BÀI GIẢNG
TẠI
SAO ĐỨC GIÊSU KHÓC ?
Có nhiều người lầm
tưởng khuôn mặt Đức Giêsu rất buồn, vì
cả bốn Tin Mừng không tác giả nào ghi Đức Giêsu cười. Trái lại, ông Luca và ông
Gioan lại ghi Đức Giêsu khóc. Chúng ta biết buồn quá cũng khóc mà vui quá cũng
khóc. Ta hãy tìm hiểu lý do nào khiến Đức Giêsu khóc, để một khi đã biết ý
Ngài, chúng ta phải làm cho Đức Giêsu luôn luôn cười đến chảy nước mắt !
I. LÝ DO ĐỨC GIÊ-SU KHÓC THEO THÁNH SỬ LUCA (x Lc 19,41)
Chủ đích của Tin Mừng
Lu-ca, ông nhấn mạnh về nhân tính
của Đức Giê-su, Ngài có bản tính như mọi người: biết vui, biết buồn, biết sợ,
biết đói, biết khát, ngoại trừ tội lỗi.
Để nhấn mạnh Đức Giê-su có nhân tính, ông Luca ghi trước giờ Tử Nạn, Ngài sợ
hãi đến toát mồ hôi máu (x Lc 22,44). Với bản tính yếu đuối trong thân phận làm
người, Đức Giê-su khóc vì dân Do-Thái không đón nhận Ngài là Đấng cứu độ duy
nhất, như các ngôn sứ đã báo cho họ biết trước, thì tai họa sẽ ập xuống trên
dân tộc: Ngài nhìn thấy trước cảnh hoang tàn của thành Giêrusalem, và dân tộc
Ngài bị phân tán khắp mọi dân mọi nước. Thực vậy, vào năm 70 quân Roma thình
lình kéo đến vây bủa thành Giêrusalem phá bình địa, không còn hòn đá nào chồng
trên hòn đá nào, dân Ngài cố thủ và bám vào Đền Thờ như bùa hộ mệnh, thế mà kẻ
thì bị giết, người thì bị bắt đi đày (x
Lc 19,28-44: Tin Mừng).
Sự cố đau thương này đã khai mở từ lúc Ngài
sinh vào đời, cha mẹ Ngài không tìm kiếm được nơi êm ấm trong thành của người
Do-Thái để sinh Con, nên Ngài được cha mẹ đặt nằm trong máng cỏ ngoài thành (x
Lc 2,7). Vì dân khước từ Đấng Thiên Chúa đã hứa ban để cứu chuộc họ (x St 3,15), do đó Chúa để cho vua Hêrôđê ra lệnh
truy nã diệt hài nhi Do Thái nào mới sinh ra từ hai tuổi trở xuống ở thành
Bethlem và các vùng phụ cận, vì ông nghĩ rằng có kẻ sinh ra manh nha để tiếm
quyền của ông, làm cho tổ phụ của họ là bà Rakel, vợ ông Giacop, dù đã được an
táng cũng đội mồ trỗi dậy khóc thương dòng giống của bà, đến nỗi không ai an ủi
được, vì con cháu của bà đã không biết đón nhận Đấng Cứu Độ, cho nên chắc chắn
hành động dã man của vua Hêrôđê truy nã
giết Đức Giêsu trở thành dấu chỉ dòng giống của bà Rakel sẽ còn khốn nạn
vì chính họ quyết liệt giết Con Thiên Chúa, thì chắc chắn họ phải khổ hơn thời
lưu đày ở Babylon suốt 40 năm (x Mt 2,1-18).
Như vậy tiếng khóc của
Đức Giêsu theo thánh sử Luca là tiếng khóc nối dài của bà Rakel tổ phụ của họ,
vì họ không đón nhận Ngài, thì tới năm 70 Chúa để cho quân Roma đến phá thánh
điện Giêrusalem, dân phải khổ hơn thời vua Nabukodonosor cho phá đền thờ này và
bắt dân đi lưu đày bên Babylon. Dưới bàn tay độc ác của vua Nabukodonosor, dân
Do Thái chỉ bị khổ 40 năm, bắt đầu vào năm 587 trước Công nguyên, sau đó Chúa
lại dùng vua Cyros, người ngoại giáo xứ Ba Tư giải phóng cho dân Do Thái khỏi
ách nô lệ Babylon, đặc biệt nhà vua còn cung cấp tiền của cho người Do Thái trở
về quê hương tái thiết Đền Thờ, Đền Thờ này rất lộng lẫy và nguy nga, đến nỗi
sử gia Flavius tấm tắc khen: “Một trăm vẻ
huy hoàng của vũ trụ thì Giê-ru-sa-lem chiếm 90%”.
Thế nhưng, vì dân này
cố tình và quyết liệt muốn loại trừ Con Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn sự sống từ
Do Thái để bung ra khắp thế giới (x Ga 4,22), nên Đền Thờ nguy nga này và dân
tộc của Ngài bị xóa trên bản đồ thế giới đã kéo dài gần 2.000 năm, cho dẫu từ
năm 1948, sau Đệ nhị thế chiến, Liên Hiếp quốc tạo điều kiện cho những người Do
Thái lưu vong trở về để tái lập quốc gia, nhưng cho đến ngày hôm nay Israel vẫn
không xác định được ranh giới đất nước của mình, Đền Thờ Giêrusalem cũng không
thể tái thiết được, bởi vì giữa dân Israel, dòng giống của ông Isaac, con bà
Sara, vợ chính thức của ông Abraham, vẫn không ngừng gây chiến với dân Palestin
dòng giống của Ismael, con của bà Haga, nữ tỳ của ông Abraham. Như thế, Isaac
và Ismael con cùng cha khác mẹ vẫn hăm he chờ thanh toán nhau để chiếm từng
mảnh đất cho mình. Ta biết nguyên nhân giữa người Palestin và người Israel luôn
gây chiến là tại lỗi bà Sara, vợ ông Abraham, vì Chúa đã hứa cho vợ chồng
Abraham và Sara có con (x St 15), thế mà bà Sara lại đưa đứa nô lệ Haga ăn ở
với chồng, sinh ra Ismael (x St 16), đến khi bà Sara sinh Isaac, từ bấy giờ
giữa Isaac, tổ phụ Israel luôn bất hòa với Ismael, tổ phụ Palestin.Sự cố đau
thương này vẫn đang diễn ra và không hy vọng có thời kết thúc. Sự cố lịch sử
này càng chứng minh Lời Đức Giêsu đã tiên báo về số phận dân tộc Do Thái bị ly
tán và thành Giêrusalem mãi mãi không còn hòn đá chồng trên hòn đá nào, thì làm
sao Đức Giê-su lại không khóc về dân tộc của Ngài được ?! Vì Ngài cũng có bản
tính người như bà Rakel.
II. LÝ
DO ĐỨC GIÊ-SU KHÓC THEO TIN MỪNG GIOAN (11,35)
Đặc biệt thánh sử
Gioan khi viết Tin Mừng, ông nhấn mạnh về thiên
tính của Đức Giêsu: Đức Giêsu đứng trước cuộc Khổ Nạn, Ngài không run sợ
như tác giả Luca ghi: “Toát mồ hôi máu”,
mà Ngài rất oai hùng khi nhìn đoàn quân Roma kéo đến vây bắt Ngài, chúng đứng
trước mặt Ngài mà không biết Ngài là Giêsu Nazareth để bắt, dù hôm đó có Giu-đa
dẫn đầu. Ngài hỏi chúng: “Các ngươi đi
tìm ai ?” Chúng thưa: “Chúng tôi đi
tìm ông Giêsu Nazareth”. Ngài nói: “Này
Ta đây”. Chúng liền giật lùi và bổ ngửa ra hết (x Ga 18,3-6), lúc ấy Đức
Giêsu có quyền đạp trên chúng mà đi, nhưng Ngài đã cho phép chúng đứng dậy để bắt
Ngài.
Đức Giêsu có bản tính
Thiên Chúa oai hùng như thế , nên Ngài biết trước sự chiến thắng của Ngài, do
đó khi Ngài đứng khóc trước mộ Ladarô (x Ga 11,35) là vì quá vui mừng, như Ngài
thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con biết Cha
hằng nhận lời Con là sẽ cho La-da-rô sống lại, để cho mọi người nhận biết Cha
đã sai Con đến để cứu họ, nên Con hằng tạ ơn Cha” (x Ga 11,41b-44). Đó là
lý do Ngài đã xác định với bà Matta, chị của Ladarô đã chết: “Em con sẽ sống lại, phục sinh và sự sống
chính là Ta” (Ga 11,23-25). Đây là sự chiến thắng của Đấng Toàn Năng, chỉ
duy mình Chúa Giêsu đánh gục thần chết, giải thoát những ai tin vào Ngài thì
được sống muôn đời, còn niềm vui nào lớn lao hơn ! Vì Ngài quá vui mừng mà
khóc, bởi Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Ta mừng, vì không có Ta ở bên La-da-rô, nên
La-da-rô ngủ (chết) và Ta sẽ đến đánh thức ông dậy” (Ga 11,11-15).
Tuy nhiên ông Gio-an
cũng không phủ nhận Đức Giêsu có bản tính loài người, nên Ngài khóc là khóc cho
dân của Ngài, vì sau phép lạ Ngài làm cho Ladarô sống lại, Ngài không làm một
phép lạ nào nữa, vì đây là dấu Ngài đã đạt mục đích vào trần gian để làm cho
loài người dù chết cách nào cũng được sống lại, ai tin vào Ngài thì khỏi phải
chết và được sống muôn đời. Ta biết Tin Mừng Gioan chỉ ghi bảy phép lạ Đức
Giêsu thực hiện, trở thành dấu chỉ về cuộc sáng tạo mới, mở đầu Đức Giêsu hóa
nước thành rượu nho (x Ga 2,1t), thứ hai là Đức Giêsu cho con ông sĩ quan ngoại
giáo thoát tay tử thần (x Ga 4,43t), thứ ba là Đức Giêsu chữa lành người bất
toại 38 năm nằm bên bờ hồ có năm dãy hành lang (x Ga 5,1t), thứ bốn là Đức
Giêsu hóa bánh nuôi dân ăn no nê (x Ga 6,1t), thứ năm là Đức Giêsu đi trên mặt
nước đến với thuyền các môn đệ gặp sóng gió (x Ga 6,16t), thứ sáu là Đức Giêsu
chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh (x Ga 9,1t), cuối cùng, thứ bảy là Đức
Giêsu cho Ladarô đã an táng bốn ngày trong mồ được sống lại (x Ga 11). Nhìn vào
bố cục bảy phép lạ trên, ta thấy mở đầu nước hóa thành rượu nho là dấu chỉ nhờ
nước Thánh Tẩy ta được tháp vào Đức Giêsu là cây nho thật (x Ga 15), để được
sống đời đời, qua dấu chỉ Đức Giêsu cho anh Ladarô sống lại. Chỉ khi nào loài
người được Chúa cho từ cõi chết sống lại, công trình sáng tạo của Thiên Chúa
mới hoàn hảo.
Nhưng tiếc rằng những
người Do Thái chứng kiến phép lạ ấy, nhất là những vị kỳ mục của dân lại tỏ ra
phẫn uất, quyết liệt loại trừ Ngài và đòi giết luôn cả Ladarô (x Ga 11,45-53 ;
12,10) Họ đã loại trừ Giêsu là nguồn sống thì không thể có sự sống nơi họ (x
1Ga 5,12). Ông Gio-an lại ghi Đức Giê-su có lòng thương cảm chị em Matta và
Maria cùng với những người thân của gia đình này đang khóc nức nở trước mộ
Ladarô làm cho Đức Giêsu bực dọc tâm thần và xao xuyến cả mình, vì Ngài
nhìn thấy nhiều người chưa đủ Đức Tin nhận ra Ngài có quyền cho kẻ chết sống
lại, họ tưởng Đức Giêsu khóc chỉ vì thương gia đình Matta và Maria, nên họ nói
với nhau: “Ngài thương ông ấy dường nào”
(x Ga 11,36). Nhưng câu đó lại trở nên lời tiên báo: Đức Giêsu thương Ladarô vì
dẫu Ngài cho anh sống lại, thì các đầu mục Do Thái lại quyết định giết luôn cả
Ladarô (x Ga 12,10). Ladarô trước đã chết vì bệnh, thì không sợ bằng sau này
chết vì sự ghen tỵ của bọn đầu mục đối với Đức Giêsu. Với sự lỳ lợm của các đầu
mục Do Thái như thế, chứng tỏ dân tộc của Ngài không đón nhận được sự sống, đó
là lý do Ngài khóc !
Vậy cả hai tác giả
Luca và Gioan khi ghi nhận Đức Giêsu khóc, hai ông này đã chung một ý là với
bản tính nhân loại, Ngài thương dân tộc của Ngài, vì ngay từ thời vua Antiôkhô,
nhiều người Do Thái đã bỏ Luật Môsê đi
tôn thờ các ngẫu tượng của dân ngoại, mà vua này đã ra lệnh cho toàn dân phải
tuân theo, ai làm theo lệnh vua thì được sống và hưởng nhiều bổng lộc, kẻ bất
tuân thì sẽ bị giết. Chỉ có ông Mát-tít-gia, là đầu mục Do Thái, cùng các con
của ông thì quyết tâm không bỏ Luật Chúa ban qua ông Môsê, dù vua dụ dỗ và hứa
ban cho ông Mát-tít-gia nếu ông theo ý vua thì được chức vụ cao trong triều
đình và hưởng nhiều vàng bạc châu báu. Nhưng ông Mát-tít-gia ý thức mình là thủ
lãnh của dân Do Thái, ông thề không theo lệnh vua để hưởng bổng lộc mà làm cớ
cho dân tộc ông bắt chước. Lúc ấy ông nhìn thấy có người Do Thái ra tế lễ ngẫu
thần ở Mô-đin, lòng ông sôi sục vì có kẻ lỗi Luật Môsê, ông xông vào hạ sát
hắn, và phá hủy tế đàn, rồi ông cùng cả gia đình với một số người còn trung
thành với Luật Môsê trốn lên núi (x 1Mcb 2,15-29: Bài đọc năm lẻ). Thế mà Đức
Giêsu nhìn các đầu mục Do Thái vào thời của Ngài chẳng ai còn có Đức Tin giống
ông Mát-tít-gia tổ phụ các thủ lãnh của họ, thì những mục tử độc ác này sẽ dẫn
toàn dân Do Thái sa xuống vực thẳm chung cư với tử thần, làm sao Đức Giê-su
không khóc thương họ được ?!
Lối sống đạo của một
người Do Thái tiến ra tế thần Mô-đin theo lệnh vua Antiôkhô, chẳng khác nào lối
sống đạo của dân Do Thái chối từ không tôn thờ Chúa Giêsu Phục Sinh, mà cứ bám
vào lối tế tự theo Luật Môsê, làm cho ông Gioan khóc nức nở, vì không ai xứng
đáng mở Cuốn Sách (Tân Ước), và nhìn vào đó hòng được cứu độ (x Kh 5,4: BĐ năm
chẵn). Mãi cho tới khi “sư tử xuất thân
từ chi tộc Giu-đa” (Tin Mừng Marco được công bố), chồi non của Đa-vit đã
chiến thắng. Người sẽ mở Cuốn Sách và bảy ấn niêm phong (x Kh 5,5: BĐ năm
chẵn). Thực vậy, Tin Mừng của Marco được công bố đầu tiên vào khoảng năm 60.
Nhờ Tin Mừng này mà loài người nhận biết
Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đầy sức mạnh (bảy sừng) và là Đấng
khôn ngoan (bảy mắt), “tức là bảy thần
khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ
tay hữu Đấng ngự trên ngai Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và
hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn,
tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.
Các vị hát một bài ca mới rằng:"Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách và mở
ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc về cho Thiên Chúa muôn
người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ,thuộc mọi nước, mọi dân. Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc,
thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất
này." (Kh 5,6-10: BĐ năm chẵn).
Vì từ khi Con Thiên
Chúa vào đời, Chúa Cha chỉ nhận của lễ “Con
Chiên Thiên Chúa, Đấng đã hiến mạng cứu loài người tội lỗi” (Ga 1,29). Vì
thế, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samari: “Giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích
thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm
những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Kẻ bỏ Thiên Chúa mà tế thần
Mô-đin làm cho ông Ma-tít-gia sôi máu, ông xông vào hạ sát hắn, và phá hủy tế
đàn thờ ngẫu tượng (x 1Mcb 2, 23-24: BĐ năm lẻ). Thì vào thời Tân Ước, Chúa
khiến cho quân Roma sôi máu xông lên giết tất cả dân tộc Do Thái, phá tan Đền
Thờ Giê-ru-sa-lem không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào!(x Lc 19,44: Tin
Mừng), để chấm dứt lối tế tự của Do Thái giáo vào năm 70 ! Biến cố đau thương
này lại trở thành dấu chỉ vào ngày cánh chung, Chúa để cho satan sôi máu diệt
hết mọi kẻ chống đối Ki-tô giáo, không muốn kết hợp với Chúa Giêsu Phục Sinh,
để tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Bởi vì, vào ngày cánh chung Chúa chỉ cứu
những ai đã từng tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh mà cầu nguyện “lạy Chúa Kitô, Ngài đã làm cho chúng con
thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng con”
(Kh 5,10: ĐC năm chẵn).
Vậy “ngày hôm nay anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy
nghe tiếng Chúa” (Tv 95/94, 7b-8a: Tung Hô Tin Mừng), để sống đạo theo
gương ông Mát-tít-gia, đó là “người sống
đời hoàn hảo, Chúa cho hưởng ơn cứu độ của Ngài” (Tv 50/49, 23b: Đáp ca năm
lẻ).
Một nhà sinh vật
học, khi đi tìm kiếm các sinh vật để khảo cứu, ông đi vào một hang động có rất nhiều dơi đậu hai bên vách đá, nhưng ông không
thấy những con dơi lớn, ông hiểu là chúng đi kiếm ăn, chỉ còn lũ dơi con đang
bám tòng teng trên vách đá. Ông bắt tất cả các dơi con về nghiên cứu. Hôm sau
ông trở lại hang, ông vô cùng kinh ngạc khi thấy xác những con dơi lớn. Ông lại
lượm xác chúng về khảo cứu, xem lý do nào chúng chết hàng loạt như thế! Cuối cùng ông cũng khám phá ra hai điều :
* Những con dơi bị chết đều là những dơi mẹ.
* Giải phẫu chúng thì thấy tất cả đều bị đứt ruột mà chết.
Dơi
mẹ biết thương con như thế, cũng chỉ vì
Thiên Chúa đã phú bẩm cho nó. Vậy Thiên Chúa chính là Tình Yêu (1Ga 4,8), thì
Ngài còn thương chúng ta hơn biết mấy khi satan bước vào trần gian thu góp
những kẻ chống đối Đức Giêsu đưa về sào huyệt của nó !
THUỘC LÒNG
+ Anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ
của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?Vậy
ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ
Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em (1Cr 3,16-17)
+ Vui với người vui khóc với người khóc
(Rm 12,15)
********
Trọng
tâm giáo lý hôm nay
Chúa Giêsu có bản tính
loài người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nên trước đau khổ loài người, Ngài
khóc, bộc lộ muốn đồng cảm với họ. Nhất là Ngài phải khóc đến xé lòng vì nhiều
người chối từ không tin, không kết hợp với Ngài là Đấng cứu độ duy nhất, thì số
phận của họ phải chuốc lấy đau khổ tủi nhục, hơn dân Do Thái trong cảnh lưu đày
Babylon, cũng như hơn sự cố năm 70 sau Công nguyên đã xảy ra cho dân Do Thái: Đền
Thờ bị san bằng, nước Do Thái bị xóa trên bản đồ thế giới, dân đi lưu lạc khắp
nơi, dù có điều kiện trở về lập quốc, cuộc nội chiến vẫn luôn xảy ra không
ngừng! Vậy chỉ có ai được nên một với Chúa Giêsu nhờ kiên trì sống Đức Ai trong
Hội Thánh, thể hiện qua việc để tâm nghe Lời Chúa, dự tiệc Thánh Thể mỗi ngày,
thì được Chúa Giêsu Phục Sinh ở cùng thúc đẩy ta phục vụ đồng loại đúng ý Chúa.
Người như thế mới bảo đảm sự sống sung mãn như Thiên Chúa trong thế giới Phục
Sinh, làm cho Chúa Giêsu nức lòng vui cười mà tạ ơn Chúa Cha thay cho những
người được Ngài cứu độ.
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH