BÀI GIẢNG
ĐẦY
TỚ TRUNG TÍN
Chỉ còn một Chúa nhật
nữa là kết thúc năm Phụng Vụ. Hội Thánh hướng dẫn con cái mình như đến trình
diện trước mặt Chúa, để báo cáo với Ngài về những ân huệ Chúa đã trao cho, nhất
là những “nén bạc giáo lý”, Hội Thánh đã trao cho trong suốt năm Phụng vụ, vì
Chúa sẽ đến bất ngờ, nên thánh Phaolô lưu ý chúng ta : “Tất cả anh em là con
cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không
thuộc về bóng tối.Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh
thức và sống tiết độ !” (1Tx 5,4-6 : Bài đọc II)
Vậy mỗi Kitô hữu đã
biết mình là con cái ánh sáng, thì mọi sinh hoạt của người ấy phải được Chúa
Giêsu là ánh sáng hướng dẫn (x Ga 8,12). Vì nếu không có Ngài, tất yếu kẻ đó
thuộc về sự dữ, thuộc về bóng sự chết. Bởi thế phải luôn tỉnh thức và sống tiết
độ, cụ thể phải là :
· Người đầy tớ trung tín
và lương hảo.
· Người làm lời cho
Thiên Chúa.
· Người yêu quý lao động
để không trở thành kẻ lười sinh láo
I.
NGƯỜI ĐẦY TỚ TRUNG TÍN VÀ LƯƠNG HẢO.
Hai đầy tớ lương hảo
và trung tín trong Tin Mừng hôm nay đã diễn tả tình yêu của họ đối với chủ
trong tương quan chủ - tớ. Ta biết tương quan bền chặt nhất của tình yêu là
tương quan phu-thê, nhưng dấu hiệu tuyệt đỉnh của tình yêu lại là tôi-tớ !
Không ai yêu con bằng người mẹ, bà bộc lộ tình yêu ấy như một kẻ nô lệ khi chăm
sóc con mình. Hai vợ chồng yêu nhau tha thiết, họ lại thích làm nô lệ cho nhau
mà lấy làm hãnh diện, chứ không mặc cảm bị hạ cấp, ô nhục như nô lệ !
Bởi đó, Chúa nhật
trước, Đức Giêsu đề cập đến tình Ngài yêu con người thắm thiết như mối tình
phu-thê trong ngày cưới ; Chúa nhật này con người phải đáp trả tình yêu của
Chúa bằng tinh thần phục vụ như người đầy tớ trung tín, như dâu thảo trong gia
đình chồng… Chính Đức Giêsu vừa là Thầy, vừa là Chúa. Thế mà lại trở nên
như kẻ nô lệ cúi xuống rửa chân cho môn đệ vẫn không mặc cảm, không bị thoái vị
(x Ga 13), nhưng trở nên mẫu mực cho mọi tương quan tình yêu. Như thế, mỗi Kitô
hữu phục vụ Nước Chúa với cương vị vừa là Hiền thê, vừa là tôi tớ, cương vị nào
cũng phải là người lương hảo và trung tín như hai đầy tớ trung trực trong Tin
Mừng hôm nay (x Mt 25,21-23).
II.
NGƯỜI LÀM LỜI CHO THIÊN CHÚA
Tin Mừng hôm nay nói
đến hai người đầy tớ trung tín : Người được chủ trao cho năm nén, người này làm
lời thêm năm nén nữa ; anh kia chỉ lãnh hai nén, anh cũng làm lời gấp đôi. Tuy
số vốn và số lời khác nhau, nhưng họ cùng đạt chỉ tiêu lời 100%, do đó họ đều
được chủ khen thưởng như nhau : "Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung
thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy
vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! " (Mt 25,21 = Mt 25, 23).
Cũng thế, mỗi tín hữu
được Thánh Thần phân phối cho các ân lộc khác nhau, người thì được cho lời khôn
ngoan, kẻ được ơn chữa bệnh… cốt để mưu ích chung (x Rm 12,6t ; 1Cr 12). Họ
dùng những ơn ấy với tư cách là Hiền thê của Đức Kitô để chăm sóc đồng loại.
Chính vì vậy mà tác giả sách Cách ngôn (Cn 31,10-31 :Bài đọc I), đã mượn lời ca
tụng người vợ hiền đức để ám chỉ đến các tôi tớ trung tín trong Tin Mừng hôm
nay :
· “Chồng nàng hết dạ tin
tưởng nàng” (c 11a) – như Đức Giêsu đã tín nhiệm các môn đệ, Ngài nói : “Điều
làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ
của Thầy” (Ga 15,8).
· “Chàng sẽ chẳng thiếu
chi lợi lộc” (c 11b) – như hai đầy tớ trung tín dâng lên chủ cả vốn lẫn lời !
(x Mt 25,20-22). Hình ảnh này diễn tả hai thánh Tông Đồ Phaolô và Phêrô, ông
Phaolô giỏi hơn ông Phêrô về văn hóa và Luật Môsê, nên ông được Chúa chọn làm
Tông Đồ muôn dân, còn ông Phêrô bị người đương thời coi thường là kẻ vô học
thức (x Cv 4,13), vì ông chỉ là dân thuyền chài, nên ông được Chúa dùng chăm
sóc dân Do Thái mà thôi (x Gl 2, 7-9). Nhưng cả vị này đều được danh là cột trụ
Đức Tin của Hội Thánh (Chúa thưởng giống nhau). Do đó hai vị có chung lễ kính
ngày 29/6.
· “Nàng đem lại hạnh phúc
chứ không gây tai họa cho cho chồng” (c 12) – Đức Giêsu nói về thành quả
các môn đệ đạt được : “Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó
cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha ” (Ga 14,12), đến như các Tông Đồ “cầm
phải rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao." (Mc
16,18a)
· “Nàng tìm kiếm len và
vải gai, rồi vui vẻ ra tay làm việc. Nàng tra tay vào guồng kéo sợi, và cầm
chắc suốt chỉ trong tay. Nàng rộng tay giúp người nghèo khổ, và đưa tay cứu kẻ
khốn cùng. Nơi cổng thành nàng được tán dương do những việc nàng đã
làm”
(c 13.19-20.31) – như hình ảnh hai đầy tớ trung trực, nhờ cần cù nỗ lực hết sức
trong nhiệm vụ, nên họ đạt chỉ tiêulời 100% . Bởi đó cả hai được
chủ khen thưởng là đầy tớ trung tín. Chủ nói : “Anh đã được giao ít mà anh
đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh, hãy vào mà hưởng niềm vui của
chủ anh” (x Mt 25,21-23).
Hình ảnh này diễn tả
tất cả những người Công Giáo từ bậc Giáo hoàng đến người phu quét rác, nếu đã
chu toàn việc bổn phận đẹp lòng Chúa, thì đều được thưởng làm thánh giống nhau
trong Nước Thiên Chúa
Vậy muốn làm việc sinh
nhiều hoa lợi dâng lên Chúa, không cách nào hơn là hằng ngày ta phải kết hợp
với Chúa Giêsu Thánh Thể qua việc hiệp dâng Thánh Lễ cách trọn vẹn, thì được
Chúa Giêsu Phục Sinh ở cùng, như Ngài đã kêu gọi và chúc phúc : “Hãy ở lại
trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy thì sinh nhiều hoa
trái” (Ga 15,4a.5b : Tung Hô Tin Mừng).
III.
NGƯỜI YÊU QUÝ LAO ĐỘNG ĐỂ KHÔNG TRỞ THÀNH KẺ LƯỜI SINH LÁO
Luật ngày Sabat của
người Do Thái dạy kính Chúa là phải nghỉ việc, nhưng Đức Giêsu lại dạy :
yêu Chúa là phải phục vụ đồng loại bất cứ lúc nào, vì thế sáu phép lạ Đức Giêsu
làm cứu giúp con người, Ngài cứ nhắm vào ngày Sabat (x Mt 12, 9 ; Lc
13,10 ; Lc 4,1 ; Ga 5,1 ; Ga 6,4 ; Ga 9,16), bị người ta cự lại, thì Ngài giải
thích, vì “Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng thế !” (Ga 5,17) Như
thế, ai ham thích làm việc, người ấy bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính
vì thế mà sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, với dáng vóc người làm vườn
Ngài đã tỏ mình ra cho bà Maria Madalena (x Ga 20,15).Như thế Ngài là hiện thân
của Adam trong tình trạng vô tội mà Chúa đã trao cho ông nhiệm vụ canh tác vườn
(x St 2,15).
Khi nhập thể, Ngôi Hai
chọn làm con của bác thợ mộc Giuse (x Mt 13,55) ; khi Đức Giêsu bắt đầu hoạt
động công khai, Ngài chọn môn đệ cũng trong giới lao động (x Mt 4,18-22) ; chỉ
có người lao động như ông Simon thành Kyrênê mới vác đỡ thập giá cho Đức Giêsu
(x Lc 23,26). Bởi vậy thánh Tông Đồ dạy : “Hãy luôn làm việc, để khỏi trở
nên gánh nặng cho ai, và có gì chia sẻ cho người khác thì phúc hơn là lấy
!” (1Tx 3,11 ; Cv 20,35).
Thánh Phêrô cũng dạy :
“Anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình,
để làm cho các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, anh em sẽ không bao giờ vấp ngã
!” (2Pr 1,10).
Hiến Chế Hội Thánh
Trong Thế Giới Ngày Nay số 35 dạy :“Hoạt động của con người phát
xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc con người
không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi
làm việc, con người học biết đựơc nhiều điều, phát triển tài năng, cũng
như thoát ra (khỏi kiếp loài vật) và vượt khỏi chính mình (trở nên giống Chúa).
Nếu đựơc hiểu cho đúng, thì sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của cải thu tích
được. Giá trị của con người hệ tại ở “cái mình là” hơn hệ tại ở “cái mình có”.
Cũng vậy, tất cả cái gì con người làm để đạt tới một mức độ công bình cao
hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn, và một trật tự nhân đạo hơn trong các
tương quan xã hội, đều quý trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật…”
Vậy ta hãy chọn cách
sống yêu quý lao động để thành người tôi tớ trung tín của Chúa. Nếu không trở
nên kẻ lười sinh láo.
1/ Lười biếng,
là kẻ không biết sử dụng vốn để gây lời, đưa chôn giấu đi (x Mt 25,26). Sách
Huấn ca (22,2) gắt gao kết án những kẻ như thế : “Tên lười tệ kém hòn phân,
ai mà đụng nó là tay phủi liền !” Thật là đáng khinh dể, vì kẻ lười cầm đùi
thịt gà ăn vẫn thấy nhẹ, nhưng nó không cầm nổi chổi lông gà để phủi
bụi bàn ăn !
2/ Không cộng tác
với ai, là kẻ không gởi bạc vào ngân hàng (x Mt 25,27). Công Đồng Vat.II
trong G.E.S. số 32 nói : “Thiên Chúa đã dựng nên con người, không phải để
sống riêng rẽ, nhưng để tạo sự liên kết xã hội, vì Thiên Chúa không muốn thánh
hóa và cứu độ con người cách riêng rẽ thiếu liên kết”
3/ Kẻ lười sinh
láo. Tên đầy tớ nhận một nén vàng của chu, vì lười biếng không làm sinh lời
nên nói càn, thiếu “lô-gíc”.
▪ Nói láo với chủ : “Tôi biết ông là người hà khắc !”
(Mt 25,24a) Thật là quá láo ! Giả như hắn được gọi đến đầu tiên để tính sổ với
chủ, hắn không biết chủ xử trí ra sao, hắn nói càn vì hiểu lầm, thì còn tha thứ
cho hắn được ! Đây trước mắt hắn, hai người bạn được chủ đối xử rất hậu hĩnh,
không lấy vốn, chẳng trích lời, lại còn cho thêm, thật là “công khó tay bạn
làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may!” (Tv 128/127,2). Vì
“Ngài không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ kẻ hiền lương”
(Tv 15/14,5).
Người chủ nhân hậu đến
thế mà hắn nói láo kết án chủ : “Ông là người hà khắc!” Đúng là lười sinh
láo !
Trong thực tế, ở đâu
cũng vậy, kẻ không chịu làm gì lại hay phê bình chỉ trích, và đòi hỏi này nọ,
mà không bao giờ đòi hỏi mình đã làm gì cho ai được nhờ!
▪ Nói thiếu lô-gíc. Nó nói với ông chủ : “Ông gặt nơi
không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu nén bạc
của ông dưới đất. Của ông vẫn còn nguyên đây này!” (Mt 25,24-25)
“Của ông còn
nguyên đây này”, vậy mà hắn dám nói : “Ông không gieo, không vãi
mà đòi gặt ?”
Vì những tội trên, bản
án của hắn là :
C Đứa lười biếng trở
nên kẻ vô dụng ! (x Mt 25,30)
C Vì nói láo nên hắn
bị kết án : “Ta sẽ xử với ngươi
theo miệng ngươi nói!” (Lc 19,22). Bởi vậy, biết mình chưa làm lợi gì
cho ai, thì nên câm miệng lại, và đừng đòi hỏi gì. Hoặc vì hiểu lầm mà kết án
chủ, thì hãy biết sám hối, xin lỗi chủ, chắc chắn hắn sẽ nhận được lòng xót
thương như anh trộm lành được Chúa Giêsu cho vào Thiên Đàng ngay khi anh còn
treo trên thập giá (x Lc 23,40-43). Ở đây vì nói láo, nên bị đuổi ra ngoài vào
“nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (Mt 25,30), vì nó là
“kẻ thù của vua, phải hạ sát trước mặt vua !” (Lc 19,27).
C
Những gì nó có cũng sẽ bị giựt mất mà trao cho người
đã có mười nén! (x Mt 25,28-29). Điển hình như chức vụ Tông Đồ, Chúa đã ban cho
ông Giuđa, thế mà hắn đã từ bỏ vì tham 30$! Rốt cuộc hắn đi tự vẫn nhào đầu
xuống đất lòi ruột ra ! (x Cv 1,18) Vì thế chức vụ Tông Đồ của Giuđa Chúa lấy
lại và trao cho ông Matthia (x Cv 1,15).
Nhìn lại đời ta, có
khi mình còn tồi tệ, bỉ ổi hơn tên đầy tớ thứ ba lười biếng và lếu láo, nên bị
Chúa kết án. Vì dầu sao tên đầy tớ bất trung ấy còn có công chôn giấu nén vàng
của chủ, không làm thất thoát một xu! Còn chúng ta, chẳng những không giữ
nguyên vẹn những kho báu Chúa trao : Xác hồn mạnh khỏe với tài năng, địa vị
cũng như của cải vật chất, nhất là ơn thánh Chúa ban qua Hội Thánh. Vì bất
trung với Chúa nên đã làm tiêu tan hết những ơn trọng đại đó, thì liệu sẽ phải
lãnh án phạt kinh hoàng hơn biết mấy, xứng với việc đã làm! (x 2Cr 5,10 ; Mt
25,30 : Tin Mừng).
Trong lịch sử các
thánh, nhiều vị được Chúa trao số vốn nhỏ bé lại làm vinh hiển Chúa nhất. Đan
cử :
· Thánh Maria Madalena,
một người bị kết án là phụ nữ tội lỗi khét tiếng vì bị bảy quỷ thống trị, thế
nhưng khi bà được gặp Đức Giêsu trừ bảy quỷ, từ bấy giờ bà hiến dâng tất cả tài
sản cho việc truyền giáo và trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục
Sinh cho thế giới (x Lc 8,1-3 ; Ga 20,18).
· Thánh Gioan Maria
Vianey có trí khôn tầm thường, không đủ điểm trong các môn Thần học ở Đại Chủng
Viện, nên đã bị Cha Giám đốc sa thải! Nhưng nhờ cha Sở bảo lãnh, Gioan Vianey
được trở lại Chủng Viện, và ngài đã trở nên một vị Linh mục thánh thiện, nhiệt
tình, gương mẫu, xứng đáng là Bổn mạng các cha Sở!
· Thánh nữ Catharina, vì
hoàn cảnh gia cảnh nghèo nên thất học, thế mà nhờ bà biết cầu nguyện cho Hội
Thánh đang gặp sóng gió, bà đã thành công làm cho ba Giáo hoàng đang tranh ngôi
vị vào những năm 1378-1417, một ở Roma, một ở Bỉ, một ở Pháp từ chức để bầu lại
Thủ Lãnh Hội Thánh, thủ đô đặt ở Roma. Vì công đức ấy mà Hội Thánh tôn vinh bà
làm Thánh Tiến sĩ. Bởi thế, thánh Phaolô nói : “Thiên Chúa đã chọn sự yếu
đuối để bêu nhuốc hạng khôn ngoan và mạnh mẽ, những gì thế gian cho là ti
tiện không đáng kể, Thiên Chúa lại cho những điều không không để hủy diệt điều
có ra không, hầu không có xác phàm nào dám vênh vang trước mặt Chúa” (1Cr
1,27-29).
THUỘC LÒNG
Thánh Phêrô dạy : “Anh
em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm
cho các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, anh em sẽ không bao giờ vấp ngã !” (2Pr 1,10).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH