BÀI GIẢNG
SỐNG
ĐỨC TIN LÀ NGHE VÀ NÓI LỜI THIÊN CHÚA
Trong thực tế, ai bị
câm thì người ấy cũng bị điếc, và ngược lại.Thế mà trong Tin Mừng Marcô lại ghi
Đức Giêsu chữa lành cho một người điếc và ngọng (x Mc 7,31-37: Tin Mừng). Kẻ
điếc có khi là do bệnh, nhưng cũng có người bị điếc về mặt tâm lý, khi họ biết
một người nói sai là không muốn nghe, nên tìm cách tránh né. Adam, Eva thuộc
loại người này. Vì vợ chồng hồ nghi Thiên Chúa cấm ăn quả “biết lành biết dữ”
là sai, nghe Satan bảo cứ ăn mới sống tốt, vì “trở nên những Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (x St 3,1-5 – Bản dịch
NTT). Do đó sau khi Adam Eva làm theo lời Satan xúi giục, Chúa cất bước đi tìm
họ để đứng về phía loài người chống lại Satan, thì cả hai ông bà lại dắt nhau
tìm lùm cây ẩn núp (x St 3,9-10).
Kẻ nào không muốn gặp
Thiên Chúa, không muốn nghe Ngài dạy, thì làm sao nó nói chính xác về Thiên
Chúa được! Có nhìn những việc kỳ diệu Đức Giêsu làm cũng chẳng biết rõ Ngài là
ai. Thực vậy, cả đến các môn đệ Đức Giêsu khi thấy Thầy quát bảo biển không
được nổi sóng để thuyền các ông chở Thầy vào bờ được bình an, làm các ông ngơ
ngác nhìn nhau hỏi: “Thầy mình là ai vậy
mà truyền sóng biển phải vâng lời?” (Mc 4,41) Kẻ nói về Thiên Chúa như thế
phải xếp vào loại nói “ngọng”.
Để nhận ra hầu hết
người Công Giáo bị “ngọng” về Thiên Chúa. Cụ thể khi họ đối thoại với anh em
Tin Lành về Kinh Thánh, mới lộ rõ họ là những kẻ “ngọng”, có khi cứng lưỡi
không biết đối đáp với anh em Tin Lành về những thắc mắc trong Kinh Thánh. Thua
xa nhiều tín hữu Tin Lành rất say sưa hăng hái gõ cửa từng nhà lối xóm để rao
truyền Thánh Kinh, vì mỗi tuần họ dành cả giờ hay hơn nữa đến nghe mục sư giảng
dạy. Trong khi đó người Công Giáo không chấp nhận đến Nhà Thờ nào giảng kéo dài
đến 30 phút, dù đó là “thời gian thích hợp trình bày các mầu nhiệm
Đức Tin và những quy tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ
rút ra từ các Bài đọc trong Thánh Lễ” (x HCPV số 24 và 52).
Người Công Giáo nào
không quan tâm, không yêu thích nghe Lời Chúa, kẻ ấy chính là dòng giống Adam,
Eva. Thực vậy, Chúa cấm Adam, Eva không được ăn trái cấy “biết lành biết dữ”,
thì bà Eva lại nói với Satan: “Chúa bảo ngày nào mà động đến cây cấm ấy, là mất mạng”. Quỷ nghe nói thế, nó biết Eva
không nói chính xác lệnh Chúa đã truyền, bà là kẻ nói “ngọng”, nên nó tấn công
tiếp, làm cả hai vợ chồng mắc mưu nó: Bất tùng phục Lời Chúa! Hậu quả dòng
giống này mất hết phẩm giá Chúa đã ban, trở thành những kẻ trần truồng, phải
kết lá vả làm khố che thân (x St 3,1-8: Bài đọc năm lẻ - Bản dịch NTT).
Để hiểu ý Đức Giêsu
muốn nhắn gởi mọi người qua phép lạ Ngài làm cho anh điếc và ngọng, được công
bố trong Thánh Lễ hôm nay (x Mc 7,31-37: Tin Mừng). Trước nhất ta phải đọc toàn
bộ Tin Mừng của Marcô xuyên suốt cuộc đời phục vụ của Đức Giêsu không ai biết
rõ Ngài là Con Thiên Chúa, mãi tới ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tim Ngài bị tên
lính Roma đâm thủng, nước và máu dốc xuống hết, lúc đó mới có một người duy
nhất, là người đầu tiên trong loài người, lại là người ngoại đạo, đó là ông sĩ
quan Roma chỉ huy thi hành bản án đóng đinh Đức Giêsu treo lên thập giá, ông
nhìn Ngài bị đâm vào cạnh sườn, ông vội hô lên: “Đích thực người này là Con Thiên
Chúa” (Mc 15,39). Lời tuyên xưng Đức Tin này, ông sĩ quan Roma đã được
Đức Giêsu cứu độ,vì Ngài đã nói: “Sự sống
đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết
Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
Như vậy vào lúc Đức
Giêsu bị đâm, Ngài mới mở miệng kẻ nào nhìn lên Hy Tế Thập Giá của Ngài, thì
Ngài cho họ hết câm. Ta lại biết nước từ tim Đức Giêsu đổ ra khơi nguồn Bí tích
Thánh Tẩy và Máu của Ngài khơi nguồn Bí tích Thánh Thể.
Vậy hết thảy những ai
tin Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất mà lãnh Thánh Tẩy gia nhập Hội Thánh
Công Giáo, thì được dự tiệc Thánh Thể. Có dự tiệc Thánh Thể Chúa mới làm cho
biết nghe và công bố Tin Mừng cứu độ. Ta còn biết mỗi khi được hiệp dâng Thánh
Lễ, Chúa Giêsu lại tái thực hiện cuộc tạo dựng con người trở nên thụ tạo mới (x
2Cr 5,17). Chân lý này đã được báo trước qua việc Đức Giêsu chữa lành anh điếc
và ngọng. Phép lạ này xem ra như Ngài giấu nghề, vì Ngài tách anh ra khỏi đám
đông không cho ai thấy. Ngài làm thế để cho mọi người nhớ lại khi Chúa tạo dựng
Adam, lúc ấy cũng chưa có ai thấy Ngài làm: Chúa lấy đất nắn tạo Adam (x St
2,7), diễn tả Ngài là Thợ Gốm đại tài. Vì thế ngôn sứ Isaia nói: “Lạy Đức Chúa, Ngài là
Cha chúng con ; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài,chính tay Ngài đã làm
ra tất cả chúng con” (Is 64,7).
Thế nên anh điếc và
ngọng cũng chỉ là cục đất sét trong tay Đức Giêsu. Người thợ gốm muốn nắn cục
đất sét thành tác phẩm ông muốn, thì ông phải lấy đất sét nhào nặn với nước.
Thế nên Đức Giêsu đụng tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng vào lưỡi anh, rồi
Ngài ngước mắt lên trời rên một tiếng rồi nói: “Ephata”, nghĩa là “hãy mở ra”.
Lập tức tai anh được mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại, anh nói được rõ ràng (x
Mc 7,33-35: Tin Mừng).
Phép lạ này là dấu chỉ
về những ai tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, thể hiện bằng việc lãnh nhận nước của
Bí tích Thánh Tẩy, khơi nguồn từ nước trong cơ thể Đức Giêsu, và được lãnh nhận
Bí tích Thánh Thể, là được Chúa Giêsu Phục Sinh động vào. Ai được như thế mới
trở nên con người hoàn hảo là tích cực loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân,
mà không ai có thể cấm cản được.
Thực vậy ông Marcô đã
ghi lại bốn lần Đức Giêsu làm phép lạ cứu người, thì cả bốn lần này Ngài đều
cấm không ai được nói về Ngài :
▪ Lần I: Cấm
người cùi đã được Đức Giêsu chữa lành (x Mc 1,40-45).
▪ Lần II: Cấm ông Giairo
sau khi Đức Giêsu cho con ông thoát tay tử thần (x Mc 5,35-43).
▪ Lần III: Cấm người điếc và ngọng sau khi anh đã được
Đức Giêsu chữa lành (x Mc 7,31-36: Tin Mừng).
▪ Lần IV: Cấm người mù
được Đức Giêsu mở mắt (x Mc 8,22-26).
Bốn lệnh cấm trên, thì
lệnh cấm thứ 1 và 3 không được tôn trọng: chữa
người cùi và chữa người điếc-ngọng. Sự nghịch lý này có ý nhấn mạnh: Con
người nói về Thiên Chúa phải phát khởi từ tình yêu Đức Kitô thúc bách (x 2 Cr
5,14), chứ không phải do Luật cho phép hay Luật bắt phải làm. Do đó cả đến Con
Thiên Chúa cũng không cấm nổi ai nói về Ngài là Đấng cứu độ duy nhất! Thánh
Phaolô là hiện thân người không tuân lệnh cấm nói về Chúa. Ông tự hào :
- Tôi có sự thật về Đức
Kitô, thì không ai bịt miệng tôi được (2 Cr 11,10).
- Sống là để hoạt động có
hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng, chết là một mối lợi (Pl 1,21-22).
- Vô phúc cho tôi nếu tôi
không rao giảng Tin Mừng, tự ý làm việc đó thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi
thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi (1 Cr 9,16).
- Tôi cam đoan không
nhúng tay vào việc đổ máu người nào, vì tôi không thiếu sót việc loan báo Tin
Mừng (Cv 20,26-27).
Chính nhờ rao giảng
Tin Mừng không những bảo đảm ơn cứu độ cho mình, mà còn cho cả muôn dân tộc, nên
thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên
xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống
lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới
được nên công chính ; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,
9-10). Vì việc rao giảng Tin Mừng cần thiết như thế, nên thánh Tông Đồ nhắc nhở
cho môn đệ của mình là ông Timôthêu: “Hãy
rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng khi thuận cũng như lúc nghịch. Hãy nhẫn nại
và chủ tâm dạy dỗi,vì có thời người ta không chịu nghe giáo lý lành mạnh, sự
thật thì họ ngoảng đi, còn chuyện bá láp thì xô lại theo dục vọng mà kiếm đủ
thứ thầy” (2Tm 4,2-4). Vì nếu loài người không được nghe Tin Mừng phát xuất
từ Phụng Vụ Hội Thánh Công Giáo, để chi tôn thờ Thiên Chúa duy nhất qua Hy Tế
của Chúa Giêsu, như Ngài nói với người phụ nữ lạc giáo xứ Samari: “Giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ
những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự
thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23),
thì chắc chắn đưa đến đố kỵ chia rẽ nhau. Thảm họa này Kinh Thánh đã minh chứng
cho mọi người biết: Vì vua Salômôn chiều theo các bà vợ ngoại giáo xây nhiều
chùa miếu đối diện với thánh điện Giêrusalem, thay vì đến Giêrusalem tôn thờ
Chúa, thì lại vào đền thờ các thần ngoại. Đây là việc gở lạ! (x 1V 11,1-13). Vì
tội lỗi của vua Salômôn mà Chúa đã sai ngôn sứ Akhigia làm một việc lạ thường
trước mặt ông Giaropam: Ông lấy chiếc áo
choàng còn mới đang mặc xé ra làm mười hai mảnh rồi ông nói với ông Giaropam: “Anh cầm lấy mười mảnh, vì Đức Chúa Thiên
Chúa Israel phán như sau: “Này Ta sẽ giựt vương quốc khỏi tay Salomon, để trao
cho ngươi mười chi tộc” (1 V 11,29-31: Bài đọc năm chẵn). Thực vậy, ông
Giaropam đã chống lại vua Salômôn và ông lôi kéo mười chi họ lập nước Israel chiếm
miền Bắc và miền Trung nước Do Thái. Chỉ còn hai chi họ Giuda và Simêon ở miền Nam thuộc quyền
vua Salômôn. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ muốn diệt dân đã được Ngài chúc
phúc. Thực vậy vì Chúa đã hứa cho dòng vua Đavid – Thân phụ vua Salômôn – được
vĩnh cửu (x 2Sm 7,12), nên Ngài đã dùng miệng ngôn sứ Akhigia nhắc đến lời hứa:
“Nó vẫn còn một chi tộc (đó là chi
tộc Giuđa, mặc dù ở miền Nam còn có chi tộc Simêon, nhưng Đavid thuộc chi tộc
Giuđa), vì nể Đavid, tôi tớ của Ta, và vì
Giêrusalem thành đô Ta đã chọn trong tất
cả dân tộc Israel” (1V11,32: Bài đọc năm chẵn). Lời hứa cứu độ này được Chúa
Giêsu thực hiện cuộc thanh tẩy và tái sinh những ai tin vào Ngài (x Cv 2,38),
là Con vua Đavid. Đó là lý do Đavid đã gọi Ngài là Thiên Chúa (x Mc 12,37), để
hết thảy dòng giống Adam, Eva cảm nghiệm được tình Chúa thương cứu độ đối với
những người biết cất lời cầu: “Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng
con lắng nghe Lời của Con Chúa” (Cv 16,14b: Tung Hô Tin Mừng), mà cất cao
lời tuyên xưng Đức Tin: “Hạnh phúc kẻ lỗi lầm mà được tha thứ” (Tv 32/31,1a: ĐC
năm lẻ). Thánh Isaac Viện Phụ Đan Viện Sao Mai nói: “Có hai điều chỉ thích hợp một
mình Thiên Chúa, đó là vinh dự được nghe thú tội và quyền tha thứ. Chúng ta phải
thú tội với Người và trông được Người thứ tha cho chúng ta. Nhưng Chúa Kitô chỉ
muốn tha tội cho chúng ta qua Hội Thánh Người thiết lập”.
Vào năm 1934 giáo lý
viên Gioan Caduna được linh mục Palexi sai đến vùng Ramxi miền Bắc Ấn Độ để
truyền giáo cho dân làng Majoribua, là những người rất sùng kính tôn thờ vật
linh. Sau 18 năm (1952), cha Palexi trở lại vùng này, thấy cả làng đã theo đạo
và sống Đức Tin rất sốt sắng! Cha Palexi hỏi thăm về giáo lý viên Gioan Caduna,
thì được biết anh đã chết lâu rồi. Họ kể lại rằng:
Thời gian đầu mới
đến, anh Caduna bị dân làng tẩy chay, và nói :
- Ở đây không có chỗ
cho Chúa của mày!
Gioan Caduna đáp :
- Tôi không thể đi
nơi khác, vì tôi đã được sai đến đây để nói về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và làm
Chủ muôn loài, Ngài yêu thương hết mọi người, nên đã chấp nhận chết bi đát trên
thập giá, nhưng chưa tới ba ngày sau, Ngài đã sống lại, ai tin vào Ngài thì
được Ngài cứu độ!
Thế nhưng dân làng
vẫn quyết liệt không muốn nghe vào lời anh Caduna giảng dạy, đuổi anh đi. Anh
đành phải chấp nhận ra khỏi làng và đã dựng một cái chòi bên cạnh ngôi làng để
hằng ngày cầu nguyện cho dân đừng cứng lòng tin! Dân làng mỗi khi đi qua đều
phỉ nhổ và mạt sát Caduna :
- Cút đi cho xa,
chúng tao không muốn thấy mặt mày, và chúng tao càng không muốn nghe mày nói về
ông Giê-su nào đó!
Caduna trả lời :
- Tôi không đi đâu
được, Chúa Giêsu đã chết vì yêu mọi người, nên tôi cũng muốn chết ở đây, để
chứng tỏ lòng tôi rất yêu dân Majoribua.
Thời gian sau,
Caduna chết vì bị bệnh sốt rét và sống quá túng thiếu. Lúc đó dân làng mới tỏ
ra thương anh, họ tổ chức an táng anh cách tử tế. Không bao lâu, tất cả dân
trong làng xin theo đạo Công Giáo hết!
Anh Gioan Caduna đã
đáp trả được tiếng Chúa Giêsu hỏi: “Con
có yêu Thầy hơn những người này không?”(Ga 21,15-17). Vì “thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu!” (Lm. Ga.
Maria Vianey).
THUỘC LÒNG
Tôi có sự thật về Đức Kitô, không ai bịt miệng tôi được ! (2 Cr 11,10)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH