BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Kn 1,1-7
1 Hãy yêu chuộng đức
công chính, hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức
Chúa và thành tâm kiếm tìm Người. 2
Ai không thách thức Người, thì được Người cho gặp. Ai tin tưởng vào Người, sẽ
được Người tỏ mình cho thấy. 3 Những lý luận quanh co khiến con
người lìa xa Thiên Chúa. Kẻ ngu đần thử thách Đấng Quyền Năng sẽ bị Người làm
cho bẽ mặt. 4 Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào ; xác
thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ. 5 Thần khí
thánh là thầy dạy dỗ, luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những lý luận ngu dốt, và
ghê tởm những chuyện bất công. 6 Đức Khôn Ngoan là thần khí hằng yêu
mến con người, nhưng không miễn thứ cho kẻ nói lời phạm thượng. Bởi vì Thiên
Chúa thấu suốt tâm can, dò xét lòng dạ đến nơi đến chốn và nghe thấy mọi lời
miệng lưỡi thốt ra. 7 Thần khí của Đức Chúa ngập tràn cõi đất, bảo
toàn mối hiệp nhất giữa muôn vật muôn loài, thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng.
ĐÁP CA: Tv 138
Đ. Lạy Chúa,
xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (c
24b)
1 Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài
biết rõ, 2 biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài
thấu suốt từ xa, 3 đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo
đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
4 Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết. 5 Ngài bao bọc con cả sau lẫn
trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. 6 Kỳ diệu thay, tri thức
siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!
7 Đi mãi đâu cho thoát thần trí
Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
8 Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp
thấy Ngài.
9 Dù chắp cánh bay từ phía hừng
đông xuất hiện, đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, 10 tại đó
cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.
BÀI GIẢNG
AI KHÁT
CHÚA SẼ GẶP ĐƯỢC NGÀI
Triết gia Kierkegaard nói: “Thiên Chúa chúc phúc cho con người không phải chỉ khi nào nó gặp được
Ngài, nhưng Thiên Chúa chúc phúc ngay lúc nó cất bước đi tìm Ngài”.
Tác giả Sách Khôn ngoan nói về người tìm kiếm Thiên Chúa: “Chúa chỉ đến cứu người đức nghĩa, đó là người:
Có ý niệm ngay lành về Chúa ; đơn thành tìm Chúa mà không thách thức Ngài ; lấy
Lời Chúa làm Thầy ; thấy gian giảo thì trốn chạy ; gặp suy nghĩ ngu đần thì vội
bỏ đi ; sống nhân ái ; kẻ lộng ngôn để Chúa xử”. (Bài đọc: Kn 1, 1-7: năm
lẻ)
Ngừơi sống đức nghĩa được Chúa
Giêsu dẫn dắt tâm tư lời nói hành động của họ. Để :
-
Họ
không gây cớ vấp phạm cho ai.
-
Biết
sám hối để lãnh nhận ơn giao hòa bởi Bí tích Chúa lập.
-
Biết
cùng với Hội Thánh cầu nguyện cho các tội nhân.
I/ NGƯỜI TÌM KIẾM
CHÚA KHÔNG GÂY CỚ VẤP PHẠM CHO AI
Dù Đức Giêsu đã cho biết: “Cớ
vấp phạm không thể không xảy ra” (Lc 17,1 a: Tin Mừng). Có hai
cớ vấp phạm phải xảy ra :
1- Vì ai được Chúa Giêsu, người ấy phải đặt
giáo lý Ngài trên mọi giá trị trần thế:
Giáo lý Đức Giêsu dạy: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình
cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem
sự chia rẽ.Vì từ nay, năm người trong cùng
một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.” (Lc
12,51-52). Nghĩa là ai muốn được bình
an đích thực, phải chọn Chúa, chọn chân lý hơn mọi giá trị trần thế, hơn cả
tình cảm chân chính, như “đạo thờ ông bà”. Do đó phải chấp nhận sự chia rẽ, bất
hoà ngay trong gia đình. Bởi vì loài ngừơi phải cần Con Một Thiên Chúa
(Ngôi II) vào đời (nhập thể) để thiết lập Hội Thánh (Nước Trời lữ hành) tiến về
ngày cánh chung, ai gia nhập mới được Thiên Chúa cứu độ. Nhưng khi Chúa Cha
trao ban Con Một Ngài để thực hiện chương trình ấy, thì có người tin, có kẻ
chống đối. Đó là lý do mà ông Simêon nói tiên tri về Hài Nhi, khi được cha mẹ
dâng Ngài vào Đền thờ: “Ngài có mệnh làm
cớ cho nhiều người bổ nhào và trỗi dậy trong dân Israel và làm dấu gợi lên chống đối”
(Lc 2,34). Thế nên thánh Phaolô nhắc lại lời ngôn sứ Isaia tiên báo về thời đại
Con Thiên Chúa làm người :“Ta đã đặt ở Sion viên đá vấp phạm, đá tảng chứơng
ngại, nhưng ai tin vào Ngài sẽ không phải hổ thẹn” (Rm 9,33). Ông còn nói: “Tôi giảng Đức
Kitô chịu đóng đinh, là cớ vấp phạm cho người Do Thái, là sự điên rồ đối với
dân ngoại” (1 Cr 1,23). Nhưng ai điên vì Thiên Chúa mới là người có phúc,
Đức Giêsu nói: “Phúc cho người không vấp ngã vì Ta” (Lc 7, 23).
2- Vì Chúa để cho loài người có tự do chọn lựa
:
Người ta chỉ cảm thấy hạnh phúc
khi có tự do chọn lựa. Cô cậu nào lập gia đình mà bị cữơng ép, thì họ không thể
sống hạnh phúc được. Chính vì Chúa muốn cho con người có hạnh phúc nên Ngài cho
họ có tự do, thế nên người ta có quyền chọn Chúa hay chối Ngài!
Ông Voltaire tin tửơng
vào thuyết vô thần, nên ông nhạo báng người Công Giáo bằng truyện ông dệt nên :
Jupiter là thần tối
cao trong vũ trụ, lần kia Jupiter gọi anh Oresto đến nhắc nhở :
- Này Oresto, ngươi có
biết ta là ai không?
Oresto cười chế nhạo
và nói:
- Ông muốn nói ông là
Chúa của tôi chứ gì? Tôi nói cho ông biết, ông là Chúa của ai mặc ông, nhưng tôi
cấm ông không được nhận là Chúa của tôi.
Jupiter đập bàn thịnh
nộ quát :
- Đồ khốn kiếp, ta
không dựng nên mày, thì ai đã dựng nên mày ?
Oresto nghiêm sắc mặt,
chỉ thẳng vào mặt Jupiter và nói :
- Ừ, thì tôi cứ tạm
nhận ông là Chúa của tôi, nhưng ông qúa ngu đần, khi dựng nên tôi, ông để cho
tôi có tự do, nên tôi có quyền phủ nhận ông, tôi không thể gọi kẻ ngu đần là
Chúa của tôi được!
Vậy kẻ nào gây cớ vấp phạm như ông Voltaire, chắc chắn bị Đức Giêsu lên
án: “Buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô
xuống biển” (Lc 17,2a).
Bởi thế giáo huấn Công Đồng Vat II
trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng số 17 dạy: “Tự do của con người vì tội
lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực, mới có thể thực hiện việc
hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn sống động”. Vì ai cũng phải cần ơn Chúa trợ lực, nên thánh Phaolô nhắc cho
giới lãnh đạo đừng lạm dụng quyền tự do mà gây cớ vấp phạm: “Kỳ mục phải là người không ai chê trách
được, chỉ có một đời vợ, con cái cũng tin đạo và không mang tiếng là sống phóng
đãng hay bất phục tùng. Kỳ mục không được nóng tính, không nghiện rượu, không
hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn ; trái lại phải hiếu khách và yêu
chuộng điều thiện,chừng mực, công chính, thánh thiện, tự chủ. Có như vậy mới hy
vọng được sự sống đời đời” (Tt 1, 1-9: BĐ năm chẵn).
II.
BIẾT SÁM HỐI ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN GIAO HOÀ BỞI BÍ TÍCH CHÚA
LẬP
Đức
Giêsu nói: “Khốn cho kẻ làm cớ cho
người ta vấp ngã, thà nó bị khoanh cối đá vào cổ và xô xuống biển, còn hơn là
nó nên cớ vấp phạm cho kẻ bé nhỏ” (Lc 17,1b-2: Tin Mừng).
- “Biển”: Quan niệm ngừơi Do Thái
là sào huyệt của quỷ thần, vì thế thánh Gioan nói: đến ngày cánh chung, “biển không còn nữa” (Kh 21,1), tức là
vào ngày cánh chung không còn quỷ thần nào quấy nhiễu con người được!
- “Kẻ bé nhỏ”: Người đã thuộc về
Hội Thánh, thuộc về Chúa Kitô (x Mt 18,3 ; 1Ga 2,1.12.14.18.28 ).
Vậy kẻ gây cớ vấp phạm cho người
đã thuộc về Chúa Kitô, thì nó là tay sai của satan, muốn làm vô hiệu hóa công
cuộc cứu chuộc loài người của Thiên Chúa, nó được quỷ trả ơn bằng thớt cối đá
tròng vào cổ, chung cuộc đời nó là ở đáy “biển” (ở với satan)!
Khi ta không biết tha thứ cho kẻ
xúc phạm đến mình, cũng là gây cớ vấp ngã cho đồng loại. Vì thế Đức Giêsu đòi
ta: “Nếu người anh em của anh xúc phạm
đến anh, thì hãy khiển trách nó ; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc
phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: "Tôi
hối hận", thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lc 17,3-4: Tin Mừng). Ai
không tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, nó là dòng giống Cain, vì ghen tỵ với
Abel, em ông, đã được Chúa nhận của lễ là con chiên, nên đã giết em, lại còn
đòi báo thù bảy lần đối với ai xúc phạm đến ông (x St 4,15). Mà Cain thuộc dòng
giống Adam, Evà phải chết vì bất tuân Lời Chúa ! (x St 3,19) Còn ai đã được
lãnh Bí tích Thánh Tẩy, thì được Chúa tha thứ hết mọi tội xúc phạm đến Ngài
cũng như đồng loại, để được tháp vào Chúa Giêsu là Adam cuối cùng, thì ta cũng
phải tìm cách giúp kẻ có tội biết sám hối, để được lãnh nhận Bí tích Khai Tâm,
trở nên một với Chúa Giêsu: “Đây chính là
dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Chúa” (Tv 24/23,6: ĐC năm chẵn) ; để
thêm người cất lời cầu: “Lạy Chúa, Ngài
dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì,
Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con
đi, Ngài quen thuộc cả. Lạy Chúa, xin
dẫn con theo chính lộ ngàn đời.” (Tv 139/138, 1-3.24b: ĐC năm lẻ).
Truyện kể
:
Một người đi ăn xin
đến gõ cửa nhà ông trọc phú, không may vào lúc ông vừa mới thua canh bạc trở
về, ông nhổ một bãi bọt vào mặt người xin. Người ăn xin quá tức giận luôn thủ
sẵn cục đá trong bị chờ thời cơ trả thù. Qua thời gian dài mà ông chưa tìm được
cơ hội thuận tiện.Nhưng khi ông ngộ ra mình dại nên quẳng cục đá đi, bỏ ý định
trả thù, từ bấy giờ tâm hồn trở nên thanh thản. Thánh Clêmentê khi đi xin của
bố thí về nuôi kẻ mồ côi, cũng gặp cảnh huống này. Nhưng thánh nhân bình tĩnh
rút khăn lau bãi bọt trên mặt và nhẹ nhàng nói: “Thưa ngài đây là phần quà ngài
mới tặng tôi, còn phần của những đứa trẻ mồ côi thì Ngài chưa cho”. Người giàu
quá xấu hổ, hôm đó ông đã gởi tặng thánh nhân một số tiền, mà Clê-men-tê chưa
thấy ai cho nhiều như vậy!
III.
BIẾT CÙNG VỚI HỘI THÁNH CẦU NGUYỆN CHO CÁC TỘI NHÂN.
Chúa
Giê-su dạy: “Nếu ngươi có Đức Tin bằng
hạt cải, có thể truyền khiến cây dâu bứng rễ xuống biển mọc” (Lc 17,6: Tin Mừng).
“Đức Tin
bằng hạt cải” chính là nhờ vào Đức Tin của Hội Thánh, vì Hội
Thánh Chúa được ví như hạt cải khi mọc lên thành cây lớn, làm nơi nương náu cho
muôn thú (x Mt 13, 31-32). Thế nên mỗi khi dự Lễ ta được cùng với Hội Thánh cất
lời cầu: “Xin Chúa đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến Đức Tin của
Hội Thánh Chúa, xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất
theo thánh ý Chúa”.
Mà thực, mỗi Thánh Lễ, nhờ Đức Tin
của Hội Thánh, tội lỗi của các hối nhân bị “quăng
tùm xuống biển” (trả tội về cho quỷ) điều ấy lạ lùng và cần thiết hơn là
truyền cây dâu bứng gốc xuống biển mọc!
Nhưng Chúa dò
xét dòng dạ mọi người đến nơi đến chốn, thì Ngài không miễn thứ: “Cho kẻ
phạm thượng, lý luận quanh co, khiến con người lìa xa Thiên Chúa. Do đó kẻ ngu
đần Chúa làm cho bẽ mặt, tâm hồn gian ác
Thiên Chúa chẳng ngự vào, xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Thiên Chúa chẳng cư
ngụ. Còn ai đến với Chúa, họ được Thần Khí thánh dạy dỗ luôn tránh thói lọc
lừa, lìa xa những lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công” (Kn 1,1-7: Bài
đọc năm lẻ).
Ông Khomenei, Giáo chủ
Hồi Giáo, chỉ tin Đức Kitô là ngôn sứ, ông không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, là
Adam cuối cùng đến dạy loài người sống nhân ái, tha thứ cho kẻ xúc phạm đến
mình, nên ông đã không lãnh nhận Bí tích Khai Tâm, thì ông vẫn thuộc con cháu
Adam, Evà, giống như Ca-in và Lamek đòi báo thù 7 lần chưa vừa ý, nên đòi báo
thù 70x7! (x St 4,15.24). Vì thế mà ông
Khomenei treo giải thưởng 5 triệu USD cho ai giết được Salman Rushdie, bị cáo
buộc đã xúc phạm đến Hồi Giáo!
Trái lại, đức Gioan
Phaolô II bị tên Ali Agca bắn ba viên đạn vào tim ngày 13/5/1981, nhưng khi
ngài đựơc phục hồi sức khoẻ, ngài đã đem qùa đến thăm hung thủ, vì đức Giáo
hoàng Gioan Phaolô II đã được tái sinh bởi A-đam cuối cùng là Chúa Giêsu Phục
Sinh, chỉ biết lấy lành báo ác, nên được đồng danh với Chúa Giêsu là “Con Đấng
Tối Cao” (x Lc 1,32=Lc 6,35).
Vậy sống Đạo như thánh Clêmentê,
như Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II mới là mẫu người thực thi lời thánh Tông
Đồ khuyên: “Giữa thế gian, anh em phải
chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống”
(Pl 2,15d.16a: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
▪
Hiến Chế Vui Mừng và Hy
Vọng số 17 dạy: “Tự do của con người vì tội lỗi làm tổn thương, nên chỉ nhờ ơn Chúa trợ
lực, mới có thể thực hiện việc
hướng về Thiên Chúa cách hoàn toàn
sống động”.
▪
Lời Chúa là thầy dạy
dỗ luôn tránh thói lọc lừa, rời xa những
lý luận ngu dốt, và ghê tởm những chuyện bất công (Kn 1,5).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH