Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ SÁU SAU CN 3 TN-NĂM CHẴN: AI Ở RIÊNG VỚI CHÚA GIÊSU MỚI LÀM HỘI THÁNH PHÁT TRIỂN
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
 
BÀI ĐỌC : 2 Sm 11,1-4a.5-10a.13-17
1 Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đa-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Đa-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem.
2 Vào một buổi chiều, vua Đa-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời.3 Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: "Đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết."4a Vua Đa-vít sai lính biệt phái đến đón nàng.5 Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đa-vít rằng: "Tôi có thai."
6 Vua Đa-vít sai người đến nói với ông Giô-áp: "Hãy sai U-ri-gia, người Khết, về gặp ta." Ông Giô-áp sai ông U-ri-gia về gặp vua Đa-vít.7 Khi ông U-ri-gia đến với vua, vua Đa-vít hỏi thăm về ông Giô-áp, về quân binh, về chiến sự.8 Rồi vua Đa-vít bảo ông U-ri-gia: "Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân." Ông U-ri-gia ra khỏi đền vua, có người bưng ra một phần thức ăn của nhà vua theo sau.9 Nhưng ông U-ri-gia nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình.
10a Người ta báo tin cho vua Đa-vít rằng: "Ông U-ri-gia đã không xuống nhà ông." 13 Vua Đa-vít mời ông; ông ăn uống trước mặt vua, và vua cho ông uống say. Đến chiều, ông ra nằm giường của ông cùng với các bề tôi của chúa thượng ông, nhưng không xuống nhà mình.
14 Sáng hôm sau, vua Đa-vít viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi.15 Trong thư, vua viết rằng: "Hãy đặt U-ri-gia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết."16 Ông Giô-áp đang thám sát thành liền để ông U-ri-gia ở chỗ ông biết là có quân hùng mạnh nhất.17 Người trong thành xông ra, giao chiến với ông Giô-áp. Một số người trong quân binh, trong các bề tôi vua Đa-vít đã ngã gục, và ông U-ri-gia, người Khết, cũng chết.
ĐÁP CA : Tv 50
Đ.        Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài(x c 3a)
3 Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. 4 Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
5 Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.6a Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
6bc Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. 7 Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
10 Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ, để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.11 Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG : x Mt 11,25
Hall-Hall :  Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời  cho những người bé mọn. Hall.
TIN MỪNG : Mc 4,26-34
26 Một hôm, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này : "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt.29 Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
30 Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.32 Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
33 Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe.34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. 
BÀI GIẢNG
AI Ở RIÊNG VỚI CHÚA GIÊSU
MỚI LÀM HỘI THÁNH PHÁT TRIỂN
Đức Giêsu đã dùng những hình ảnh “hạt giống âm thầm mọc” và “hạt cải nhỏ bé lớn lên thành cây lá xum xuê cho muông chim đến nương náu”  (Mc 4,26-34 : Tin Mừng), để diễn tả về đời sống Hội Thánh Ngài :
Thánh Matthêu giải thích hạt giống Nước Thiên Chúa là “con cái Nước Trời” (x Mt 13,38), còn Luca và Marco thì hạt giống là Lời Thiên Chúa (x Lc 8,11 ; Mc 4,14). Trước nhất phải hiểu hạt cải nhỏ bé là Đức Kitô Giêsu.
Quả thật là nhỏ bé vì bị người đời phế thải đóng đinh trên thập giá, ai đi ngang qua cũng lắc đầu bỉu mỏ chê bai mắng nhiếc (x Mt 27,38-44). Ta hãy chiêm  ngưỡng chân dung Đức Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Ngài trở nên kẻ bé nhỏ trong hai lãnh vực :
1. Bé nhỏ vì thân xác Đức Giêsu bị bóc lột
- Không còn mảnh vải che thân, vì bị lính Roma lột hết.
- Không còn miệng để loan báo Tin Mừng, vì bị các đầy tớ của thượng tế vả đến “phù mỏ” (x Ga 18,22).
- Không còn khối óc để nghĩ kế cứu loài người tội lỗi, vì đầu Ngài bị vòng gai nhọn ghim chặt thay thế cho vương miện.
- Không còn đôi chân bước đến phục vụ người đau khổ, vì bị đinh ghim chặt vào cây gỗ.
- Không còn đôi tay để ban phát muôn ơn cho con người, vì bị đinh đóng thủng.
- Không còn trái tim để yêu thương cả bạn lẫn thù, vì bị chúng đâm thủng, nước và máu trong tim dốc ra hết.
2. Bé nhỏ vì danh dự Đức Giêsu bị chà đạp
Người ta giết Đức Giêsu chỉ vì họ liệt Ngài vào loại người :
-    Kẻ bị họ hàng kết án là khùng điên (x Mc 3,21).
-    Kẻ lạc đạo như quân Samari bị quỷ ám (x Ga 8,48).
-    Kẻ lộng ngôn phạm thượng đến Thiên Chúa (x Mt 26,65).
Sau khi Ngài bị giết, ông Nicodemo xin lãnh “xác hạt giống” này đem chôn vào lòng đất (x Ga 19,39). Ông Nicodemo làm như thế là diễn tả tâm trạng tuyệt vọng của ông trước cái chết của Đức Giêsu, vì từ ngày ông được thụ giáo với Ngài (x Ga 3), ông đã đặt hy vọng vào Ngài là Đấng đến giải phóng dân thoát ách nô lệ Roma. Bởi đó chính ông đã đứng ra bênh vực Đức Giê-su trước mặt các Thượng tế và Biệt phái muốn giết Ngài, ông nói : “Há Luật của chúng ta lại lên án người nào trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì ?”(Ga 7,51) Ngờ đâu, ông Nicôdêmô an táng Đức Giêsu, chính là chôn niềm tin của ông vào lòng đất, vì chỉ ba ngày sau “Hạt Giống” ấy đã chỗi dậy đến thổi hơi vào các môn đệ và ban  Thánh Thần cho (x Cv 2 ; Ga 20,22). Thế là các ông được biến đổi thành những mảnh đất mầu mỡ thích hợp để gieo hạt giống Lời Chúa mọc lên và phát triển cho muôn dân được nương nhờ, dù trước đó Đức Giêsu đã xếp các ông vào loại đất tồi tệ : đường đi, sỏi đá, bụi gai, không thể làm cho hạt giống mọc lên được (x Mc 4,13-20). Thế mà trong số những hạt giống âm thầm mọc, có ông Phaolô, từng là kẻ vũ phu đi bắt hại những người công chính, nhưng khi ông được Chúa Giêsu chộp lấy và biến ông thành hạt giống “con cái Nước Trời”, từ hạt giống này mọc lên thành lúa tốt, rồi sinh ra những bông lúa nặng trĩu hạt mẩy, để có lương thực nuôi muôn dân tộc, ông đã trở thành vị Tông Đồ xuất sắc không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5), tập họp muôn dân về nương ẩn dưới “cây cải Giêsu” .
Đức Giêsu mời gọi môn đệ của Ngài phải vác thập giá theo Ngài mới cứu được mạng sống mình (x Mt 16,24-25). Vì “ai nói rằng mình ở lại trong Chúa, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi” (1Ga 2,6). Bởi đó, tác giả thư Do Thái lên tiếng kêu gọi : “Xin anh em nhớ lại những ngày đầu: lúc vừa được ơn chiếu sáng, anh em đã phải đối phó với bao nỗi đau khổ dồn dập.Khi thì anh em bị sỉ nhục và hành hạ trước mặt mọi người, khi thì phải liên đới với những người cùng cảnh ngộ.Quả thật, anh em đã thông phần đau khổ với những người bị tù tội, và đã vui mừng để cho người ta tước đoạt của cải, bởi biết rằng mình có những của vừa quý giá hơn lại vừa bền vững. Lòng tin tưởng đó sẽ mang lại một phần thưởng lớn lao. Chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10,32-39 : Bài đọc năm lẻ).
Tuy nhiên điều nhỏ bé yếu hèn nhất là con người yếu hèn của ta không có sức thắng được tội lỗi, mà xem ra Chúa vẫn làm ngơ (x Rm 7,18-19 ; 2 Cr 12,7t), “vì chưng Thiên Chúa đã dồn mọi người hết thảy vào đàng bất tuân, ngõ hầu Người dủ lòng thương hết mọi người” (Rm 11,32), để “danh ngươi được ban cho từ Thiên Chúa “vinh quang của lòng thương xót” (Br 5,4).
Đan cử như vua Đavid đã được Chúa đặt lên làm vua chăn dắt dân Ngài, đến như ông trở nên chân dung Đức Kitô, đáng được làm Cha Ngài (x Mc 12,35-37), thế mà ông đã tằng tịu bất chính với vợ của ông Uria làm cho bà mang thai! Trong khi Uria, một vị tướng đang xông pha ngoài chiến trường để bảo vệ đất được được bình an, và vua được an vị trên ngai vàng. Vua Đavid lại còn thâm độc bày mưu giết tướng Uria để che giấu tội ác, hầu chiếm đoạt vợ Uria làm vợ mình (x 2 Sm 11,1-17 : Bài đọc năm chẵn).
Nhưng tất cả các “hạt giống nhỏ bé” tầm cỡ như vua Đavid, sau khi phạm tội, ông đã khiêm tốn nhận lỗi trước mặt ngôn sứ Nathan (x 2Sm 12), và từ bấy giờ ai xúc phạm đến ông, ông nhận như có dịp để đền tội. đan cử như có lần tên Sim-Y đã ném đá và tung bụi vào mặt ông, chụp mũ ông là kẻ khát máu, cướp quyền vua Saolê, cận vệ vua Đavid muốn lấy đầu tên Sim-Y nhưng vua Đavid nói : “Cứ để nó nguyền rủa, nếu Chúa đã bảo nó. May ra Chúa sẽ đoái nhìn đến nỗi khổ cực của ta và Chúa sẽ trả lại cho ta hạnh phúc, thay lời nguyền rủa của nó hôm nay” (x 2Sm 16,5-14). Chính nhờ vua Đavid có tâm tình khiêm tốn như thế nên ông được Chúa cất nhắc lên làm cha Đấng Cứu Thế (x Mc 12,35-37). Vì vậy mà tên Đavid được đặt đầu sách Tân Ước, ông bao bọc gia tộc Đức Giêsu. Thực vậy, ông Matthêu viết gia phả của Đức Giêsu, ông đã đặt tên vua Đavid đứng đầu và đứng chót (x Mt 1,1-17).
Quả thật, Hội Thánh Chúa Kitô được ví như hạt cải nhỏ bé (x Lc 12,32), nhưng khi mọc lên thành cây lớn làm cho muôn dân đến nương nhờ. Cụ thể nhìn vào lịch sử Hội Thánh hơn 20 thế kỷ nay :
-    Nhờ sáng kiến của Đức Giáo hoàng Grégorio XIII (1505-1583) mà thế giới có chung một niên lịch, khởi đi từ ngày Con Chúa giáng  trần.
-    Nếu không có thày Dòng Guion (955 – 1050) lấy nốt nhạc từ bài kinh tiếng La Tinh, thì làm sao ngành âm nhạc của thế giới được phát triển như hôm nay.
-    Ngay tại Việt Nam, nếu đạo Công Giáo không có mặt, thì làm sao dân tộc ta có được chữ viết như ngày nay.
Gần chúng ta nhất :
-    Mẹ Têrêsa Calcutta là người phụ nữ nhỏ bé, lại được nhiều cường quốc trên thế giới xin mẹ làm công dân danh dự, để mẹ là người mẫu cho loài người biết thương yêu nhau. Nhưng nếu mẹ Têrêsa không được bón tưới bằng chính Lời và Máu Thịt Chúa Giêsu, thì chắc chắn cũng chẳng ai biết đến mẹ.
-    Nếu không có Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II, liệu thế giới ngày hôm nay có thoát khỏi thảm họa “nhuộm đỏ” do lý thuyết Mác - Lê?  Mặc dù Đức Giáo hoàng chẳng mạnh về kinh tế, chẳng cậy dựa vào vũ khí, nhưng được nhờ ở riêng với Chúa Giê-su – nghe Lời và ăn Thịt Máu Ngài – như xưa bao nhiêu người được Đức Giê-su giảng dạy và nhận được biết bao ơn của Ngài, mà chẳng ai làm cho mầu nhiệm Nước Thiên Chúa phát triển, ngoại trừ các môn đệ Đức Giê-su muốn ở riêng với Thầy để được Thầy giải thích cho hiểu Lời (x Mc 4,33-34 : Tin Mừng). Mà quả thật, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài tập  họp những “viên đá sống” xây dựng Hội Thánh, Ngài chỉ tìm gặp những người “đã cùng ăn, cùng uống với Ngài – dự tiệc  Thánh Thể - sau khi Ngài từ cõi chết sống lại” (x Cv 10,41), và những người “đã từng theo Ngài từ Galilê lên Giêrusalem” (x Cv 13,31), nghĩa là những người cùng đi đường truyền giáo với Ngài. Chỉ những người này họ mới làm phát triển ơn cứu độ đến cho muôn dân vì đã được ở riêng với Chúa.
Vậy chúng ta hãy quý việc ở riêng với Chúa Giêsu – dự Lễ - để cùng cầu nguyện : “Xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài” (Tv 51/50, 3 : ĐC năm chẵn), hầu được trở nên công chính giống như anh thu thuế đến Nhà Thờ thú tội với Chúa, và xin Ngài xót thương, nên đã được Chúa chúc lành cho anh từ con người tội lỗi trở nên người công chính (x Lc 18,13-14), mà “người công chính mới được Chúa thương cứu độ” (Tv 37/36, 39a : ĐC năm lẻ), để được cùng, với, trong Chúa Giêsu cất lời tạ ơn Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn” (Mt 11,25 : Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Khởi điểm đích thực đạt tới đức Khôn Ngoan là thật lòng ham muốn học hỏi (Kn 6,17).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
           

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: