BÀI GIẢNG
LÀM
TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC GIÊSU
LÀ ƠN GỌI CAO QUÝ
Làm Tông Đồ của Đức Ki-tô Giê-su để
loan báo Tin Mừng là ơn gọi bẩm sinh khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy, như Đức
Giê-su đã nói với các môn đệ: “Anh em hãy
đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha,và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt
28, 19-20). Người Công Giáo mà không làm cho người khác nhận biết vinh quang
Thiên Chúa, thì thua các tạo vật, bởi vì “trời
xanh còn biết tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay
Người làm” (Tv 19/18,2: Đáp ca). Vì thế mà giáo huấn của Thánh Công Đồng
Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 dạy: “Giáo
dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới,
cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”.
Muốn trở nên người Tông Đồ đắc lực
để tập họp đồng loại về cho Chúa :
-
Ta
phải ý thức làm cho Đức Tin thêm phong phú và vững mạnh.
-
Ta
phải yêu thích lao động để góp phần phát triển con người trong xã hội.
-
Ta
phải quý trọng lao động loan báo Tin Mừng để làm phát triển Hội Thánh.
I. TA PHẢI Ý THỨC
LÀM CHO ĐỨC TIN THÊM PHONG PHÚ VÀ VỮNG MẠNH.
Muốn làm cho Đức Tin thêm phong
phú và vững mạnh, ta phải sống hai điểm sau :
1/ Có tâm đói khát nghe Lời Chúa, như lời thánh Phao-lô nói: “Tin là do bởi đã được nghe giảng” (Rm
10,17a: Bài đọc). Bởi thế ta cần phải cầu xin với Thiên Chúa về ơn này, như
Chúa dùng miệng ngôn sứ Amos nói: “Ta sẽ
gieo đói khát trong xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước
uống, mà là đói khát được nghe Lời Chúa” (Am 8,11).
2/ Mọi sinh hoạt
của ta phải nhằm chủ đích loan báo Tin Mừng.Thánh Phao-lô dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh
em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10,31). Cụ thể như Đức
Giê-su nói với một số người đang tung lưới bắt cá: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người
như lưới cá." (Mt 4, 19: Tung Hô Tin Mừng). Rõ ràng ơn gọi làm Tông Đồ
ngay trong nghề nghiệp của mình, nếu thế thì nếu Đức Giê-su gặp người đang xây
nhà, Ngài sẽ nói: “Tôi làm cho anh đi xây
dựng Hội Thánh” ; gặp người phu quét đường, Ngài nói: “Tôi làm cho bạn trở thành người thanh tẩy tâm hồn người khác” …
Có chủ đích loan báo Tin Mừng thì
mới làm cho Đức Tin của ta nên hoàn hảo. Đó là lý do mà tác giả Mattheu ghi
nhận: Đức Giê-su sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng, trong số đó có kẻ còn hồ nghi (x Mt 28,17). Để chứng minh
việc loan báo Tin Mừng bồi dưỡng Đức Tin của chính mình, thánh Phao-lô đã cám
ơn giáo đoàn Thessalonica: “Vì Đức Tin
của anh em (nhờ tôi rao giảng) làm tôi được an ủi giữa mọi cơn quẫn bách và
gian truân tôi phải chịu. Phải, chúng tôi sống nhờ anh em đứng vững trong Chúa”
(1Tx 3,7-8).
II. TA PHẢI YÊU
THÍCH LAO ĐỘNG ĐỂ GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI TRONG XÃ HỘI.
Để diễn tả con người có nhân bản,
mỗi người phải chu toàn bổn phận trong đời sống xã hội. Chúa Giê-su yêu
thích những bàn tay lao động, vì đó được
xem như một tiêu điểm Chúa tuyển chọn nên
môn đệ của Ngài. Thực vậy, trong số 12 môn đệ của Đức Giê-su, các tác
giả Tin Mừng chỉ ghi đậm nét những người đang làm việc, Đức Giê-su gọi họ bỏ
việc đi làm Tông Đồ cho Ngài. Đan cử :
-
Đức
Giê-su gọi ông An-rê, ông Phê-rô đang lúc các ông bắt cá, và các ông Gia-cô-bê
và Gio-an đang lúc vá lưới cho cha trong thuyền (x Mt 4,18-21: Tin Mừng).
-
Đức
Giê-su gọi ông Na-ta-na-en đang lúc ông say sưa đọc Sách Luật dưới gốc cây vả
(x Ga 1,35-42).
-
Đức
Giê-su gọi ông Mat-thêu (Lê-vi) đang lúc ông ngồi ở bàn thu thuế (x Lc 5,27t),
-
Đức
Giê-su gọi ông Phao-lô đang lúc ông xông tới Đama triệt hạ những người bỏ Luật
Mô-sê, ông tưởng làm thế là tôn vinh Thiên Chúa (x Cv 9; Ga 16,2b).
Bởi vì người Tông Đồ làm chứng cho
Đức Giê-su phải được đồng hóa với Ngài trong lãnh vực lao động, như Ngài đã làm
việc cả ngày thứ bảy, dù Luật không cho phép, nhưng Ngài giải thích: “Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng thế” (Ga
5,17). Vì nếu chỉ một giây Thiên Chúa không làm việc, thì chắc chắn các tinh tú
xô vào nhau, vũ trụ sẽ ra tan tành!
Chính vì thế, mà giáo huấn của
Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 35 dạy: “Hoạt động của con người phát xuất từ con
người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không
những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm
việc, con người học biết được nhiều điều,
phát triển tài năng, cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình (*). Nếu được
hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này còn đáng gía hơn mọi của cải thu tích
được. Giá trị của con người hệ tại ở “CÁI MÌNH LÀ” hơn là ở “CÁI MÌNH CÓ”.
Vậy làm việc không nhất thiết phải
đạt thành công, nhưng đã trở nên nghĩa người hơn. Chính Đức Giê-su suốt đời làm
việc không ngơi nghỉ giống Cha trên trời (x Ga 5, 17), thế mà cuối đời xem ra
thất bại, bị mọi người khai trừ! Nhưng chính lúc ấy, Tổng trấn ngồi xử án, lại
chỉ riêng vào Đức Giê-su đang đứng trước một rừng người, và ông lớn tiếng tuyên
bố: “Này là Người” (x Ga 19, 5).
Kinh thánh kết án kẻ lười: “Kẻ lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là
tay phủi liền” ( Hc 22,2).
(*) Khi làm việc con người được THOÁT RA: tức là thoát ra khỏi kiếp loài
vật, vì con vật ăn sẵn những gì Thiên Chúa hoặc con người tạo nên cho nó: như
con sâu ăn lá cây, con gà ăn giun, con heo ăn cám… Trái lại, con người dùng
thực phẩm do tay mình làm ra.
Khi làm việc con người VƯỢT KHỎI CHÍNH MÌNH, tức là nhờ làm việc, con
người có thêm của cải để chia sẻ. Chính nhờ biết chia đi, mà con người được
biểu lộ giống Chúa, vì Thiên Chúa làm mọi sự chỉ để ban tặng cho loài người.
III. TA PHẢI
QUÝ TRỌNG LAO ĐỘNG LOAN BÁO TIN MỪNG ĐỂ LÀM PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH.
Muốn
làm tròn sứ mệnh này, ta cần phải :
1/ Được tự do. Việc loan báo Tin Mừng là thi hành sứ mệnh từ Trời trao
ban, nên với tình yêu mến, ta không cần phải xin phép ai. Nói cách khác,việc
làm phát triển Tin Mừng không phải do Luật dạy hay Luật cho phép. Đan cử:
-
Đức
Giê-su đã tự ý ở lại Đền Thờ giảng dạy Thánh Kinh mà không xin phép cha mẹ Ngài,
dù làm phiền lòng các ngài (x Lc 2,41t).
-
Các
Tông Đồ không tuân lệnh các thượng tế đã ra lệnh cấm không được giảng về Chúa
Giê-su Phục Sinh, nhưng ông Phê-rô nói: “Phải
vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta” (x Cv 5,27-29).
-
Cả
đến người cùi, người điếc sau khi được Đức Giê-su chữa lành, Ngài cấm họ không
được nói về Ngài, nhưng họ không tuân lệnh (x Mc 1,40t ; 7,36t).
Chính vì vậy mà thánh Phao-lô nói:
“Tôi có sự thật về Đức Ki-tô không ai bịt
miệng tôi được!” (2 Cr 11,10).
2/ Việc loan báo Tin Mừng quan trọng hơn mọi sinh hoạt
khác. Chính vì vậy mà :
-
Đức
Giê-su kêu gọi các ông An-rê, Phê-rô,Gia-cô-bê, Gio-an, đang lúc họ bắt cá, vá
lưới, là công việc phục vụ thiết thực cho nhu cầu của mọi người, nhất là nuôi
sống gia đình, lại phải bỏ mà đi làm Tông Đồ cho Ngài (x Mt 4,18-22: Tin Mừng).
-
Đến
nỗi một người xin phép Đức Giê-su về nhà an táng người cha mới qua đời rồi mới
theo Ngài, mà Ngài cũng không cho. Ngài nói: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết, phần anh, anh hãy đi rao giảng Nước Thiên
Chúa” (Lc 9, 59-60).
3/ Không loan báo Tin Mừng là nhúng tay vào việc đổ máu
đồng loại. Thánh
Phao-lô nói với các tín hữu những lời tâm huyết vào cuối đời của ngài: “Tôi cam đoan rằng: tôi hoàn toàn trong sạch
về máu mọi người. Vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi, để không loan báo cho
anh em tất cả ý định của Thiên Chúa” (Cv 20,26-27-Bản dịch NTT). Thánh
Phao-lô nói như thế không phải là ông
quên trước khi được Chúa kêu gọi, ông đã ôm áo động viên người ta ném đá Phó tế
Stephano, và còn xông vào các tư gia bắt được bất cứ ai theo đạo Công Giáo, ông
đều xiềng xích lôi về Giê-ru-sa-lem nộp cho các thượng tế! (x Cv 7,54t - 8,
1-3). Thực ra lúc ấy, vì lầm mà ông Phao-lô tham gia vào việc giết, nhưng những
người bị ông sát hại, không ngờ ông lại tạo điều kiện cho họ được làm thánh.
Trái lại, nếu ông thiếu sót việc rao giảng Tin Mừng, thì ông đã chủ ý giết cả
hồn lẫn xác đồng loại mà quăng xuống hỏa ngục!
Chính vì việc rao giảng Tin Mừng
khẩn thiết như vậy, mà ông nói: “Thưa anh
em, nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên
Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.Quả thế, có
tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được
ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng.
Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ
không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?Làm sao
mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những
sứ giả loan báo tin mừng!Ấy vậy, có đức tin là nhờ nghe giảng, mà
nghe giảng là nghe công bố lời Đức Ki-tô” (Rm 10,9-11.13-15.17: Bài đọc).
THUỘC LÒNG
Có Đức
Tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Ki-tô (Rm10,17b)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH