BÀI GIẢNG
PHỤC VỤ ĐỂ PHỤC SINH VINH HIỂN
Khát vọng được sống hạnh phúc muôn
đời là khát vọng thuộc bản năng của mọi người. Nhưng chỉ có Chúa Giêsu Phục
Sinh mới có quyền làm cho xác hồn mọi người được sống lại. Trong Do Thái giáo
vốn đã có niềm tin Phục Sinh, nhưng không thể minh chứng xác thực và cụ thể, do
đó nó đã trở thành một đề tài tranh luận sôi nổi giữa hai nhóm Biệt phái và
Sađốc. Chỉ một mình Đức Giêsu mới là trọng tài xác quyết có sự sống lại, dựa
vào mạc khải và đồng thời Đức Giêsu cũng cho biết khái niệm chính xác về sự
sống lại. Tuy nhiên, trong thế giới Phục Sinh, vinh hiển hay tủi nhục cũng còn
tùy thuộc vào cách sống thiện hay ác của mỗi người
1. TẠI SAO NIỀM TIN
PHỤC SINH KHÔNG ĐỒNG NHẤT TRONG DO THÁI GIÁO ?
Nhóm Sađốc chỉ tin Ngũ Thư của ông
Mô-sê: Sáng thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số, Đệ nhị Luật, mà trong Ngũ Thư không
mạc khải rõ về sự sống lại !
Trong khi nhóm Biệt phái yêu thích
Lề Luật, nên họ đã nhận toàn bộ Cựu Ước gồm 46 cuốn làm kinh điển chính thức
cho niềm tin. Niềm tin vào thế giới Phục Sinh chỉ được mạc khải rõ nét trong
sách Ngôn sứ (x Os.6,1t ; Ez.37, 1-14 ; Is.51,17 và Is 60,1). Và rõ nhất sách
Macabê ghi: “Khi sắp tắt thở, người con
thứ tư nói như sau: "Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào Lời Thiên
Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại." (2Mcb 7,14a).
Có lẽ mạc khải nói rõ về sự Phục
Sinh trễ như thế vì lý do trước đây dân Do Thái khi họ đã xây thánh điện
Giêrusalem, tưởng đó là đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng khi vua Nabukodonosor cho
quân đến phá Đền Thờ, dân bị lưu đày sang Babylon,
làm cho dân Do Thái phải hoảng sợ, họ bắt đầu suy nghĩ hạnh phúc viên mãn không
thể đóng khung ở đời này được, mà phải ở một thế giới khác. Vì bè Sađốc chỉ
chấp nhận Ngũ Thư của ông Môsê, nên khi Đức Giêsu trả lời cho họ về sự Phục
Sinh, Ngài đã trích một đoạn trong sách Xuất hành (nằm trong bộ Ngũ Thư), đoạn
nói về tiếng Chúa phán dạy cùng ông Môsê khi ông thấy Bụi Gai bốc cháy: “Ta
là Chúa của Ab-ra-ham, Chúa của Y-sa-ac, Chúa của Gia-cóp” (Xh.3, 2-6).
Và Đức Giêsu đã giải thích: ngay
đoạn sách này, Thiên Chúa đã mạc khải sự sống lại, vì các tổ phụ Abraham,
Giacóp đã chết trước khi Chúa gọi ông Môsê. Thế mà Chúa vẫn là Chúa các tổ phụ
của ông Môsê, thì Ngài là Chúa của kẻ sống, chứ không phải là Chúa của kẻ chết
! Như thế là Đức Giêsu xác định: Người ta còn có sự sống nữa sau cuộc sống trần
gian.
2.
SỐNG LẠI LÀ HỢP LÝ VÀ KI-TÔ GIÁO ĐÃ MINH CHỨNG ĐƯỢC
ĐIỀU NÀY .
a- Sống lại là hợp lý: Con người đúng nghĩa không chỉ có
xác hay chỉ có hồn, mà có cả xác hồn. Do đó điều lành hay điều dữ con người làm
là cả xác hồn đều làm, không lẽ kết qủa chỉ có hồn được thưởng hay bị phạt ? Vì
thế xác phải sống lại kết hợp với hồn để cùng chung một số phận mới là hợp lý !
Mặt khác, phải có thế giới Phục
Sinh, một thế giới hoàn toàn không còn sự ác chế ngự con người, quyền lực sự ác
phải bị tiêu diệt, để những ai sống chiến đấu vì công lý thì được sống trong
thế giới chỉ có công lý. Bởi thế, thánh Phaolô nói: “Nếu ta đặt mối hy vọng
vào Đức Kitô vỏn vẹn cho lúc sinh thời này thôi, thì qủa ta là kẻ khốn nạn nhất
trong cả thiên hạ !” (I Cr.15,19).
Vì nếu người chết không sống lại, thì ta cứ sống ác để đè bẹp bất cứ ai, chứ
dại gì mà phải chịu đựng, phải tha thứ cho kẻ hại mình, kết quả mình chịu thiệt
là kẻ khốn nạn nhất trên đời.
b- Chỉ có Chúa Giêsu mới cho loài người được
Phục Sinh, như Lời Ngài đã nói: “Phục sinh và sự sống chính là Ta, ai tin vào Ta, thì dầu có chết cũng sẽ
sống” (Ga 11,25). Chân lý này đã được minh chứng bằng việc Chúa
Giêsu cho nhiều người chết sống lại. Đan cử : Ngài đã làm cho con gái ông
Giai-rô , con trai bà goá thành Naim, cậu Ladarô, được sống lại (x Mc.5,21t ;
Lc.7, 11t ; Ga 11). Dĩ nhiên đấy mới chỉ là dấu chỉ sự Phục Sinh vào thời cánh
chung và minh chứng chỉ có Chúa Giêsu Phục Sinh mới làm cho người ta được sống
muôn đời. Vì “Ngài là Trưởng Tử trong số
những người từ cõi chết chỗi dậy” (Kh 1,5), “Ngài đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc
trường sinh” (2Tx 1,10: Tung Hô Tin Mừng).
Chính Chúa Giêsu Phục Sinh mà các
Tông Đồ đã được phúc sờ nắn, và cùng ăn uống với Ngài, mới thực là chứng minh
giá trị sự sống thời cánh chung, vì thân xác Ngài đã được Thần hóa, nên cùng
một lúc Ngài có mặt ở khắp nơi để phục vụ những khát vọng của những người đã
từng theo Ngài (x Lc.24 ; Ga.20, 21).
3.
KIẾP SỐNG THỜI CÁNH CHUNG THẾ NÀO ?
Thánh Phaolô
được Chúa cho lên đến “tầng trời thứ ba” tham quan, khi trở lại trần gian, ông
nói: “Tôi được nghe những Lời khôn tả,
người phàm không được phép nói lại” (x 2 Cr.12, 2.4).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu, Đấng từ “tầng trời thứ chín” đến nói với chúng ta Lời khôn tả: Người
sống trên Thiên Đàng khác với người sống dưới trần gian :
+ Họ không cưới vợ lấy chồng.
+ Họ giống như các thiên thần. (Lc.20,
34-35).
a- Sống thời cánh chung không cưới vợ lấy chồng:
Sống ở đời này không ai thoát khỏi
nỗi khổ vì tình cảm nam nữ: hoặc là khổ vì chính mình bị tình dục nổi loạn, hay
là khổ vì bị người ta hiểu lầm, dị nghị
đàm tiếu về mình lén lút tình cảm xác thịt với ai đó! … Đến như thánh Phaolô
cũng phải lên tiếng thanh minh cho mình: “Tôi không có quyền đem theo mình
một tín nữ sao?” (I Cr.9,5). Thậm chí còn có những tiểu thuyết gán ghép cho
cả Chúa Giêsu có người tình !
Bởi thế, nếu trong thế giới Phục
Sinh mà người ta còn giăng mắc chuyện đòi vợ tranh chồng, thì thà không có thế
giới ấy còn tốt hơn ! Đó là luận cứ của
bè Sađốc khi họ đặt câu hỏi với Chúa Giêsu về chuyện một bà đã có bảy đời
chồng, thì trong thế giới Phục Sinh, bà
ấy là vợ của ai? (x Lc 20, 29-33: Tin Mừng).
Truyện kể:
Có vợ chồng kia mới
cưới được một năm, đã vào cha Sở xin gỡ Hôn phối. Cha Sở ngạc nhiên hỏi :
- Ủa, chúng con mới cưới một năm, sao đã bỏ nhau?
Học giáo lý quên mục đích Hôn nhân sao ?
Cô vợ bình tĩnh :
- Thưa cha, con nhớ
ngày đó cha dạy con: người chồng là Đức Kitô. Con cứ nghĩ chồng con đúng như
vậy, ai dè từ ngày con lấy nó, con chẳng thấy nó giống Đức Kitô, chỉ thấy nó
như thằng quỷ! Con lấy Đức Kitô chứ con đâu có lấy quỷ ?!
Anh chồng cũng không
vừa :
- Thưa cha, con thấy
vợ người ta mà thèm.
Cha Sở ngạc nhiên :
- Con thèm vợ người
ta ư? Như thế là con đã lỗi điều răn thứ chín, con đã ngoại tình trong tư
tưởng, thảo nào vợ chồng con bất hòa.
- Thưa cha, con thèm
vì thấy vợ người ta ốm ngày hôm trước, hôm sau nó chết liền ; còn con vợ của
con, nó đau mãi mà chẳng chết ! Con nuôi con gì nó cũng chết, trừ nuôi con vợ
nó không chết!
Vì vậy, thánh Phaolô lên tiếng
khuyên: “Bạn đã kết hôn với một người đàn
bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo
kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái
lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy
những nỗi gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó.
Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy
từ nay những người có vợ hãy sống như không có” (1Cr 7, 25-29). Vì Đức
Giêsu đã dạy: “Con cái đời này cưới vợ
lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi
chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa,
vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái
sự sống lại” (Lc 20, 34-36: Tin Mừng).
b- Sống trong thế giới Phục Sinh thì phải giống
như thiên thần (x Lc 20,36b:Tin
Mừng), mà Chúa
dựng nên thiên thần chỉ nhằm mục đích “sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ
sẽ thừa hưởng ơn cứu độ” (Dt.1,14). Vì phục vụ là nét sáng chói diễn tả vinh quang Phục Sinh, nên khi Chúa Giê-su từ
cõi chết sống lại, Ngài đã mặc lấy hình ảnh người làm vườn để tỏ mình ra cho bà Maria Madala (x Ga 20,15). Và
mỗi lần Chúa Giêsu Phục Sinh đến với các Tông Đồ thì Ngài cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ (x Lc.24), chỉ dẫn họ cách đánh cá, rồi nướng
bánh và cá phục vụ họ (x Ga.21), thông
chia cho họ quyền bính và trao việc cho họ để cộng tác với Ngài đi cứu đời ! (x Ga 20, 19t ; Mt.28, 18t).
Sở dĩ việc phục vụ của thánh
Phao-lô không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x 2 Cr 11,5), là vì ngoài trí thông
minh và văn hóa của ông trổi vượt hơn các tông đồ Chúa trọn trước Phục Sinh,
nhất là ông hơn các tông đồ khác vì sống độc thân. nên ông có nhiều điều kiện phục vụ thuận lợi hơn, không bị
phân tâm về chuyện gia đình như ông Phêrô đã có vợ.
Vậy mỗi người hãy cầu nguyện và tự
chọn nếp sống nào hy vọng sẽ sống đẹp lòng Chúa nhất :
-
Hoặc
là chọn bậc tu trì để chuyên lo cầu nguyện và giảng Lời cho mọi người (x
Cv.6,1-7).
-
Hoặc
là sống bậc gia đình để chuyên lo diễn tả tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh
(x Ep.5,11t).
-
Hoặc
là sống độc thân vì Nước Trời để được tự do làm việc của Thiên Chúa, phục vụ
nhu cầu của đồng loại, diễn tả nếp sống Nước Trời thời cánh chung (x Lc.20,
35-36).
Để có nghị lực lướt thắng được
những nghịch cảnh khi thi thành sứ mệnh theo ơn gọi riêng của mỗi người đã
chọn, chỉ có cách là ta tin Chúa sẽ cho sống lại, lúc đó Ngài thưởng cho mỗi
người bội hậu. Thực vậy, Chúa cho ông Gioan nhìn thấy viễn tượng ai thuộc về
Ngài sẽ chiến thắng trong thế giới Phục Sinh: “Hai nhân chứng của Ta đến tuyên sấm, đó là
hai cây ô-liu và hai cây đèn đứng trước nhan Chúa Tể cõi đất.Nếu ai
muốn làm hại các ngài, thì lửa sẽ từ miệng các ngài phát ra và thiêu huỷ thù
địch của các ngài. Các ngài có quyền đóng cửa trời lại, khiến mưa không rơi
xuống trong những ngày các ngài làm ngôn sứ.. Khi các ngài đã hoàn thành nhiệm
vụ làm chứng, thì Con Thú từ vực thẳm sẽ lên tấn công các ngài, nó sẽ thắng và
giết các ngài., ở chính nơi Chúa của các ngài đã chịu đóng đinh vào thập
giá.Sau ba ngày rưỡi, sinh khí từ Thiên Chúa đến nhập vào các ngài, và các ngài
đứng dậy được. Những kẻ đang nhìn các ngài đều kinh hãi.12Và các
ngài lên trời trong đám mây, trước mắt thù địch của các ngài”. (Kh.11,4-12:
Bài đọc năm chẵn).Đó là chiến thắng
của hai thánh Phêrô và Phaolô sau khi đã hoàn tất ơn gọi của mình. Bởi các ngài vẫn tin “Chúa là núi đá cho ta nương ẩn” (Tv
144/143,1a: ĐC năm chẵn). Vì thế vào ngày cánh chung tất cả dòng giống Ađam Evà
gồm người lành và kẻ dữ đều được Chúa cho sống lại :
§ Xác hồn người lành sống lại, để muôn đời được
vinh hiển như Chúa (x 1Ga.2,6).
§ Xác hồn kẻ dữ sống lại, để chuốc lấy khổ nhục
đời đời (x Mt 25, 41-46).
Vậy muốn sống lành, tránh dữ để
được Phục Sinh vinh hiển, ta phải hiểu và sống điều Đức Giêsu giải thích về sự
Phục Sinh trong sách Xuất hành mà Tin Mừng hôm nay có nhắc đến (x Lc.20,
37-38). Sự Phục Sinh được mạc khải trong đoạn nói về bụi gai :“Lửa bốc cháy
giữa bụi gai mà gai không bị thiêu rụi”
(Xh.3, 2). Lửa ấy là dấu chỉ về Thiên Chúa tình yêu (x Dt.12,29), đặc
biệt lúc Đức Giê-su bị treo trên thập gía, “lửa yêu” ấy không thiêu rụi mạo gai
đội đầu Ngài . đó là dấu tình yêu
của Đức Giê-su bốc lên như lửa, nên Ngài xin với Chúa Cha tha tội cho kẻ hại
mình (x Lc.23,34). Bởi thế, ai biết sám hối tội mình, xin Chúa thương xót như
anh trộm lành, đều được Chúa đưa vào Thiên Đàng ngay (x Lc 23,43). Nên ngay
trong Thánh Lễ này “bụi gai vẫn bốc cháy”:
Đó là lửa tình yêu Chúa Giêsu thiêu rụi tội lỗi ta và ban sự sống Phục Sinh cho
ta. Bởi đó ,ta cũng phải tha thứ cho kẻ làm hại ta và làm lành cho họ như lời
thánh Phaolô dạy: “Nếu kẻ thù đói, hãy
cho nó ăn, nó khát hãy cho nó uống, làm thế như ngươi đã chất than hồng trên
đầu nó, chớ để dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ!” (Rm
12,20-21). Ai sống được thế mới được đồng danh với Chúa Giêsu là “Con Đấng Tối
Cao” (x Lc 1,32 ; Lc 6,35). Đúng như lòng tin vào Lời Kinh Thánh : “Con hoan hỷ được Ngài cứu thoát” (Tv
9/9A,15c: ĐC năm lẻ). Nhưng chúng ta đừng quên rằng “Thiên Chúa chúng ta cũng là lửa
thiêu” (Dt 12,29) ; “Ngài là Đấng
không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1Pr 1,17a).
Kẻ nào sống ác, dùng quyền vơ vét, chiếm đoạt tài sản của người khác, như “vua An-ti-ô-khô, (ông đã chiếm đoạt vàng bạc
nơi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem), rồi ông rảo khắp các miền thượng du. Vua nghe tin ở
Ba Tư có thành Ê-ly-mai, một thành nổi tiếng vì nhiều của cải vàng bạc, vua đã
tới đó tìm cách chiếm và cướp phá thành, nhưng thất bại, ông phải chạy về
Babylon lòng buồn não ruột. Bấy giờ vua đang ở Ba-Tư, có người đến báo cho vua biết là các đoàn quân
của vua sang đất Giu-đa đã bị đánh bại. Nghe tin ấy, vua lâm bệnh liệt giường
phiền não, vua cho vời bạn hữu đến và nói: “Tôi không thể chợp mắt, vì nỗi âu lo canh cánh bên lòng. Tôi tự nhủ: Tại
sao giờ đây tôi phải điêu đứng khổ sở thế này. Trước kia đang khi cầm quyền,
tôi được hạnh phúc và được yêu mến biết bao! Nhưng bây giờ nhớ lại thời ở
Giê-ru-sa-lem, tôi đã lấy mọi vật dụng bằng bạc, bằng vàng, đã sai người đi
tiêu diệt dân cư ở miền Giu-đa mà không có lý do chính đáng. Hồi tưởng lại
những hành vị tàn bạo đó. Tôi biết chắc rằng chính vì thế mà tôi gặp phải bao
nhiêu tai biến, và giờ đây tôi sắp phải chết nơi đất khách quê người vì buồn
phiền vô hạn” (1Mcb 6,1-13: BĐ năm lẻ).
tai họa vua Antiôkhô gặp phải như
thế, đã minh chứng cho mọi người biết: ai sống bất lương, sẽ bị khổ đời này, và
trở thành dấu chỉ sẽ phải khổ muôn kiếp sau khi nhắm mắt lìa đời! Lúc ấy mới
nhận biết Thiên Chúa là lửa thiêu. Ngài thanh tẩy sự ác,chỉ người sống công
chính mới được sống hạnh phúc muôn đời trong nước Thiên Chúa.
THUỘC LÒNG
Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là
đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng
lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên
thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. (Lc 20,34-36).
************
TRỌNG
TÂM GIÁO HUẤN HÔM NAY
Mỗi người được tự do chọn một
trong ba nếp sống: lập gia đình, tu trì, độc thân giữa đời. Chọn nếp sống nào
cũng phải nhằm phục vụ có hiệu quả cao nhất thì đó mới thực là người sống trong
thế giới phục sinh như các thiên thần (x Tin Mừng) . Quả thật, ông Phêrô sống
bậc gia đình; ông Phaolô sống bậc độc thân, cả hai ông đều sống đúng ơn gọi
mình đã chọn. Do đó, hai ông đã trở nên như hai cây ôliu, như hai cây đèn sáng
chói, chống đỡ tòa nhà Hội Thánh và soi sáng mọi người sống đạo làm đẹp lòng
Chúa. Nhưng ông Phaolô phục vụ mang lại hiệu quả cao hơn ông Phêrô chỉ vì ông
sống độc thân (x Bài đọc năm chẵn). Kẻ nào chỉ dùng bạo lực, mánh lới của mình
mà vơ vét tiền của thủ thân như vua Antiôkhô, thì phải khổ nhục ngay từ đời này
và chắc chắn muôn đời còn phải nghiến răng khóc lóc, chung số phận với Satan (
x Bài đọc năm lẻ).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH