BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Gc 1,1-11
1 Tôi là Gia-cô-bê, tôi
tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống
tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khoẻ!
2 Thưa anh em, anh em
hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.3
Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.4
Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em
nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.
5 Nếu ai trong anh em
thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên
Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách.6 Nhưng người
ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng
biển bị gió đẩy lên vật xuống.7 Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận
được cái gì của Chúa:8 họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong mọi
việc họ làm.
9 Người anh em phận hèn
hãy tự hào khi được Chúa nâng lên;10 còn người giàu có hãy tự hào
khi bị Chúa hạ xuống, vì họ sẽ qua đi như hoa cỏ.11 Quả thế, mặt
trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu
tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm.
ĐÁP CA: Tv 118
Đ. Lạy Chúa,
xin chạnh lòng thương cho con được sống. (c 77a)
67 Con lầm
lạc khi chưa bị khổ,nhưng giờ đây chú tâm đến lời hứa của Ngài.68
Chúa nhân hậu, hay làm ơn làm phúc,thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
71 Đau khổ
quả là điều hữu ích,để giúp con học biết thánh chỉ Ngài.72 Con coi
trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu.
75 Lạy
Chúa, con biết: quyết định của Ngài thật công minh,Ngài làm con khổ nhục cũng
là đúng lý.
76 Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ
Ngài đây.
BÀI GIẢNG
CHÚA TRÁNH KẺ NHỊ TÂM VÀ THÁCH
THỨC NGÀI
Tại sao những người
Pharisêu lại đòi Đức Giêsu làm một dấu lạ từ trời, mà làm cho Ngài buồn phiền,
Ngài thở dài não nuột và nói: “Tại sao
thế hệ này lại xin dấu lạ?” Ngài từ chối không làm dấu lạ và khẳng định: “Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả”,
rồi Ngài bỏ họ mà đi (Mc 8,11-13: Tin Mừng).
Có ba lý do Đức Giêsu
phản ứng như thế :
I. NHỮNG NGƯỜI PHARISÊU KHÔNG TIN ĐỨC GIÊSU LÀ
CHÚA, HỌ ĐẶT CÂU HỎI VỚI THÂM Ý THÁCH
THỨC NGÀI
Tác giả sách Khôn
ngoan nói: “Kẻ không thách thức Người,
thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người, sẽ được Người tỏ mình cho
thấy.Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa.Kẻ ngu đần thử
thách Đấng Quyền Năng sẽ bị Người làm cho bẽ mặt” (Kn 1,2-3). Thế nên thánh
Giacôbê dạy: “Anh em phải cầu xin với
lòng tin không chút do dự, vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên
vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa: họ là kẻ hai
lòng, hay thay đổi trong mọi việc họ làm. Đối với người anh em phận hèn là
những kẻ phận hèn hãy tự hào khi được Chúa nâng lên; còn người giàu có về của
cải vật chất, nhất là tự hào giàu có về Luật Môsê như các Pharisêu, khi bị Chúa
hạ xuống, như ông Phaolô bị Chúa quật ngã trên đường Đama, thì hãy tự hào trong
Chúa, bởi lẽ những kẻ giàu có sẽ qua đi như hoa cỏ.Quả thế, mặt trời mọc lên
toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng xuống, vẻ đẹp tiêu tan, thì người
giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ làm, nếu không tin vào Chúa
Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất” (x Gc 1,6-11: Bài đọc năm chẵn).
II. MỌI NGƯỜI
ĐÃ CHỨNG KIẾN QUÁ NHIỀU PHÉP LẠ ĐỨC GIÊSU LÀM
Thực vậy, những nhu
cầu khẩn thiết nuôi sống thân xác của chúng ta hằng ngày Chúa đã làm phép lạ
ban ơn để ta được sống. Cụ thể: Khí thở, nước mưa, nước giếng, ánh sáng mặt
trời, chẳng ai phải mất một xu nào, nếu không được Chúa ban những ơn này, thì
dù có làm ra nhiều của cải cũng chẳng sống được. Còn đối với dân Do Thái, họ đã
chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ vĩ đại do Lời Chúa thực hiện, nên mở đầu lời
giảng của Đức Giêsu, Ngài nói: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”
(Mc 1,15). Để minh chứng quyền năng của Tin Mừng, ông Marcô ghi liên tiếp 19
phép lạ do quyền năng của Tin Mừng :
1- Đức Giêsu vừa cất tiếng
gọi các ngư phủ đang quăng chài bắt cá, tức khắc họ bỏ mọi sự đi theo Ngài (x
Mc 1,16-20).
2- Đức Giêsu xua đuổi thần
ô uế ra khỏi một người chỉ bằng một lời nói (x Mc 1,23t).
3- Đức Giêsu cầm tay mẹ vợ
ông Phêrô đang cảm sốt nặng, tức khắc bệnh bà biến mất (x Mc 1,29t).
4- Đức Giêsu chữa lành mọi
kẻ đau ốm, và trừ quỷ xuất khỏi những người bị quỷ ám (x Mc 1,32t).
5- Đức Giêsu chữa lành
người phung hủi (x Mc 1,40t).
6- Đức Giêsu chữa lành
người bất toại được bốn người khỏe khiêng đến, họ phải đục mái nhà để mau mắn
đưa bệnh nhân đến cho Ngài (x Mc 2,3t).
7- Đức Giêsu chữa lành
người có tay khô bại (x Mc 3,1t).
8- Mọi bệnh nhân chỉ cần
rờ đến tua áo choàng của Đức Giêsu là được lành bệnh (x Mc 3,10t).
9- Đức Giêsu lên tiếng dẹp
sóng gió để thuyền các Tông Đồ đến bến bình an (x Mc 4,35t).
10-Đức Giêsu trừ quỷ xuất
khỏi một người thuộc xứ Ghêrasa (x Mc 5,1t).
11-Đức Giêsu chữa lành
bệnh một phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm (x Mc 5,25t).
12-Đức Giêsu phục sinh con
gái ông Giairô (x Mc 5,35t).
13-Đức Giêsu chữa lành một
số bệnh nhân ở quê hương Ngài, dù dân đồng hương chống đối không muốn nghe Ngài
giảng (x Mc 6,4t).
14-Đức Giêsu hóa bánh lần
I: 5 bánh và 2 con cá, nuôi một đoàn lũ không kể đàn bà con nít mà đã tới 5.000
người (x Mc 6,30t).
15-Thuyền các Tông Đồ vượt
biển gặp sóng gió, Đức Giêsu đi trên mặt nước đến ban bình an cho họ (x Mc
6,45t).
16-Mọi bệnh nhân vùng
Ghêrasa chỉ cần rờ vào tua áo Đức Giêsu, ai cũng được lành mạnh (x Mc 6,53t).
17-Đức Giêsu trừ quỷ xuất
hỏi con gái của một phụ nữ người Phênikia (x Mc 7,24t).
18-Đức Giêsu chữa lành
người điếc và ngọng (x Mc 7,31t).
19-Đức Giêsu hóa bánh lần
II, Ngài dùng 7 chiếc bánh và mấy con cá nhỏ, cho 4.000 người đàn ông ăn no nê,
không kể đàn bà con nít (x Mc 8,1t).
Ông Marcô hữu ý ghi
lại liên tục những phép lạ như trên để minh chứng Lời Đức Giêsu là Lời của Đấng
Toàn Năng, Ngài chính là Con Thiên Chúa được Chúa Cha sai đến cứu độ những kẻ
tin vào Ngài là Đấng cứu độ duy nhất (x Cv 4,12 ; Ga 17,3). Thế mà những người
Pharisêu còn thách thức Đức Giêsu làm một phép lạ tự trời theo ý họ (x Mc 8,11:
Tin Mừng). Mà dẫu Ngài có làm nhiều phép lạ để họ tin vào Ngài thì Ngài vẫn
chưa hài lòng. Thánh Gioan ghi nhận: “Trong
lúc Đức Giêsu ở Giêrusalem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người
bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giêsu không tin họ, vì
Người biết họ hết thảy” (Ga 2,23-24).
Ta cứ đến linh địa Lộ
Đức, Fatima, La Vang, có đủ loại người lương giáo được nhiều ơn lạ Chúa ban, họ
đã tin vào Ngài, nên đặt những bảng Tạ Ơn, nhưng liệu họ có nhận ra phải tôn
thờ tạ ơn Thiên Chúa trong Thánh Lễ mỗi ngày hay không? Hay để bảng Tạ Ơn Chúa
và Đức Mẹ rồi về cúng Phật?! Và nhiều người Công Giáo khi có bệnh tật, thì năng
đi dự Lễ cầu nguyện, nhưng nếu họ được Chúa làm phép lạ cho khỏi bệnh, thử hỏi
họ còn tiếp tục đi Lễ hay không ? Hay có sức khỏe lại lao đầu vào việc kiếm
tiền, ăn nhậu?! Những người được ơn lạ nên tin vào Thiên Chúa cứu mình, mà có
lối sống như thế, thì làm sao được Chúa tín nhiệm?
III. ĐỨC
GIÊSU CHỈ MUỐN NGƯỜI TA NHẬN RA THÁNH LỄ HỘI THÁNH CỬ HÀNH LÀ DẤU LẠ VĨĐẠI NHẤT TỪ TRỜI ĐƯA XUỐNG TRẦN GIAN
Những người Pharisêu
đòi dấu lạ từ trời (x Mc 8,11: Tin Mừng), nhưng Đức Giêsu không làm thỏa mãn
yêu sách bất chính ấy, thì họ càng không tin Ngài là Thiên Chúa, thế mà dám lên
tiếng tha tội, là cướp quyền Thiên Chúa, nên họ quyết định giết Ngài. Nhưng chỉ
ba ngày sau, Ngài từ cõi chết sống lại, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, hằng
chuyển cầu cho mọi người, nhất là người Công Giáo, để hoàn tất Phụng Vụ Ngài
thiết lập, vì chỉ có Đức Giêsu mới thực là Vị Thượng Tế dâng Lễ cầu khẩn cho loài
người, và cũng chính Ngài là Con Chiên Thiên Chúa bị sát tế làm Của Lễ dâng Chúa Cha, để xóa bỏ
tội trần gian (x Ga 1,29).
Chân lý này làm ứng
nghiệm ý nghĩa việc tế tự của Cain và Abel: Chúa không nhận của lễ hoa trái
đồng nội do Cain dâng mà Ngài chỉ nhận của lễ con chiên của Abel. Sau khi Cain
đã giết em, ông sợ hãi cắm mặt chạy trốn, thì Chúa lại nói với ông: “Không ai giết ngươi đâu, ai động đến ngươi, thì
ngươi được báo thù 7 lần” (x St 4,1-15:
Bài đọc năm lẻ).
Để đón nhận được điểm
giáo lý qua sự cố Cain giết Abel, Hội Thánh dạy chúng ta phải dựa vào cách hiểu
Kinh Thánh mà Hiến Chế Mạc Khải số 16 dạy: “Giá
trị Cựu Ước được thể hiện trong Tân Ước ; giá trị Tân Ước đã tiềm ẩn trong Cựu
Ước”.
Vậy vào thời Tân Ước, sự
cố Cain giết Abel lại còn được Chúa cho phép báo thù, đã được thể hiện :
a- Chúa Cha chỉ nhận của
lễ Abel Mới là Chúa Giêsu, Ngài chính là
Con Chiên bị sát tế để đền tội cho thế gian (x Ga 1,29), chứ Chúa Cha không
nhận bất cứ của gì do loài người dâng, như kiểu cách tế tự ông Môsê đã dạy dân
Do Thái phải sát tế con chiên dâng Thiên Chúa.
b- Ông Cain được Chúa cho
phép báo thù 7 lần, được thể hiện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh: Đức Giêsu là
Abel Mới vô tội bị giết, nhưng Ngài không báo thù ai, trái lại, Ngài còn cầu
nguyện cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha,
xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết việc mình làm” (Lc 23,34), và
Ngài còn ra lệnh cho những người Công Giáo khi đi dâng Lễ, nếu nhớ ra còn có
người bất bình với mình, thì hãy đặt của lễ đó về làm hòa (x Mt 5,23-24), mới
giống Đức Giêsu trên thập giá, bị bao nhiêu kẻ bất hòa với Ngài nên giết Ngài,
mà Ngài lại đi làm hòa với họ nơi Chúa Cha ; Cũng vì thế mà Đức Giêsu truyền
dạy vị thủ lãnh của Hội Thánh là ông Phêrô: “Con không được bắt chước Cain báo
thù 7 lần, cũng không được bắt chước Lamek báo thù 70x7, vì báo thù là thuộc
dòng giống Adam, Eva phải chết. Nhưng kẻ đã thuộc về dòng giống Adam cuối cùng
là Chúa Giêsu thì phải tha cho người xúc phạm đến mình 70x7 mỗi ngày” (x Mt
18,21-22).
Bởi vì chỉ có Đức
Giêsu dẫn mọi người đi vào đường sự sống sung mãn, như Ngài đã xác định: “Thầy là đường, và là sự thật, sự sống, không
ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6: Tung Hô Tin Mừng).
Vậy “lạy Chúa, xin chạnh lòng thương cho con được
sống” (Tv 119/118,77a: ĐC năm chẵn), cho con mỗi ngày được hiệp dâng Thánh
Lễ để được kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh và toàn thể các Thánh, vì “Chúa
không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết” (HCHT số 9). Sống
niềm tin như thế, mới “tiến dâng Thiên
Chúa lời tạ ơn làm Hy Lễ” (Tv 50.49,14a: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Phải cầu xin với lòng tin không chút do dự. Kẻ hai lòng hay
thay đổi trong mọi việc làm, thì đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa (Gc 1,6-8)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH