụng Vụ Do Thái giáo, Ngài vào thánh điện Giêrusalem lấy dây làm roi đánh đuổi tất cả những bọn buôn bán chiên bò, bồ câu ra khỏi Đền Thờ ; còn tiền của những người đổi bạc, Ngài đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ, Ngài nói: “Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây đừng biến Nhà Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,13-16: Tin Mừng).
Sở dĩ Đức Giêsu bạo hành như thế vì ba lý do :
-      Sứ mệnh của Ngài là làm hoàn hảo Luật.
-      Đền Thờ là nơi cầu nguyện không ai được biến thành cái chợ.
-      Nơi Đền Thờ vật chất, hàng tư tế phải làm cho các tín hữu trở nên Đền Thờ đích thực để Chúa ngự.
I.  ĐỨC GIÊSU ĐẾN ĐỂ LÀM HOÀN HẢO LUẬT
Luật Phụng Vụ Do Thái giáo là trung tâm đời sống Đức Tin của dân Chúa đã tuyển chọn. Sách Luật dạy vào dịp lễ Vượt Qua phải sát tế chiên cừu bò lừa để dâng lên Chúa (x Dnl 16,2). Nhưng đó chỉ là hình bóng báo trước Phụng Vụ Đức Giêsu thiết lập. Tác giả thư Do Thái viết: “Máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể.  Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. Trước hết, Đức Ki-tô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Dt 10,4-10). Đó là lý do Đức Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem.Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến-và chính là lúc này đây-giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4,21-24).
Ai thờ phượng Thiên Chúa theo thể thức Đức Giêsu dạy như thế mới chu toàn phần thứ I của Thập Giới về Luật Mến Chúa. Chúa phán: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Kẻ nào ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng danh Chúa một cách bất xứng. Hãy nhớ ngày Sabbat mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy ngươi không được làm công việc nào”  (x Xh 20, 3-10: Bài đọc I).
Và quyền làm cho Luật trở nên hoàn hảo, Chúa Giêsu cũng trao cho Hội Thánh, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,12-13). Vì vậy Hội Thánh được Chúa Thánh Thần hướng dẫn đã thay đổi và canh tân Luật Phụng Vụ:
F Theo Điều răn I thì: “Ngươi không được tạc tượng thần” (Xh 20,4: Bài đọc I), nhưng trong Hiến Chế Phụng Vụ số 125, Hội Thánh lại dạy: “Phải cương quyết duy trì thói quen đặt ảnh tượng thánh trong nhà thờ cho các tín hữu tôn kính.” Và Quy Chế sách Lễ Roma số 278 viết: “Theo truyền thống rất cổ kính trong Hội Thánh, được phép đặt các ảnh tượng Chúa, Đức Trinh Nữ Maria và Các Thánh trong các Thánh Đường để giáo dân tôn kính. Mỗi vị Thánh chỉ nên có một ảnh tượng”. Bởi đó chắc chắn Hội Thánh không muốn trong một Nhà Thờ có nhiều tượng ảnh Đức Mẹ. Rất tiếc Luật này nhiều nơi không tôn trọng: cùng trong một Nhà Thờ nào là Mẹ Fatima, nào là Mẹ Lộ Đức, như thế  cũng chưa đủ nên phải đặt thêm tượng Mẹ LaVang, ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp v.v…
Sở dĩ ông Môsê cấm dân đúc ảnh tượng là vì dân Do Thái chỉ thờ một Thiên Chúa vô hình, nên trong đền thờ Giêrusalem chỉ đặt hai bia đá ghi Lời Chúa mà ông Môsê đã nhận nơi Chúa từ núi Sinai, khác với dân ngoại, thờ đủ mọi hình tượng theo ý người ta họa dựa vào hình ảnh vạn vật trong vũ trụ (x Kn 13). Tuy nhiên có lúc ông Môsê bảo dân: “Đúc con rắng đồng treo lên, ai bị rắn cắn cứ nhìn lên nó, thì được thoát chết!” (x Ds 21,4-9) Điều ấy không phải tự con rắn có phép mầu cứu người khỏi chết, mà đó chỉ là dấu tiên báo vào thời Tân Ước, ai nhìn lên Đức Giêsu bị đóng đinh,với lòng tin, lòng cậy, chắc chắn được ơn hơn những người nhìn lên con rắn đồng. Thực vậy, đã có rất nhiều người tin Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ, nên chỉ cần đụng đến tua áo choàng của Đức Giêsu là được ơn (x Mc 6,56).
F Theo Điều răn III thì: “Ngày thứ bảy, ngươi và mọi súc vật  phải nghỉ việc” (x Xh 20,8-11), nhưng Hội Thánh đã đổi Luật ngày thứ bảy sang ngày Chúa nhật và không khắt khe buộc giữ như Luật Sabbat người Do Thái phải tuân thủ. Sở dĩ Hội Thánh thay đổi vì ba lý do:
* Xh 20,8-11: Isarael phải nghỉ ngày thứ bảy, để mừng công trình Chúa tạo dựng muôn loài trong vũ trụ vô cùng tốt đẹp, và Ngài đã dùng làm quà tặng ban cho loài người. Đó chỉ là dấu tiên báo vào ngày Chúa nhật, ngày thứ tám trong tuần, Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, ai tin vào Ngài là Đấng cứu độ duy nhất (x Cv 4,12), thì được tái sinh làm con Thiên Chúa, là một tuyệt tác nhất trong muôn loài Chúa tạo dựng, nên Luật Hội Thánh buộc mọi người phải dự Lễ ngày Chúa nhật trong niềm vui mừng và biết ơn (x HCPV số 106).
* Dnl 5,12-15: Israel phải nghỉ ngày thứ bảy để tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài cứu dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập. Đó cũng chỉ là biến cố tiên báo vào ngày Chúa nhật Chúa Giêsu sống lại, Ngài cứu những kẻ tin vào Ngài thoát nô lệ Satan khởi đi từ lúc họ lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.
* Xh 24,16-18 . 34,28: Israel phải nghỉ ngày thứ bảy để tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban Luật cho dân Do Thái ở núi Sinai. Nhưng đó là biến cố tiên báo vào ngày Chúa nhật Đức Giêsu sai Thánh Thần đến với các môn đệ vào ngày lễ Ngũ Tuần, để các ông loan báo Lời Chúa cho toàn thể các dân tộc tuốn đến nghe Lời Chúa do các ngài công bố (x Cv 2).
Ta biết phạm trù về Thiên Chúa thì phong phú bất tận. Vì ý nghĩa về một đối tượng rất phong phú dường như bất tận. Ví dụ: Nếu một người từ cung trăng xuống trái đất lượm cục đất sét:
Ø   Hỏi nhà điêu khắc thì được biết nó dùng để nắn tượng.
Ø   Hỏi người nhà nông thì biết thêm đất này trồng tỉa không tốt.
Ø   Hỏi một nhà khoa học, thì sẽ biết thêm đây là một kết cấu các dương điện tử, âm điện tử quanh một trung hòa tử…
Tìm hiểu một cục đất sét thôi, đã đem lại cho chúng ta nhiều kiến thức về nó, huống hồ tìm hiểu về Thiên Chúa, thì còn phong phú biết mấy! Thánh Tông Đồ nói: “Ôi sự giàu có,khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của người ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được” (Rm 11,33). Bởi đó Hội Thánh có sứ mệnh mỗi ngày làm cho con cái mình được thêm phong phú về Đức Tin, hiểu biết thêm về Thiên Chúa.
II.  ĐỀN THỜ LÀ NƠI CẦU NGUYỆN KHÔNG AI ĐƯỢC BIẾN THÀNH CÁI CHỢ
Đỉnh cao và trọng tâm việc cầu nguyện nơi Đền Thờ mà Đức Giêsu muốn phải là Thánh Lễ. Ngài đã mất mạng sống để thiết lập Hy Tế này và truyền cho Hội Thánh cử hành theo thể thức Ngài dạy. Thánh Tông Đồ nói: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”.Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,23-26).
Thể thức thi hành Hy Tế của Đức Giêsu không phải chỉ là làm đúng nghi thức, mà tất cả những người hiệp dâng Thánh Lễ với Ngài phải sống như thánh Phaolô nói: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). Thế nên những kẻ đến Đền Thờ dâng tiền của với mục đích xin ơn, ai được như ý mới tôn vinh Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, thì quả là người ấy đã biến Đền Thờ thành cái chợ, họ đổi của hèn lấy của trọng. Đối với những kẻ đến Nhà Thờ để được thấy phép lạ Chúa làm mới tin vào Ngài, thì Đức Giêsu không tín nhiệm những người như thế (Ga 2,23-24: Tin Mừng).
III. NƠI ĐỀN THỜ VẬT CHẤT, HÀNG TƯ TẾ PHẢI LÀM CHO CÁC TÍN HỮU TRỞ NÊN ĐỀN THỜĐÍCH THỰC ĐỂ CHÚA NGỰ (x 1Cr 3,16-17)
Thực vậy, nơi Đền Thờ các tư tế phải làm cho các tín hữu trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa, bằng cách làm cho tín hữu thấm nhuần Lời Chúa. Thánh Tông Đồ nói: “Anh em là bức thư của Đức Ki-tô được giao cho chúng tôi viết, không phải viết bằng mực đen, nhưng bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia bằng thịt, tức là lòng người” (2Cr 3,3). Như thế xưa kia Lời Chúa được ghi trên hai tấm bia đá trao cho ông Môsê, hai bia đá đó đã được đặt trong nơi Cực Thánh của đền thờ Giêrusalem, thì vào thời Tân Ước, ai được Lời Chúa khắc ghi trên tấm linh hồn và xương thịt, người ấy mới đích thực là Đền Thờ của Thiên Chúa ngự (x 1Cr 3,16-17). Chính vì vậy mà ngôn sứ Giêrêmia nói: “Vừa gặp Lời Chúa tôi nuốt chửng, Lời Chúa làm hoan lạc đời tôi, vì trên tôi Danh Chúa được kêu khấn” (Gr 15,16 – Bản dịch NTT). Thế nên khi cử hành Phụng Vụ, chủ tế phải làm cho các tín hữu trở thành Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa mới là chu toàn phần thứ hai của Thập Giới về Luật Yêu Người. Chúa phán: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, không được giết người. Không được ngoại tình. Không được trộm cắp. Không được làm chứng gian hại người. Không được ham muốn nhà người khác, cũng như không được ham muốn vợ người, tôi tớ nam nữ, con bò, con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (x Xh 20,12-17: Bài đọc I).
Thế mà nhiều kẻ tự hào là thầy dạy và sống Luật Môsê lại không làm như thế, khiến Đức Giêsu lên tiếng khiển trách: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! Các người nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình ! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người” (Mt 23,14-15).
Khi Đức Giêsu vào Đền Thờ đánh đuổi bọn buôn bán, Ngài đã nhìn thấy trước hàng giáo sĩ phục vụ Đền Thờ sẽ lấy cớ này và lời Ngài nói “cứ phá Đền Thờ nội ba ngày Ta sẽ xây dựng lại”, mà cáo tội trước tòa án Do Thái nhằm giết Ngài: “Tên này đã nói: “Ta có thể triệt hạ Đền Thờ Thiên Chúa, và trong vòng ba ngày sẽ xây dựng lại(x Ga 2,19 = Mt 26,61). Nhưng khi Đức Giêsu bị giết, Ngài mới thực sự thay thế và làm hoàn hảo Phụng Vụ Do Thái giáo.
Đức Giêsu cũng răn đe những kẻ đã được Hội Thánh làm cho trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng rồi người ấy vì muốn thỏa mãn các dục vọng, tạo cớ cho Satan đến thế chỗ Thiên Chúa, vì ai phạm tội thì xua đuổi Chúa ra khỏi tâm hồn. Đức Giêsu nói về tình trạng người này: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi. Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi.  Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước” (Mt 12,43-45). Dựa vào Lời Đức Giêsu nói thế, ta có quyền khẳng định: Muốn tìm một người thánh thiện nhất trên thế gian, phải tìm nơi người tín hữu Công Giáo ; trái lại, muốn tìm một người độc ác nhất trên trái đất này, cũng phải tìm  nơi người Công Giáo.
Vậyđể thi hành Lệnh Chúa Cha truyền: “Hãy nghe Lời Con Yêu Dấu của Ta”, người Công Giáo phải sống Đạo như kẻ điên; Đức Giêsu đánh đuổi quân buôn bán khỏi Đền Thờ dưới con mắt người đời Ngài là kẻ điên khùng. Vì “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16: Tung Hô Tin Mừng). Do đó, những ai muốn được kết hợp với Chúa Giêsu để được cứu độ, thì cũng phải sống Đạo xem ra như kẻ điên khùng. Vì thế thánh Tông Đồ nói: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,22-25: Bài đọc II). Chính vì vậy mà triết gia Kierkegaard nói: “Làm một Kitô hữu mà không có chút điên khùng, thì chỉ là một Biệt phái giả hình”. Bởi vì “Chúa mới có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68c: Đáp ca).
 THUỘC LÒNG
Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ Lời Chúa hằng sống, Lời ấy đặc biệt phải tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục. (Vat.II Chức Vụ Và Đời Sống Linh Mục số 4).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: