BÀI GIẢNG
KHIÊM
NHƯỜNG
CHIẾC THANG LEO LÊN DANH VỌNG!
Để hiểu được nhân đức khiêm nhường đúng ý Chúa, ta phải
dựa vào tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly (x Ga 13) ; tâm tình
tạ ơn Chúa của Đức Maria (x Lc 1,46-55) và lòng sám hối tội xin Chúa thương xót
của người thu thuế (x Lc 18,13t). Từ đó ta xác tín rằng: khiêm nhường là nhận biết mình chỉ là số 0
trước mặt Chúa, như Mẹ Maria xác nhận mình chỉ là tôi tớ Chúa. mà thân phận đầy
tớ thì phải tuyệt đối vâng lời chủ. Nhất là còn phải biết mình đang mang đầy
tội lỗi, không xứng đáng được gọi là đầy tớ của Chúa nữa, chỉ trông cậy vào
lòng Chúa thương xót, và nếu nhận biết mình có điều gì tốt hơn người khác, thì
đó là ơn Chúa ban để phục vụ theo gương Chúa Giêsu. Nói tóm lại: Khiêm nhường là nhận sự thật về mình đang
có, và tạ ơn Chúa về những điều tốt lành Ngài đã ban để phục vụ đồng loại đúng
ý Chúa.
Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay dạy ta chỉ cần đi ba bước
là đạt đức khiêm nhường mới có danh vọng thật.
-
Hãy
lo luyện tài, tích đức cho mình.
-
Phải
phục vụ như Chúa Giêsu.
-
Phải
phục vụ đúng chức năng Chúa Thánh Thần đã phân định.
1- HÃY LO LUYỆN TÀI, TÍCH ĐỨC CHO MÌNH
Chúa Giêsu dạy: “Khi dự tiệc,
chớ leo lên chỗ nhất, kẻo bị chủ bảo đi xuống chỗ cuối để nhường chỗ cho khách
đựơc chủ mời lên, bấy giờ ngươi phải xấu hổ!” (Lc 14, 8: Tin Mừng).
Tâm lý người đời, ai cũng mong
mình được người khác tôn trọng, kính nể, nhất là lúc có mặt trong bữa tiệc, lại
càng muốn chủ tiệc giới thiệu với khách về địa vị thân thế của mình, và được
mời lên ngồi nơi bàn danh dự. Nhưng Chúa Giêsu thì lại muốn mọi người: Đừng lo
người khác không biết đến tài đức của mình, một hãy lo cho mình có tài có đức
thật. Vì Ngài đã dạy: “Không ai thắp đèn để đặt dưới gầm giường, hay
lấy thùng úp lại ; nhưng, đèn sáng phải được đặt trên giá cao để soi sáng cho
mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các ngươi phải chói lọi trước mặt
người đời, ngõ hầu họ thấy việc lành của các ngươi mà tôn vinh Cha các ngươi,
Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14-16). Bởi thế Lời Thánh Kinh dạy: “Hãy để kẻ khác khen con, chớ không phải
miệng con, một người xa lạ, chớ không phải môi con” (Cn 27,2).
Truyện kể rằng:
Một tu sĩ kia vốn
được nhiều người kính nể, lại bị cô gái cuồng dâm tìm mọi cách chiếm đoạt! Sau
khi cô đã dùng mọi mưu kế nhưng đều thất bại, thì cô lại đi cặp bồ với một anh
chàng đã có gia đình. Hậu quả cô mang bầu, cô sợ bị tạt acid nếu vợ chàng biết,
nên cô gán cái bầu đang mang cho tu sĩ để trả thù! Thế là cả làng kéo nhau đến
rủa, nhưng tu sĩ ấy chỉ trả lời: “Thế hả!”
Người ta định lôi tu
sĩ ấy ra tòa để lột áo dòng, thì anh chàng tác giả cái bào thai của cô gái bị
lương tâm cắn rứt, chàng biết tu sĩ ấy rất thánh thiện, đầy nhân đức, không
muốn thầy bị vu oan, nên anh đã thú nhận với vợ và mọi người: “Chính tôi là thủ
phạm vụ việc này”. Thế là những kẻ đã từng sỉ nhục tu sĩ đều phải đấm ngực hối
hận và thốt lên: “À ra thế!” Họ lại kéo nhau đến xin lỗi tu sĩ, thầy cũng chỉ
trả lời: “Thế hả !” Cách cư xử của tu sĩ này thật đúng với lời thánh Augustin
nói: “Ở đâu có khiêm nhường, ở đó có bác ái”.
2- PHẢI PHỤC VỤ NHƯ CHÚA GIÊSU
Chúa Giêsu dạy: “Khi dự tiệc
cưới, hãy chọn chỗ cuối” (Lc 14,10a: Tin Mừng). Ta hãy nhìn Chúa Giêsu đã
diễn tả lời giáo huấn trên trong bữa tiệc ly: Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà
không giành cho đựơc chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, Ngài đã tự hạ mình ra
không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, tự thắt lưng lấy nước rửa chân cho các
môn đệ – đây là việc làm của kẻ nô lệ, và của dân ngoại – thế mà Đức Giêsu vừa
là Chúa vừa là Thầy, là người Do Thái, lại trở nên người hèn hạ nhất trong bữa
tiệc. Hơn thế nữa, Ngài đã bằng lòng phục vụ theo lệnh Chúa Cha cho đến chết cách
nghiệt ngã trên thập giá. Nhưng chỉ sau ba ngày, Ngài sống lại và được Chúa Cha
tôn vinh, khiến cho mọi đầu gối quỳ phải bái thờ, và mọi miệng lưỡi đều tuyên
xưng: “Giêsu Kitô là Chúa” (x Pl 2, 6-11). Vậy càng làm lớn, càng
phải hạ mình xuống phục vụ để tỏ lòng yêu thương đồng loại, như thánh Phêrô đã
khuyên các mục tử trong Hội Thánh: “Đừng
lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy
nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pr 5,3). Nhất là phục vụ nhằm hướng lòng
người anh em về Thiên Chúa, muốn gia nhập Hội Thánh, khao khát được tham dự
Thánh Lễ, như Chúa Giêsu khi Ngài rửa chân cho các môn đệ, Ngài hướng họ về
tiệc Thánh Thể mà Ngài sắp dọn cho các ông, để rồi nhờ dự tiệc của Ngài, các
ông biết phục vụ đồng loại như Thầy đã rửa chân nêu gương cho. (x Ga 13,12-17).
Noi gương phục vụ của Chúa Giêsu không phải là dễ, nên Ngài nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học
với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29ab: Tung Hô Tin
Mừng).
Tác giả sách Huấn ca nói: “Ở địa vị càng cao sang, con càng phải hạ
mình xuống, để làm đẹp lòng Chúa, vì quyền năng Chúa thì lớn lao, Người được
tôn vinh nơi những kẻ khiêm nhường” (Hc 3,18-20)
Thánh Giacôbê nói: “Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ
khiêm nhường” (Gc 4,6).
Vào năm 1912, người
ta hạ thủy con tàu Titanic, được xem là lớn nhất vào thời ấy: có trọng tải
60.000 tấn, dài 270m. Các kỹ sư tính toán rất kỹ, không để một sai sót nào, dù
có gặp phong ba bão tố cũng không cản trở cuộc hành trình. Vì thế họ đã đề hàng
chữ bên hông tàu rằng: “Cả đến Thiên Chúa
cũng không nhận chìm được !”
Con tàu nhổ neo đi
từ Luân Đôn đến Nữu Ước, vào đêm 14-04-1912, lúc trời yên biển lặng, trong khi
mọi người đang ăn uống, vui chơi thỏa thích. Thình lình con tàu bị va chạm mạnh
vào một tảng băng ngầm xẻ đôi con tầu, cắt đứt hàng chữ “kiêu ngạo” bên hông,
và con tàu từ từ chìm xuống đáy đại dương, chôn sống 1.513 hành khách !!
Ôi bao nhiêu chất
xám của rất nhiều kỹ sư nổi tiếng đổ vào con tầu khổng lồ, tối tân chưa từng có
cũng chìm lỉm dưới lòng đại dương! Rõ ràng con tàu vĩ đại ấy chưa gặp một trận
cuồng phong nào mà đã bị xé đôi như thế !?
Thua xa tầu của ông Noe làm theo
Lời Chúa chỉ dẫn, ông chỉ là “tay ngang” đóng tầu, con tầu thiếu cả bánh lái
thế mà ông Noe đã điều khiển con tàu đi suốt 40 ngày đêm lênh đênh trên biển cả
mà không hề hấn gì ! (x St 6,13t) Thật chí lý khi nhắc lại Lời Chúa Giêsu đã
khẳng định: “Ngoài Ta ra các ngươi không
thể làm gì được !” (Ga 15,5c).
3- PHẢI PHỤC VỤ ĐÚNG CHỨC NĂNG CHÚA THÁNH THẦN ĐÃ PHÂN ĐỊNH
Thánh Phaolô nói: “Chúa Thánh Thần phân định cho mỗi người ơn
khác nhau: Người thì làm Tông Đồ, người làm thầy dạy, người có tài chữa bệnh: tất
cả đều là chi thể của nhau trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Kitô, nên phải lệ
thuộc vào nhau, tôn trọng, cần đến nhau” (x 1Cr 12). Khi phục vụ đừng quên
địa vị cao cả của mình là con Thiên Chúa, ý thức mình làm chủ công việc, đồng
thời mình còn là tôi tớ mọi người để phục vụ, mà không đánh mất phẩm giá danh
con Thiên Chúa, tức là không để người ta sai khiến làm cả những điều trái ý
Chúa.
Chúa Giêsu dạy: “Hãy chọn ngồi chỗ cuối để chủ tiệc mời bạn lên chỗ danh dự” (Lc 14,10b: Tin Mừng).
Lời này Chúa Giêsu không có ý dạy: Mỗi khi ta đi dự tiệc người đời tổ chức, thì
ta cứ xuống bếp ngồi, chờ cho chủ tiệc mời lên trên. Nhưng khi ta tới phòng
tiệc, người chủ xếp ta ngồi đâu thì ngồi đó. Như thế mới là người có nhân bản,
không làm phiền ai, lại làm vui lòng chủ tiệc. Nhưng lời giáo huấn của Chúa
Giêsu trong Tin Mừng, Ngài nhắm nói với người Do Thái: Phải khiêm tốn mới nhận
ra giá trị Giáo Lý của Ngài, và biết quý trọng bàn tiệc Thánh Thể trong Nước
Chúa (Hội Thánh) để đến tham dự. Ai gia nhập Hội Thánh mà muốn được tôn vinh,
thì người ấy gắng khắc phục bản thân, sống đòi hỏi của Tin Mừng để nên thánh
đạt địa vị cao cả, danh vọng lẫy lừng. Vì người đi không cầu có bóng mà bóng
vẫn theo ; người hô không mong tiếng dội mà tiếng vẫn vọng ; người đức độ không
đợi khen mà danh vang lừng. Mẹ Têrêsa Calcutta hạ mình phục vụ những người xấu
số trong xã hội, dù mẹ không có địa vị gì cao cả trong Hội Thánh, vậy mà cả thế
giới tôn vinh mẹ, nhiều cường quốc xin mẹ làm công dân danh dự.
Ta biết ai đã được lãnh Bí tích
Khai Tâm là người ấy có quốc tịch Nước Trời, chắn chắn sẽ được Chúa ưu đãi,
Ngài chăm sóc ta như con ngươi mắt Ngài (x Dnl 32,10), giống như khi một người
đến lập cư tại nước tư bản, ai cũng mong thi đậu để trở thành công dân nước ấy,
thì họ không còn lo ăn gì, lấy gì mặc, thuốc đâu mà uống, đặc biệt vào tuổi
già, chính phủ đã lo cho họ chu đáo về mọi phương diện đời sống vật chất. Thế
thì khi ta đã là công dân Nước Trời, ta được Chúa xác nhận: Ta có địa vị cao cả
hơn ông Gioan Tẩy Giả, như Ngài nói: “Trong
những người do người nữ sinh ra, không ai cao trọng bằng Gioan Tẩy Giả, nhưng
kẻ nhỏ trong Nước Trời còn lớn hơn ông” (Mt 11,11). Ông Gioan Tẩy Giả được
cao cả như thế, vì trong loài người chỉ riêng một mình ông giống Chúa Giê-su từ
lúc tượng thai trong lòng mẹ cho đến lúc chết. Và trong mầu nhiệm ơn cứu độ,
ông là chú phù rể của Tân Lang Giêsu (x Ga 3,29) thua xa người Kitô là Hiền Thê
của Tân Lang Giêsu (x 2Cr 11,2), ông còn thua hẳn “kẻ nhỏ” trong Nước Trời là
người Kitô hữu (x 1Ga 2,1.12.14.18), nhất là người Kitô hữu còn được đồng hóa
với Chúa Giêsu Ngài (x Gl 2,20), và cùng
một xương thịt, một sự sống với Ngài (x Dt 2,11.14 ; Ga 6,57).
Chính vì ơn lộc Chúa ban cho người
Ki-tô hữu hơn lòng họ mong ước (x Ep 3,20), nên họ cất lời ca tụng Chúa: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, Chúa Trời
hằng sống, như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông
mong, được gần Ngài, lạy Chúa” (Tv 42/41,2-3: ĐC năm chẵn).
Thánh Phaolô đã nêu lên sự nghịch
lý giữa người Do Thái với dân ngoại, khi ông thấy dân ngoại ồ ạt vào Hội Thánh,
việc này đã trở nên dấu để cảnh tỉnh dân Chúa chọn: Đừng để thua dân ngoại, một
hãy gia nhập Hội Thánh, dự tiệc Thánh Thể, là được danh dự nhất. Đúng lý ra
người Do Thái phải ồ ạt vào Hội Thánh để dự tiệc đầu tiên, vì họ đã được Chủ
tiệc (Chúa Giêsu) mời đón họ trước, nhưng họ lại quyết liệt chối từ, giống như
khách chối từ tiệc vua đã dọn: Người thì mới mua đất phải đi xem, kẻ mới
tậu bò phải đi thử, đứa khác nói: tôi
mới cưới vợ, không đi đâu được ! Cuối cùng các đầy tớ (Tông Đồ) đi mời bất luận
ai ở ngoài đường, dù là kẻ tàn tật đui mù (dân ngoại) vào dự tiệc của vua (Hội
Thánh) [x Lc 14,15t]. Vì thế ông Phaolô tìm cách kích động dân Do Thái, người
đồng chủng với ông: “Ông hỏi họ: Phải
chăng Israel
đã vấp đến mức phải ngã quỵ ? Không phải thế ! Nhưng vì họ sa ngã mà Thiên Chúa
cho các dân ngoại hưởng ơn cứu độ, khiến họ phải ganh tỵ. Nếu vì người Do-Thái
sa ngã, mà thế gới được ơn phúc dồi dào, thì khi họ suy vi, mà các dân ngoại
được vào Hội Thánh hưởng lộc Chúa ban, thì khi họ trở về đông đủ tình trạng còn
tốt đẹp hơn biết mấy! Quả thế, khi
Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý ” (x Rm
11,11-12.28-29: Bài đọc năm lẻ).
Ông Phaolô là chính tông Israel,
khi chưa được Tin Mừng Chúa Giêsu soi chiếu, ông chỉ biết Luật Môsê, và tưởng
rằng hễ triệt để tuân giữ Luật, đương nhiên mình là người công chính, bởi thế
ông đã vấp ngã trên đường Đama. Nhưng khi ông được môn đệ Đức Giêsu đặt tay, để
ông được nhận Thánh Thần, tức khắc mắt ông được sáng lại, đó là dấu ông được
Chúa mở mắt Đức Tin, từ đó ông trở nên Tông Đồ xuất sắc nhất của Chúa Giêsu,
không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x Cv 9,1t; 2Cr 11,5). Ông Phaolô đã trở nên
mẫu người trở về với Chúa để được phục vụ trong Hội Thánh. Ông nói: “Đức Giêsu đến trần gian để cứu những người
tội lỗi, trong số đó tôi là người thứ nhất” (1Tm 1,15). Mẫu đẹp nhất nơi
ông Phaolô là tích cực loan báo Tin Mừng, đến nỗi bị xiềng xích trong ngục tù.
Ngồi trong tù ông viết thư gởi giáo đoàn Philip khuyến khích mọi người với bất
cứ giá nào phải tích cực động viên hết thảy mọi người loan báo Tin Mừng, như bù
cho ông. Ông nói: “Dù thế nào đi nữa có
người giảng Tin Mừng với ý lành hay ý xấu, cuối cùng Đức Kitô được rao giảng là
tôi mừng. Và tôi sẽ còn mừng nữa, bởi vì tôi biết rằng điều ấy sẽ giúp cho tôi
đạt được ơn cứu độ, nhờ lời cầu nguyện của anh em, và nhờ Thần Khí của Đức
Giêsu Kitô phù trợ. Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho
tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc,
Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay
tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở
đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải
chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được
ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết
hơn, vì anh em. Và tôi biết chắc rằng tôi sẽ ở lại và ở bên cạnh tất cả anh em
để giúp anh em tấn tới và được hưởng niềm vui đức tin mang lại cho anh em. Như
thế, trong Đức Kitô Giêsu, anh em càng có lý do để hãnh diện về tôi, khi tôi
lại đến gặp anh em.” (Pl 1, 18b-26: Bài đọc năm chẵn).
Như thế ông Phaolô sống rất khiêm
tốn, ông không độc quyền giảng Tin Mừng để được danh riêng cho mình, mà ông
muốn Tin Mừng được hết mọi loại người loan báo cách rộng rãi hơn, bởi đó tâm
hồn ông luôn bình an! Nói cách khác, ai làm điều tốt cũng được, miễn là điều
tốt có người làm thì Chúa được vinh hiển! Có tích cực rao giảng Tin Mừng như
Tông Đồ Phaolô mới làm cho mọi người cất lời cầu: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống” (Tv
42/41,3a: ĐC năm chẵn).
Vậy đừng ai tự tôn, tự mãn, tự ái
mà trì hoãn, chối từ vào Hội Thánh để được dự tiệc Thánh Thể, nếu muốn mình đạt được địa vị cao cả nhất, thì
phải là người được đồng danh, đồng vị với
Chúa Giêsu cùng là “Con Đấng Tối
Cao” (x Lc 1,32 = Lc 6,35), thì khiêm tốn năng đến dự tiệc Thánh Thể.
THUỘC LÒNG
+ Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ
xuống ; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên! (Lc. 14,11)
+ Kẻ nhỏ trong Nước Trời (người Kitô hữu) còn lớn hơn ông Gioan Tẩy Giả (Mt
11, 11).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH