Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ BẢY SAU CN 1 TN-NĂM CHẴN: ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC:  1Sm 9,1-4.17-19
9  1 Có một người thuộc chi tộc Ben-gia-min tên là Kít, con ông A-vi-ên; ông A-vi-ên là con ông Xơ-ro; ông Xơ-ro là con ông Bơ-khô-rát; ông Bơ-khô-rát là con ông A-phi-ác; ông A-phi-ác là con một người Ben-gia-min. Ông Kít là một người có thế giá.2 Ông có một người con trai tên là Sa-un, một người trẻ và đẹp trai; trong số con cái Ít-ra-en, không có người nào đẹp trai hơn ông. Ông cao hơn toàn dân từ vai trở lên.
3 Các con lừa cái của ông Kít, cha ông Sa-un, bị lạc; ông Kít bảo ông Sa-un, con ông: "Con hãy đem một trong các người đầy tớ đi với con và lên đường đi tìm lừa."4 Ông Sa-un đi qua miền núi Ép-ra-im, rồi đi qua đất Sa-li-sa, mà không tìm thấy. Họ đi qua đất Sa-a-lim: cũng không thấy gì. Ông đi qua đất Ben-gia-min, mà không tìm thấy. 17 Khi ông Sa-mu-en thấy ông Sa-un thì ĐỨC CHÚA mách bảo ông: "Đây là người mà Ta đã nói với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta."18 Ông Sa-un lại gần ông Sa-mu-en ở giữa cửa thành và nói: "Xin ông làm ơn cho tôi biết nhà thầy thị kiến ở đâu."19 Ông Sa-mu-en trả lời ông Sa-un rằng: "Tôi là thầy thị kiến đây. Ông hãy lên nơi cao, trước mặt tôi. Các ông sẽ dùng bữa với tôi hôm nay. Sáng mai tôi sẽ để cho ông đi và sẽ nói cho ông biết tất cả những gì đang làm ông bận tâm”.
10  1a Ông Sa-mu-en lấy lọ dầu và đổ trên đầu ông Sa-un, rồi hôn ông.
ĐÁP CA:  Tv 20
Đ.        Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng.  (c 2a).
2 Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung sướng, Ngài đã chiến thắng, vua hoan hỷ dường nào! 3  Lòng vua ước nguyện sao, Chúa đã ban như vậy, miệng vua khấn xin gì, Ngài cũng không từ chối.
4 Chúa đã ân cần ban muôn phúc lộc, vương miện vàng, Ngài đội cho vua. 5 Vua xin được sống, Ngài cho được sống, năm tháng dài lâu, tuổi thọ miên trường.
6 Vì Ngài chiến thắng, nên nhà vua rực rỡ vinh quang, Ngài cho vua được oai phong lẫm liệt. 7 Ngài đặt vua làm nguồn hạnh phúc đến muôn đời và cho vua được hớn hở vui mừng trước Nhan Thánh. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG:  Lc 4,18
Hall-Hall:  Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Hall.
TIN MỪNG:  Mc 2, 13-17
13 Hôm ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi! " Ông đứng dậy đi theo Người.
15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! "17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." 
BÀI GIẢNG
ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ
Căn cước của người Công Giáo là môn đệ của Đức Giêsu Kitô khởi đi từ lúc lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (x Mt 28,19-20). Người môn đệ muốn làm vinh hiển Đấng đã tuyển chọn mình, thì phải làm việc Tông Đồ sinh nhiều hiệu quả (x Ga 15,8). Có ba ơn gọi làm Tông Đồ :
-    Ơn gọi đặc thù để chuyên lo công bố Lời Chúa và cử hành Bí tích, đó là ơn gọi vào hàng giáo sĩ (Phó tế, Linh mục, Giám mục), như ông Matthêu (Lêvi), được Đức Giêsu kêu gọi để ông trở thành Giám mục tiếp nối sứ mệnh của Ngài (x Mc 2,13-17:  Tin Mừng).
-    Ơn gọi phổ quát là đời sống lứa đôi để diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh Chúa Kitô lữ hành (x Mt 19,4-6 ; Ep 5,21-33).
-    Ơn gọi tình nguyện sống độc thân giữa đời để hiến dâng cho công việc chung của Hội Thánh và của xã hội, hầu diễn tả chân tướng người sống trong thế giới cánh chung giống như các thiên thần (x Lc 20,35-36).
Dù sống ơn gọi nào trong ba ơn gọi trên để làm Tông Đồ cho Chúa, thì cũng phải xác tín và thực hành 5 điều sau đây :
            C Ý thức thân phận mình là kẻ tội lỗi.
            C Mau mắn làm theo ý Chúa hơn ý mình.
            C Những gì ta có để phục vụ Chúa và mọi người.
            C Quan tâm đến nhu cầu người khác,  nhất là của người anh em chưa thuộc về Chúa.
            C Làm vì yêu Chúa không bao giờ thua lỗ, mà còn lời lớn.
 
I/ Ý THỨC THÂN PHẬN MÌNH LÀ KẺ TỘI LỖI
Đức Giêsu gọi ông Lêvi đang ngồi bàn sở thuế, dưới mắt nhìn của người Do Thái, ông là kẻ tội lỗi, bị đồng hóa với đĩ điếm. Người Do Thái thường chụp lên đầu người thu thuế vào ba tội này:
1/ Gian lận:  Đế quốc Roma chỉ đòi người thu thuế nộp đủ chỉ tiêu tiền thuế đã quy định. Kẻ thu thuế thường lợi dụng chức quyền thu nhiều hơn! Nói cách khác họ đã núp dưới bóng pháp luật để thủ lợi cá nhân. Chính ông Gia-kêu, trưởng ty quan thuế cũng đã thú nhận tội này khi Đức Giê-su đến nhà ông:  “Tôi đền gấp bốn lần đối với những ai tôi đã gian lận”(Lc 19,8).
2/ Phản quốc, phản dân:  Lấy thuế của dân tộc mình nộp cho đế quốc Roma là hành động “rước voi về dày mồ”:  củng cố thế lực ngoại xâm thống trị dân tộc, nhất là người Do Thái đang mong thoát ra khỏi bạo quyền này.
3/ Phản đạo:  Đế quốc Roma chỉ muốn người Do Thái cẩn thủ giữ luật Roma hơn giữ Luật Môsê. Như vậy thu thuế là củng cố thế lực kẻ ngoại đạo muốn chống lại Thiên Chúa.
Bởi thế những người trung thành với Luật Môsê thì đồng hóa thu thuế với đĩ điếm: Vì quốc tịch của họ là Do Thái, phải cậy trông vào Thiên Chúa, như kinh họ vẫn đọc: “Kẻ cậy chiến xa, người nhờ chiến mã, phần chúng tôi chỉ kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa chúng tôi. Bọn chúng đều quỵ xuống té nhào, còn chúng tôi vươn mình đứng vững” (Tv 20/19, 8-9). Thế mà lối sống của họ lại dựa vào thế lực Roma, bị liệt vào hạng “đĩ thánh.
Vậy muốn trở nên người Kitô hữu chính danh để chu toàn việc Tông Đồ, thì tiên quyết Chúa đòi ta phải khiêm tốn có lòng sám hối, nhận biết mình là kẻ có tội, người đời không ai thương, ngoại trừ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót (x Ep 2,4). Để nhận ra Thiên Chúa tình yêu, ta cứ nhìn người thu thuế đến Đền Thờ đấm ngực cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương con là đứa tội lỗi” (x Lc 18,13-14). Và để thấy rõ Chúa cần ta phải thành thật khiêm tốn xưng thú tội mình, và trông cậy vào lòng Chúa thương xót, ta cứ nhìn ông Phêrô là một người trong Nhóm Mười Hai đã xưng thú tội mình:  “Lạy Thầy, xin xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8), thì Đức Giêsu lại đặt ông làm thủ lãnh Hội Thánh (x Ga 21,15t).
II/ MAU MẮN LÀM THEO Ý CHÚA HƠN Ý MÌNH
Ông Lêvi đang ngồi bàn thu thuế, làm việc này dễ trở nên giàu có.Thế mà khi Đức Giêsu đi ngang qua gọi ông:  “Anh hãy theo tôi”, ông đứng phắt dậy đi theo Người” (Mc 2,14:  Tin Mừng). Điều này chứng tỏ sức bật của Lời Chúa như phát ra lực thôi miên lòng người. Đúng như tác giả thư Do Thái viết:  “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Dt 4,12-13:  Bài đọc năm lẻ). Thực vậy, Lời Chúa đã đánh bật ông Lêvi bỏ bàn thu thuế để đi thu góp Lời Hằng Sống, rồi loan báo cho muôn người, sau cùng ông đã ghi lại cho muôn thế hệ.
 Như thế ông Lêvi tỏ ra tích cực và rất quảng đại trước lời kêu gọi của Đức Giêsu, Đức Tin và lòng Mến này trổi vượt hơn ông Saolê đang đi tìm chiên bị thất lạc theo lệnh của cha, lại phải bỏ công việc ấy đến với ông Samuel dùng bữa, rồi được ông Samuel xức dầu tôn làm vua dân Do Thái (x 1Sm 9,1-19 ; 10, 1a:  Bài đọc năm chẵn).
Vậy Chúa muốn mọi người “hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, và sự công chính của Ngài còn các điều khác Ngài sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33).
III/ NHỮNG GÌ TA CÓ LÀ ĐỂ PHỤC VỤ CHÚA VÀ MỌI NGƯỜI
Khi ta đã bước đi theo tiếng Chúa gọi, ta phải đầu tư mọi năng lực để làm vinh danh Ngài, qua việc phục vụ đồng loại. Như một người giàu có khôn ngoan muốn xây tháp, phải đầu tư mọi khả năng mình có, thì việc xây tháp mới hoàn tất tốt đẹp (x Lc 14,28t).
    Bà Maria Madalena sau khi được Đức Giêsu trừ cho bảy quỷ, bà liền dâng cho Ngài tất cả tiền của bà có để đóng góp vào việc truyền giáo (x Lc 8,1-3).
    Ông Giakêu khi đón Đức Giêsu vào nhà, ông đã bán hết gia tài chia cho đồng loại một nửa, được Ngài khen và chúc phúc:  “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, vì người này mới thực là con cháu Abraham” (Lc 19, 8-9).
    Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai “hết thảy coi mọi sự như của chung:  đất đai của cải họ bán đi mà phân phát cho mọi người, ai nấy tùy theo nhu cầu mình” (x Cv 2,44-45 ; 4,32-35).
    Đối với các môn đệ, Đức Giê-su còn đòi hỏi gắt gao:  Phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn, nghề nghiệp, thậm chí bỏ cả mạng sống mình nữa, nếu muốn làm tròn sứ mệnh Tông Đồ (x Mt 10, 37-39).
Có triệt để dâng mọi sự làm vinh hiển Chúa mới xứng đáng hiệp thông trong cùng một chức Tư Tế của Chúa Giê-su, như lời tác giả thư Do Thái nói:  “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4,14-16:  Bài đọc năm lẻ).
IV/ QUAN TÂM ĐẾN NHU CẦU NGƯỜI KHÁC,  NHẤT LÀ NGƯỜI ANH EM CHƯA THUỘC VỀ CHÚA
Cụ thể như ông Lêvi đã tổ chức tiệc rồi mời những kẻ tội lỗi đến đồng bàn với Đức Giêsu (x Mc 2,15b:  Tin Mừng).
Kẻ tội lỗi được đồng bàn với Đức Giêsu là dấu chỉ người ấy được giao hòa với Thiên Chúa. Ví như ngày đăng quang của vua Babylon, ông đã ra lệnh mở cửa ngục giải phóng ông Giơ-hô-gia-khin, vua nước Giuđa, lại còn cho đồng bàn với vua. Đây là việc làm cao tay ấn, hiên ngang cho toàn thể đế quốc biết:  “Ta không sợ đối thủ nào, cũng  như không kẻ nào đáng là đối thủ của ta” (2V 25,27-29). Thế thì những kẻ tội lỗi được đồng bàn với Đức Giêsu phải nhận ra Ngài đã chiến thắng chiếm đoạt con người tội lỗi, và làm cho họ được giao hòa với Thiên Chúa.
Vậy để thực hiện ơn gọi làm Tông Đồ, người Kitô hữu cũng phải ra sức thể hiện bằng lời nói, nhất là bằng việc làm để quy tụ những kẻ lạc xa Chúa trở về tùng phục tôn thờ Ngài, đó là cách ta thi hành chức tư tế nơi dân ngoại, để dân ngoại trở nên lễ vật Chúa ưa chuộng (x Rm 15,16). Vì “Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6,63c:  ĐC năm lẻ). Bởi thế mà “Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4,18:  Tung Hô Tin Mừng).
V/ LÀM VÌ YÊU CHÚA KHÔNG BAO GIỜ THUA LỖ, MÀ CÒN LỜI LỚN
Cụ thể :
-    Ông Saolê vâng lệnh cha đi tìm chiên lạc mà chưa thấy, thì ông được ngôn sứ Samuel xức dầu đặt làm vua chăm sóc dân theo ý Chúa. Ngờ đâu ở nhà ông bố lại tìm được các con chiên đã bị lạc (x 1Sm 10,2:  Bài đọc năm chẵn).
-    Ông Lêvi bỏ việc thu tiền đi theo Đức Giêsu để thu góp Lời Chúa, ông đã làm lợi cho nhiều người cả hồn lẫn xác, bởi vì nếu ông nán lại trong việc thu thuế dù làm đúng luật pháp quy định chăng nữa, để tiếp tay với chính quyền điều hành sinh hoạt xã hội, và để có điều kiện nuôi sống gia đình, thì cũng chỉ giúp cho một số người lợi về thân xác trong thời gian nhất định. Nhưng vì ông biết thu góp Lời Chúa để lại kho tàng quý giá vô tận cho mọi thế hệ, đặc biệt Tin Mừng Mátthêu đã được Hội Thánh dùng nhiều nhất trong Phụng Vụ. Dù ông Lêvi là người tội lỗi, nhưng khi ông đã đáp lại tiếng Chúa kêu gọi đi làm Tông Đồ cho Ngài, thì chắc chắn Chúa còn cất nhắc ông lên ngai báu hơn vua Giơ-hô-gia-kim được vua Babylon phóng thích khỏi cảnh tù đày, lại được mặc áo cẩm bào thay áo tù, và được vua Babylon hằng ngày cấp dưỡng cho không thiếu thốn gì (x 2V 25,27-29). Thực vậy Đức Giêsu đã nói với các môn đệ:  “Anh em bỏ mọi sự mà theo Thầy, anh em sẽ được ngồi trên mười hai ngai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel, nhất là còn được xét xử vạn quốc, quyền trên các dân, vì Chúa là Vua của họ mãi mãi” (Mt 19,28 ; Kn 3,7-8).
Có lần Đức Giêsu hỏi các môn đệ:  “Khi Thầy sai anh em đi, không ví tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không ?” Họ đồng thanh thưa:  “Chúng con không thiếu thốn gì cả” (Lc 22,35). Thánh Tông Đồ đã xác định:  “Những ai vất vả giỏi giang rao giảng Lời Chúa, thì đáng được đãi ngộ gấp đôi” (1Tm 5,17). Mà thực chủ chăn nào hết lòng với sứ mệnh Chúa trao, thì giáo dân có thể móc mắt hiến dâng (x Gl 4,15). Đúng như Lời Chúa đã nói:  “Thức ăn ngon Ta đãi hàng tư tế” (Gr 31,14).
Đặc biệt nhất là kẻ có tội được Chúa cho trở nên người công chính, bởi đã tin vào Chúa Giêsu, chứ không phải công chính vì làm theo Luật dạy (x Gl 2,16). Vì chủ đích Con Thiên Chúa giáng trần là vực kẻ có tội biết sám hối lên hàng khanh tướng, do đó Ngài nói:  “Người mạnh khỏe không cần thày thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17:  Tin Mừng).
Ông Girard, một nhà triệu phú vô thần sống ở tiểu bang Philadelphia, nước Mỹ. Vào ngày thứ bảy nọ, ông ra lệnh cho tất cả các nhân viên của mình phải có mặt ngày hôm sau tại bến tàu, để phụ bốc dỡ hàng cho chuyến tàu vừa mới cập bến. Một chàng thanh niên Công Giáo trong số các nhân viên của ông điềm nhiên trả lời :
Thưa ông Girard, tôi không thể đi làm việc vào ngày Chúa nhật được.
Anh biết luật lệ ở đây chứ ?
Dạ, tôi biết, nhưng tôi đã quyết định không đi làm vào ngày Chúa nhật, vì tôi là người Công Giáo.
Nếu vậy mời anh bước qua phòng Tài Vụ, thủ quỹ sẽ thanh toán tiền lương cho anh, từ ngày mai anh sẽ không còn làm việc cho chúng tôi nữa.
Suốt ba tuần lễ sau khi bị đuổi việc, chàng thanh niên loay tìm kiếm  một việc khác, nhưng vô vọng. Vợ anh bất mãn vì anh thất nghiệp, vợ lên tiếng trách :
-Ngày Chúa nhật, nếu cần phải làm việc để nuôi sống gia đình, thì xin phép cha Sở, vẫn được làm việc bình thường. Mấy tuần nay anh không đi làm, gia đình lấy gì mà sống ?!
Nhưng anh chồng làm thinh chịu trận.
Bỗng dưng mấy ngày hôm sau, một chủ nhà Băng, ghé lại nhà ông Girard để nhờ ông giới thiệu một người làm thủ quỹ tại chi nhánh Ngân hàng của ông mới thành lập. Ông Girard không một chút do dự giới thiệu ngay anh chàng nhân viên mà ông đã sa thải,vì ông Girard xác tín rằng:  Một người đã có ý chí như chàng thanh niên ấy thật là hiếm có, chỉ có anh ta mới đáng được tín nhiệm giữ chức thủ quỹ tại Ngân hàng. Thế là anh chàng này có việc làm nhẹ nhàng hơn việc bốc xếp ở bến tàu, cùng với tiền lương cao gấp ba !
Người Kitô hữu sống tròn ơn gọi khi đã chu toàn năm điểm giáo lý trên, họ xứng đáng ca tụng Thiên Chúa:  “Lạy Chúa, Ngài tỏ uy lực khiến nhà vua sung suớng” (Tv 21/20, 2a:  ĐC năm chẵn).
THUỘC LÒNG
+ Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, và sự công chính của Ngài, còn các điều khác Ngài sẽ ban thêm cho (Mt 6,33).
+ Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế. (Hiến Chế Hội Thánh số 35).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: