BÀI GIẢNG
CHỈ
CÓ CHÚA MỚI TÔN VINH ĐẦY TỚ CỦA NGÀI
Trong lãnh vực tình yêu một người
muốn phục vụ người khác để diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh, thì người đó phải đóng
vai trò đầy tớ. Mà thực, người mẹ phục vụ con thơ thì không có người đầy tớ nào
sánh bằng ; cũng như vợ chồng muốn tỏ tình với nhau, họ thích làm đầy tớ cho
nhau.
Trong xã hội không có ông chủ nào
lại muốn làm đầy tớ cho người quản lý của mình, chỉ riêng Đức Giêsu khi phục vụ
loài người, Ngài đã trở nên như người tôi tớ, để tôn vinh những người làm đầy
tớ phục vụ đồng loại nhờ với trong Chúa Giêsu, đáp ứng hai đòi hỏi của Tin
Mừng.
C Chu
toàn bổn phận chính.
C Không đòi đạt hiệu quả trước mắt,
một khi đã hết lòng phục vụ vì yêu.
I/ PHẢI CHU TOÀN BỔN PHẬN
CHÍNH
Đức Giêsu dạy mọi người: “Phải
làm hoàn tất bổn phận” (Lc 17,10a: Tin Mừng).
Có hai loại bổn phận chính phải
chu toàn :
1- Tài năng thiên
phú nhằm xây dựng cộng đoàn.
Thánh Phaolô nói: Mỗi người được
ân lộc khác nhau tùy theo ơn Chúa ban, người thì được ơn chữa bệnh, kẻ khác
được ơn nói tiên tri, người khác nữa được làm Tông Đồ v.v... Nhưng tất cả những
ơn riêng Chúa ban cho mỗi người đều nhằm mưu ích chung, nhất là mỗi Kitô hữu đã
trở nên chi thể trong Thân Mình Mầu
Nhiệm Chúa Kitô. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân
được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng, và mỗi chi thể hoạt
động theo chức năng của mình (x Ep 4,16). Do đó, một chi thể đau, toàn thân
phải đau ; một chi thể vinh, toàn thân được vinh (x 1Cr 12). Một người không
dùng tài năng riêng Chúa đã ban để phục vụ cộng đoàn, thì họ như một bộ phận
không hoạt động trong chiếc đồng hồ, làm đồng hồ bị chết hoặc trục trặc, lúc
chạy nhanh, lúc chạy chậm.
2- Bổn phận riêng
của người Kitô hữu đối với Lời Thiên Chúa, để xây dựng và làm phát triển
Hội Thánh .
Cũng được chia làm hai loại:
a. Ai cũng có
bổn phận nghe và tìm hiểu Lời Chúa để
đem ra thực hành. Đây là bổn phận cao quý nhất, cần thiết nhất, Chúa không miễn
trừ cho ai. Do đó khi bà Mátta đang bận rộn phục vụ bàn ăn, còn Maria thì cứ
ngồi dưới chân Chúa mà nghe Lời, lúc đó Đức Giêsu nhắc cho Mátta: “Mátta, con lo lắng xôn xao nhiều chuyện quá,
chỉ có một chuyện cần mà thôi như Maria em con đang ngồi nghe Lời, đã chọn phần
tốt nhất và không bị ai giựt mất” (Lc 10,38-42).
Bởi đó thánh Phaolô nhắc nhở: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do
Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục
để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được
trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” (2Tm 3,16-17). Thực vậy, “ai vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhắc
lại suốt đêm ngày… người ấy làm gì cũng thành công” (Tv 1,2-3).
b. Bổn phận của người có trách nhiệm hướng dẫn
người khác. Bổn phận chính và quan trọng nhất của họ là cầu nguyện và giảng Lời cho những người
Chúa trao phó để chăm sóc. Người thủ lãnh nào không chu toàn hai nhiệm vụ này,
thì làm xáo trộn cộng đoàn. Đan cử các Tông Đồ thời Giáo Hội sơ khai, rất có uy
tín đối với dân, nên được nhiều người bán hết tài sản lấy tiền dâng cho các
ngài, để các ngài chia đồng đều không ai phải túng thiếu. Việc làm này ai nhìn
cũng tấm tắc khen ngợi, vì cho là rất thực tế. Thế nhưng cộng đoàn đã xảy ra
xáo trộn và bất hòa ! Nhờ ơn Chúa soi sáng các Tông Đồ đã nhận ra mình ở sai
chỗ, không làm tròn bổn phận chính, do đó các ngài trao việc phục vụ người nghèo
cho các Phó tế, còn các ngài trở về
nhiệm vụ chính của mình là cầu
nguyện và giảng Lời, từ đó cộng đoàn được bình an và phát triển (x Cv
6,1-7).
Thánh Phaolô đã hết lòng chu toàn
sứ mệnh ngôn sứ để nên giống Thầy Giêsu.Ông nói với các tín hữu lúc ông bị bắt
trước khi đưa sang Roma chịu xét xử.: “Ngày
hôm nay trước mặt anh em, tôi cam đoan rằng tôi hoàn toàn trong sạch về máu mọi
người. Vì tôi đã không e ngại mà giấu giếm đi để không loan báo cho anh em tất
cả ý định của Thiên Chúa ” (Cv 20,25-27: Bản dịch NTT).
Thế thì trong Hiến Chế Phụng Vụ số
24 và 52 dạy: Giáo sĩ nào giảng trong Thánh Lễ phải liên
kết các Bài đọc Hội Thánh đã chọn để trình bày các mầu nhiệm Đức Tin và những
quy tắc cho đời sống Kitô hữu trong suốt chu kỳ năm Phụng Vụ. Bởi
đó ai giảng mà không dựa vào các Bài đọc, chính là người “e ngại mà giấu giếm
Lời Chúa, không loan báo cho anh em tất cả những ý định của Thiên Chúa”, thì đó
là chủ ý giết cả hồn xác đồng loại xô họ xuống hỏa ngục.
Vậy chúng ta hãy cầu nguyện cho
các vị chủ chăn trong Hội Thánh, nhất là Giám mục và các cha Sở, để các ngài
thực thi đúng giáo huấn của Hội Thánh :
- Hiến chế Hội Thánh số 25: “Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ
chính yếu của GIÁM MỤC, Giám mục
là những người rao truyền Đức Tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám
mục là những Tiến sĩ đích thực, có nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, giảng
dạy cho những kẻ được trao phó cho các ngài”.
- Giáo Luật số 773: “Các chủ chăn
có nhiệm vụ riêng và nặng nề phải lo dạy giáo lý cho dân Chúa ; ngõ hầu, nhờ sự
trau dồi giáo lý và kinh nghiệm sống Kitô giáo, Đức Tin của các tín hữu trở nên
sống động, minh bạch và linh hoạt”.
- Giáo
Luật số 774:
“Dưới sự hướng dẫn của Giáo quyền hợp pháp, mọi phần tử trong Giáo Hội đều có
nghĩa vụ chăm lo việc huấn giáo, tùy theo phận sự của mỗi người”.
Trước tiên cha mẹ có bổn phận lấy lời nói và gương lành huấn luyện Đức Tin cho
con cái và dạy chúng sống đời sống Kitô giáo. Những người thay quyền cha mẹ và
những người đỡ đầu cũng có bổn phận như vậy.
- Giáo Luật số 776: “Do nhiệm vụ đòi buộc, cha Sở phải lo huấn luyện giáo lý cho
người lớn, thanh niên và trẻ em. Vì mục đích ấy, cha Sở hãy mời gọi sự cộng tác
của các giáo sĩ làm việc trong họ đạo, của các phần tử thuộc hội Dòng Tận Hiến
cũng như các Tu Đoàn Tông Đồ, tùy theo đường hướng riêng của mỗi Dòng Tu, cũng
như của giáo dân, nhất là các giáo lý viên.
Tất cả những người này, nếu không bị cản trở hợp pháp, không nên từ chối
tự nguyện giúp cha Sở trong công việc giáo huấn. Cha Sở còn phải cổ võ và thúc
đẩy cha mẹ chu toàn bổn phận dạy giáo lý trong gia đình”.
- Hiến Chế Hội Thánh số 35: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin
Mừng cho thế giới, cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”.
Do đó bổn phận của vợ chồng là chu
toàn việc cầu nguyện, nhất là dự Lễ và giáo dục Đức Tin cho con cháu, để có một
gia đình êm ấm thuận hòa như gia đình Nadareth. Trong Thánh Lễ hôm nay, Hội
Thánh đã mượn lời thánh Phao-lô nói với Giám mục Titô để nhắc cho hết mọi loại
người, phải làm tròn bổn phận của mình: “Phần
anh (Giám mục), hãy dạy những gì phù
hợp với giáo lý lành mạnh. Hãy khuyên các
cụ ông, phải sống tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong Đức Tin,
Đức Mến, và đức nhẫn nại. Các cụ bà
cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè
say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành.
Như vậy họ sẽ dạy cho người vợ trẻ
biết yêu chồng, thương con, biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà,
phục tùng chồng, để Lời Thiên Chúa không bị người ta xúc phạm. Anh cũng hãy
khuyên các thanh niên, phải giữ
chừng mực trong mọi sự. Chính anh cũng làm gương về mặt đức hạnh. Khi anh giảng
dạy thì đạo lý phải tinh tuyền, thái độ phải đàng hoàng, lời lẽ phải lành mạnh,
không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng
ta được điều gì”
(Tt 2,1-8.11-14: Bài đọc năm chẵn).
Có sống được như thế, mới thực là “người công chính được Chúa cứu độ” (Tv 37/36,39a: ĐC năm chẵn).
Ai không làm tròn bổn phận chính
lại dồn hết năng lực vào việc phụ, thì thánh Augustin mỉa mai: “Bạn chạy khỏe lắm, nhưng trật đường mất rồi
!”
Với nhiệm vụ chủ chăn tối cao của
Hội Thánh Công Giáo, Đức Giáo hoàng Phaolô II đã nhắc nhở các giáo sĩ: “Một nỗi nguy hiểm thường xảy ra nơi các giáo sĩ là họ quá hăng say
trong những công việc của Chúa, mà quên
mất Chúa là Chủ công việc”.
Có một ngăn trở ít ai dám vượt qua
đó là khi hết lòng sống Lời Chúa dạy, nhiều lúc không gặp may mà lại gặp họa, bị nhiều người đối xử nghiệt ngã, có khi
phải chết một cách thê thảm, làm cho người đời chế diễu: “Tên này gặp điều vô phúc nên đã bị tiêu diệt, đó là cách Chúa trừng
phạt nó” (x Kn 3,2a.3a.4a: Bài đọc năm lẻ). Bởi vì dưới mắt người đời, họ
cho rằng: “Nếu nó là tên công chính, là Con
Thiên Chúa, hẳn là Chúa sẽ phù hộ và cứu
nó khỏi tay địch thù” (Kn 2,18).
Nhưng thực ra, trước mắt Thiên Chúa, người hết lòng sống điều Chúa dạy, “họ vẫn đang hưởng bình an, được chan chứa hy
vọng sống trường sinh bất tử” (Kn 3,2b.4b: Bài đọc năm lẻ).
Để chúng ta được thêm nghị lực
phục vụ đúng bổn phận Chúa đã trao mà lại bị chống đối, thì đừng quên chân lý
này: Ai thiết tha sống đẹp lòng Chúa,
thì càng gặp nhiều kẻ chống đối,
cuối đời chỉ thấy cô đơn! Nhưng có như thế ta mới sống được lời thánh
Phê-rô khuyên: “Nếu anh em làm việc lành mà phải khổ, và anh em đành
chịu, điều ấy là một ân sủng trước
mặt Thiên Chúa, bởi chưng Đức Kitô cũng
đã chịu nạn chịu chết vì anh em, trối lại cho anh em một gương mẫu, ngõ hầu
anh em dõi vết chân Ngài” (1Pr 2,20-21).
II. CHÚA KHÔNG ĐÒI TA PHẢI ĐẠT KẾT QUẢ TRƯỚC MẮT, MIỄN TA PHỤC
VỤ HẾT LÒNG VÌ YÊU
Đức Giêsu dạy: “Khi
các ngươi đã làm mọi điều truyền dạy cho các ngươi rồi, hãy nói: Chúng tôi là
những đầy tớ vô dụng, không biết làm gì hơn là bổn phận phải làm” (Lc
17,10: Tin Mừng).
Đức Giêsu bảo mỗi người hãy làm
tròn bổn phận, nhưng ý thức mình chỉ là đầy tớ vô dụng.
1- Vô dụng vì chỉ
làm một phần việc trong toàn bộ chương trình của Chúa. Thánh Phaolô nói: “Tôi trồng, anh tưới, Thiên Chúa làm cho mọc
lên” (1Cr 3,6). Nên có khi Chúa chỉ giao cho ta làm công tác gieo hạt, rồi
Chúa lại sai người khác làm công tác tưới bón. Ai cũng phải làm tròn bổn phận
riêng của mình, nhưng nếu Chúa không cho mọc lên, thì chẳng ai gặt được hoa
trái nào. Khi ta làm việc mà xem ra không được gì, thì hãy thưa với Chúa: “Con đã vất vả luống công phí sức mà chẳng
được gì, chính Chúa minh xét cho con, và phần thưởng của con nơi tay Ngài”
(Is 49,4). Bởi vì chỉ Chúa mới quyết định cho công việc chúng ta làm sinh hoa
kết trái. Một khi ta được làm nhờ, với, trong Chúa Giêsu (x Rm 11,36), thì công
việc ấy mới sinh ơn cứu độ và có giá trị tồn tại không ai phá hủy được (x Ga
15,5 ; 1Cr 13,3 ; Cv 5,38-39).
2- Vô dụng vì
chưa đạt hiệu quả ở đời này, nhưng không vô
dụng ở đời sau, bởi vì ơn cứu độ của chúng ta được gặt hái do công việc
mình làm trong Chúa Giêsu, thì phải đợi đến ngày cánh chung mới biết rõ kết
quả. Do đó, thánh Phaolô nói: “Ơn cứu độ đến với ta như một hy vọng, hy
vọng mà thấy được ai còn hy vọng nữa, nhưng nếu ta hy vọng điều ta không thấy, thì
ta cứ kiên vững đợi trông” (Rm 8,24-25). Niềm tin này, tác giả sách Khôn
ngoan cũng đã báo trước: “Khi đến giờ
được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy.
Họ sẽ xét xử muôn dân và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ làm Vua của họ đến
muôn đời” (Kn 3,7-8: Bài đọc năm lẻ).
Chính vì vậy mà lời cầu nguyện của chúng ta luôn luôn
hướng về tương lai: “Tôi sẽ không ngừng
chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi” (Tv 34/33,2: ĐC năm
lẻ).
III. ĐẦY TỚ NÀO CHU TOÀN
HAI ĐIỂM GIÁO LÝ TRÊN MỚI ĐƯỢC THIÊN CHÚA PHỤC VỤ TRONGNƯỚC CỦA NGÀI
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su
nhắc đến người đầy tớ đã vất vả suốt ngày dưới nắng trong công việc đồng áng,
thế mà khi về đến nhà, chủ còn bắt đầy tớ hầu hạ ông ăn uống trước đã. Dù ông
không biết ơn nó, thì nó vẫn phải làm đúng bổn phận kẻ bầy tôi: Làm ngày không
đủ tranh thủ làm đêm (x Lc 17,7-9: Tin Mừng).
Nhưng đối với Chúa, Ngài không xử
sự với đầy tớ của Ngài như thế. Cụ thể trong bữa Tiệc Ly, chính Đức Giê-su đã
đặt các môn đệ vào bàn ăn, Ngài trở nên đầy tớ tự thắt lưng qua lại hầu hạ các
ông (x Lc 12,37 ; Ga 13,4t). Bữa tiệc ly ấy là dấu chỉ tiệc Thánh Thể, để chúng
ta phải xác tín rằng: Ai chu toàn bổn phận Chúa trao, dù chưa đạt
được kết quả trước mắt, nhưng người ấy vẫn xứng đáng được dự tiệc Thánh Thể. Có
dự tiệc Thánh Thể mới bảo đảm được dự tiệc hằng sống muôn đời trong Nước Thiên
Chúa.
Hồng y Karol Wojtyla
trên đường ra phi trường qua Roma để bầu Giáo hoàng, vì Đức Gioan Phaolô I mới
qua đời. Gần tới phi trường, bỗng có một bà cụ ra chận đầu xe ngài. Đức Hồng y
ân cần hỏi:
- Tại sao cụ khóc ?
Bà cụ mếu máo trả lời
:
- Thưa cha, con chỉ có
mỗi con mèo là bạn, thế mà người bên cạnh nhà, họ bắt mất, con xin lại họ không
trả.
Ngài mời bà cụ lên xe
và bảo tài xế quay xe lại để bà dẫn ngài đến nhà người đã bắt mèo, và sau khi
ngài đòi lại được con mèo, rồi trao cho bà cụ, ngài tiếp tục ra phi trường đi
Roma để bầu vị Tân Giáo hoàng. Trong cuộc bỏ phiếu kín, ngày 18-10-1978, Chúa
đã chọn người đầy tớ hèn mọn đi bắt mèo cho bà cụ, đặt làm Giáo hoàng, người
mục tử xuất sắc chăm sóc Hội Thánh và
lãnh đạo cả thế giới.
Một Hồng y đi bắt mèo giúp bà cụ
chỉ là việc nhỏ diễn tả lòng nhân ái mà đã được Chúa cất nhắc lên địa vị cao
sang như vậy; huống chi khi bất cứ ai chu toàn nhiệm vụ chính là cầu nguyện và
giảng Lời, thì chắc chắn sẽ được cất nhắc địa vị cao cả hơn trong Nước Trời.
Người như thế mới làm ứng nghiệm Lời Đức Giêsu dạy: “Ai yêu mến Thầy thì giữ Lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha
Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy” (Ga 14,23: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
+ Tôi đã vất vả luống công phí sức mà chẳng được gì, chính
Chúa minh xét cho tôi và phần thưởng của tôi nơi tay Ngài (Is 49,4).
+ Tôi trồng anh tưới, Thiên Chúa làm cho mọc lên, trồng hay tưới chẳng là
gì, Đấng làm cho mọc lên mới đáng kể, nhưng mỗi người trồng hay tưới được lĩnh
công theo sự khó nhọc bởi công việc đã chu toàn (1Cr 3,6-8).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH