BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I: Kh 7, 2-4.9-14
2 Tôi là Gioan, tôi lại
thấy một thiên thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời
mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được
quyền phá hại đất liền và biển cả,3 rằng: "Xin đừng phá hại đất
liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của
Thiên Chúa chúng ta".4 Rồi tôi nghe nói đến con số những người
được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc
con cái Ít-ra-en.
9 Sau đó, tôi thấy:
kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc,
mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo
trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.10 Họ lớn tiếng tung hô:
"Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu
độ chúng ta."11 Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh
ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục
trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô12 rằng:"A-men! Xin
kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời
tạ ơn,danh dự, uy quyền và sức mạnh,đến muôn thuở muôn đời! A-men! "
13 Một trong các Kỳ Mục lên tiếng
hỏi tôi: "Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến? "14
Tôi trả lời: "Thưa Ngài, Ngài biết đó." Vị ấy bảo tôi: "Họ là
những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và
tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên”.
ĐÁP CA: Tv 23
Đ. Lạy Chúa,
đây chính là dòng dõi
những kẻ tìm kiếm thánh nhan Ngài. (x c 6)
1 CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn
vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. 2 Nền trái đất,
Người dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
3 Ai được lên núi CHÚA? Ai được ở
trong đền thánh của Người? 4ab Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng.
5 Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc
lành,được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng. 6 Đây chính là
dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
BÀI ĐỌC II: 1 Ga 3,1-3
1 Anh em thân mến,
anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào:Người yêu đến nỗi cho chúng ta
được gọi là con Thiên Chúa -mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế
gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người. 2
Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa;nhưng chúng ta sẽ như thế
nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện,chúng
ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
3 Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô
thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch.
BÀI GIẢNG
MỪNG
KÍNH CÁC THÁNH
Gần đến cuối năm Phụng Vụ, Giáo
Hội mừng kính Các Thánh với hàm ý: những ai suốt năm đã được Phụng Vụ nuôi
dưỡng, họ sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu hơn lòng mong ước. Họ được danh là
Thánh.
-
Thánh
là gì?
-
Lương
thực Các Thánh dùng ?
-
Sinh
hoạt Các Thánh nhằm mục đích nào?
-
Lý
do nào được làm thánh .
-
Các Thánh
gồm những thành phần nào?
I. THÁNH LÀ GÌ?
Ta phân biệt :
-
Đối với Thiên Chúa: Ngài là Đấng Rất Thánh, thiên thần
Sêraphim tung hô Ngài trong Đền Thờ: “Thánh,
Thánh, Thánh” (x Is 6,3). Có nghĩa Ngài là Đấng siêu phàm, tuyệt hảo, hoàn
toàn khác biệt với mọi loài thụ tạo. Sự tốt đẹp nơi loài thụ tạo là do Thiên
Chúa thông ban.
-
Đối với loài người: Ai được gọi là thánh, người ấy
đã được Chúa lấy từ trong thế gian để họ hoàn toàn thuộc về Ngài, chứ không còn
thuộc về thế gian (x Ga 17,6.14). Họ được dành riêng cho Thiên Chúa sử dụng làm
những việc Ngài muốn. Với nghĩa này thánh Phaolô gọi các Kitô hữu là các thánh
(x 1 Cr 1,2 ; 2 Cr 1,1b ; Ep 1,1b ; Pl 1,1b ; Cl 1,2).
II. LƯƠNG THỰC CÁC
THÁNH DÙNG?
Trong mỗi loài có sự sống đều có
lương thực riêng, thì Các Thánh cũng có của ăn khác với mọi động vật :
1- Sống bởi lòng sám hối tội lỗi vì
tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa Cứu Độ (x Rm 1,17 ; Lc 18,13t ; Lc 23,43
; Ep 2,4-5).
2- Sống bởi con tim biết nghe Lời
Chúa và đem ra thực hành (x Mt 4,4 ; Ga 4,34).
3- Sống bởi kết hợp với Chúa Giêsu
Thánh Thể (x Ga 6, 35-57).
4- Sống bởi biết chia sẻ cho đồng
loại vươn lên (x Mt 25,31-46 ; Tb 4,10-11).
5- Sống bởi đủ của dùng mỗi ngày,
không thừa không thiếu (x Cn 30,8-9).
III. SINH HOẠT CÁC
THÁNH NHẰM MỤC ĐÍCH NÀO?
Mọi sinh hoạt của Các Thánh nói
cách chung là “dù ăn dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để
tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Nhưng để thể hiện lòng mến cao nhất đối với
Chúa và đồng loại là hãy sống Lời Chúa
và tích cực loan báo Tin Mừng, mới làm vinh danh Chúa nhất. Đan cử như thánh
Phaolô :
-
Khi
còn sống ở trên đời là nhằm hoạt động cho Tin Mừng, như lời thánh Phaolô nói: “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là
một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả
(trong việc rao giảng Tin Mừng), thì tôi không biết phải chọn đàng nào.”
(Pl 1,21-22: Bản dịch NTT). Có thế mối lợi sau khi chết là được về Thiên Đàng
nghe Lời khôn tả (x 2 Cr 12,4).
-
Đã
được sống trong Chúa khi nhắm mắt lìa đời, không phải là bị tận diệt, nhưng là
được thuộc trọn về Chúa, để tiếp tục phục vụ, như Lời Thánh Kinh nói: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống,để
loan báo những công việc CHÚA làm.” (Tv 118/117,17).
Chính Đức Hồng y Phanxicô Xavie
Nguyễn Văn Thuận, suốt 13 năm trong ngục tù xem ra ngài không còn điều kiện để
loan báo Tin Mừng. Nhưng trong thời gian đó Ngài đã làm cho rất nhiều cán bộ
gần gủi ngài bị cảm hóa. Lúc đầu Trung ương Đảng cho một số cán bộ canh gác
ngài, thì cả nhóm ấy bị nhiễm “mê tín Công Giáo”, thấy thế Thủ trưởng rút nhóm
đó về chỉ cho một anh đến và thay phiên nhau, mỗi tuần một người. Nhưng anh nào
đến cũng bị “hủ hóa”. Cấp trên không còn cách nào khác, thì không cho thay luân
phiên người gác, thà rằng mất một!
Nay Hội Thánh mở Án phong thánh
cho Đức Hồng y Thuận, chắc chắn những anh cán bộ bị ngài “đầu độc Công Giáo” sẽ
nói về Chúa thay cho ngài nhiều hơn và rất sống động. Rõ ràng Hồng y Phanxico
Thuận không chết mà vẫn sống loan báo Tin Mừng.
IV. NHỮNG ĐỘNG LỰC ĐƯA ĐẨY TA LÊN THIÊN ĐÀNG ?
Có ba động lực :
1- Quan trọng nhất và đứng hàng
đầu là ta nhờ tình thương và công nghiệp của Chúa Giêsu,
khởi đi từ lúc ta nhận ấn tích của Bí
tích Thánh Tẩy. Thánh Gioan được thị kiến: “Tôi
thấy một thiên thần mang ấn của Thiên
Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn
thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả, rằng “xin
đừng phá hoại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên
Chúa chúng ta” (Kh 7,2-3: Bài đọc I). “Phía
mặt trời mọc” chính là Chúa Giêsu (x
Lc 1,78). “Họ là những người được giặt và
tẩy áo mình trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14b: Bài đọc I), tức là được thanh
tẩy bởi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
2- Được hưởng nhờ công đức của Các Thánh, gọi đó
là Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công. Cũng trong thị kiến ông Gioan nói: “Tất cả các thiên thần đều đứng chung quang
ngai, chung quanh các kỳ mục và bốn sinh vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục
trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự
khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh đến muôn thuở muôn đời.
Amen”(Kh 7,11-12: Bài đọc I).
Thánh Irênê nói: “Vinh quang của Thiên Chúa là cộng lại những
người được Chúa Kitô cứu độ”. Những
người này được các thiên thần phù hộ, các kỳ mục là những chủ chăn trong Hội
Thánh giúp đỡ, dựa vào bốn Tin Mừng qua hình ảnh bốn con vật ông Gioan nhìn
thấy. Con vật thứ nhất hình người có cánh: đó là Tin Mừng Matthêu ; con vật thứ
hai là hình sư tử có cánh: đó là Tin Mừng Marco ; con vật thứ ba là hình con bò
có cánh: đó là Tin Mừng Luca ; con vật thứ tư là chim phượng hoàng: đó là Tin
Mừng Gioan.
3- Cuối cùng là công đức của mỗi
người. Trong thị kiến thánh Gioan nói: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao” (Kh
7,14a: Bài đọc I). Có khi phải mất mạng vì Tin Mừng như Các Thánh Tử Đạo.
Vì thế lễ Các Thánh được đặt trước
lễ Các Linh Hồn có ý nhấn mạnh: ta được làm thánh là nhờ ơn cứu độ nhưng không bởi
công nghiệp của Con Một Ngài ; còn lễ cầu
cho Các Linh Hồn đặt sau lễ Các Thánh có ý nhấn mạnh :ta được cứu độ còn là nhờ
sự hiệp thông với mọi thành phần trong Hội Thánh. Bởi vì “Chúa không cứu con người cách riêng rẽ thiếu liên kết” (HCHT số 9).
V. CÁC THÁNH GỒM NHỮNG THÀNH PHẦN NÀO?
Các Thánh trong Nước Thiên Chúa
gồm bốn thành phần :
1- Hồn xác Mẹ Maria và hồn
những người công chính ở trên trời.
2- Các linh hồn của những
người đã chết trong Chúa đang được thanh luyện.
3- Những người Công Giáo
sống Đức Ái (x HCHT số 14).
4- Những người sống lành
theo lương tâm, vì vô tình không biết Tin Mừng Chúa Kitô và Hội Thánh (x HCHT
số 16).
Những thành phần Các Thánh trên
đây đông vô số kể, họ là một cộng đoàn dân Chúa chọn từ dân Israel. Israel
cũ do 12 chi tộc của ông Giacob là hình bóng Israel mới, do 12 môn đệ của Đức
Giê-su. Đúng như trong thị kiến thánh Gioan nói: “Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: 144 ngàn người được
đóng ấn, mọi chi tộc con cái Israel”
(Kh 7,4: Bài đọc I). Số 144 là bình phương của số 12 ; số ngàn là thời đại
Thiên Chúa thi ân (x Xh 20,6 ; Gr 32,18 ; Tv 90,4 ; Tv 84,11).
Các vị này trong thời cánh chung
hồn xác được sống lại vinh hiển như Thiên Chúa, đúng như lời thánh Gioan nói: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con
Thiên Chúa ; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta
biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện,chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2: Bài đọc II). Vì các vị này
đã sống tám mối Phúc, được Chúa Giêsu chúc lành.
-
Mối phúc I : Sống tinh thần nghèo khó (Mt 5,3). Bản chất cái nghèo là
một sự dữ. Nhưng nghèo được Chúa chúc phúc, là người sống giống Chúa Giêsu: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý
trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở
nên giàu có” (2 Cr 8,9). Người sống tinh thần nghèo như Chúa Giê-su vì đã
chọn Chúa làm gia nghiệp (x Tv 16/15,5).
-
Mối phúc II: Người sống hiền lành (Mt 5,4) phải là sống giống Chúa
Giêsu khi bị treo trên thập giá, Ngài hiền đến nỗi đã xin Chúa Cha tha tội cho
kẻ giết Ngài (x Lc 23,34). Phó tế Stêphanô đã nên giống Chúa Giê-su, khi bị ném
đá, ông đã cầu nguyện cho kẻ hại ông với nội dung giống hệt lời cầu của Chúa
Giêsu (x Cv 7,60). Bởi thế ai làm ơn cho kẻ hại mình, người đó được đồng danh
với Chúa Giê-su, vì cùng là Con Đấng Tối Cao (x Lc 1,32 = Lc 6,35).
-
Mối phúc III: Người sống ưu phiền (Mt 5,5), ưu phiền vì tội đã
phạm, chỉ trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, hầu được theo Ngài như tên
trộm lành trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (x Lc 23,43).
-
Mối phúc IV: Người khao khát sự công chính (Mt 5,6) là người phải sống giống
như ông Simon và bà Anna, đêm ngày hằng mong đợi Đấng Cứu Thế, nên được Thánh Thần thúc đẩy đến Đền Thờ, và họ đã
được phúc ôm lấy Đấng mà họ mong chờ. Niềm vui này làm cho ông Simeon phải thốt
lên: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi
bình an” (x Lc 2, 25-38).
-
Mối phúc V: Người
biết thương xót
(Mt 5,7). Đức Giêsu muốn ta bắt chước người Samari nhân hậu thương xót kẻ bị
cướp đánh để nửa sống nửa chết vất bỏ dọc đường, là hình bóng người bị sa vào
tay satan, phải đưa họ vào Hội Thánh là Quán Trọ của Thiên Chúa để được chăm
sóc chu đáo (x Lc 10,29-37).
-
Mối phúc VI: Người có lòng trong sạch (Mt 5,8). Đức Giêsu đã gọi họ như
những cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn cháy sáng trong tay, đi đón chàng rể vào
dự tiệc cưới (x Mt 25,1-13). Trinh nữ ở đây có nghĩa là người đã biết Giáo Lý
của Chúa, thì chỉ tôn thờ Ngài là Chúa duy nhất, không tin thờ vào ngẫu tượng
nào, cả con người của họ để Chúa sử dụng. Vậy mỗi người Công Giáo hãy nhớ giữ tâm
hồn thanh sạch ngay thẳng, nhất là từ lúc lãnh Bí tích Thánh Tẩy, để khỏi bị
Chúa phiền trách: “Ta oán trách ngươi
điều này: ngươi đã bỏ lơ lòng mến thuở ban đầu. Ngươi hãy lo nhớ lại, ngươi đã
sa đọa từ đâu, và hãy hối cải mà làm các việc thuở ban đầu” (Kh 2,4-5a)
-
Mối phúc VII: Người biết tác tạo hòa bình (Mt 5,9),chính là người ngăn cản
không để cho sự bất công, gian ác tồn tại. Đan cử như ông Nicôdemô ngăn cản các
đầu mục Do Thái không được kết án Đức Giêsu khi chưa nghe Ngài nói (x Ga
7,50-51) ; hoặc như ông Gamaliel lên tiếng cản các kỳ mục Do Thái không được
hành hạ các môn đệ của Đức Giê-su, vì biết đâu các môn đệ đang làm việc của
Thiên Chúa, kẻ nào chống sẽ vô ích lại còn mang họa (x Cv 5,34t).
-
Mối phúc VIII: Người bị bắt bớ sỉ nhục, bị nói xấu đủ
điều vì Tin Mừng
(Mt 5,10-11). Đan cử như các thánh Tử Đạo. Cha Don Bosco bị Đức Tổng Giám mục
Ricacardi cấm làm Lễ và Giải Tội ; thánh nữ đầu tiên của Nước Úc là Maria
Mackillop bị rút Phép Thông Công năm 1871.
Tất cả những người trên đây “hãy vui sướng hân hoan, vì phần thưởng thật
lớn lao ở trên trời” (Mt 5,12: Tin Mừng). Vì đã được Chúa Giêsu nâng đỡ như
Ngài nói: “Tất cả những ai đang vất vả
mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt
11,28: Tung Hô Tin Mừng). Đấy “chính là
dòng dõi những kẻ tìm kiếm thánh nhan Người” (Tv 24/23,6: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Thánh Augustin nói: Ông kia bà nọ nên thánh,
sao tôi lại không?
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH