BÀI GIẢNG
MẦU NHIỆM NƯỚC THIÊN CHÚA
Muốn sống mầu nhiệm
Nước Thiên Chúa, ta phải tìm hiểu:
· Nước Thiên Chúa trong
thời hiện tại.
· Nước Thiên Chúa trong
thời cánh chung.
· Sống hòa nhập trong
Nước Thiên Chúa.
I. NƯỚC
THIÊN CHÚA TRONG THỜI HIỆN TẠI
Tin Mừng hôm nay (Lc
17,26-37), Chúa Giêsu nhắc đến ba biến cố : Lụt Hồng thủy thời ông Noe, thành
Sô-đôm bị lửa thiêu rụi và nước Do Thái bị đế quốc Roma xóa tên trên bản đồ thế
giới vào năm 70.
1/ Lụt Hồng thủy. Nước phủ khắp mặt đất,
tiêu diệt kỳ công Chúa tạo dựng trên trái đất, trừ 8 người trong gia đình ông
Noe và các sinh vật được ông đưa vào tầu (x St 7 ; Lc 17, 26-27 : Tin Mừng),
mạc khải này tiên báo Chúa muốn cả loài người phải được lãnh Bí tích Thánh Tẩy
bằng nước (x Ga 3) mà vào Hội Thánh là Tầu Noe mới để được sống nhờ Chúa Giêsu
vì Ngài đã sống lại vào ngày thứ nhất trong tuần tức ngày thứ tám. Hơn hẳn việc tám
người được cứu sống trong tầu Noe.
2/ Sau khi Chúa bảo vợ chồng ông Lot
ra khỏi thành Sôđôma, Ngài tung lửa thiêu rụi thành, nhằm thanh tẩy, vì chúng
mắc tội cuồng dâm (x Lc 17,28-29 : Tin Mừng). Qua biến cố này, Chúa muốn
người Kitô hữu suốt đời phải được tiếp tục thanh tẩy bằng Lời Chúa (x Gc 1,18 ;
Ga 15,3), vì Lời Chúa là Lửa (x Gr 23,29 ; Cv 2) ; và được thanh tẩy bởi Chúa
Giêsu (x Cv 2,38), Ngài chính là Thiên Chúa lửa thiêu (x Dt 12,29) : Lửa ban sự
sống, lửa hủy diệt sự sống.
Như vậy, người ta
được thanh tẩy bởi Lời và bởi Chúa Giê-su Phục Sinh là hai phần của Thánh
Lễ, đó là lý do Chúa muốn người Kitô hữu dự Lễ hằng ngày, hơn dân Do Thái xưa
lượm manna ăn mỗi ngày (x Xh 16).
3/ Tai họa vào năm 70 trút xuống trên dân tộc Do Thái,
Đền Thờ bị phá hủy, dân phải đi lưu lạc khắp thế giới (x Lc 17,31-36 : Tin Mừng). Qua sự cố này, Chúa Giêsu muốn
ơn cứu độ Ngài ban không đóng khung nơi dân tộc Do Thái, mà phải được lan đi
khắp thế giới_khởi đi từ lúc Chúa dẹp bỏ Phụng Vụ Do Thái giáo, như Ngài vào
Đền Thờ đánh đuổi quân buôn bán, không để chúng biến Nhà Chúa thành cái chợ (x
Ga 2,13t)_và thay bằng Phụng Vụ Ngài thiết lập mới để thực sự tôn thờ Thiên Chúa_từ lúc người Do Thái quyết định giết Ngài_như Ngài nói với người phụ nữ xứ
Samari: “Giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng
đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật, vì Chúa Cha tìm
kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần Khí, và những kẻ thờ
phượng Người phải thờ phượng trong Thần Khí và Sự Thật.” (Ga 4,23-24). Thần
Khí là Lời Thiên Chúa (x Ga 6,63), Sự Thật là Chúa Giêsu (x Ga 14,6). Đây là
hai phần chính trong Thánh Lễ.
Vậy mầu nhiệm Nước
Thiên Chúa trong thời hiện tại mà Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái : “Nước
Thiên Chúa ở trong các ông” (Lc 17,21 : Bản dịch NTT), khởi đi từ lúc ta
lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, và được tiếp tục nuôi dưỡng bởi Bí tích
Thánh Thể. Có thế mới làm hoàn hảo việc tôn thờ Thiên Chúa.
II.
NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG THỜI CÁNH CHUNG
Ngày ấy như chiếc lưới
bủa trên biển (x Mt 13,47-50). Là ngày Chúa vừa tiêu diệt những gì trái ý Ngài,
vừa làm mới những gì Ngài muốn nó tồn tại vĩnh cửu trong Nước của Ngài, mà Đức
Giêsu đã nhắc đến trong ba sự cố : Lụt Hồng thủy, lửa thiêu thành Sôđôm, và tai
họa ập xuống dân Do Thái vào năm 70. Ba sự cố ấy trở nên dấu chỉ chắc chắn mọi
sự trong thế giới hữu hình này vào ngày cánh chung sẽ bị tiêu diệt, như lụt
Hồng thủy, như thành Sôđôm bị lửa trời thanh tẩy, như thánh điện Giêrusalem
không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào (x Lc 19,44), dù chúng là kiệt tác
như muôn vàn vẻ huy hoàng của vạn vật trong vũ trụ, khiến dân ngoại đã lầm
tưởng tạo vật là các thần phải tôn thờ, mà không biết tôn thờ Đấng đã dựng nên
những vật kỳ diệu đó (x Kn 13 : Bài đọc năm lẻ). Thực ra, vạn vật trong vũ trụ
được Chúa dựng nên, nó là dấu vết sự hiện diện của Thiên Chúa, nó là thầy dạy
mọi người biết tôn thờ Thiên Chúa : “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên
Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19/18,2 : Đáp ca
năm lẻ).
Qua những sự cố Kinh
Thánh đề cập đến như trên, thánh Gioan phải nhắc nhở cho các tín hữu đừng lầm
lạc như dân ngoại : bỏ tôn thờ Thiên Chúa theo giáo lý Hội Thánh dạy, mà chạy
theo các tà thuyết. Ông nói : “Vì có nhiều kẻ mê hoặc đã lan tràn khắp thế
gian, chúng là những đứa không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở
nên người phàm. Đó là kẻ mê hoặc và là tên Phản Ki-tô. Anh em phải coi chừng để
khỏi đánh mất những gì anh em đã làm được, nhưng để lãnh đầy đủ phần thưởng.
Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Ki-tô, thì không
có Thiên Chúa. Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có Chúa Cha và Chúa
Con. Thiên Chúa chỉ tuyển chọn những ai sống trong sự thật, đúng như điều
răn chúng ta đã nhận được từ Chúa Cha,…là điều răn chúng ta đã có từ lúc khởi
đầu - đó là: chúng ta phải yêu thương nhau. Yêu thương là sống theo các điều
răn của Thiên Chúa. Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là:
anh em phải sống trong tình thương” (2 Ga 4-9 : BĐ năm chẵn). Quả thật “hạnh
phúc người noi theo Luật Pháp Chúa Trời” (Tv 119/118, 1b : ĐC năm
chẵn)
III.
SỐNG HOÀ NHẬP TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA
Để được sống hòa nhập
trong Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu dạy ta lưu ý sống ba điều sau :
· Tỉnh thức đón Chúa.
· Đừng mê vơ của đời
này.
· Sống kết hợp Chúa
Giêsu Phục Sinh.
1- Luôn tỉnh thức chờ đón Chúa đến :
Chúa đến đón ta vào
Nước của Ngài – giờ chết, cánh chung – thật bất ngờ, không ai biết trước
được :
- “Như thời Noe,
thiên hạ cứ ăn uống, dựng vợ gả chồng, thình lình nước ập đến tiêu diệt
hết thảy!” (Lc 17, 26-27 : Tin Mừng).
- “Như ngày ông Lot ra khỏi Sôđôm, thình lình lửa diêm sinh từ trời ập
xuống tiêu diệt hết thảy” (Lc 17, 28-29 : Tin Mừng).
Để cụ thể sống luôn
tỉnh thức chờ đón Chúa đưa ta vào Nước của Ngài, thánh Phaolô dạy : “Dù ăn,
dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa” (1
Cr 10,31).
Nói cách khác, hãy
sống đẹp ý Chúa trong hiện tại : “Từng giây hiện tại đẹp, làm nên phút hiện
tại đẹp; từng phút hiện tại đẹp, làm nên giờ hiện tại đẹp; từng giờ hiện tại
đẹp, làm nên một ngày hiện tại đẹp; từng ngày hiện tại đẹp, đan kết thành một
cuộc đời đẹp”.
Cậu
Gioan Berchman đang hăng say chơi banh với chúng bạn. Cha xứ tiến đến hỏi các
cậu :
- Nếu
một giờ nữa Chúa đến gọi chúng con ra khỏi thế gian, chúng con sẽ làm gì bây
giờ?
Một
cậu thưa :
- Con
sẽ chạy về nhà xin lỗi mẹ con, vì con đi đá banh chưa xin phép.
Cậu
khác :
- Con
sẽ vào nhà thờ cầu nguyện, và xin cha giải tội, vì mấy tháng nay con chưa xưng
tội.
…………
Đến
lượt Gioan Berchman nói :
- Con cứ tiếp tục chơi banh cho đến khi Chúa đến gọi
con, vì mọi việc trong ngày : Đi lễ, học bài, phụ giúp cha mẹ, con đã hoàn tất,
và giờ này là giờ chơi banh của con, cha mẹ con đã cho phép.
Như thế
cậu Gioan Berchman đang đá banh là cậu đang sống đẹp giây phút hiện tại, để
được sống trong Nước Thiên Chúa !
2- Đừng mê say trông cậy vào của đời này
Đức Giêsu đã cảnh báo
trước cho người Do Thái phải biết sống giữ mạng mình trong ngày quân Roma tấn
công vào năm 70 : “Trong ngày ấy, ai ở trên sân gác, mà đồ đạc lại ở dưới
nhà, thì đừng xuống lấy, ai ở ngoài đồng, chớ quay lại đằng sau” (hãy nhớ
nố vợ ông Lótra khỏi Sôđôm, khi có lửa đốt thành, bà đã quay mặt lại,
tức khắc bà đã hoá thành tượng muối). Vì “kẻ nào tìm cách duy trì mạng sống
mình, thì sẽ bị mất ; còn kẻ nào đành mất, thì sẽ cứu sống nó”
(Lc 17, 31-33 : Tin Mừng).
Thực vậy, ngày ấy quân
Roma thấy người Do Thái nào nhúc nhích di chuyển là chúng giết ngay! Ai sống
bất động, chiụ đói khát không lo giữ của thì may chăng đựơc chúng tha mạng!
Cũng thế nếu ta tôn thờ của cải vật chất như thần, sống theo thói mù quáng của
dân ngoại (x Kn 13) mà không “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, để mọi sự khác
được Chúa ban thêm cho” (Mt 6,33), thì cũng sẽ bị tai hoạ như người Do Thái
vào năm 70 !(x Lc 17,31 : Tin Mừng).
3- Sống kết hợp nên một trong Chúa Kitô
Đức Giêsu nói về hai
người cùng cảnh sống :
· Đang cùng trên giường
ngủ.
· Đang cùng xay chung
một cối bột.
· Đang ở trong một thửa
ruộng.
Ba cặp người đang sống
một cảnh huống như trên, thì một người bị hoặc được đưa đi, người
kia được hoặc bị để lại (x Lc 17,34-36 : Tin Mừng).
Hỏi: Ai bị đưa đi, ai
được để lại ?
Thưa: Câu ấy có hai
cách hiểu : nghĩa lịch sử thành Giê-ru-sa-lem bị phá, và nghĩa thời cánh chung
sự dữ bị hủy diệt :
a- Nghĩa lịch
sử khi quân Roma tấn công nước Do Thái : Lúc ấy một trong hai người đang
cùng một cảnh sống, một người bị đưa đi, người kia được để lại.
Nghĩa là có những người Do Thái bị bắt làm tù binh, hoặc bị giết,
có những người được tha mạng !
b- Ý nghĩa thời
cánh chung sự dữ bị phá hủy : Vào thời cánh chung, có người được
Chúa đem đi, có người bị Chúa phế bỏ:
- Người được Chúa đưa đi là đưa về Trời
: Là những người có tâm tình sám hối được thể hiện bằng việc lành họ làm (x Mt
3,8), nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, thì việc đó trở thành việc của Thiên Chúa
được vĩnh cửu và có giá trị cứu độ (x Cv 5,39). Vào thời cánh chung (giờ chết
hoặc tận thế) họ được Chúa đón về trời, nơi mà Ngài đã ra đi trước để dọn chỗ
cho (x Ga 14,2-3). Đây là những người sống ngay thẳng, đi trên con đường công
chính, như Đức Giêsu nói: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em
sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28 : Tung Hô Tin Mừng).
- Kẻ bị để lại : Là những kẻ không
tin Chúa Giêsu, không sám hối, không kết hợp với Ngài trong cùng một Hy Tế Ngài
dâng (Thánh Lễ), thì cho dù họ có làm bao việc tốt đẹp, cũng trở nên vô ích, vì
đó là việc của loài người, trước sau ra tro bụi, không có giá trị cứu độ (x Cv
5,38). Vì thế thánh Phaolô nói : “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp
mà chia sẻ, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Ái, thì
cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3). Đức Ái ở đây là một ngôi vị,
là Thiên Chúa (x 1Ga 4,8). Bởi vì Chúa Giê-su đã nói : “Thầy là cây nho, anh
em là ngành, ai lưu lại trong Thầy thì sinh nhiều hoa trái ; ngành nào lìa khỏi
cây thì tự khô héo, vì ngoài Thầy, anh em không thể làm được gì” (Ga
15,4-6). Nghĩa là kẻ nào không hoạt động trong Chúa Giêsu Thánh Thể, thì việc
nó làm không đem lại ơn cứu độ cho ai.
THUỘC LÒNG
Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa,
tự bản chất nó là kẻ ngu đần (Kn13,1a)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH