BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: 2Mcb
7,1.20-31
1 Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ. Vua
An-ti-ô-khô cho lấy roi và gân bò mà đánh họ, để bắt họ ăn thịt heo là thức ăn
luật Mô-sê cấm.
20 Bà mẹ là người rất mực xứng đáng cho ta khâm
phục và kính cẩn ghi nhớ. Bà thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một
ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Đức Chúa.21
Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người một, lòng bà đầy tâm tình cao
thượng; lời lẽ của bà tuy là của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí
khí nam nhi; bà nói với các con: 22 "Mẹ không rõ các con đã
thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự
sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con.23
Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc
muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở
và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân
mình."
24 Vua An-ti-ô-khô cho là người mẹ
sỉ nhục mình nhưng vẫn khinh thường những lời mạt sát đó. Bởi vậy chẳng những
vua khuyên người con trai út còn sống sót, mà lại thề hứa làm cho anh được giàu
sang hạnh phúc, nếu anh bỏ tục lệ của tổ tiên. Ngoài ra, vua còn coi anh là bạn
hữu và trao cho anh những chức vụ quan trọng.25 Nhưng vì người thiếu
niên không thèm để ý gì tới, nên vua mới cho gọi bà mẹ đến và nhờ bà khuyên nhủ
hầu cứu mạng cho anh.26 Vua phải mất nhiều lời bà mới bằng lòng
thuyết phục người con.27 Nghiêng mình về phía anh, bà chế nhạo tên
bạo chúa và dùng tiếng mẹ đẻ nói với anh những lời sau đây: "Con ơi, con
hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con
đến ngần này tuổi đầu.28 Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn
loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài
người cũng được tạo thành như vậy.29 Con đừng sợ tên đao phủ này;
nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày
Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ."
30 Bà vừa dứt lời thì người thiếu
niên nói: "Các người còn chờ đợi gì nữa, tôi chẳng nghe theo lệnh vua đâu,
nhưng tôi chỉ vâng theo lệnh của Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho cha ông chúng
tôi qua ông Mô-sê.31 Còn vua đã bày ra đủ thứ trò độc ác để hại
người Híp-ri; vua sẽ chẳng thoát khỏi bàn tay Thiên Chúa.
ĐÁP CA: Tv 16
Đ. Lạy Chúa,
khi thức giấc,
con
được thỏa tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan. (c 15b)
1 Lạy
Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải, lời con than vãn, xin Ngài để ý; xin lắng
tai nghe tiếng nguyện cầu thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.
4 Con
tuân giữ mọi lời Chúa dạy, tránh xa đường lối kẻ bạo tàn, 5 dõi vết
chân Ngài, con không vấp ngã.6 Con kêu lên Ngài, lạy Thiên Chúa, vì
Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu.
8 Xin giữ
gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Ngài, xin thương che chở, 15 Về
phần con, sống công minh chính trực, con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức
giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan.
BÀI GIẢNG
CHÚA
THƯỞNG MỖI NGƯỜI
TÙY
THEO VIỆC HỌ LÀM
Theo Tin Mừng Nhất Lãm
(Mt, Mc, Lc: có cùng một cái nhìn về Đức Giêsu) suốt cuộc đời công khai của Đức
Giêsu trong ba năm, chỉ có một tuyến đường truyền giáo khởi đi từ miền Galilê –
Bắc nước Do Thái – tiến dần đến miền Giuđêa – Nam nước Do Thái - và bị giết ở
Giêrusalem ! Lúc đó Đức Giêsu trở nên của lễ dâng lên Chúa Cha thay cho của lễ
chiên cừu bò lừa người Do-Thái dâng, và Ngài truyền cho Hội Thánh tiếp tục làm
hiện tại hóa Hy Tế của Ngài cho đến ngày cánh chung, nhằm tập họp muôn dân về cho Thiên Chúa. Vì thế Đức
Giêsu phải quả cảm đi lên Giêrusalem vì biết trước phải đối đầu với sự ác (x Lc
9,51). Quả thực, Đức Giêsu phải quả cảm tiến vào thành Giêrusalem, vì Ngài nhìn
thấy trước thập giá đang chờ. Thế mà nhiều người Do Thái lại tưởng Đức Giêsu
lên Giêrusalem để đẩy lui quyền lực đế quốc Roma đang thống trị dân, hầu khôi phục
triều đại vua David, đưa dân tộc lên siêu cường quốc thống trị thế giới, bởi
thế “dân chúng khi thấy Đức Giêsu đến gần
Giêrusalem, họ tưởng là triều đại Nước Thiên Chúa sắp đến rồi” (Lc 19,11: Tin
Mừng).
Lý do đó, Đức Giêsu
phải “rửa tội” cho khát vọng của người Do Thái về triều đại Nước Thiên Chúa qua
dụ ngôn Ngài kể cho họ nghe, nếu họ muốn
hội nhập vào Triều Đại Thiên Chúa sắp đến, tức là Hội Thánh lữ hành – Nước
Thiên Chúa tại thế - tiến dần về Nước Thiên Chúa viên mãn trên trời, thì phải
xác tín và thực hành những điểm giáo lý Đức Giêsu dạy, qua dụ ngôn trong Tin
Mừng hôm nay (Lc 19,11-28):
1/ Đừng mù quáng như người Do Thái không nhận ra vương
quyền của Đức Giê-su.
Chúa Giêsu Phục Sinh
về với Chúa Cha để lãnh nhận quyền bính và chia lại cho những người Ngài tuyển
chọn, như Đức Giêsu nói với những người Do Thái về chính Ngài: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa
lãnh nhận vương quyền, rồi trở về” (Lc 19,12: Tin Mừng). Nhưng dân lại đòi
giết Ngài để phủ nhận vương quyền của Ngài, vì thế Ngài nói với họ: “Đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái
đoàn đến sau ông để nói rằng: "Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng
tôi” (Lc 19,14: Tin Mừng). Nhưng Ngài vẫn dùng quyền năng đã lãnh nhận nơi
Chúa Cha để sai các môn đệ đi khắp thế gian tập họp muôn dân vào vương quốc
(Hội Thánh )của Ngài, như Ngài nói với các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và
làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa
Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,18-20).
Quả thực, khi các môn
đệ dùng Lời quyền năng của Chúa, đi chinh phục muôn dân, kết quả Chúa cho ông
Gioan thấy:
- “Chung quanh Đấng ngự
trên ngai có cầu vồng như ngọc bích” (Kh 4,3: Bài đọc năm chẵn). Đó là dấu Giao
Ước vô cùng quý giá Chúa lập với những người Ngài tuyển chọn (x St 9,13). Nhờ
đó họ thắng được mọi sự dữ hơn chiến thắng của ông David, khi ông giương cung
lên bắn gục tướng địch Gôlyat giải phóng cho dân tộc Do Thái khỏi án chu
diệt (x 1Sm 17,48t).
- “Hai mươi bốn vị kỳ
mục mặc áo trắng ngồi trên hai mươi bốn ngai, đầu đội triều thiên bằng vàng” (Kh 4,4: Bài đọc năm
chẵn). Đó là dấu dân Israel
cũ, do mười hai người con ông Giacob và dân Israel mới( Hội Thánh ) do mười hai
môn đệ Đức Giêsu tuyển chọn. Tức là tất cả mọi người thuộc giống dòng Ađam Evà
muốn được Chúa cứu độ đều phải nhờ máu Chúa Kitô tẩy sạch tội để đi vào vinh
quang, hơn triều thiên vàng họ đội trên đầu.
- “Từ ngai phát ra ánh
chớp, tiếng sấm, tiếng sét. Bảy ngọn đuốc, tức là bảy Thần Khí của Thiên Chúa
cháy sáng trước ngai” (Kh 4,5: Bài đọc năm chẵn). Đó là dấu chỉ về chức năng
Hội Thánh Chúa Kitô, từ Hội Thánh xuất phát ánh sáng ban sự sống, bởi Lời Chúa
và bởi bảy Bí tích, uy quyền hơn tiếng sấm sét.
- “Trước ngai có cái gì
như biển trong vắt tựa pha lê. Ở giữa ngai và chung quanh ngai có bốn Con Vật,
đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật
thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn
giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh
và bên trong đầy những mắt. Ngày đêm chúng không ngừng hô lên rằng:Thánh!
Thánh! Chí Thánh!Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã có, hiện có và đang
đến!” (Kh 4, 6-8: Bài đọc –
ĐC năm chẵn). Đó là bốn Tin Mừng Hội Thánh công bố để cứu muôn dân:
o
“Con Vật thứ nhất giống như sư tử”: Đó là Tin Mừng Marco, vì mở
đầu Tin Mừng này, ông Marco ghi nhận Đức Giê-su sống giữa dã thú mà chúng không
làm hại Ngài (x Mc 1,13). Dã thú chính là sư tử.
o
“Con Vật thứ hai giống như bò tơ”: Đó là Tin Mừng Luca, vì mở
đầu Tin Mừng này, ông Luca cho ta thấy tư tế Dacarya vào Đền Thờ dâng lễ, của lễ
ấy là con bò (x Lc 1,1-25).
o
“Con Vật thứ ba có mặt như mặt người”: Đó là Tin Mừng Mattheu,
vì mở đầu Tin Mừng này, ông Mathêu ghi gia phả của Đức Giêsu, Ngài là Con vua
Đavid, con tổ phụ Abraham… (x Mt 1, 1-18). Như thế, Đức Giêsu tuy là Thiên Chúa
nhưng qua mầu nhiệm nhập thể Ngài đã trở nên người như chúng ta, ngoại trừ tội
lỗi!
o
“Con Vật thứ tư giống như đại bàng đang bay”: Đó là Tin Mừng
Gioan, vì mở đầu Tin Mừng này, ông Gioan xác nhận nhờ Ngôi Lời là Chúa Giê-su,
loài người được tái sinh làm con Thiên Chúa (x Ga 1,1-18). Vì con người vốn dĩ
chỉ là loài thú (x Gv 3,18-19), thế mà nhờ lãnh Bí tích Thánh Tẩy, họ vươn lên
địa vị cao cả làm con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.
Vậy nhờ bốn Tin Mừng
làm cho 24 vị kỳ mục phủ phục trước mặt Đấng ngự trên ngai mà thờ lạy Người,
Đấng Hằng Sống đến muôn thuở muôn đời, rồi đặt triều thiên của mình xuống trước
ngai mà nói: “"Lạy Chúa là Thiên
Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì
Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên."
(Kh 4,10-11: Bài đọc năm chẵn). 24 vị kỳ mục này là do 12 người con ông Giacop
(Israel cũ) nhưng người hằng trông mong Đấng Mesia là Con Một Thiên Chúa đến
cứu độ, và 12 môn đệ của Đức Giêsu thuộc dòng tộc Israel mới (Hội Thánh), những
người kiên trì sống Đức Ái (x HCHT số 14), họ đều được Đức Giêsu cứu chuộc, họ
phủ phục trước Đấng Toàn Năng hằng sống mà lớn tiếng ngợi khen Chúa.
Đó là hiệu quả tuyệt
vời của Lời Chúa và các Bí tích mà Đức Giêsu đã trao cho toàn thể dân Ngài: “Mười người đầy tớ của chủ là toàn thể loài
người, chủ trao mười nén bạc cho họ,là Chúa trao cho loài người tất cả kho tàng
ân sủng của Ngài. Và ông chủ dặn họ: hãy làm sinh lợi cho đến khi tôi trở về”
(Lc 19,13-14: Tin Mừng). Đây là những môn đệ chính danh của Đức Giêsu phải biết
dùng ơn Chúa mà làm cho muôn dân được cứu độ. Có thế họ mới làm ứng nghiệm Lời
Đức Giêsu đã nói: “Chính Thầy đã chọn anh
em từ giữa thế gian, để anh em ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em
tồn tại” (Ga 15,16: Tung Hô Tin
Mừng).
2/ Chúa Giêsu Phục Sinh sẽ trở lại đòi mọi người tính sổ. Đức Giêsu nói: “Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về.
Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm
ăn sinh lợi được bao nhiêu”.
Người đầy tớ thứ nhất
và thứ hai đem vốn và lời đến cho chủ đều được chủ khen: “Đầy tớ lương hảo và trung tín” :
C Người thứ nhất làm
lời được mười nén bạc, được chủ trao cho quyền lãnh đạo mười thành. Đan cử như
ông Phaolô, Tông Đồ xuất sắc nhất, không thua kém các Tông Đồ thượng đẳng (2Cr
11,5), nên ông được lãnh đạo nhiều giáo đoàn: Corintho, Galat, Epheso, Colose,
Philip, Thessalonica.
C Người thứ hai làm lời
được năm nén bạc, chủ trao quyền lãnh đạo năm thành. Đan cử như ông Gia-cô-bê
làm thủ lãnh giáo đoàn Giêrusalem, ông Phêrô làm thủ lãnh giáo đoàn Roma (x Lc
19,15-19)
C Người thứ ba chôn
giấu bạc của chủ, lại nói láo và chụp mũ: “Ông
là người hà khắc, đòi nơi không gởi, gặt nơi không gieo” (Lc 19,21: Tin
Mừng). Hắn lập luận thiếu lô-gíc, vì nếu chủ không gởi, không gieo, tại sao hắn
nói: “Nén bạc của ngài đây tôi đã bọc
khăn giữ kỹ” (Lc 19,20) ; hắn nói láo: “Ông
là người hà khắc”, giả như hắn chưa nhìn thấy chủ xử tốt với hai người bạn
trước, hắn nghĩ lầm về chủ như thế, thì tha thứ được. Nhưng trước mắt hắn ông
chủ xử quá nhân hậu: không thu vốn, chẳng trích lời, lại còn cho thêm, làm sao
hắn dám kết án chủ keo kiệt! Lý ra khi hắn nhìn thấy chủ quá quảng đại như thế,
thì nói: “Ngài đã quảng đại với hai người trước, xin cũng quảng đại với tôi”,
chắc chắn hắn sẽ được chủ thương giống như anh trộm lành được Đức Giê-su cho
vào Thiên Đàng đầu tiên (x Lc 23,40-43). Vì thế tên đầy tớ thứ ba bị kết án “Bọn thù địch của tôi kia, những người không
muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước
mặt tôi." Đúng như chủ nói: “Ta
xử với ngươi theo miệng ngươi nói”
(Lc 19,22.27: Tin Mừng).
Quả thật “lười thì láo!” Trong gia đình đứa con
nào lười thì đòi hỏi đủ thứ ; trong giáo xứ kẻ không tham gia việc gì, thì hay
phê bình người này trách người kia. Kinh Thánh
kết án loại người này: “Kẻ lười tệ kém hòn phân, ai mà đụng nó là
tay phủi liền!” (Hc 22,2).
Ta có quyền nghĩ tên
đầy tớ thứ ba này chính là Giuđa, hắn cũng được Thầy chọn và giáo dục giống như
Mười Một anh em kia. Nhất là Giuđa được tín nhiệm giữ túi tiền của Nhóm, nhưng
hắn đã không biết dùng ơn Chúa ban để quy tụ nhiều người về cho Chúa, hắn tệ
hơn tên đầy tớ thứ ba trong Tin Mừng, phá tán của chủ, tệ nhất đã dùng ơn chủ
ban để hại chủ, chính là Giuđa chỉ điểm cho kẻ ác đến bắt Thầy mình! Loại người
này tìm thấy rất nhiều trong Công Giáo!
Như vậy vào ngày cánh
chung, Chúa sẽ trả cho mỗi người tùy theo việc họ làm, hoặc lành, hoặc dữ, khi
còn trong thân xác (x 2Cr 5,10). Nhất là đối với những người đã liều mạng vì
trung thành với Lề Luật của Chúa, đan cử như một người mẹ gương mẫu khi nhìn
bảy đứa con bị vua giết, bà đã động viên các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ
ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể
cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài
người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng
sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ
của Người hơn bản thân mình. Bà nói:
"Con ơi, con hãy thương mẹ: chín
tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi
đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng
Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như
vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà
chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh
con cho mẹ." (2 Mcb 7, 22-23.27-29: Bài đọc năm lẻ).
Người mẹ can đảm
khuyên các con sống đạo như thế, vì bà tin vào sự phục sinh Chúa sẽ ban: “Khi thức giấc, con được thỏa tình chiêm
ngưỡng Thánh Nhan” (Tv 17/16,15b: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
+ Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Nhưng trong mọi
thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta (Rm 8,
35.37).
+ Mọi người đều ra trước tòa Đức Kitô để lãnh nhận những gì tương xứng
với các việc tốt hay xấu đã làm khi còn ở trong thân xác (2 Cr 5,10).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH