BÀI GIẢNG
ĐƯỢC CỨU ĐỘ BỞI LÒNG MẾN
Trong Tin Mừng hôm nay
(Mt 11,16-19), Đức Giêsu trách nhiều kẻ thờ ơ lãnh đạm đối với việc Nước Thiên Chúa, chúng coi việc Đức
Giêsu như trẻ con đùa giỡn với nhau: “Tụi
tôi thổi sáo, sao các bạn không nhảy múa ; chúng tôi hát bài đưa đám, sao các
bạn không đấm ngực than khóc” (Mt 11,17: Tin Mừng).
Những kẻ thờ ơ lãnh
đạm đối với chân lý, thì đánh giá người khác theo thiên kiến của mình. Ví như
người cao thì chê kẻ lùn: “Nhất lé, nhì
lùn tam hô, tứ sún” ; kẻ lùn thì chê người cao: “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”. Thực vậy nhiều người Do Thái thấy
ông Gioan Tẩy Giả không ăn uống, thì nói: “Ông
ta bị quỷ ám!” (Mt 11,18: Tin Mừng) Chứ họ không nhận ra đó là dấu ông kêu
gọi mọi người hãy ăn chay, hãm mình, sám hối tội lỗi và chia sẻ của cải cho
đồng loại để đón Đấng Cứu Thế đến ; còn Đức Giêsu đến ăn uống như mọi người,
thì chúng lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu,
bạn bè với phường tội lỗi” (Mt 11,19: Tin Mừng). Chứ chúng không nhận ra đó
là dấu Chúa loan báo Tin Mừng cứu độ: Đấng được Chúa Cha sai đến cứu muôn dân,
Ngài đang ở giữa mọi người, Ngài đồng bàn với hết mọi loại người, là dấu Ngài
đang thực hiện cuộc giao hòa giữa phàm nhân tội lỗi với Thiên Chúa Tình Yêu.
Vậy chỉ những ai có
lòng mến mới đón nhận được Đấng Cứu Độ. Ngài mở trí cho hiểu và giúp thi hành
Lời Ngài dạy: “Ai mến Ta, thì giữ Lời Ta, và Cha Ta sẽ yêu mến nó, và Chúng Ta sẽ đến
với nó và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó” (Ga 14,23).
Người đời thường nói: “Vô tri bất mộ”, có nghĩa là không hiểu
biết thì không yêu mến ; đối với Đức Giêsu thì ngược lại: “Vô mộ bất tri”, có nghĩa
là không yêu mến Ngài, thì không hiểu, không thực hành Lời Ngài dạy. Bởi vậy,
Chúa phán thế này: “Ta là Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên
đường ngươi đi.Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của
ngươi sẽ chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng
biển. Dòng dõi ngươi sẽ đông như cát, con cái ngươi sinh ra sẽ hằng hà sa số;
tên tuổi ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt
Ta.” (Is 48,17-19: Bài đọc).
▪ Thánh Phaolô trong đời
phục vụ, ông cũng phải dựa vào sức mạnh của tình yêu: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Bởi thế thánh Augustin
nói: “Con người được lôi kéo đến cùng Đức
Kitô khi lấy làm vui sướng, vì yêu mến sự thật, vui sướng vì được hạnh phúc,
vui sướng vì đức công chính, vui sướng vì sự sống đời đời: Tất cả là Đức Kitô.
“Vậy phải chăng các giác quan của thân xác, có những thích thú của
chúng, mà tâm hồn lại không được có những thích thú của mình ư? Nếu tâm hồn
không có những thích thú của mình, thì tại sao lại nói: “Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn, họ được no
say yến tiệc Nhà Ngài, nơi suối hoan lạc Ngài cho hưởng thỏa thuê, Ngài quả là
nguồn sống, nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng”.
“Hãy cho tôi một người biết yêu mến, người ấy sẽ cảm nhận được điều tôi
nói. Hãy cho tôi một người đang khao khát, hãy cho tôi một người đang đói, hãy
cho tôi một người đang dẫn bước trong cuộc lữ hành cô đơn và đang mong mỏi khao
khát tới nguồn suối quê hương vĩnh cửu. Hãy cho tôi một người như thế, người ấy
sẽ hiểu được tôi muốn nói gì. Còn nếu tôi nói với một kẻ lạnh lùng, người ấy sẽ
không hiểu được điều tôi nói, họ chỉ chép miệng: “Nói gì vậy ?”
“Giơ cành lá xanh cho con chiên, bạn sẽ lôi kéo được nó. Chìa hạt dẻ cho
đứa trẻ con, nó sẽ bị lôi kéo. Bị lôi kéo đi đâu nó chạy tới đó. Nó bị lôi kéo
vì nó yêu thích, nó bị lôi kéo mà thân xác không hề hấn gì ; nó bị lôi kéo vì
lòng nó yêu mến, vương vấn. Vậy nếu những ai vui sướng, thích thú trần gian như
vừa kể trên, còn có sức lôi kéo khi được bày tỏ ra trước mắt những người yêu
thích nó, đúng như câu nói: “Ai mà chẳng bị điều mình yêu thích lôi kéo”, thì
không lẽ Đức Ki-tô là Đấng đã được Chúa Cha mạc khải lại không có sức lôi kéo
sao ? Thử hỏi khát vọng mãnh liệt nhất
của linh hồn lại không phải là chân lý hay sao ? Nếu vậy,linh hồn phải có một
thứ miệng biết thèm ăn, một thứ cổ họng lành
mạnh để nhận ra cái gì là thật, vì điều linh hồn muốn ăn, muốn uống, đó
là Đức Khôn Ngoan, là sự sống vĩnh cửu”.
▪ Trong một thị kiến Chúa
tỏ cho ông Gioan: “Này đây Ta đứng trước
cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa
với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (Kh 3,20). Ai sẵn sàng mở
cửa lòng đón Ngài phải là người có tâm hồn khao khát chân lý, như ngôn sứ Isaia
thốt lên: “Hồn chúng con khát vọng Thánh
Danh và ước mong tưởng nhớ đến Ngài. Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa,
trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải.Khi Chúa thực thi quyết định của mình
khắp năm châu, người bốn bể học biết đường công chính. Lạy Đức Chúa, Ngài cho
chúng con được an cư lạc nghiệp, vì hết mọi việc chúng con làm đều do Ngài thực
hiện cho chúng con.” (Is 26,8b-9.12).
▪ Vì thế triết gia Kierkegaard
nói: “Mọi vấn đề ăn thua với cuộc sống hệ
tại lòng yêu mến, tìm hiểu về vấn đề gì mà không yêu mến, thì không biết gì cả!”
▪ Thánh Tôma Tiến sĩ nói:
“Biết mà học không bằng hiểu mà học, hiểu
mà học không bằng yêu mến mà học”.
▪ Thánh Augustin nói: “Ở đâu có tình yêu, ở đấy hết khó nhọc, giả
như có khó nhọc lại yêu chính sự khó nhọc đó”.
▪ Thánh Gioan Maria
Vianey nói: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai
biết yêu mến”.
▪ Thánh Phaolô nhấn mạnh:
“Mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Đức Mến tồn tại
muôn đời” (1Cr 13,13).
Cuộc đời phục vụ của
Đức Giêsu luôn luôn bị thúc đẩy bởi lòng mến, lòng mến ấy đã bộc lộ qua hai lần
Ngài nói: “Tôi khát” :
1. Bắt đầu cuộc đời lên
đường đi rao giảng Lời khắp nơi, Ngài ngồi bên bờ giếng Giacóp nói với người phụ
nữ miền Samari: “Tôi khát, chị có nước
cho tôi uống ?” Rồi Ngài giải thích cho chị: “Ai uống nước giếng này còn phải khát, nước của tôi ban ai uống không
bao giờ còn phải khát” (x Ga 4).
2. Cuối đời phục vụ, khi
bị treo trên thập giá, Ngài lại thốt lên: “Tôi
khát” (Ga 19,28).
Như thế suốt đời phục
vụ của Đức Giêsu lúc nào Ngài cũng “khát”. Ngài khát khao vì :
C Ngài khao khát có người
sống tinh thần nghèo khó là người chỉ khao khát Chúa, khao khát chân lý, thì
Ngài sẽ cho họ được hưởng Nước Trời.
C Ngài khát khao những
người sống hiền lành, để Ngài sẽ cho họ đất làm phần cơ nghiệp.
C Ngài khao khát những
kẻ ưu phiền đến với Ngài, vì Ngài đang đợi chờ an ủi họ.
C Ngài khát khao người
đói khát sự công chính,vì chỉ có những ai tin và kết hợp với Ngài thì được no
đầy sự công chính.
C Ngài khao khát kẻ biết
thương xót người, vì họ sẽ được Ngài xót thương.
C Ngài khao khát những
kẻ tinh sạch trong lòng, vì chỉ có Ngài cho họ được nhìn thấy Thiên Chúa.
C Ngài khát khao những
kẻ tác tạo hòa bình, vì Ngài cho họ trở nên con Thiên Chúa.
C Ngài khao khát những
kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, bị người ta vu oan cáo vạ đủ điều, rồi bị dẫn
đến cái chết. Nhưng chỉ có Ngài ban cho họ được Nước Trời làm sản nghiệp.
(x Mt 5,1-12)
Đó là tám mối Phúc,
chỉ có Đức Giêsu mới làm thỏa lòng khao khát đối với những ai yêu mến đến với
Ngài, để “Đức Khôn Ngoan đã được chứng minh bằng hành động” (x Mt 11,19b:
Tin Mừng). Ai yêu mến đến với Đức Giêsu, thì phải học hỏi Lời của Ngài, đó là “khởi điểm đích thực của Đức Khôn Ngoan”
(Kn 6,17).
Vậy ai muốn được hiệp
thông trong Thiên Chúa Tình Yêu (x 1Ga 4,8), thì hãy cầu xin với Ngài, đặc biệt
khi hiệp dâng Thánh Lễ. Bởi vì chính lúc Đức Giêsu bị treo trên thập giá, là
lúc Ngài đang dâng Lễ, Ngài đã thốt lên: “Ta khát”, thì ai đến với Ngài bằng
lòng mến, sẽ làm cho Ngài đã khát ! Và cũng bởi nhờ Ngài, với Ngài và trong
Ngài, mà Ngài lại cho chúng ta biết đói khát Chân Lý, như Chúa đã dùng miệng
ngôn sứ Amos nói: “Ta sẽ gieo đói khát
trên xứ này, không phải vì đói bánh ăn, cũng không phải vì khát nước uống, mà
là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11).
Ai khát Chúa, “hãy ra nghênh đón Người, chính Người là
Hoàng Tử bình an” (Tung Hô Tin Mừng). Ta lại biết, Đức Giêsu đã nói với chị
Matta, một người đang bận rộn phục vụ bữa ăn để đãi khách đến nhà, mà lại coi
thường hay không quan tâm đến lời khách là chính Thầy Giêsu đang hiện diện dạy
Lời cho cô Maria: “Này Matta, Matta, chị
băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá, chỉ có một việc cần thiết mà thôi, Maria em
chị đã chọn phần tốt nhất, và không bị ai giựt mất !” (x Lc 10,38-42). Nhất
là đối với Thiên Chúa: “Ngài muốn tình
yêu chứ không muốn lễ vật, Ngài ưa việc nhận biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn
thiêu” (x Hs 6,6). Bởi vì kẻ nào “không
đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ phó mặc cho trí não nó
ngông cuồng của nó làm điều bất xứng” (Rm 1,28). Còn “ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8,12: Đáp ca). Thế
nhưng tiếc rằng bản tính con người luôn hướng về điều tầm thường có khi lại là
điều xấu, hơn là hướng về điều cao quý, điều tốt lành.
Lần kia, tôi thử
tinh thần sống đạo của các em Thiếu nhi, tôi nói với các em :
- Tuần tới là Kỷ niệm
thụ phong Linh mục của cha, cha sẽ tặng mỗi em một hộp bánh.
- Hoan hô. Hoan hô!
- Thứ bảy này ai muốn
đi tắm biển ở Vũng Tầu với cha thì phải đăng ký trước.
Các em nhao nhao giơ
tay.
- Con cha, con cha.
- Nhưng tối về chúng
con vào Nhà Thờ dự Lễ luôn.
Cả cộng đoàn xù mặt
xuống, và buông tiếng thở dài: Trời ơi!
Trong lịch sử các dân
tộc giành độc lập, không ai thành công bằng ông Gandhi, thủ tướng Ấn Độ, tuy
ông không phải là người Công Giáo, nhưng ông rất say mê đọc Thánh Kinh. Kinh
Thánh là Sách gối đầu giường của ông,
ông thường đọc và suy gẫm trước khi ngủ cũng như khi thức dậy. Nhờ lòng yêu mến
Lời Chúa, mà Chúa đã cho ông Đức Khôn Ngoan đẩy quân đội Anh về nước, và Anh
Quốc phải trả độc lập cho dân Ấn, lại còn giúp Ấn Độ kiến thiết đất nước như
một đồng minh. Sự thành công này đã trở nên mẫu mực cho tất cả những ai muốn
thành công trong sự nghiệp. Vì thế ông nói: “Đời chỉ thành công bao lâu dám
thí nghiệm sống chân lý”. Thế mà có lần tôi cử hành lễ Hôn Phối, trong
bài giảng tôi nhấn mạnh: gia đình muốn hạnh phúc, tình yêu mỗi ngày được gia
tăng hơn rượu nồng, thì đừng quên lời Đức Maria dặn trong tiệc cưới tại Cana: “Chúa Giê-su
bảo gì, cứ làm theo!” (Ga 2,5). Do đó cuối Lễ tôi có tặng anh chị một cuốn Kinh
Thánh, kẹp trong đó tờ 500.000$. Mười năm sau, có dịp ghé qua thăm gia đình này,
tôi hỏi :
- Cuốn Kinh Thánh cha tặng có còn hay mất rồi?
- Dạ, thưa cha, con cất
trong tủ đây nè.
Tôi mở ra thấy còn
nguyên tờ 500.000$ ở đúng trang tôi kẹp! Té ra vợ chồng chưa bao giờ mở cuốn
Kinh Thánh ! Thua xa ông Gandhi không phải là người Công Giáo, nhưng nhờ ông mê
đọc Thánh Kinh, ông cũng đáng được Chúa xếp vào loại người “lấy việc làm của mình minh chứng Đức Khôn
Ngoan” (Mt 11,19b: Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
- Khởi điểm đích thực nhất của Đức Khôn Ngoan là thực lòng
ham muốn học hỏi (Kn 6,17).
- Ai
không đếm xỉa đến việc nhận biết Thiên Chúa, Thiên Chúa để cho trí não ngông
cuồng của nó làm điều bất xứng (Rm 1,28).
ã ã ã
TRỌNG
TÂM GIÁO HUẤN HÔM NAY
Vì duy chỉ có Thiên
Chúa là Tình Yêu, ai có Tình Yêu Thiên Chúa ở cùng người ấy mới mau mắn đến
hiệp dâng Thánh Lễ để trở nên một với Ngài nhờ rước Lễ, và khi dự Lễ, nếu để
cho Lời Chúa lưu lại trong lòng, thì xin bất cứ điều gì mới được Chúa nhận lời,
như Đức Giêsu nói: “Nếu các ngươi lưu lại
trong Ta và Lời Ta lưu lại trong các ngươi, thì muốn gì các ngươi hãy xin và
các ngươi sẽ thấy thành sự” (Ga 15,7). Nhất là được ơn Khôn Ngoan, làm mọi
việc của người trí thức khôn ngoan, để thoát ra sự khờ dại như con nít, vì việc
của con nít chỉ là đùa giỡn với nhau (x Tin Mừng). Và được Chúa dạy những điều
bổ ích, hướng dẫn trên đường đi, để bình an đến chan chứa như dòng sông, sự
công chính dạt dào như sóng biển, dòng dõi đông như cát, như sao trời, tên tuổi
chẳng bao giờ bị hủy diệt! (x Bài đọc).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH