BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC 1: Is 61,1-2a.10-11
1 Thần khí của Đức Chúa
là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo
tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá
cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, 2 công bố
một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta;
10 Tôi mừng rỡ muôn phần
nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi
hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề
khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang.11 Như đất đai làm đâm chồi
nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm
trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.
ĐÁP CA: Lc 1,46t
Đ. Nhờ Thiên Chúa
tôi thờ, tôi hớn hở biết bao. (Is 61,10b)
46 Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên
Chúa, Đấng cứu độ tôi. 48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn
tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng
Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí
tôn! 50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ
Người.
53 Kẻ đói
nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. 54
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, 55
như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
BÀI ĐỌC 2: 1Tx 5,16-24
Thưa anh em 16
Anh em hãy vui mừng luôn mãi 17 và cầu nguyện không ngừng.18
Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa
muốn trong Đức Ki-tô Giê-su.
19 Anh em đừng dập tắt
Thần Khí.20 Chớ khinh thường ơn nói tiên tri.21 Hãy cân
nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; 22 còn điều xấu dưới bất cứ hình
thức nào thì lánh cho xa.23 Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch
bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác
anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su
Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm.24 Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung
thành: Người sẽ thực hiện điều đó.
BÀI GIẢNG
THỜI ĐẠI ÂN SỦNG
Để cảm nghiệm được niềm
vui của Chúa nhật “mầu hồng” (áo lễ Linh mục mặc), ta hãy tìm hiểu về địa danh
mà tác giả Tin Mừng Gioan dùng để kết thúc vấn đề người ta đang thắc mắc về tính
thiên sai của ông Gioan Bt. Có hai bản văn cổ ghi địa danh này: một bản ghi là
Bêtania, bản kia là Bêtabara. Vậy Bêtania hay Bêtabara ?
I/ NẾU ĐỊA DANH ĐÓ LÀ BÊTANIA :
Nơi đây khi người Do
Thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông Gioan Bt: “Ông là ai? Ông có phải là Đấng Kitô? Là ông
Êlya? Hay một tiên tri?” Thì ông Gioan Bt ba lần chối không: “Tôi không
phải là Kitô ; tôi không phải là Êlya
; tôi không phải là tiên tri”. Và
ông Gioan Bt quả quyết: “Đấng đến sau tôi,
tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Ga 1,19-27: Tin Mừng). Như thế Chúa Giêsu
là “số 1”. Ông Gioan Bt chỉ là “số 000”. Ba số 0 đứng sau số 1 trở
thành “số 1.000” (theo sách Xh 20,6: số 1.000 là thời đại Thiên Chúa thi ân).
Như vậy ở Bêtania, nơi đây rất có thể Đức Giêsu đã dạy cô Maria: Ai muốn làm
chứng dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến, người
ấy phải yêu mến Thiên Chúa, thể hiện bằng việc nghe và tuân giữ Lời Chúa:
“Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy,
anh em sẽ lưu lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha
Thầy và lưu lại trong tình yêu của Người” (Ga 15,10: Bản dịch NTT). Vì hết
thảy những ai lưu lại trong lòng yêu mến Thiên Chúa, thì “họ được sống lại và làm vua với Đức Kitô một ngàn năm” (x Kh 20,4c).
Do đó, dù địa danh “Bêtania”
dù không phải là chỗ ông Gioan Bt làm phép rửa cho Chúa Giêsu đi nữa, thì khi độc
giả nghe đến tên “Bêtania”, chắc chắn nhiều người nhớ đến các chị em Matta, Maria
và Ladarô, một gia đình mà Đức Giêsu rất quý mến, Ngài hay lui tới nghỉ ngơi ăn
uống và dạy Lời Chúa cho cô Maria (x Lc 10,38-42), nhất là Ngài cho anh Ladarô đã
chết thối bốn ngày được sống lại (x Ga 11). Thế thì hạnh phúc của ba chị em
Matta, Maria và Ladarô ở Bêtania đã minh họa thời đại Chúa đến thi ân cho nhân
loại, khởi đi từ lúc Đức Giêsu hạ mình xuống như các tội nhân cùng xếp hàng lội
xuống sông Giođan xin ông Gioan Bt làm phép rửa cho; thì cũng từ Bêtania Chúa Giêsu Phục Sinh giương tay chúc phúc
cho các Tông Đồ: ‘Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem
lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan
hỷ,và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng
Thiên Chúa.” (Lc 24,50-53). Ở đây ta thấy một điều xem ra nghịch lý, vì sau
khi Chúa Giêsu về Trời, đúng lý ra các Tông Đồ phải đi khắp thế gian làm Phép
Rửa và giảng Lời Chúa cho muôn dân, đưa họ vào Hội Thánh mới phải (x Mt
28,19-20 ; Mc 16,15t). Thế mà ông Luca lại ghi: “Các Tông Đồ trở lại Giêrusalem vui mừng khôn xiết, và hằng ở trong Đền
Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 24,52-53). Như vậy Kinh Thánh có ý nhấn
mạnh: Nếu
không cầu nguyện trước, có đi giảng Lời Chúa cũng không sinh hiệu quả ; hoặc
nếu mọi người hằng ngày đến Nhà Thờ cầu nguyện, nghe Hội Thánh giảng, thì càng
đưa thêm nhiều người vào Hội Thánh, không thua kém hiệu quả của những người đi
khắp thế gian rao giảng Tin Mừng.
II/ NẾU ĐỊA DANH ĐÓ LÀ BÊTABARA :
Theo ông Origène, thì đây
là chỗ nông cạn của khúc sông Giođan, nơi mà xưa kia ông Giosua bảo các tư tế
khiêng Hòm Bia nhúng xuống sông, tức thì nước rẽ ra làm đôi cho dân Do Thái tiến
quân vây thành Giêrikhô, và khi toàn dân rước Hòm Bia quanh thành sáu lần trong
sáu ngày, thì trong suốt sáu ngày đó ông Giosua ra lệnh cho họ phải im lặng,
chỉ có tiếng tù và rúc lên do bảy tư tế đi trước Hòm Bia thổi, làm mọi người
trong thành kinh hoàng, lo lắng, hoảng sợ! Ngày thứ bảy, khi đã rước Hòm Bia quanh
thành, toàn dân Israel
hò reo xung trận, thành sụp đổ. Thế là toàn dân Do Thái xông vào thành thi hành
án tru diệt mọi sự trong thành. Hôm đó dân Do Thái đã chiếm được thành Giêrikhô
trước khi tiến vào miền đất Chúa hứa (x Gs 3-6).
Nếu thế thì tác giả
Tin Mừng thứ tư (Gioan) có lý khi ghi lại bố cục các tư tế và các thầy Lêvi từ Giêrusalem đến gặp ông Gioan
Bt thắc mắc hỏi về tính thiên sai của ông, khi ông làm phép rửa cho Đức Giêsu tại
khúc sông này (Bêtabara), theo diễn tiến dân Do Thái chiếm thành Giêrikhô :
-
Ga 1,20-21: Ông Gioan nói “ba KHÔNG”: Tôi KHÔNG phải Đức Kitô, KHÔNG
phải Êlya, KHÔNGphải là tiên tri.
-
Ga 1,23: Ông Gioan Bt tự xưng mình chỉ là TIẾNG KÊU trong sa mạc.
-
Ga 1,25: Người ta lại hỏi ông Gioan Bt: Nếu ông KHÔNG phải là Đức
Kitô, KHÔNG phải là ông Êlya, và cũng
KHÔNG phải là vị tiên tri. Vậy tại sao ông dám làm phép rửa? Như thế người ta
lại nói về ông Gioan Bt “ba KHÔNG”, thì hai lần “ba KHÔNG” trở thành “sáu
KHÔNG”.
-
Ga 1,26-27: Ông Gioan Bt trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà
các ông KHÔNG biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi KHÔNG đáng cởi quai dép cho
Người”.
Ngay lời mở đầu Tin
Mừng, thánh sử Gioan đã giới thiệu cho loài người về Đức Giêsu: “Ngài là Ngôi Lời, là Thiên Chúa” (Ga
1,1). NGÔI LỜI Thiên Chúa giá trị trổi vượt hơn TIẾNG KÊU của ông Gioan Bt. hô
lên giữa sa mạc: “Hãy sửa đường cho ngay
thẳng để Chúa đi” (Ga 1,23). Tiếng kêu gọi của ông Gioan Bt trong sa mạc (nơi
vắng vẻ) giữa “sáu KHÔNG” nói về tính thiên sai của ông, làm cho mọi người nhớ
lại xưa dân Do Thái mỗi ngày họ rước Hòm Bia Thiên Chúa quanh thành Giêrikhô
liên tục trong sáu ngày, thời gian này ông Giosua ra lệnh toàn dân phải im lặng
để nghe tiếng tù và. Nhất là Lời từ
trời đến thì quyền năng hơn tiếng hò
xung trận của dân Do Thái trong ngày thứ bảy để tiến chiếm thành Giêrikhô. Thời
Tân Ước, Lời Chúa không còn ghi trên hai tấm bia đá, mà được khắc trên tấm linh
hồn và thân xác một con người mà thánh sử Gioan nói “Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm” (Ga 1,14a), chính là Đấng làm
Phép Rửa trong Thánh Thần (x Ga 1,33), và những người kết hợp với Ngài nhờ lãnh
nhận Bí tích Thánh Tẩy bằng nước và Thánh Thần (x Ga 3,5), thì được vượt qua
tội lỗi, vượt qua sự chết mà vào cõi sống trong đất Hội Thánh, mới thực là đất chảy
sữa và mật Chúa hứa ban (x Xh 3,8).
Vậy nơi dòng sông Giođan
“ba KHÔNG” của ông Gioan Bt (không
phải Đấng Kitô, không phải ông Êlya, cũng không phải là vị tiên tri) trở thành “ba CÓ” của người Kitô hữu khi lãnh Bí
tích Thánh Tẩy. Thực vậy, khi người tân tòng được Linh mục xức dầu Thánh đã
tuyên bố “ba Có”: “Từ nay
con sẽ là tư tế, là ngôn sứ, và là vương đế ”.
Chính nhờ được xức dầu
Thánh khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thêm Sức, đặc biệt trong Bí tích
Truyền Chức Thánh, mà người Kitô hữu phải ý thức chu toàn sứ mệnh truyền giáo được
Thiên Chúa trao phó, như sứ mệnh của Đức Giêsu đã lãnh nhận từ nơi Chúa Cha: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức
dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng
tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù
nhân,công bố một năm hồng ân của Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng
ta” (Is 61,1-2: Bài đọc I = Lc 4,18-19). Và như thế người Kitô hữu được cùng
với Đức Maria cộng tác với Chúa Giêsu trong việc thiết lập Nước Thiên Chúa (Hội
Thánh), mà hát mừng ngợi khen: “Nhờ Thiên
Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao” (Is 61,10b: Đáp ca).
Những điều kỳ diệu Chúa
thực hiện nơi Đức Maria và con cái Mẹ, đó chính là thời đại Thiên Chúa thi ân
giáng phúc cho muôn dân qua dấu chỉ số 1.000 giữa sự liên hệ Đức Giêsu với ông
Gioan Bt mà ông Gioan Bt đã tuyên xưng khi ông xác nhận về tính Thiên sai của
mình (x Xh 20,6 ; Gr 32,18).
Chúng ta là người Công Giáo muốn thể hiện “ba CÓ”: Tư tế, ngôn sứ và vương đế, khi
lãnh Bí tích Thánh Tẩy, thì phải sống những chỉ dẫn của thánh Phaolô trong Bài
đọc II (1Tx 5,16-24). Đây là ân huệ mà một số tư tế và mấy thầy Lêvi đã dồn “ba Có” cho ông Gioan Bt cũng không được.
Những chỉ dẫn của thánh Tông Đồ là:
a- “Hãy
vui mừng luôn” (1Tx 5,16)
Vui mừng (cười) là dấu
hiệu đầu tiên phải có nơi người được Chúa đoái thương tuôn đổ muôn ân phúc như
bà Sara cười khi Chúa hứa cho sinh con trong lúc tuổi già (x St 18,10-12a). Cũng
thế thiên thần nói với Đức Maria: “Mừng vui
lên, (cười lên) hỡi Đấng đầy ân sủng,
Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Hôm nay Linh mục dâng Lễ mặc áo mầu hồng là nhắc
nhở mọi người hãy nối dài và mở rộng lời thiên thần chào chúc Đức Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Chúa ở cùng
người!” (Lc 1,28).
b- “Luôn cầu
nguyện” (1Tx 5,17).
Theo gót chân các Tông
Đồ “hằng ngày ở trong Đền Thờ mà chúc
tụng Thiên Chúa” (Lc 24,53), để xin Chúa tuôn đổ ơn cứu độ xuống cho ta
cũng như cho muôn dân.
c- “Đừng
dập tắt Thần Khí, đừng khinh thường ơn nói tiên tri”.
(1Tx 5,19-20).
Do đó ta hãy tha thiết
nghe và thực hành Lời Chúa, nhất là tích cực loan báo Tin Mừng trong niềm hân
hoan, để được Chúa chúc phúc, nếu ta không muốn thi hành, thì đó cũng là trách
nhiệm Chúa đã ủy thác (x 1Cr 9,16t).Vì vậy mà thánh Tông Đồ khuyên môn đệ của
mình: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên
tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe,
khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời
người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của
mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai
đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang
đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau
khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh”
(2Tm 4,2-5). Vì loan báo Tin Mừng là bổn phận của hết thảy mọi người Công Giáo,
do đó thánh Công Đồng Vat.II dạy: “Giáo dân có thể và
phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới cả những lúc
họ bận tâm lo lắng việc trần thế” (HCHT số 35). Việc truyền giáo rất cần có nhiều
người tham gia, nên thánh Phaolô nói: “Có
những kẻ rao giảng về Đức Kitô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người
khác lại làm công việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi
họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức
Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây
thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu ! Dù thế nào đi
nữa với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Ki-tô được rao giảng là tôi mừng” (Pl
1,15-18).
d- “Hãy cân
nhắc mọi sự, điều gì tốt thì giữ ; còn điều xấu dưới bất
cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1Tx 5,21-22). Thánh Phaolô nói thế, vì ông
muốn chúng ta đừng bắt chước ông Gioan đã dập tắt Thánh Thần, ông không muốn
cho một người ngoài Nhóm Mười Hai lấy danh Thầy Giêsu trừ quỷ, mà dám khoe: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh
Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con
đi theo Thầy.” Đức Giêsu bảo ông: “Đừng
ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta
!” (Lc 9,49-50).
Ai thực hành được các điều
trên, thánh Phaolô xác nhận: “Chính Thiên
Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí,
tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong
ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ
thực hiện điều đó.” (1Tx 5,23-24: Bài đọc II). Dù ta được như thế, thì cũng
đừng quên rằng: Ta chỉ là con số “KHÔNG” như ông Gioan Bt, hoặc cũng chỉ là “TIẾNG
KÊU” làm cho người khác chú ý đến Lời, tiếng kêu qua đi, nhưng Lời tồn tại và
sinh hiệu qủa nơi lòng người. Thực vậy, một lời quan trọng được loan đi, thì
trước đó có một tiếng kêu làm cho mọi người chú ý đến lời sắp công bố. Ví dụ: “A-lô.
A-lô”, sau đó mới công bố điều muốn mọi người phải nghe và thực hành. Tiếng kêu
“alô” qua đi, chỉ có lời còn lưu lại nơi người nghe. Chân lý này thể hiện nơi
Đức Maria trong ngày Truyền Tin: Thiên thần cất lời chào Đức Maria chỉ là tiếng
kêu làm cho bà bối rối khiến bà chú ý đến Lời Chúa truyền: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng
Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một người con trai và đặt tên là
Giêsu, Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Thiên Chúa sẽ
ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Nguời, Người sẽ trị vì nhà Giacop
đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,30-33). Bà
Maria nghe thế, đã tin ngay vào Lời Chúa nói và phó thác cho Lời Chúa, như bà thưa với sứ thần Gabriel: “Này tôi là
tôi tớ Chúa, xin Chúa thực hiện cho tôi như điều Chúa nói” (Lc 1,38). Và như
vậy nếu ta có Đức Tin vào Lời Chúa như
Mẹ Maria, ta mới làm hoàn tất sứ mệnh Chúa trao từ lúc lãnh nhận Bí tích Thánh
Tẩy: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi
đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Is 61,1: Tung Hô Tin Mừng), để được
cùng với Mẹ Maria ca tụng Thiên Chúa: “Tôi
mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ
Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!” (Is 61,10: Đáp ca).
THUỘC LÒNG :
Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng. Tự ý làm việc
đó thì tôi có công, còn nếu ngoài ý tôi,
thì đó là trách nhiệm Chúa đã ký thác cho tôi ! (1Cr 9,16-17).
ã ã ã
TRỌNG
TÂM GIÁO HUẤN HÔM NAY
Sứ mệnh của người Công
Giáo: ai cũng phải nối dài và mở rộng sứ mệnh của ông Gioan Bt là quên mình như
người tôi tớ để phục vụ đồng loại, mới có thể làm tròn sứ mệnh Chúa đã trao như
sứ mệnh của ông Gioan Bt chuẩn bị lòng mọi người đón Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ
duy nhất (x Tin Mừng). Lý do ta phải làm cho đồng loại thuộc về Chúa Kitô là để
cho họ được Chúa “băng bó” vết thương tâm hồn vì tội đã phạm, và “mặc” cho hồng
ân cứu độ, tựa cô dâu trang điểm lộng lẫy (x Bài đọc I). Nhưng muốn làm tròn sứ
mệnh Chúa trao thì ta phải luôn cầu nguyện trong tâm tình vui tươi hớn hở trước
tình thương của Thiên Chúa, và đừng dập tắt Thần Khí, nhưng để cho Thần Khí Đức
Kitô giúp ta thực thi Lời Chúa do Hội Thánh dạy mới biết cân nhắc điều gì tốt
nhất thì giữ lấy. Sống như thế, ta mới được Chúa thánh hóa toàn diện để Thần
Trí và tâm hồn ta được gìn giữ vẹn toàn không gì đáng trách trong ngày Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm (x Bài đọc II).
Linh mục GIUSE ĐINH
QUANG THỊNH