BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Lv 19,1-2.11-18
1 Đức Chúa phán với ông
Mô-sê rằng:2 "Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en
và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các
ngươi, Ta là Đấng Thánh.
11 Các ngươi không được
trộm cắp, không được nói dối, không được lừa gạt đồng bào mình.12
Các ngươi không được lấy danh Ta mà thề gian: làm thế là (các) ngươi xúc phạm
đến danh Thiên Chúa của (các) ngươi. Ta là Đức Chúa .13 Ngươi không
được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê,
ngươi không được giữ lại qua đêm cho đến sáng.14 Ngươi không được
rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân, nhưng phải kính sợ Thiên
Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa.15 Các ngươi không được làm điều bất
công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt
người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào.16
Ngươi không được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người
đồng loại phải chết. Ta là Đức Chúa.17 Ngươi không được để lòng ghét
người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ
khỏi mang tội vì nó. 18 Ngươi không được trả thù, không được oán hận
những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là
Đức Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18
Đ. Lạy Chúa,
Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống. (x Ga 6,63)
8 Luật
pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững
chắc, cho người dại nên khôn.9 Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời.
10 Lòng
kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp
chân lý, hết thảy đều công minh.
15 Lạy
Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận bấy
nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa, và bao tiếng lòng con thầm thĩ mong được thấu
đến Ngài.
BÀI GIẢNG
SỐNG ĐẠO LUÔN LUÔN PHẢI NÓI “CÓ”
Đức Giêsu đã giải
thích về sứ mệnh ngôn sứ của Ngài: “Tôi
đến không phải bãi bỏ Lề Luật, nhưng để làm trọn” (Mt 5,17). Cụ thể, trong
Bài đọc, ông Môsê dạy dân sống đạo, đã chú ý đến điều tiêu cực hơn là điều tích
cực
- Điều tiêu cực: Chú tâm mười điều “không”: “Các ngươi không thề gian, không bóc lột đồng loại, không
rủa người điếc, không thiên vị
người yếu thế, không nể mặt người quyền quý, không
vu khống cho ai, không đưa ra tòa
đòi đồng loại phải chết, không để
lòng giận ghét ai, không trả thù ai,
không oán hận ai.” (x Lv 19,1-18a).
- Điều tích cực: Chỉ chú tâm một điều: “Yêu đồng loại như chính mình” (Lv
19,18b).
Còn Đức Giêsu chỉ đòi mọi
người sống Đạo phải tích cực làm những
điều “CÓ”. Do đó đến ngày cánh
chung, Ngài tra hỏi cách sống của người lành cũng như kẻ dữ đối với đồng loại: “Ngươi
có cho kẻ đói ? có cho kẻ khát ? có tiếp
rước người không nhà ? có cho kẻ
trần truồng áo mặc ? có giúp đỡ
người yếu đau ? có thăm viếng kẻ tù
đày ? Ai làm những điều “có” như
trên là họ làm cho “kẻ bé nhỏ”, chính là làm cho Chúa, khước từ việc này là xua
đuổi “kẻ bé nhỏ”, cũng chính là xua đuổi Chúa. Ai sống điều “có” thì được dự tiệc Nước Trời. Vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày
Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2b: Tung Hô Tin Mừng). Trái lại, ai không đạt
điều “có”, thì tự chọn lấy khổ hình
muôn đời” (x Mt 25,31-46: Tin Mừng).
Khi ta cắt nghĩa đoạn
Tin Mừng Mt 25,31-46, đừng hiểu Chúa bảo làm ơn cho “kẻ bé nhỏ” là chỉ làm ơn cho con nít, cho người nghèo ! Mà trong
Tân Ước, “kẻ bé nhỏ” chỉ riêng về “người thuộc về Đức Kitô, thuộc về Hội Thánh”.
Chính Đức Giêsu nói với các môn đệ là những người lớn, có vị đã lập gia đình: “Nếu chúng con không trở nên trẻ nhỏ, chúng
con không vào Nước Trời được” (Mt 18,3), và Ngài còn nói với các ông: “Hỡi các con thơ bé, Ta chỉ còn ở với các con
một ít nữa thôi ” (Ga 13,33), nên “đừng
sợ, hỡi đoàn chiên nhỏ bé, vì Cha các con đã khấng ban Nước Trời cho các con!”
(Lc 12,33) Do đó khi thánh Gio-an viết thư cho các Ki-tô hữu, dù có nhiều người
lớn tuổi hơn Gio-an, nhưng ông luôn luôn viết “Hỡi các con thơ bé” (1Ga 2,1.12.14.18.28).
Vì “kẻ bé nhỏ” là
người thuộc về Thiên Chúa, nên ông Tôbya dạy con: “Con ơi, con hãy đi tìm trong số các anh em chúng ta bị đày ở Ni-ni-vê,
một người nghèo hết lòng tưởng nhớ Thiên Chúa, rồi dẫn người ấy về đây cùng
dùng bữa với cha. Này, con ơi, cha đợi con cho đến khi con về.” (Tb 2,2). Và
tác giả sách Huấn ca dạy: “Hãy cho người
đạo hạnh, nhưng đừng giúp kẻ tội lỗi.
Hãy xử tốt với người khiêm tốn, và đừng ủng hộ quân vô đạo, hãy khước từ, đừng
cung cấp bánh ăn cho nó, kẻo nó được đàng chân lân đàng đầu ; con sẽ gặp hoạn
nạn gấp đôi đối lại tất cả những việc lành con đã làm cho nó” (Hc 12,4-5).Cũng
thế, thánh Phaolô dạy: “Bao lâu còn thời
giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong
cùng đại gia đình Đức Tin” (Gl 6,10). Những người này Đức Giêsu gọi họ là “chiên
của tôi”, nên Ngài cho họ được ở bên phải
Ngài, Đúng như Lời Kinh Thánh nói: “Chính
là nhờ tay hữu Chúa, tay mạnh mẽ và ánh tôn nhan Ngài, vì Ngài yêu thích họ”
(Tv 44/43,4b) ; trái lại, những kẻ nói KHÔNG với đồng loại, chúng bị xếp đứng
bên trái Ngài. Trong nghề chăn súc vật, người chủ chăn tối đến ông tách chiên
dê ra hai chuồng, vì chiên có bộ lông dày nên không cần đốt lửa sưởi ấm, còn dê
vì bộ lông mỏng, nên đêm lạnh cần đốt lửa sưởi ấm chúng. Như thế, kẻ ác là dê
đứng bên trái Chúa, Ngài vẫn thương họ, nhưng họ không thể vào dự tiệc Nước
Thiên Chúa, họ như cô dâu “khỏa thân”, chàng rể có muốn đưa cô dâu vào bàn tiệc
cũng không dám, dù chàng rất yêu nàng (x Kh 19,7-8). Vì thế thánh Gioan, trong
một thị kiến nghe Chúa phán: “Ta đến như
kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và
bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình! " (Kh 16,15).
Vậy sống Đức Ái Kitô
giáo, Đức Giêsu dạy phải hội đủ hai điều
kiện :
- Người đi phục vụ phải
có Chúa ở cùng, vì Thiên Chúa là Đấng Có,đúng với danh của Ngài là Giavê, nhờ
Chúa là Đấng Amen hoàn hảo được hô lên (x 2Cr 1,18-22 ; Kh 3,14).
- Người đi phục vụ “có”
làm điều tốt cho người anh em, vì thế ngày cánh chung Chúa chỉ tra hỏi điều
“có” nơi người lành cũng như kẻ ác (x Tin Mừng).
Ai chỉ làm điều tốt
cho đồng loại mà không có Chúa ở cùng, thì đó là công việc của loài người trước
sau sẽ ra tro bụi, muốn việc lành của mình làm có giá trị cứu độ, góp phần tôn
vinh Thiên Chúa, lưu lại đến cõi sống muôn đời, thì việc lành ấy phải được làm
trong Thiên Chúa (x Cv 5,38-39), đó mới là Đức Ái Kitô giáo. Vì thế thánh
Phaolô nói: “Người ta được cứu độ không
phải do việc lành bởi Luật dạy mà là lòng tin” (Gl 2,16).
Trong quan hệ của ta
đối với Chúa và đồng loại, đã nhiều lần ta nói đã “không” với Chúa, nghĩa là nhiều
lúc đã phạm tội. Thế mà những người được mời gọi vào dự tiệc Nước Trời – được
cứu độ - Chúa không hề nhắc đến tội họ đã phạm, mà Ngài chỉ hỏi mọi người về
những việc lành đã làm cho đồng loại. Bởi vì việc lành ta làm có giá trị thanh
tẩy tội lỗi của ta.
Có tám cách người ta được Chúa tha tội :
1/ Sám hối tội, xin Chúa thương xót
để được theo Ngài giống anh trộm lành trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở đồi Sọ (x
Lc 23,39-43).
2/ Tin tưởng, yêu
mến, say mê đọc và suy gẫm Lời Chúa. Cụ thể như ông Nathanael ngồi dưới gốc cây
vả đọc Sách Luật, khi đến với Đức Giêsu, ông được Ngài xác nhận: “Đây là người Israel nơi ông không có gì gian dối” (Ga 1,47-48). Chính Đức Giêsu đã nói:
“Chúng con được sạch bởi Lời Thầy nói với
chúng con” (Ga 15,3). Và Ngài cũng nói: “Ai nghe Lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời và khỏi
phải đến tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào cõi sống” (Ga 5,24).
Vì thế lời cầu nguyện trong Thánh Lễ hôm nay ta thưa: “Lạy Chúa, Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63: Đáp ca).
3/ Chia sẻ: “Việc chia sẻ cứu cho khỏi chết và không để rơi vào cõi âm ty, vì trước
nhan Đấng Tối Cao, của chia sẻ là một lễ vật quý giá” (Tb 4,10-11). Thánh
Phêrô cũng nói: “Đức ái phủ lấp muôn vàn
tội lỗi” (1Pr 4,8).Cụ thể như ông Giakêu, khi biết chia sẻ phân nửa gia tài
cho đồng loại, ông được Đức Giêsu lên tiếng khen: “Hôm nay cả nhà này được ơn cứu độ, vì người này mới thực là dòng giống
của Abraham” (Lc 19,1-10).
4/ Đưa người tội lỗi
về với Chúa. Thánh Giacôbê nói: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc
mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi
của mình” (Gc 5,20).
5/ Bí tích Thánh Tẩy: Ơn đặc thù của Bí
tích Thánh Tẩy là tha tội tổ tông (nếu có tội riêng cũng được tha).
6/ Bí tích Giao Hòa: Nhằm tha tội nặng (x Giáo Luật số 989). [người có tội nhẹ cũng nên xưng tội]
7/ Bí tích Xức Dầu: Nhằm tha hết tội nặng-nhẹ cho người Kitô hữu trong tình
trạng nguy tử, họ không đủ khả năng xét mình xưng tội.
8/ Đặc biệt nhất là
Bí tích Thánh Thể: Là trung tâm của các
Bí tích khác, là Bí tích tha tội bậc nhất, các Bí tích khác quy hướng về Bí
tích Thánh Thể, Bí tích Thánh Thể thông ơn cho các Bí tích khác. Vì nếu Đức Giêsu không phục sinh, không có Bí tích Thánh
Thể thì có ban Thánh Tẩy, Giao Hòa, Xức
Dầu, cũng không có ơn tha tội ! (x GL Roma số 1407 và 1414).
Thánh Gioan Kim Khẩu
nói: “Bạn muốn tôn kính thân thể Chúa
Kitô ư? Chớ khinh chê Thân Thể ấy khi Thân Thể ấy trần trụi. Thân thể Chúa ở
đây không cần y phục, nhưng cần tâm hồn trong trắng, còn thân thể Chúa ngoài
kia thì cần được chăm lo tận tình. Hãy đem của cải phân phát cho người nghèo.
Thiên Chúa chẳng cần bình vàng hay chén vàng, nhưng cần những tấm lòng vàng.
Tôi nói thế, không phải để ngăn cản việc dâng cúng, nhưng
điều tôi xin là đồng thời với việc dâng cúng hoặc trước khi dâng cúng, hãy chia
sẻ trước. Chúa vui nhận của dâng cúng, nhưng Người vui hơn nhiều khi nhận của
làm phúc. Khi dâng cúng, chỉ có người dâng được lợi ; còn khi làm phúc, cả
người nhận cũng được lợi nữa. Một đàng, xem
ra dâng cúng là dịp phô trương ; nhưng đàng này trao tặng chỉ để làm phúc
hay bày tỏ tình thương.
Quả thật, ích lợi gì khi bàn thờ của Đức Kitô thì chất đầy
những bình vàng, đang lúc chính Người lại phải chết vì chẳng có gì ăn?Trước
hết, hãy cho kẻ đói ăn no đã, rồi còn lại bao nhiêu sẽ đem trang hoàng cho bàn thờ
của Người. Sao bạn lại bỏ vàng ra làm chén lễ mà không chịu cho lấy một chén
nước? Bạn đem khăn vàng ra trải mặt bàn thờ cho Người làm chi vậy, đang khi
chính Người cần mảnh vải che thân, sao bạn không cho? Làm thế thì lợi ích gì?
Bạn thử nói cho tôi nghe xem: Nếu thấy Người đang cần của ăn mà không có, bạn
bỏ mặc Người, rồi cứ đem vàng ra dát lên bàn của Người,liệu Người biết ơn bạn,
hay đúng hơn, lại không nổi giận với
bạn sao? Rồi chi nữa: Nếu bạn thấy người mặc đồ rách, toàn thân rét cứng, bạn
chẳng nghĩ gì đến cần áo của quần áo của Người, cứ lo xây cho Người từ cột vàng
này đến cột vàng khác, mà bảo làm như vậy là tôn kính Người sao? Người lại
chẳng nghĩ là đang bị nhạo báng và
sỉ nhục đến cực độ sao?
Cũng hãy suy nghĩ điều này về Đức Kitô khi Người lang
thang đó đây làm thân lữ khách, không cửa không nhà: Bạn không đón Người vào
nhà bạn, cứ lo lát nền nhà cho đẹp, lo trang trí tường vách, trang trí các đầu
cột, lấy giấy bạc treo đèn ; còn chính Người đang bị xiềng xích trong tù!...
Bạn còn biết lo làm những việc khác nữa. Thậm chí tôi khuyên bạn làm phúc chia
sẻ trước khi làm những việc khác. Quả
thật, không hề có ai bị kết tội vì đã không trang trí Nhà Thờ, nhưng ai chểnh
mảng việc làm phúc sẽ phải xuống hỏa ngục, chịu lửa không hề tắt và chịu cực
hình dành cho ma quỷ. Vì thế, trang trí ngôi nhà thì cũng đừng hờ hững với
người anh em đau khổ, vì người anh em ấy còn đáng giá hơn cả Đền Thờ”.
THUỘC LÒNG
Đức ái phủ lấp muôn vàn tội lỗi ! (1 Pr 4,8)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH