Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ HAI SAU CN 3 MÙA VỌNG: AI KHÔNG THÁCH THỨC CHÚA NGÀI MỚI CHO GẶP
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Ds 24,2-7.15-17a
2 Khi ấy, ông Bi-lơ-am ngước mắt lên và nhìn thấy Ít-ra-en đóng trại theo chi tộc của họ. Thần khí Thiên Chúa ở trên ông,3 ông liền cất tiếng đọc bài thơ sau đây: "Sấm ngôn của Bi-lơ-am, con Bơ-o, sấm ngôn của người mắt vẫn mở. 4 Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, người ngắm nhìn thị kiến Đấng Toàn Năng, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. 5 Hỡi Gia-cóp, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy! Hỡi Ít-ra-en, đẹp biết mấy doanh trại của ngươi! 6 Như thung lũng trải dài, như vườn cạnh bờ sông, như lô hội Đức Chúa đã trồng, như hương nam mọc bên dòng nước. 7 Từ các bồn của nó, nước tràn ra, và hạt giống nó được tưới dồi dào. Vua của nó cao cả hơn A-gác, và vương quốc nó được tôn vinh.
 15 Rồi ông cất tiếng đọc bài thơ của mình như sau: "Sấm ngôn của Bi-lơ-am, con Bơ-o, sấm ngôn của người mắt vẫn mở.  16 Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị, của người ngủ mà mắt vẫn mở trong lúc xuất thần. 17 Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên;một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ít-ra-en.
ĐÁP CA: Tv 24
Đ.        Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết. (c 4a)
4 Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. 5ab Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ,
6 Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. 7c xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
8 Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: Tv 84,8
Hall-Hall: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con. Hall.
TIN MỪNG: Mt 21,23-27
23 Một hôm, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? "24 Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.25 Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? " Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy? "26 Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ."27 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy" 
BÀI GIẢNG
AI KHÔNG THÁCH THỨC CHÚA
NGÀI MỚI CHO GẶP
Sau khi Đức Giêsu đánh đuổi bọn buôn bán ra khỏi khu vực đền thờ Giêrusalem, các Ký lục và Thượng tế cũng như hàng niên trưởng trong Do Thái giáo đến chất vấn Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm điều ấy ? Ai đã cho ông quyền ấy ?” Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ hỏi các ông một điều thôi ; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các  điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do bởi đâu mà có ? Do Trời hay do người ta ?” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vật lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy ?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết”. Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (x Mt 21,23-27: Tin Mừng). Sở dĩ Đức Giêsu vặn hỏi những kẻ chống đối Ngài về phép rửa của ông Gioan Bt, vì phép rửa này không giống các phép rửa theo truyền thống Do Thái giáo, đặc biệt là những người theo hệ Biệt phái, và những người theo hệ Esseni :
 
 
PHÉP RỬA BIỆT PHÁI
 
1- Cho người ngoại giáo.
 
 
2- Tự rửa cho mình hằng ngày, sau khi đã được cắt bì.
 
3- Nhằm bổ túc cho nghi thức cắt bì để gia nhập Do Thái giáo.
 
 
PHÉP RỬA ESSENI
 
1- Cho người ngoại giáo.
 
 
2- Tự rửa cho mình trước và sau khi được cắt bì.
 
 
3- Nhằm chuẩn bị và làm hoàn hảo nghi thức cắt bì để gia nhập Do Thái giáo.
 
 
PHÉP RỬA GIOAN BT
 
1- Cho người Do Thái lẫn ngoại giáo.
 
2- Gioan rửa cho những người đến với ông, cả người ngoại giáo không cắt bì.
 
3- Nhằm biểu lộ lòng sám hối, chờ đón Đấng Cứu Thế đến thanh tẩy bằng nước và  Thánh Thần, để gia nhập Hội Thánh Chúa Kitô.
 
 
Đức Giêsu đã không cho chúng biết Ngài lấy quyền nào mà đánh bọn buôn bán ra khỏi Đền Thờ, vì Ngài biết rõ hai điều ác trong lòng họ :
1/  Họ nắm chắc Đức Giêsu không trả lời được câu hỏi để tìm cớ giết! Loại người này Kinh Thánh  đã nói về họ: “Những lý luận quanh co khiến con người lìa xa Thiên Chúa. Kẻ ngu đần thử thách Đấng quyền năng, sẽ bị Người làm cho bẽ mặt” (Kn 1,3).
2/ Họ lấy quyền của mình mà gạt ý Chúa, bỏ qua ý dân. Bởi vì những kẻ đặt câu hỏi với Đức Giêsu họ biết rõ: Phép rửa của ông Gioan Bt là bởi Trời, vì toàn dân đã xác tín ông là một ngôn sứ được Chúa sai đến, và cũng nắm chắc rằng Đức Giêsu sẽ trách họ: “Nếu các ông đã biết bởi Trời, tại sao các ông không tin Gioan Bt?” Còn nếu nói phép rửa của Gioan Bt là bởi người ta, thì họ lại sợ dân chúng ném đá.
Như vậy, những kẻ đến đặt câu hỏi với Đức Giêsu, họ đã đảo lộn thứ tự: Họ muốn ý những người có quyền phải đứng hàng đầu, mà đúng lý ra :
-    Thứ I, phải theo ý Thiên Chúa trên hết.
-    Thứ II, phải theo ý của toàn dân.
-    Thứ III, mới theo ý của những người có quyền bính.
Người đời thường nói với nhau: “Ý dân là ý Trời”, mà lúc ấy toàn dân đã tin vào phép rửa của ông Gioan Bt là bởi Trời. Đó cũng là ý Đức Giêsu. Để từ phép rửa của ông Gioan Bt mọi người phải tin nhận Phép Rửa của Đức Giêsu, như ông Gioan Bt đã giới thiệu: “Ngài sẽ rửa anh em bằng Thần Khí và bằng Lửa” (Lc 3,16b).
·   Thần Khí là Lời Chúa (x Ga 6,63).
·   Lửa là Chúa Giêsu Phục Sinh (x Dt 12,29).
Quả thực người ta được lãnh Phép Rửa bởi Lời Chúa (x Ga 15,3 ; Gc 1,18), và bởi Chúa Giêsu Phục Sinh (x Cv 2,38). Nhưng các Thượng tế và Ký lục vì tự mãn, tự tôn, tự ái, nên không muốn theo dân chúng đã nghe ông Gioan Bt nói tin vào Đức Giêsu. Như thế, các Thượng tế và các Ký lục thua xa Đức Tin của thầy Bilơam, vì ông này tuy là dân ngoại làm nghề tướng số ở bờ sông Phơrát, được nhiều người tín nhiệm. Ông Balắc lãnh đạo dân Môáp muốn tiêu diệt Israel, nhưng ông Balắc thấy dân Israel rất hùng mạnh, nên đã thuê thầy tướng số Bilơam đến trù ẻo (chúc dữ) cho dân Israel bị yếu đi. Nhưng vì ông Bilơam lại kính sợ Thiên Chúa, nên ông không thể cưỡng lại quyền năng Thiên Chúa quyết ra tay bảo vệ Israel dân Ngài. Do đó, thay vì ông Bilơam chúc dữ cho Israel theo đề nghị của ông Balắc đã mua chuộc, thì ông lại chúc phúc cho Israel: “Hỡi Giacóp, lều bạt của ngươi đẹp biết mấy. Hỡi Israel đẹp biết mấy doanh trại của ngươi: sự sống tràn ra như cây hương nam mọc bên dòng suối... Tôi thấy một vì sao xuất hiện từ dòng Giacóp, một vương trượng chỗi dậy từ Israel” (x Ds 24,2-17: Bài đọc). Tức là ông Bilơam báo trước cho mọi kẻ đối địch với Israel biết rằng: Từ trong dân Thiên Chúa đã chọn, một vương trượng chỗi dậy từ nhà Giacóp chính là Đức Giêsu Kitô thuộc dòng tộc vua Đavít, sẽ xuất hiện bảo vệ và chăm sóc dân Ngài.
Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế từ dòng dõi vua Đavít, gốc tổ là Giacóp, đó là quyền tự do của Thiên Chúa ban cho nhân loại vì yêu thương. Ngài đến thể hiện quyền vua cha Đavit, nhất quyền làm hoàn hảo Phụng Vụ Do Thái giáo bằng Hy Tế của Ngài thiết lập. Do đó, việc Ngài đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi khu vực Đền thờ, và tiến vào Đền Thờ lên tiếng trách: “Nhà Cha Ta là Nhà cầu nguyện, còn các ngươi biến nó thành hang trộm cướp” (Mt 21,13: Tin Mừng). Là Đức Giêsu có ý nói với  họ: Nếu các ngươi tiếp tục dâng lễ chiên cừu bò lừa theo Luật Môsê, thì cũng chẳng khác gì dân ngoại tế lễ cho thần Bel mà thôi (x Dn 14,1-12). Vì việc cầu nguyện đích thực phải là “cầu nguyện trong Thần Khí và Sự Thật, và Chúa Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Ngài như thế” (Ga 4,23).
-    Thần Khí là Lời Thiên Chúa (x Ga 6,63).
-    Sự Thật là Chúa Giêsu (x Ga 14,6).
Đó là hai phần chính Hy Tế của Chúa Giêsu thiếp lập. Do đó việc Đức Giêsu đánh đuổi không cho buôn bán trong khu Đền Thờ, để người ta không còn đến đây mua chiên cừu bò lừa đưa vào Đền Thờ dâng. Ông Môsê dạy dân dâng lễ như thế chỉ là hình bóng Hy Tế của Chúa Giêsu,  Ngài mới là Con Chiên của Thiên Chúa đến xóa bỏ tội trần gian (x Ga 1,29). Vì chính Ngài vừa Chủ tế, vừa là Bàn Thờ, vừa là Lễ Vật thay thế cho kiểu tế tự do Luật Môsê đã truyền cho dân.
Vậy chỉ có những ai khiêm tốn với lòng chân thành khao khát đến dự Phụng Vụ của Chúa Giêsu mới có thể cất lời cầu: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa của con” (Tv 25/24,4-5: Đáp ca). Và “lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con” (Tv 85/84,8: Tung Hô Tin Mừng).
Người nào cầu nguyện như thế mới được Chúa Giêsu mạc khải cho biết cách sống Đạo để  được ơn cứu độ.
Narcisse là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, nên có rất nhiều “bướm” muốn bay đến đậu, nhưng cô nào cũng bị chàng xua đuổi! Trong số đó, có cô Echo là tội nghiệp nhất!
Một ngày nọ, chàng Narcisse đi săn, vì đang mải rượt con mồi, chàng đã tiến sâu vào cánh rừng rậm mà không biết lối ra, chàng sợ quá kêu lên :
- Có ai ở đây không?
Không ngờ có tiếng vọng lại :
- Lại đây, lại đây.
Nghe thấy thế, chàng mừng rỡ và đi về phía giọng nói vừa phát ra. Té ra là nàng Echo vẫn luôn bám sát chàng mà chàng không hay biết. Vừa thấy Echo, Narcisse ngoảnh mặt đi và chạy nhanh về lối khác! Echo quá đau khổ nên gục chết giữa rừng trong tủi hờn!
Các cô gái nghe biết chuyện này rất phẫn nộ trước sự kiêu căng của Narcisse. Các cô bèn rủ nhau tìm đến đền nữ thần Aphrodite để xin thần cho hắn một bài học.
Vào một ngày đẹp trời, Narcisse tiến vào rừng để săn bắn như mọi lần. Khi đã tiến sâu vào trong rừng, đang lúc khát nước, chàng nhìn thấy một dòng suối trong, nên vội chạy lại úp mặt xuống húp một hơi, chợt chàng phát hiện có bóng một người rất xinh đẹp ở dưới nước, chàng mừng quá vội ôm lấy, nhưng bóng người kia tan biến đâu mất! Lát sau, chàng cúi xuống suối, lại thấy bóng người ấy xuất hiện, chàng vội ôm lấy, nhưng hình ấy lại biến mất! Cứ mãi như vậy cho đến khi mệt lử và chàng đã gục chết dưới dòng suối đang chảy xiết ! Sau xác chàng biến thành người cá!
Ở đời này có ai  “đẹp bằng Chàng Giêsu” yêu ta rất mực, Ngài hằng bám gót theo ta, để muốn “cưới” lấy ta. Thế nhưng Ngài vẫn bị nhiều người từ chối, để rồi Ngài phải thốt lên: “Nếu các ngươi không tin chính Ta là Chúa, các ngươi sẽ chết trong tội lỗi của các ngươi”  (Ga 8,24). Và chắc chắn sẽ phải chết trong tủi nhục hơn chuyện tình của Narcisse và Echo!
THUỘC LÒNG
Ai tìm kiếm Chúa với lòng không nghi ngờ, không thách thức, Ngài mới cho gặp(Kn 1,2)
ã    ã    ã
TRỌNG TÂM GIÁO HUẤN HÔM NAY
Đức Giêsu phải mất mạng mới canh tân làm hoàn hảo giá trị Phụng Vụ Do Thái giáo, và khi Ngài bị giết vì hăng say phục vụ Nước Thiên Chúa, thì chỉ ba ngày sau Ngài từ cõi chết sống lại, lúc ấy Phụng Vụ Do Thái giáo mới thực sự bị cáo chung. Ai đến tham dự Phụng Vụ của Chúa Giêsu khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy bằng nước, mà Đức Giêsu đã thông truyền cho nước tự nhiên ý muốn cứu độ của Ngài khi được ông Gioan Bt làm phép rửa tại sông Giođan, để rồi được tham dự bàn tiệc Thánh Thể, mới lãnh nhận trọn vẹn ơn cứu độ (x Tin Mừng).
Hết thảy những ai đến hiệp dâng Thánh Lễ đều được lãnh phúc lành của Chúa qua bàn tay vị chủ tế hơn thầy tướng số Bilơam chúc lành cho dân Do Thái để thoát mọi thù địch, nên chẳng còn ai phải sợ hãi, vì nơi Nhà Chúa, Ngài tỏ tình thương và ban ơn cứu độ cho muôn dân (x Bài đọc).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH 
 

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: