BÀI GIẢNG
SỐNG
LỜI CHÚA GIÊSU MỚI LÀM VINH HIỂN NGÀI
Những người Biệt phái
cẩn thủ giữ Luật Môsê, cùng với các kinh sư (Lêvi), là những người giảng dạy
Luật, thuộc “đạo gốc”. Họ giữ cả tập tục của tiền nhân, như không được ăn và
còn phải tránh xa xác chết những con vật
sau : Lạc đà, thỏ rừng, heo, loài cá không vảy, đại bàng, diều hâu, chuột, tắc
kè, kỳ đà, kỳ nhông….(x Lv 11). Trong khi Lời Kinh Thánh nói : “Mọi sự Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành,
không có gì phải loại bỏ, nếu biết tạ ơn mà dùng” (1Tm 4,4), đúng mục đích
Chúa đã tạo dựng từ thuở khai sinh lập địa. “Thiên Chúa phán : "Đây
Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ
cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã
thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi
thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực."(St 1,29-30 : Bài đọc năm lẻ).
Thế nên trong Thánh Lễ
này Hội Thánh muốn ta cất lời kinh tạ ơn : “Lạy
Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa khắp cả địa cầu” (Tv
8,2a: ĐC năm lẻ).
Trong khi đó những
người Biệt phái và một số kinh sư lại rất khó chịu vì thấy các môn đệ Đức Giêsu
không giữ các tập tục tiền nhân, nên đến đặt câu hỏi với Ngài : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền
thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa? "Người trả lời họ:
"Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo
đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng
thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng
dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,5-7 : Tin Mừng).
Thực ra giữ tập tục
rửa tay, rửa chén, rửa bình trước khi nhập tiệc chỉ có giá trị về phương diện
vệ sinh, chứ không làm cho con người ra ô uế tội lỗi. Con người muốn được tinh
sạch, thì phải thanh tẩy tâm hồn của mình, bởi vì Đức Giêsu nói : “Không phải điều vào miệng làm người ta ra
nhơ uế, nhưng điều bởi miệng ra, điều đó mới làm cho người ta ra nhơ uế”
(Mt 15,11).
Như vậy những kẻ tự
hào sống ý Chúa theo Luật Môsê, họ chỉ chú ý làm việc phụ mà bỏ việc chính.
Đúng như lời thánh Phaolô nói : “Hình
thức của đạo thánh thì họ tuân giữ, nhưng cái chính yếu thì họ chối bỏ. Phải xa
lánh hạng người này” (2Tm 3,5 : Bản dịch PVGK). Vì hạng người này đã bị Đức
Giêsu khiển trách : “Các ông lấy truyền
thống của các ông mà truyền lại cho nhau để huỷ bỏ Lời Thiên Chúa. Các ông còn
làm nhiều điều khác giống như vậy nữa! " (Mc 7,13 : Tin Mừng).
Thực vậy, trong những
sinh hoạt người ta đã gạt bỏ ý Thiên Chúa mà lấy truyền thống làm thánh giáo :
1/ ĐỂ TỎ LÒNG BÁO HIẾU, con cháu luôn nhắc
nhau :
- Sống dầu đèn, chết kèn
trống.
- Nghĩa tử là nghĩa tận.
Đức Giêsu nói : “Ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha
kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! Còn các ông, các ông lại bảo:
"Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là
"co-ban" nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa" rồi,và các ông không
để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa. Thế là các ông lấy truyền thống các
ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều
khác giống như vậy nữa! " (Mc 7,10-13 : Tin Mừng).
2/ LO VIỆC NƯỚC THIÊN
CHÚA.
Hầu hết các chủ chăn trong Hội Thánh khi cần tiền để xây dựng cơ sở tôn giáo,
thường cấp bằng Ân Nhân cho những người dâng cúng hậu. Như thế thì làm sao cắt
nghĩa được Lời Đức Giêsu dạy : “Tay trái đừng
biết việc tay phải làm” (Mt 6,3) ; hoặc bà góa bỏ hai trinh vào Đền Thờ
được Đức Giêsu khen đã bỏ nhiều hơn những người bỏ cả nắm tiền mà là của dư
thừa (x Lc 21,1-4).
Cấp bằng Ân Nhân để có
tiền xây dựng Nhà Thờ, thì không lỗi đức công bằng với cộng đoàn, nhưng đã làm
mất giá trị trước mặt Thiên Chúa đối với người dâng cúng, vì Chúa đã nói : “Họ
đã lĩnh công đời này rồi, thì đời sau mất” (x Mt 6,16).
Ta nhớ một trong lý do
Luther ly khai với Giáo Hội lập ra đạo Tin Lành cũng chỉ vì ngòi nổ do các giáo
sĩ Dòng Đaminh cấp bằng Ân Nhân để quyên cúng được nhiều tiền, hoặc bán Ơn Xá!
3/ KHI NHẬP TIỆC, người ta chỉ ý nói
những lời nghịch đạo lý :
- Nam vô tửu như cờ vô
phong.
- Rượu bất khả ép, ép
bất khả từ.
- Anh tới đâu tôi tới
đó.
- Một hai ba dô !
- Một trăm phần trăm,
không long đền, không rơi rớt.
Trong khi đó Lời Kinh Thánh dạy, thì không ai lưu ý :
+ Đừng
say sưa rượu chè, chỉ tổ hư thân (Ep 5,18).
+ Dành cho ai những “thôi rồi”,
dành cho ai “những hỡi ôi”, dành cho những gây gổ, dành cho ai những lời than
van, dành cho ai những vết thương chẳng lý do ? đó là kẻ nán lại bên bầu rượu…
Nó cắn như rắn lục, nọc độc hổ mang (Cn 23,29.33)
+ Khốn cho kẻ đổ rượu cho đồng loại
uống, khốn cho kẻ pha thêm thuốc độc để người ta say, ngõ hầu có thể dòm ngó
cái lõa lồ của họ, ngươi đã ứa nhục chứ không phải vinh (Habacuc 3,15-16a).
4/ LÚC TỨC GIẬN, người ta động viên
nhau :
-Con gà tức nhau vì
tiếng gáy.
-Lành làm gáo, mẻ làm
muôi.
-Ông ăn chả, bà ăn nem.
Nào có ai động viên nói Lời Chúa :
+ Có nóng giận thì sao cho đừng mắc tội, chớ
để mặt trời lặn mà cơn giận chưa tan (Ep 4,26).
+ Có ác thì như con nít thôi (1 Cr
14,20).
+ Sự nóng giận của người ta không làm nên sự
công chính của Thiên Chúa (Gc 1,20).
+ Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy
lành mà thắng dữ (Rm 12,21).
5/ TRƯỚC VIỆC TỐT PHẢI
LÀM,
nhiều người lại thoái thác ;
- Ăn có mời làm có
khiến.
- Cờ đến tay ai người ấy
phất.
Có ai để cho Lời Chúa thúc bách mình :
+ Biết điều tốt mà không làm thì có tội (Gc 4,17).
+ Đoán ý muốn người khác để phục vụ giống Mẹ
Maria (Lc 1,39t ; Ga 2,3).
+ Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng thế (Ga 5,17).
+ Mọi sự thuộc về anh em, anh em thuộc về Chúa
Kitô, Chúa Kitô thuộc về Chúa Cha (1Cr 3,22b-23)
6/ TÌM NGUỒN SỐNG, người ta chỉ chú ý
phục vụ cho cái bụng là thần :
- Có thực mới vực được
đạo.
- Có tiền mua tiên cũng
được.
Trong khi đó Chúa Giêsu dạy :
+ Người ta sống không nguyên bởi bánh nhưng
bởi mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4).
+ Hãy ra công làm việc, đừng vì lương thực hư
nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống muôn đời (Ga 6,27).
+ Không phải vì dư dật của cải mà mạng sống
con người được bảo đảm chắc chắn (Lc 12,15).
7/ KHI NGHE NHỮNG LỜI
ĐÀM TIẾU, người ta thường phụ họa :
- Không có lửa sao có khói.
- Thế gian không ít thì nhiều, không ai đặt điều nói không.
Trong khi đó Chúa cảnh giác ta :
+ Các ngươi hãy coi chừng điều các ngươi nghe
(Lc 8,18).
+ Mọi lời nói vô ích đều phải trả lẽ trong
ngày phán xét (Mt 12,36).
8/ MUỐN TỎ RA NGƯỜI
TRƯỞNG THÀNH, người ta thường động viên nhau :
- Ở đời cái gì cũng nên biết một tí.
Trong khi đó lời Kinh Thánh dạy :
+ Được phép làm mọi sự, không phải mọi sự đều
có ích, được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều xây dựng. Đừng để sự
gì vô ích lạm phép trên thân thể tôi (1Cr 6,12).
9/ KHI PHẢI BẢO VỆ QUYỀN
LỢI,
ai cũng chủ trương :
- Ăn cây nào, rào cây đó.
- Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
- Làm phúc nơi nao, cầu ao rách nát.
- Ăn cơm nhà, vác ngà voi.
Trong khi đó Chúa Giêsu muốn :
+ Ai
yêu cha mẹ hơn Ta không xứng đáng với Ta (Mt 10,27).
+ Hãy
thật lòng khiêm nhường coi kẻ khác hơn mình ; đừng dán mắt vào quyền lợi riêng
mình, song cả vào quyền lợi người khác nữa (Pl 2.3).
+ Nếu
tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là nô lệ của Chúa Ki-tô
(Gl 1,10).
+ Phải
vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta (Cv 5,29).
+ Cho
thì có phúc hơn là lấy (Cv 20,35).
10/ VỀ QUAN ĐIỂM SỐNG, ai cũng chủ trương :
-
Người đời dạy : Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
Trong khi đó Chúa lại dạy :
+ Ta không đến đem bình an nhưng gây chia rẽ
cha mẹ với con cái, con cái với cha mẹ (Mt 10,34).
- Mác-Lê dạy : Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại.
+ Nhưng thế nào là ngu, thế nào là khôn, chính
thánh Phaolô trên đường đi bắt người Công Giáo ở Đama, ông tự cho mình là khôn,
người Công Giáo là ngu, thì sự khôn ngoan cùng với lòng nhiệt tình của ông lại
là kẻ phá hoại (x Cv 9).
- Người ta nói : Làm ơn nên oán là ngu.
Trong khi đó thánh Phêrô dạy :
+ Làm việc lành mà phải khổ, nếu Chúa muốn
thế, thì còn hơn là làm điều dữ, vì được trở nên giống Chúa Giêsu (1 Pr
2,20-21 ; 3,17).
Như vậy những tư tưởng
nghịch với Tin Mừng như trên, người ta lại cho đó là thánh giáo. Mà tư tưởng
thì hướng ra hành động. Do đó tư tưởng sai mà lại cho là đúng, thì sự gian ác
càng gia tăng, mà không ai biết sám hối !
Sau khi vua Salômôn
xây dựng Đền Thờ nguy nga để Chúa ngự, Ngài mạc khải cho ông nói: “Đền Thờ nguy nga tôi xây dựng cho Chúa ngự thật không xứng đáng, vì
trời cao thăm thẳm không chứa nổi Ngài, huống chi là Đền Thờ tôi xây dựng”
(1V 8,27 : Bài đọc năm chẵn). Như vậy dù vua Salômôn đã cho tìm tất cả các vật
liệu quý giá xây Đền Thờ dâng Chúa, mà Chúa không lấy đó làm quan trọng, huống
chi người ta xây dựng con người của mình bằng những tập tục của tiền nhân làm “thánh
giáo”, thì Chúa đau lòng biết mấy! Bởi vì Đức Giêsu đã nói : “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất
những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo
trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều
xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc
7,21-23).
Ta biết rằng rác làm bẩn
môi trường sống, thì lời nói, việc làm bất xứng làm cho cuộc sống thành rác
thành phân !
Trong khi đó ông
Salômôn đã xác nhận : “Chúa vẫn giữ Giao
Ước tình thương đối với tôi tớ của Ngài, khi họ hết lòng bước đi trước nhan
Ngài” (1 V 8,26 : Bài đọc năm chẵn). Vì nhờ Giao Ước của Ngài ban, nhằm xây
dựng con người thành Đền Thờ đích thực để Thiên Chúa ngự (x 1Cr 3,16-17). Đó mới thực là “cung điện Chúa ngự xiết bao khả ái” (Tv
84/83,2 : ĐC năm chẵn), chứ Chúa không ưa chuộng Đền Thờ làm bằng vật liệu quý
giá như vua Salômôn đã làm. Ngôn sứ Giêrêmia nói : “Vừa gặp Lời Chúa tôi nuốt chửng, Lời Chúa làm hoan lạc đời tôi, vì trên
tôi danh Ngài được kêu khấn” (Gr 15,16). Ngôn sứ Giêrêmia xác tín như thế,
vì ai nuốt Lời Chúa vào tâm hồn, họ trở thành đền thờ Giêrusalem đích thực,
giống như đền thờ Giêrusalem thời vua Salomon chỉ có bia Lời Chúa đặt nơi cực
thánh, mà muôn dân tuốn đến cầu khẩn, vẫn thua xa con người được Lời Chúa cư
ngụ biến thành Đền Thờ đích thực của Chúa, để nối dài và mở rộng phúc lành Chúa
hứa cho dòng tộc Abraham : “Mọi dân thiên
hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau, bởi vì ngươi đã vâng nghe Lời
Ta” (St 22,18).
Để minh chứng do lời
ăn tiếng nói làm biến chất người, truyện kể rằng :
Có con sư tử mồ côi,
nó được bầy dê nuôi dưỡng. Sau một thời gian sư tử con quen ăn thức ăn của dê,
và tập kêu be be như dê. Lần kia nó đang đùa giỡn với bầy dê bên bờ suối, thình
lình có con sư tử già xuất hiện, nó gầm rống lên, làm bầy dê tháo chạy hết, chỉ
còn lại sư tử con đứng ngơ ngác. Sư tử già đến hỏi :
- Sao mày lại chơi với dê? Mày có biết mày là sư
tử như tao không?
- Be be… Sư tử con kêu.
- Mẹ cha thằng này…
Sư tử già nổi giận mắng.
Thế là sư tử già vồ
lấy sư tử con đưa xuống bờ suối, dí đầu nó xuống mặt nước và nói :
- Mày nhìn kỹ đi, mặt
mày và tao có giống nhau không?
- Be be…..
Sau đó sư tử già tha
đến cho sư tử con một miếng thịt sống bắt phải ăn, sư tử con đưa lên mũi ngửi,
rồi lắc đầu :
- Tanh lắm tôi không ăn được, ăn cỏ ngon hơn.
Nhưng sư tử già cứ
bắt sư tử con ăn thịt, cấm không cho ăn cỏ. Chẳng bao lâu, sư tử con không thích
ăn cỏ nữa mà nó thèm thịt, nó liền trở lại đàn dê, tìm các chú dê đã nuôi nó để
ăn thịt !!
Ông Phaolô tuy là
người được “Chúa dựng nên giống Chúa”
(x St 1,26), thế nhưng ông sống với các đầu mục Do Thái, loại người giả hình,
ghen tương, tự mãn và gian ác, nên
chất “người” của Phaolô biến thành
“sói”, ông đã hung hăng đi diệt những người theo Chúa Giêsu ở Đama! (x Cv 9)
Nhưng từ khi ông được
Chúa chộp lấy, đưa ông trở lại sống với các Tông Đồ của Chúa Giêsu và được nuôi
dưỡng bằng Lời của Ngài, nhờ đó ông trở thành “Thánh Tông Đồ” đi rao truyền
Chân Lý đức tin cho mọi dân nước và đưa họ về cho Chúa. Với lòng nhiệt thành
trào dâng, thánh nhân đã thốt lên rằng : “Tôi
sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi!”
(Gl 2,20).
Vậy “lạy Thiên Chúa xin hướng lòng con nghiêng về
Thánh ý và thương ban cho con Luật pháp Ngài” (Tv 119/118,36.29b : Tung Hô
Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên
Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ
Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi
thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em (1Cr 3,16-17).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH