Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ BẢY SAU CN 6 TN-NĂM CHẴN
Âm thanh
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Gc 3,1-10
1 Thưa anh em, đừng có nhiều người trong anh em ham làm thầy thiên hạ, vì anh em biết rằng chúng ta sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn. 2 Thật vậy, tất cả chúng ta thường hay vấp ngã.
Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân. 3 Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. 4 Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái. 5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao ! 6 Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy. 7 Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. 8 Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. 9 Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa.10 Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được.
ĐÁP CA: Tv 11
Đ.        Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con. (c 8a)
2 Xin cứu nguy, lạy Chúa, vì chẳng còn thấy ai đạo hạnh, giữa loài người, không một kẻ tín trung. 3 Người với người chỉ nói lời gian dối, môi phỉnh phờ, lòng một dạ hai.
4 Ước gì Chúa xẻo môi phỉnh phờ, và cắt lưỡi ba hoa ! 5 Bọn chúng nói: “Sức mạnh ta là ba tấc lưỡi, với môi mép này, ai làm chủ được ta ?”
7 Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện. 8 Vâng lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con, giữ cho khỏi bọn này mãi mãi. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Mc 9,7
Hall-Hall: Các tầng trời mở ra, và có tiếng Chúa Cha phán dạy: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người.” Hall.
TIN MỪNG: Mc 9, 2-13
2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a."6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người."8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.

9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu "từ cõi chết sống lại" nghĩa là gì.11 Các ông hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các kinh sư lại nói ông Ê-li-a phải đến trước? "12 Người đáp: "Đúng thế, ông Ê-li-a đến trước để chỉnh đốn mọi sự. Vậy sao có lời chép rằng Con Người phải chịu nhiều đau khổ và bị khinh chê?13 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến, và họ đã xử với ông theo ý họ muốn, như Sách Thánh đã chép về ông." 
BÀI GIẢNG
A. PHẦN TÌM HIỂU
 Thực vậy :
a-    Phép rửa với Hiển Dung:
Lời của Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu cho nhân loại: “Đây là Con chí ái Ta”, chỉ xuất hiện hai lần trong cuộc đời của Ngài: Khi Ngài chịu phép rửa ở sông Gio-đan (x Mc 1,11a) và lúc Ngài Hiển Dung ở núi cao  (Mc 9,7a: Tin Mừng).
b- Cám dỗ với Hiển Dung và Tử Nạn:
Đức Giêsu bị cám dỗ liên lỉ, điển hình :
* Đầu cuộc đời công khai của Đức Giêsu, quỷ đến cám dỗ Ngài, nhưng nó luôn thất bại, còn Đức Giêsu sống giữa dã thú và các thiên thần đến hầu hạ (x Mc 1,13).
* Tại núi Hiển Dung, môn đệ cám dỗ Đức Giê-su: “May quá có chúng con ở đây để chúng con dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê, và một cho Ê-ly-a” (x Mc 9,5: Tin Mừng)
* Vào giờ Đức Giê-su chịu Tử Nạn, mọi người cám dỗ Ngài: “Mày định triệt hạ Đền Thờ và sẽ xây dựng  lại trong ba ngày. Hãy cứu lấy mình đi là xuống khỏi thập giá đi nào. Nó đã cứu những ai khác, chứ vô phương cứu lấy mình. Hãy xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy mà tin” (x Mc 15,29-32).
c- Hiển Dung  với Tử Nạn và Phục Sinh.
Ta  thấy các chi tiết ở núi Hiển Dung đều xảy ra vào giờ Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su:
·     Ông Marco ghi “sáu ngày sau” Đức Giê-su Hiển Dung (x Mc 9,2a) là báo trước Ngài bị giết vào ngày thứ sáu, rồi ngày thứ I trong tuần, tức là ngày thứ tám, ngày Chúa nhật, Ngài sống lại  (x  Mc 16,2).
·     Tại núi Hiển Dung, cũng như núi Cây Dầu vào giờ Tử Nạn, Đức Giêsu bị bắt đều có ba ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê ở với Đức Giê-su (x Mc 9,2= Mc 14,33).
·     Nơi núi Hiển Dung và núi Sọ (vào lúc 3giờ Thứ Sáu Tuần Thánh) đều có mây bao phủ ngọn núi (x Mc 9,7 = Mc 15,33).
·     Nơi núi Hiển Dung có hai ông Mô-sê và Ê-ly-a hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su (x               Mc 9,4: Tin Mừng) ; thì vào lúc Chúa Giêsu phục sinh cũng có hai thiên thần từ trời đến báo cho các bà ra mộ: Chúa Giêsu không còn ở đây (x Ga 20,12) ; và chính lúc Chúa Giêsu lên Trời, cũng có hai thiên thần xuất hiện nói với các môn đệ đang đứng nhìn Thầy về Trời: các ông hãy trở về, Ngài sẽ đến cùng một thể thức như các ông vừa thấy (x Cv 1,10).
 
B. GIÁO HUẤN
HIỂN DUNG: CHÚA MUỐN MỌI NGƯỜI
MỖI NGÀY VƯƠN TỚI HOÀN HẢO
Biến cố Hiển Dung, chắc chắn Chúa Giê-su  muốn ta mỗi ngày được thăng tiến trong ba lãnh vực:
-      Thân xác khỏe mạnh.
-      Trí tuệ thông minh, tài ba.
-      Tâm hồn đạo đức thánh thiện.
Thánh Tô-ma Tiến sĩ nói: “Mỗi vấn đề phải được giải quyết trong lãnh vực của nó”.
1/ Muốn có thân xác khỏe mạnh, ta phải ăn uống điều độ và đủ chất dinh dưỡng ; thêm vào đó mỗi ngày ta phải tập thể thao thể dục.
2/ Muốn có trí tuệ thông minh, tài ba, ta chăm chỉ học hành và cần cù làm việc.
3/ Muốn có tâm hồn đạo đức thánh thiện, ta phải có tâm nghe Lời Chúa và đem ra thực hành .
Nhưng
-      Nghe Lời Chúa ở đâu ?
-      Nghe Lời Chúa với tâm tư nào ?
-      Lời Chúa đem lại hiệu quả gì ?
a- Nghe Lời Chúa ở đâu ?
Phải khẳng định rằng ta chỉ được trực tiếp nghe Lời Con yêu dấu của Chúa  khi Hội Thánh giảng dạy trong Phụng Vụ (x Dt 1,1-2). Chân lý này đã được mạc khải trong trình thuật Đức Giê-su Hiển Dung, Chúa Cha đã giới thiệu Con của Người, và buộc loài người phải nghe Lời Con của Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Ngài” (Mc 9,7: Tung Hô Tin Mừng). Thế mà  sau đó, Đức Giê-su lại ra lệnh cho các môn đệ: “Chúng con phải im lặng (không được nói cho ai biết lệnh Chúa Cha nghe Lời Thầy) cho đến khi Con Người từ cõi chết sống lại” (Mc 9,9). Như chúng ta biết từ lúc Đức Giêsu bị xử án, Ngài đã chấm dứt giảng dạy, ai muốn nghe giáo lý của Đức Giêsu, Ngài bảo: “Cứ vào Nhà Thờ hỏi người nghe tôi giảng dạy, vì hằng ngày tôi giảng cách công khai ở đó” (x Ga 18, 19-21), thì ta phải hiểu đó chính là lúc Hội Thánh cử hành Phụng Vụ, đây là quyền giáo huấn Chúa đã trao riêng cho Hội Thánh, và sau Phục Sinh, các môn đệ chính thức nhận lệnh Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng! (x Mc 16,15t). Vậy lệnh Đức Giêsu cấm các môn đệ  không được nói cho ai những gì họ đã được mắt thấy tai nghe ở trên núi Hiển Dung, cho đến khi Đức Giê-su từ cõi chết sống lại, TRỞ THÀNH LỜI GIẢI THÍCH lệnh: “Chúa Cha truyền phải nghe Lời Con của Người”, chính là CHÚA CHA BUỘC MỌI NGƯỜI PHẢI NGHE LỜI HỘI THÁNH giảng dạy dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ, để từ đó rút ra những mầu nhiệm Đức Tin và các Quy Tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ (x HCPV số 24 và 52).
Giảng Lời Chúa còn phải làm cho người nghe nhận biết Kinh Thánh có bốn ý nghĩa :
-     Nghĩa văn tự dạy về biến cố.
-     Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin.
-     Nghĩa luân lý dạy điều phải làm.
-     Nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới.
Ví dụ: Khi cắt nghĩa về trình thuật Hóa Bánh:
C   Nghĩa văn tự dạy về biến cố”: phải giảng cho người nghe nhận biết Đức Giêsu là Đấng toàn năng và rất mực yêu thương, Ngài chỉ cần dùng 5 chiếc bánh và 2 con cái nuôi một đoàn lũ dân đông vô kể, ai cũng ăn no và còn dư 12 thúng.
C   Nghĩa ẩn dụ dạy điều phải tin”: trình thuật Hóa Bánh là dấu chỉ về Bí tích Thánh Thể  buộc mọi người phải tin.
C   Nghĩa luân lý dạy điều phải làm”: Chúa muốn mọi người phải cộng tác với Ngài để chăm sóc đồng loại, như các Tông Đồ đang lúc thiếu ăn mà phải nhường bánh và cá cho dân, như thế là đặt nhu cầu đồng loại trước nhu cầu của bản thân.
C   Nghĩa dẫn đường dạy điều phải vươn tới”: mọi người Công Giáo phải sống như các Tông Đồ để cộng tác với Chúa Giêsu làm hoàn hảo Hy Tế Ngài thiết lập,có thế mới vươn tới Thiên Đàng.
“Sự hòa hợp sâu xa của bốn nghĩa này đem lại cho việc đọc Thánh Kinh cách sống động trong Hội Thánh tất cả sự phong phú của nó. Các nhà chú giải có nhiệm vụ dựa theo những quy tắc đó mà cố gắng hiểu thấu mà trình bày ý nghĩa Thánh Kinh cách sâu sắc hơn” (x GL Roma số 115-119). Cũng như bài giáo lý phải kín múc từ năm nguồn: Kinh Thánh, Thánh Truyền, Phụng Vụ, Công Đồng và Giáo Luật (x Sắc Lệnh về Nhiệm Vu Mục Vụ của các Giám Mục sống14 mà Công Đồng Vat.II đã quy định).
Ta lại biết lý do các Tông Đồ muốn dựng ba lều ở trên núi Hiển Dung cho Thầy, cho Môsê và Êlya, là vì các ông nhận ra rằng nơi đây là Nhà Tạm của Thiên Chúa. Trong thời ông Mô-sê dẫn dân bỏ Ai Cập về đất Hứa, trước khi ông có ý kiến với dân, thì ông vào Lều Hội Ngộ, nơi đặt hai Bia Đá để thỉnh ý Chúa, lúc ấy có mây bao phủ Lều (x Xh 33, 7t). Đây là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa,  nhiều thế kỷ sau, khi Đền Thờ được khánh thành, mây cũng bao phủ khắp Đền Thờ (x 1V 8,10).
Nhưng Đức Giêsu không cho các ông dựng Lều trên núi Hiển Dung, Ngài buộc các ông phải xuống núi để đi loan báo Tin Mừng, quy tụ muôn dân vào Hội Thánh. Đấy mới thực là Lều của Thiên Chúa, Ngài luôn hiện diện với dân khi Hội Thánh cử hành Phụng Vụ, đặc biệt là Thánh Lễ. Chỉ trong Thánh Lễ, Chúa Cha mới buộc mọi người “hãy nghe Lời Con Yêu Dấu của Ta”. Vì Đức Giêsu đã nói: “Ai nghe lời môn đệ Ta là nghe Ta, ai khước từ môn đệ Ta là khước từ Ta và khước từ Đấng đã sai Ta” (Lc 10,16).
b- Nghe Lời Chúa phải có tâm tư nào ?
Lúc Đức Giêsu Hiển Dung, Chúa Cha mới buộc loài người nghe Lời Con Chí Ái của Ngài, sau khi Con của Ngài đã nghe Lời Chúa Cha phục vụ loài người đến mất mạng ! Do đó ta nghe Lời Chúa không chỉ bằng lỗ tai, mà phải nghe bằng cả con tim thể hiện bằng hành động như Đức Giêsu. Có thế, trong ngày cánh chung, ta mới được giống Đức Giêsu, Ngài thế nào ta sẽ được như vậy (x 1Ga 3,2).
c- Lời Chúa đem lại hiệu quả gì ?
Vinh quang của Chúa Giêsu Phục Sinh đã bày tỏ cho ba chứng nhân là các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan, thì sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, ông Phêrô mới tiết lộ: “Tôi đã được thấy tận mắt vẻ huy hoàng lẫm liệt của Người, Người được Chúa Cha ban vinh quang danh dự, như Lời Chúa Cha xác nhận: “Đây là Con Yêu Dấu của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ” (2 Pr 1, 16-17), và “Người được Chúa Cha trao cho quyền thống trị vĩnh cửu, muôn người thuộc mọi chi tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Ngài” (Dn 7, 9-10.13-14), vì “Người là Vua hiển trị, Đấng cao cả trên khắp địa cầu” (Tv 97/96,1a.9a). Nhưng Vua Giêsu chỉ thi hành quyền Mục Tử đến liều mạng vì chăm sóc đoàn chiên của Ngài là những kẻ biết nghe Lời Ngài (x Ga 10,27-30), nên thánh Phêrô nói tiếp: “Chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào Lời Kinh Thánh. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì Lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2 Pr 1, 19). Vì thế mỗi khi ta dự tiệc Thánh Thể, thì Hội Thánh dùng quyền năng Chúa Thánh Thần ghi tạc Lời Chúa vào thân xác và linh hồn ta (x 2Cr 3,3). Nhờ đó, “ta không còn rập theo thói đời này, trái lại phải canh tân lương tri mà biến hình đổi dạng” (Rm 12,2a), hầu đạt vinh quang như Chúa Giêsu đã bày tỏ trên Núi Thánh. Điều ta phải canh tân nhất là  miệng lưỡi mình.
Thánh Giacôbê dạy: “Ai không vấp ngã trong lời nói, người ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế bản thân. Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng.Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao!Cái lưỡi cũng là một ngọn lửa, là cả một thế giới của sự ác. Cái lưỡi có một vị trí giữa các bộ phận của thân thể chúng ta, nó làm cho toàn thân bị ô nhiễm, đốt cháy bánh xe cuộc đời, vì chính nó bị lửa hoả ngục đốt cháy.Thật thế, mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được.Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người. Ta dùng lưỡi mà chúc tụng Chúa là Cha chúng ta, ta cũng dùng lưỡi mà nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (Gc 3,2-10: Bài đọc năm chẵn).
Vậy ta hãy cầu xin Chúa sửa trị miệng lưỡi ta, để “ca tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145/144,1b: ĐC năm lẻ). Vâng “lạy Chúa, Ngài bảo vệ chúng con” (Tv 12/11,8a: ĐC năm chẵn). Vì mỗi khi tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, ta trực tiếp được nghe Lời Con Chí Ái của Chúa Cha, và rước Lễ là được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20). Lúc ấy ta như một thanh sắt đã được nung đỏ trong lửa, vì Thiên Chúa là lửa thiêu (x Dt 12,29). Thanh sắt đã được nung đỏ, thì không ai nhìn nó như cây sắt nhưng thấy thanh lửa. Tác giả sách Daniel diễn tả: “Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rực lửa hồng. Từ trước nhan Người, một sông lửa cuồn cuộn chảy ra” (Dn 7, 9c-10a). Bởi đó ta cũng được thông dự vào vinh quang trong Con Thiên Chúa đã hé mở trên núi Hiển Dung, và được tồn tại muôn đời, như hai ông Môsê và Êlya, cùng xuất hiện vinh quang trên núi với Đức Giêsu, chỉ vì hai ông có liên hệ mật thiết với Lời Chúa. Truyền thống vẫn tin ông Môsê là tác giả Luật ; còn ông Êlya là tác giả giáo huấn của các ngôn sứ. Toàn bộ Kinh Thánh gồm hai phần: Luật và Giáo Huấn. Đúng như Lời Đức Giêsu đã nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mt 24,35). Nghĩa là ai liên hệ mật thiết với Lời Chúa, thì cuộc đời người ấy bất tận như ông Môsê, dù xác ông đã được an táng trong xứ Mô-áp, nhưng không ai tìm ra mộ ông (x Dnl 34,6) ; còn ông Êlya không phải chết, vì được Chúa cất giấu đi, Ngài sẽ cho ông xuất hiện trong ngày Quang Lâm (x Hc 48,1 ; Ml 3,23). Đó là Đức Tin của các tổ phụ, như ông Abel, ông Khanốc, ông Noe. Đức Tin này phải thấm nhập vào đời ta, bởi vì “tin là cách chiếm hữu những điều còn trong hy vọng, là phương nhận thức các thực tại người ta không thấy” (Dt 11,1-7: Bài đọc năm lẻ - Bản dịch NTT).
THUỘC LÒNG
Đừng rập theo đời này, trái lại hãy canh tân lương tri, mà biến hình đổi dạng, làm sao anh em thẩm định được ý Thiên Chúa là gì, thật là tốt lành,thú vị, trọn hảo (Rm 12,2)
 
 
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
   

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: