22/ 12 MÙA VỌNG: DÂNG CON ĐẦU LÒNG CHO THIÊN CHÚA
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ) BÀI ĐỌC: 1Sm 1,24-28
24 Hồi ấy, bà An-na đưa
Sa-mu-en đưa lên với mình, mang theo một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và
một bầu da đầy rượu. Bà đưa con vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô; đứa trẻ còn nhỏ lắm.25
Họ sát tế con bò và đưa đứa trẻ đến với ông Ê-li.26 Bà nói:
"Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người
đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Đức Chúa. 27 Tôi
đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin
Người.28 Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày
đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa." Và ở đó, họ thờ lạy Đức Chúa.
ĐÁP CA: 1Sm 2
Đ. Tâm hồn
con hỷ hoan vì Chúa, là Đấng cứu độ con. (x c 1a)
1 "Tâm hồn con hoan hỷ vì Đức
Chúa, nhờ Đức Chúa , con ngẩng đầu hiên ngang. Con mở miệng nhạo báng quân thù:
Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.
4 Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ
yếu sức lại trở nên hùng dũng. 5 Người no phải làm mướn kiếm ăn, còn
kẻ đói được an nhàn thư thái. Người hiếm hoi thì sinh năm đẻ bảy, mẹ nhiều con
lại ủ rũ héo tàn. 6 Đức Chúa là Đấng cầm quyền sinh
tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên. 7 Đức Chúa bắt phải nghèo và
cho giàu có, Người hạ xuống thấp, Người cũng nhắc lên cao.
BÀI TIN MỪNG TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Lạy Đức Ki-tô là Vua muôn nước, là Đá Tảng góc tường của
tòa nhà Giáo Hội. Xin ngự đến và cứu độ con người Chúa đã lấy đất mà dựng nên.
Hall.
TIN MỪNG: Lc 1,46-56 46 Ngày ấy, bà Ma-ri-a
nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47 thần trí tôi hớn hở
vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. 49
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh
chí tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính
sợ Người. 51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng
trí kiêu căng. 52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi
kẻ khiêm nhường.53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có,
lại đuổi về tay trắng. 54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,55
như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ
phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời." 56 Bà Ma-ri-a ở
lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
BÀI GIẢNG DÂNG CON ĐẦU LÒNG CHO THIÊN
CHÚA
Theo Luật của Môsê, tất cả các con
đầu lòng từ loài vật đến loài người phải dâng cho Thiên Chúa, để nhớ ơn Ngài đã
giết tất cả các con đầu lòng trong nước Ai Cập, kể cả con của vua Pharaon. Có
thế vua Pharaon mới để cho ông Môsê dẫn dân
thoát nô lệ Ai Cập (x Xh 11). Vì thế sau khi bà Anna sinh con trai đầu lòng là
Samuel, thì đã dâng con trẻ vào Đền Thờ, và chúc tụng Thiên Chúa đã cất nỗi khổ
nhục của bà là cho sinh con trong tuổi già (x 1Sm 1,24-28: Bài đọc).
Vào thời Tân Ước, Cha Mẹ Đức Giêsu
đã tỏ ra rất cẩn thủ giữ Luật Môsê, đến nỗi trong ngày hai ông bà vào Đền Thờ
dâng Con đầu lòng cho Thiên Chúa, tác giả Luca đã lập đi lập lại tới 5 lần “giữ
Luật” (x Lc 2,22.23.24.27.39). Nhưng đối với Thiên Chúa, việc giữ Luật phải
nhắm phục vụ đồng loại, đó là lý do trong Hiến Chương Nước Trời, Đức Giêsu dạy
loài người sống tốt với nhau, để có một lương tâm ngay thẳng xứng đáng là công
dân Nước Trời (x Mt 5,3-11). Bởi thế, trước khi Đức Giêsu được dâng vào Đền Thờ
theo Luật, Mẹ Maria đã cùng với Giêsu trong dạ Mẹ đến phục vụ tại nhà ông bà
Dacarya và Elysabeth (x Lc 1,46-56: Tin
Mừng). Việc này báo trước sau này Con của Mẹ phục vụ loài người tội lỗi, bị chúng
giết ! Như thế, xưa Chúa giết các con đầu lòng của kẻ ác để giải phóng cho dân Do
Thái ; nay loài người tội lỗi lại giết Con đầu lòng của Mẹ Maria. Nhưng kẻ nào biết
ăn năn sám hối bất cứ tội nào đã phạm đều nhúng tay vào tội ác giết Đức Giêsu,
thì lại được nhờ Con đầu lòng của Mẹ giải phóng thoát nô lệ satan, khởi đi từ việc
lãnh Bí tích Thánh Tẩy để được sống trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa là Hội
Thánh, hơn xưa dân Do Thái thoát nô lệ Ai Cập, để đến định cư trong miền đất chảy
sữa và mật Chúa hứa ban (x Xh 3,8).
Ai cũng thấy làm lạ việc phục vụ của
Mẹ tại nhà bà Êlysabeth, ông Luca không cho chúng ta thấy một việc nào Mẹ làm
như những tôi tớ khác, mà chỉ thấy Mẹ dùng Lời Chúa để cầu nguyện, tạ ơn, đã
làm cho vợ chồng Dacarya hân hoan, và cả Hài nhi Gioan Bt trong dạ mẹ cũng nhảy
mừng. Như thế Đức Maria là mẫu cho chúng ta sống Lời Chúa như Mẹ cất lời ca
tụng Chúa tại nhà bà Êlysabeth. Lời cầu này dài nhất trong sáu lần Đức Mẹ nói,
mà hai tác giả Tin Mừng là ông Luca và ông Gioan đã ghi lại (x Lc 1,34.38.40t ;
Lc 2,48 ; Ga 2,3.5). Đặc biệt khi Mẹ cầu nguyện, Mẹ không tự biên tự diễn lấy ý
mình mà tạ ơn Chúa, nhưng Mẹ đã nối kết các Lời Kinh Thánh, phần lớn lấy trong
Thánh vịnh, một số câu trong sách Samuel, sách ngôn sứ Isaia, sách ngôn sứ
Habacuc, sách Sáng thế, sách Gióp và sách ngôn sứ Mikha (x Lc 1,46-56: Tin
Mừng), làm cho mọi người phải vô cùng thán phục Mẹ, vì thời ấy phụ nữ không
được ai dạy Thánh Kinh cho, thế mà Mẹ lại rất thuộc Lời Chúa không ai sánh bằng.
Thánh Đaminh, tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo nhận thấy tinh thần sống Đạo của
Đức Maria, nên đã có lời khuyên nhủ các anh em trong Dòng: “Hãy
nói về Chúa và chỉ nói về Chúa”.
Chúa đã đặt Mẹ làm Mẹ của Hội
Thánh (x Ga 19,27), thì việc Mẹ cầu nguyện phải trở nên mẫu cho các Kitô hữu,
con của Mẹ noi theo. Chính vì vậy mà giáo huấn của Công Đồng Vat.II trong Hiến
Chế Mạc Khải số 25 dạy: “Việc
cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên
Chúa và con người, vì chúng ta ngỏ lời
với Thiên Chúa khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc ta đọc Thánh Kinh”.
Để cụ thể việc này, Hội Thánh tha thiết cổ võ toàn thể dân Chúa cùng tham dự
giờ Kinh Phụng Vụ với hàng giáo sĩ. Vì trong Kinh Phụng Vụ, Hội Thánh là Hiền
Thê của Chúa Kitô đã trích dẫn Lời Chúa để cầu nguyện. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta không biết cầu xin thế nào cho
phải, thì chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn tả”
(Rm 8,26)
[cần xem lại Hiến Chế Phụng Vụ
chương 4 nói về Kinh Phụng Vụ và Tông Hiến Laudis Caticum của Đức Giáo Hoàng
Phao-lô VI công bố sách Nguyện Mới. Tông Hiến này được in ngay đầu sách Kinh
Phụng Vụ].
Một khi đã được thấm Lời Chúa vào
tâm hồn như Mẹ Maria, Thần Khí Chúa thúc bách ta cất lời cầu nguyện :“Lạy Đức Kitô là Vua muôn nước, là Đá Tảng
góc tường của tòa nhà Giáo Hội. Xin ngự đến và cứu độ con người, Chúa đã lấy
đất mà dựng nên” (Tung Hô Tin Mừng). Đó là cách nối dài và mở rộng lời cầu
của Mẹ: “Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa, là
Đấng cứu độ con” (1Sm 2,1.6-7 = Lc 1,46-47: Đáp ca). Có thế
Chúa mới thực hiện cho chúng ta những điều cao cả như Ngài đã làm cho Mẹ, để đáng
được muôn thế hệ khen ta giống Mẹ là người có phúc hơn mọi người. Người có phúc
nhất trước mặt Thiên Chúa phải là người sống phục vụ như Mẹ Maria, nhất là cách
phục vụ của Đức Mẹ đã báo trước chương trình hành động của Giêsu, Con Mẹ, cứu
loài người thoát tay tử thần. Chân lý này đã được nhận ra qua cách ghi của ông
Luca xem ra vô lý: “Maria đã lưu lại với
Êlysabeth chừng ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1,56). Không lẽ Mẹ Maria tới
nhà chị họ và chỉ ở đó ba tháng, lúc ấy bà Êlysabeth đang mang thai đến tháng
thứ chín, tức là gần tới ngày bà sinh con, thì Mẹ lại bỏ trở về quê ư ? Sở dĩ
ông Luca ghi như vậy là vì ông muốn độc giả hiểu rằng: việc Đức Mẹ đến nhà ông Dacarya và bà Êlysabeth là Mẹ chủ ý diễn tả
chương trình phục vụ của Con Mẹ, để cứu độ muôn người. Nói cách khác, Mẹ
Maria đã phác họa chương trình hành động của Con Mẹ, mà sau này Đức Giêsu sẽ
thực hiện.
Ta hãy so sánh:
MẸ MARIA PHỤC VỤ
1. Mẹ Maria cầu
nguyện, làm cho mọi người trong gia đình Dacarya nhảy mừng (x Lc 1,46-55): Đó
là dấu loài người được Chúa cứu độ. Hơn xưa Chúa dùng bà Giuđith cứu dân Do
Thái thoát án tru diệt của tướng Hôlôphernê (x Gd 13).
2. Mẹ Maria phục vụ
tại nhà bà Ê lysabeth ba tháng (Lc 1,56a).
3. Mẹ Maria trở về
nhà, mười ngày sau bà Êlysabeth mới sinh Gioan (Lc 1,56b).
|
CHÚA GIÊ-SU PHỤC
VỤ
1/
Đức Giêsu cầu nguyện và Ngài đã thắng ma quỷ ngay từ lúc bắt đầu thi hành sứ
mệnh cứu loài người tội lỗi (Lc 4,1-13 ; 23,34).
2/ Đức
Giêsu phục vụ ba năm, bị giết chết và nằm trong mồ ba ngày.
3/
Chúa Giêsu về trời,10 ngày sau Chúa Thánh Thần hiện xuống, lúc ấy Hội
Thánh mới sinh các Ki-tô hữu (x Mt 28,19-20 ; Cv 2).
|
Vậy vào mùa Giáng Sinh, bất cứ ai muốn
được Chúa ở cùng, thì hãy gia nhập Hội Thánh Công Giáo, khởi đi từ việc lãnh
nhận Bí tích Thánh Tẩy, và hoàn hảo khi. Vì chỉ trong Thánh Lễ ta mới được trực
tiếp nghe Chúa Giêsu giảng dạy (x Dt 1,1-2), lại được kết hợp với Ngài nhờ ăn
Bánh Hằng Sống từ trời xuống, để được sống như Thiên Chúa. Mẹ Maria là chứng
nhân của niềm tin này. Thực vậy, khi Mẹ được Chúa ở cùng, Mẹ đã lên đường phục
vụ cùng với Chúa Giêsu tại nhà bà Êlysabeth, cũng là để báo trước Đức Maria
được cùng với Con Thiên Chúa cứu loài người, nâng phẩm giá của con người tội
lỗi lên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu (x Dt 2,11.14 ; Ga 6,57 ; Gl 2,20).
Có thế ta mới quy tụ được nhiều người về cho Chúa. Vì Thiên Chúa vốn dĩ là Đấng
toàn năng, nhưng Ngài vẫn cần đến con người vì yêu thương, như Đức Giêsu đã nói:
“Nơi điều này Cha Ta được vinh hiển là hệ
tại chúng con sai hoa kết trái và trở nên môn đệ của Ta” (Ga 15,8). Chính
vì thế mà thánh Irênê nói: “Vinh quang Thiên Chúa là cộng lại những
người được Chúa Kitô cứu độ”.
THUỘC LÒNG
- Hiến Chế Mạc Khải số 25
dạy: “Việc cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại
giữa Thiên Chúa và con người, vì chúng
ta ngỏ lời với Thiên Chúa khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc ta đọc
Thánh Kinh”.
- Ai có nói thì nói Lời Thiên Chúa (như Mẹ Maria), ai phục vụ thì phục vụ bằng sức lực Chúa
ban (như Chúa ở trong lòng Mẹ), có
thế trong mọi việc chúng ta làm mới tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Kitô Giêsu
(1Pr 4,11).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
|