BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC : Dc 2,8-14
8 Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa
chàng đang tới,nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi.9 Người yêu
của tôi chẳng khác gì linh dương,tựa hồ chú nai nhỏ. Kìa chàng đang đứng sau
bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song. 10 Người yêu của
tôi lên tiếng bảo :"Dậy đi em, bạn tình của anh,người đẹp của anh, hãy ra
đây nào ! 11 Tiết đông giá lạnh đã qua,mùa mưa đã dứt, đã xa lắm
rồi. 12 Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây.Tiếng
chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta.13 Vả kia đã kết trái non,
vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào. Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp
của anh, hãy ra đây nào ! 14 Bồ câu của anh ơi,em ẩn trong hốc đá,
trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì
tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng."
ĐÁP CA : Tv 32
Đ. Người
công chính, hãy reo hò mừng Chúa,
nào dâng Chúa một khúc tân ca. (c.1a và c.3a)
2 Tạ ơn
Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt.3
Nào dâng Chúa một khúc tân ca, rập tiếng hoan hô, nhã nhạc vang lừng.
11 Chương
trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn.12
Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người
chọn làm gia nghiệp.
20 Tâm hồn
chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. 21 Vâng,
có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh.
BÀI GIẢNG
CHÚA
GIÊSU MUỐN CƯỚI LOÀI NGƯỜI
Để nói lên tình Chúa
ưu ái đặc biệt dành cho loài người, Thánh Kinh đã dùng tất cả tương quan giữa
người với người :
+ Chúa là Chủ, ta là đầy tớ
(x Lc 17,7t).
+ Chúa là Cha, là Mẹ, ta là
con cái (x Lc 15,11t ; Is 49,15).
+ Chúa với ta là bạn hữu (x
Ga 15,15).
+ Chúa là Tân Lang, ta là tân
nương (x Is 62,5 ; Ga 3,29 ; 2Cr 11,2).
Trong những tương quan
trên, tương quan chủ tớ diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh ; còn tương quan phu thê
diễn tả tình yêu bền vững và thú vị nhất.
1/ ĐỨC
GIÊSU HẠ MÌNH XUỐNG NHƯ TÔI TỚ ĐỂ DIỄN TẢ TÌNH YÊU TUYỆT HẢO NHẤT DÀNH CHO CON
NGƯỜI ĐỂ ĐƯỢC CHÚA NÂNG LÊN ĐỊA VỊ CAO CẢ
Thực vậy, để diễn tả
tình yêu tuyệt vời nhất, người ta thích làm nô lệ cho nhau. Chúng ta cứ nhìn
người mẹ chăm sóc tận tình đứa con thơ bé, dù em phóng uế ra mẹ, người mẹ vẫn
trìu mến vừa nựng con, vừa làm vệ sinh cho con. Tâm tình mẹ chăm sóc con cả đến
tên nô lệ cũng không có được. Trong mối tình lứa đôi, cô cậu yêu nhau, thì thích
làm nô lệ cho nhau mà không cảm thấy mình bị xúc phạm, chẳng vậy mà các cô cậu
Việt Nam
thích ca bài : “Trái tim ngục tù”.
Đức Giêsu phục vụ như người
tôi tớ (nô lệ). Cụ thể, trong bữa Tiệc Ly, Ngài đã rửa chân cho các môn đệ (x
Ga 13,1t). Đây là một hành động nghịch lý đối với quan niệm của người Do Thái,
bởi vì việc rửa chân cho khách là bổn phận của kẻ nô lệ dành cho dân ngoại,
trong khi đó Đức Giêsu là người Do Thái, là Thầy của họ, đặc biệt là Chúa của
họ, thế mà Ngài tự làm công việc này để diễn tả tình yêu của Ngài đối với các
môn đệ, Ngài làm như thế để nêu gương cho các ông tiếp tục phục vụ đồng loại
như Ngài, nhất là khi các ông ở địa vị cao cả, thì lại càng cần phải hạ mình
xuống giống Đức Giêsu : “Ngài phận là
phận của một Vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức
vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Xong Ngài đã hủy mình ra không, là lãnh lấy thân
phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta, đem thân đội lốt người phàm, Ngài
đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và là cái chết trên thập
giá” (Pl 2,6-8).
Tinh thần phục vụ như
một tôi tớ hèn mọn nhất trong xã hội mà Đức Giêsu đã diễn tả trong cuộc đời của
Ngài, chính là Ngài đã nối dài và mở rộng tâm tình phục vụ của Mẹ Maria. Cụ thể
như khi Mẹ vừa nghe tin người chị họ
Êlysabeth đã có thai sáu tháng, Mẹ vội vã lên đường, dù có cỡi lừa đi
đường bộ từ miền bắc xuống miền nam, thời gian ít nhất phải mất khoảng hai tuần,
Mẹ đến phục vụ tại nhà chị họ như một kẻ nô lệ, như lời Mẹ thưa cùng Chúa tại
nhà bà Êlysabeth : “Người đã đoái thương
nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người” (Lc 1,48a : Tin Mừng), mặc dù lúc
ấy Mẹ biết mình đã là Mẹ Thiên Chúa. Người chị họ cũng đã nhận ra địa vị cao cả
của Đức Maria như thế, như lời bà nói : “Bởi
đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến với tôi” (Lc 1,43 : Tin Mừng).
2/ SỐNG
MỐI TÌNH PHU THÊ ĐỂ DIỄN TẢ TÌNH YÊU CAO CẢ NHẤT, VỮNG BỀN NHẤT, TIN TƯỞNG
NHẤT, THÚ VỊ NHẤT
Ngôn sứ Isaia loan báo
vào ngày Chúa ra tay cứu độ loài người, Ngài muốn đến cưới lấy phàm nhân : “Chẳng ai còn réo tên ngươi “đồ bị ruồng bỏ”,
xứ sở ngươi hết bị tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Nhưng ngươi được gọi : “Ái
khanh lòng Ta hỡi !” Xứ sở ngươi nức
tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng”. Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái, và
Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng
tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng
là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,4-5).
Tình yêu cao cả này Thiên
Chúa đã dành cho ta khởi đi từ lúc ta lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Như thánh Phaolô nói với giáo đoàn Corintho : “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc
nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết”
(2Cr 11,2).
Dù ông Gioan Tẩy Giả
được Đức Giêsu khen là “người cao cả nhất
trong những người do người nữ sinh ra, nhưng ông còn thua kẻ nhỏ trong Nước
Thiên Chúa” (Mt 11,11-12). “Kẻ bé nhỏ
trong Nước Thiên Chúa” chính là những người được Đức Giêsu cứu độ, người
thuộc về Hội Thánh (x Mt 18,3 ; Ga 13,33 ; 1Ga 2,1.12.14.18.28). Nhưng ông
Gioan Tẩy Giả vẫn thua xa người Công Giáo là Hiền Thê của Chúa Kitô, vì ông
Gioan chỉ là chú phù rể của Tân Lang Giêsu (x Ga 3,29), như lời ông nói : “Ai có tân nương mới là tân lang, còn bạn của tân lang, kẻ đứng kề bên
mà nghe Ngài, thì khấp khởi mừng vui,
vì tân lang lên tiếng. Vậy đó là sự vui mừng của tôi : thực nó đã được sung mãn”
(Ga 3,29).
Niềm vui của Gioan Bt
là được làm phù rể của Tân Lang Giêsu, đã được Chúa mạc khải cho ông biết ngay
khi ông còn trong bụng mẹ. Thực vậy, khi Mẹ Maria mang thai Đức Giêsu đến nhà
bà Êlysabeth, thì “Gioan còn trong bụng
mẹ đã khấp khởi nhảy mừng” (x Lc
1,44 : Tin Mừng). Rõ ràng chú phù rể khi còn trong bụng mẹ, gặp Tân Lang Giêsu cũng
còn trong dạ mẹ, đã khấp khởi nhảy
mừng, vì sứ mệnh của ông sẽ trở thành phù rể, giới thiệu những “Tân Nương” đến
với Tân Lang Giêsu (x Ga 1,19t), chính Tân Lang Giêsu sẽ giải phóng loài người hơn
thuở xưa nhờ công đức và mưu kế của bà Giudith đã cắt đầu tướng Holopherne để
giải phóng cho dân tộc Do Thái, làm cho toàn dân nhảy mừng trước chiến thắng
này (x Gd 13,18-19). Chính vì vậy mà Ngài đã nói với các môn đệ : “Hãy vững lòng, Thầy đã thắng thế gian”
(Ga 16,33b), dù nhờ Tân Lang Giêsu, ta trở thành những Tân Nương, nhưng vẫn còn
thuộc loại “điếm” (x Rm 7,18-19), tầm cỡ như vợ của ngôn sứ Hôsê : Mỗi khi
chồng vắng nhà cô lại đi hoang, tìm các tình lang, hưởng thụ khoái lạc của tình
dục, thế mà ông Hôsê vẫn ra sức đi tìm cô vợ điếm này, “tâm hồn ông thổn thức mỗi khi tìm lại được người vợ, ông lại dụ nàng vào
nơi vắng vẻ, lòng kề lòng nói khó với
vợ, rồi tặng nhiều báu vật, vì muốn đính hôn với cô vợ điếm bằng công minh
chính trực, nhân nghĩa và xót thương” (x Hs 2,16-21). Thế thì khi ta biết
sám hối trở về với Tân Lang Giêsu, ta cũng làm cho Ngài và cả tầng trời rúng
động niềm vui mừng (x Lc 15,7). Niềm vui này, Kinh Thánh đã mượn những hình ảnh và ngôn từ của một
chàng thanh niên si tình tìm đến nhà người yêu làm cho tim nàng rung động, hồi
hộp trước tình yêu nồng cháy như lửa : “Tiếng
người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới,nhảy nhót trên đồi, tung
tăng trên núi. Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương,tựa hồ chú nai nhỏ.
Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song”
(Dc 2,8-9 : Bài đọc).
Khát vọng được vui
thỏa nhất đối với người chồng là vợ phải “đẻ” cho ông đứa con nối dòng. Do đó, khi người Kitô hữu ý thức
mình là Hiền Thê của Tân Lang Giêsu, thì cũng phải “đẻ con” cho Ngài, như Chúa
đã dùng ngôn sứ Mikha nói : “Người sẽ phó nộp cho chúng đến thời “Đẻ” sẽ
sinh con” (Mk 5,2a – Bản dịch NTT). Lời ngôn sứ này đã được ứng nghiệm
nơi Đức Maria khi Chúa cho Mẹ sinh Con Đấng Tối Cao, và Chúa Giêsu cũng muốn
các Kitô hữu phải biết “đẻ” giống như Mẹ Maria, như lời Ngài đã nói : “Mẹ tôi và anh em tôi là những người nghe Lời
Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Quả thực, khi người Ki-tô hữu
sống yêu thương phục vụ cả kẻ hại mình và biết loan báo Lời Chúa cho mọi người,
thì họ được Đức Giê-su xác nhận là “Con Đấng Tối Cao”, đồng danh với Ngài (x Lc
1,32 = Lc 6,35). Sống như thế, họ đã quy tụ được nhiều người trở thành con Thiên Chúa, đó là lễ vật
Chúa ưa chuộng, như lời thánh Tông Đồ nói : “Làm tư tế của Đức Kitô Giêsu nơi dân ngoại, mà hành lễ là rao giảng Tin
Mừng của Thiên Chúa, ngõ hầu lễ vật là dân ngoại được Thiên Chúa vui lòng chiếu
nhận, bởi được tác thánh trong Thánh
Thần” (Rm 15,16).
Chính vì vậy mà Chúa
Giêsu Phục Sinh trước khi về trời, Ngài sai các môn đệ đi khắp thế gian “đẻ”
thêm môn đệ cho Ngài, rồi nuôi dưỡng và giáo dục họ bằng Lời Chúa (x Mt
28,19-20). Để làm cho nhiều người cất tiếng tạ ơn : “Người công chính hãy reo hò mừng Chúa, nào dâng Chúa một khúc tân ca”
(Tv 33/32, 3a : Đáp ca).
Vậy để làm tròn nhiệm
vụ “đẻ” cho Thiên Chúa, ta hãy cùng với Hội Thánh cầu nguyện : “Muôn lạy Đức Emmanuel, Đấng nắm giữ vương
quyền và ban hành Luật pháp. Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin ngự đến và
cứu độ chúng con” (Tung Hô Tin Mừng).
Vào năm 1934 giáo lý
viên Gioan Caduna được linh mục Palexi sai đến vùng Ramxi miền bắc Ấn-Độ để
truyền giáo cho dân làng Majoribua, là những người rất sùng kính tôn thờ vật
linh. Sau 18 năm (1952), cha Palexi trở lại vùng này, thấy cả làng đã theo đạo
và sống Đức Tin rất sốt sắng! Cha Palexi hỏi thăm về giáo lý viên Gioan Caduna,
thì được biết anh đã chết lâu rồi. Họ kể lại rằng:
Thời gian đầu mới
đến, anh Caduna bị dân làng tẩy chay, và nói :
- Ở đây không có chỗ
cho Chúa của mày!
Gioan Caduna đáp :
- Tôi không thể đi
nơi khác, vì tôi đã được sai đến đây để nói về Thiên Chúa, Đấng sáng tạo và làm
Chủ muôn loài, Ngài yêu thương hết mọi người, nên đã chấp nhận chết bi đát trên
thập giá, nhưng chưa tới ba ngày sau, Ngài đã sống lại, ai tin vào Ngài thì
được Ngài cứu độ!
Thế mà thái độ dân
làng vẫn quyết liệt không muốn nghe lời anh Caduna giảng dạy.Họ đuổi anh đi.
Anh đành phải chấp nhận ra khỏi làng và đã dựng một cái chòi bên cạnh ngôi làng
để hằng ngày cầu nguyện cho dân đừng cứng lòng tin! Dân làng mỗi khi đi qua lều
anh ở, đều phỉ nhổ và mạt sát Caduna :
- Cút đi cho xa,
chúng tôi không muốn thấy mặt anh, và chúng tôi càng không muốn nghe anh nói về
ông Giê-su nào đó!
Caduna trả lời :
- Tôi không đi đâu
được, Chúa Giêsu đã chết vì yêu mọi người, nên tôi cũng muốn chết ở đây, để
chứng tỏ lòng tôi rất yêu dân Majoribua.
Thời gian sau, anh Caduna
chết vì bị bệnh sốt rét và sống quá túng thiếu. Chính nhờ cái chết của anh mà
ít lâu sau, tất cả dân trong làng xin theo đạo Công Giáo hết!
Anh Gioan Caduna đã
đáp trả được tiếng Chúa Giêsu hỏi : “Con
có yêu Thầy hơn nhưng người này không?” (Ga 21,15-17). Vì “thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu!”
(Lm. Gioan Maria Vianey).
Vậy giáo lý viên Gioan
Caduna xứng đáng là Hiền Thê của Đức Kitô, anh đã sinh nhiều con cho Thiên Chúa
trong nước mắt và chết trong cô đơn !
THUỘC LÒNG
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ
cưới ngươi về, như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho
Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5).
Linh
mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH