Kinh Thánh
Thời kỳ
Sách
Chương
 
      Lm. Trịnh Ngọc Danh
Bài giảng
THỨ HAI SAU CN 30 TN-NĂM LẺ: CHÚA GIÊSU, ĐẤNG GIẢI PHÓNG
Âm thanh
Video
[ Bấm play 2 lần liên tiếp để xem video. Vui lòng chờ chút nếu kết nối mạng chậm ]
BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Rm 8,12-17
12 Thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt.13 Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
14 Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.15 Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi! "16 Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. 17 Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.
ĐÁP CA: Tv 67
Đ.    Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ.  (c 21a)
2 Thiên Chúa đứng lên, địch thù Người tán loạn,kẻ ghét Người phải chạy trốn Thánh Nhan. 4 Còn những người công chính múa nhảy mừng vui trước mặt Chúa Trời, niềm hoan lạc trào dâng.
6 Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng đỡ bênh quả phụ, chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện Người. 7 Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa, hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc
20 Ngày lại ngày, xin chúc tụng Chúa,Thiên Chúa cứu độ ta, Người đỡ nâng ta. 21 Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ, lối thoát khỏi tử thần thuộc quyền của Đức Chúa. 
BÀI TIN MỪNG
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Ga 17,17b.17a
Hall-Hall: Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật ; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Hall.
TIN MỪNG: Lc 13,10-17
10 Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường.11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! "13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! "15 Chúa đáp: "Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?16 Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? "17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện. 
BÀI GIẢNG
CHÚA GIÊSU, ĐẤNG GIẢI PHÓNG
Trong chương trình cứu độ loài người của Thiên Chúa, thì Do Thái giáo là cái nôi của Ki-tô giáo. Nói cách khác, Kitô giáo làm hoàn hảo Do Thái giáo.
Đối với Do Thái giáo, niềm vui và hãnh diện nhất của dân tộc là biến cố Vượt Qua do ông Mô-sê lãnh đạo, đưa dân thoát nô lệ Ai Cập, tiến về miền đất chảy sữa và mật, để hưởng tự do và thờ phượng Thiên Chúa.
Đối với các Kitô hữu, nhờ cuộc Vượt Qua do Chúa Giêsu thực hiện, nhằm giải phóng cả loài người còn vui mừng và tự hào hơn biến cố Vượt Qua của người Do Thái. Vì xưa kia ông Môsê chỉ đưa dân Do Thái thoát nô lệ Ai Cập, nhưng nhờ Chúa Giêsu (Môsê mới) qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài, đưa mọi kẻ tin theo Ngài vượt qua lối sống tồi tệ vươn đến cuộc sống tuyệt hảo, là được sống hạnh phúc trường tồn trong Chúa Giêsu Phục Sinh đã chiến thắng mọi sự dữ. Thực vậy:
-   Con người từ giống nòi Adam, Eva được dựng nên bởi đất (x St 2,7), thua xa những ai tin theo Chúa Giêsu, thì được tái sinh bởi Máu Thịt của Ngài (x Cv 2,38), làm cho họ trở thành một nguồn gốc, một xương thịt, một sự sống với Chúa Giê-su (x Dt 2,11.14 ; Ga 6,57).
-   Con người thuộc giống nòi Ađam, Evà chỉ là loài thú (x Gv 3,18-19), thuộc kiếp sinh vật (x 1Cr 15,45 – Bản dịch của CGKPV), thua  xa những ai tin theo Chúa Giêsu và kết hợp với Ngài, họ có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), và như thế họ trở nên bậc thần thánh, đồng danh với Thiên Chúa (x Ga 10,34 ; Lc 2,32 = Lc 6,35).
-   Kiếp người ai cũng phải làm nô lệ cho satan, nô lệ cho dục vọng, nên bị thần chết chịt cổ (x Ga 8,34). Chỉ ai thuộc về Chúa Giêsu, thần chết mới bị đánh gục, cho dù họ còn vấn vương tội lỗi, Thần Khí Chúa vẫn làm cho họ được sống, vì họ đã được trở nên công chính trong Chúa Giêsu (x Rm 8,10).
Tất cả những ý nghĩa và giá trị Vượt Qua mà Chúa Giêsu đã thực hiện cho những kẻ tin theo Ngài như thế, để hôm  nay mỗi khi ta đi tham dự Phụng Vụ thì được cùng với Hội Thánh là Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô Giêsu  cử hành,  Ngài vẫn tiếp tục thực hiện cuộc giải phóng mà Phụng Vụ Do Thái giáo không thể thực hiện được.
Để nhận ra rõ sự khác biệt này, ta hãy so sánh Phụng Vụ Do Thái vào ngày thứ bảy (cuối tuần) với Phụng Vụ của Hội Thánh Công Giáo do Chúa Giêsu thiết lập hoàn hảo vào ngày thứ tám (đầu tuần):
 
PHỤNG VỤ DO THÁI
PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
1/ Dân Do Thái phải nghỉ việc, vì ngày thứ 7 sau khi Thiên Chúa khởi sự tạo dựng muôn vật tốt đẹp để làm quà trao hết cho loài người (x St 1.2 ; Xh 20,11 ; 31,17).
 
1* Người Công Giáo phải nghỉ việc vì ngày thứ 8 (Chúa nhật) Chúa Giê-su Phục Sinh , Ngài hoàn tất công cuộc sáng tạo Chúa Cha đã khởi sự, đặc biệt cho con người được hoàn hảo trong Chúa Giê-su và làm cho vạn vật thoát khỏi cảnh làm tôi mục nát  (x Ga 20, 21-22 ; Rm 8, 19t).
 
2/ Người Do Thái phải nghỉ việc, vì ngày thứ 7 họ được ông Mô-sê dẫn qua Biển Đỏ thoát ách nô lệ Ai Cập để tiến về miền đất Hứa (x Xh 14,15 ; Dnl 5,12-15),
 
2* Người Công Giáo phải nghỉ việc, vì ngày thứ 8 (Chúa nhật) Chúa Giê-su sống lại Ngài đưa những kẻ tin theo Ngài thoát nô lệ satan, nô lệ tội lỗi, thoát thần chết để được sống và dẫn đưa họ về Quê Trời (x Ga 8,30-36 ; Hiến Chế Phụng Vụ số 106).
 
3/ Người Do Thái phải nghỉ việc, vì ngày thứ 7 trên núi Sinai Chúa ban Luật ghi trên hai tấm đá trao cho ông Mô-sê để hướng dẫn dân thoát mọi hiểm nguy trên đường về đất Hứa (x Xh 24,16-18).
 
3* Người Công Giáo phải nghỉ việc vào ngày thứ 8 (Chúa nhật), vì Chúa Giêsu Phục Sinh gởi Thánh Thần đến làm cho Hội Thánh ghi Lời Chúa vào tâm hồn và thân xác các Kitô hữu, mới được về Thiên Đàng (x Cv 2 ; 2 Cr 3,3).
 
 
Vậy nhờ Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài làm kiện toàn giá trị Phụng Vụ Do Thái giáo, đúng như lời Ngài đã nói: “Tôi đến không phải bãi bỏ Lề Luật, nhưng làm cho kiện toàn” (Mt 5,17).
Thực ra ngay từ thời Cựu Ước, Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia báo trước Ngài không muốn kiểu tế tự của Do Thái giáo: “Chúa phán: “Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy, máu bò, máu dê, Ta chẳng thèm. Thôi đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương. Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày Sabat, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa” (Is 1,11.13-14).
Để hiểu rõ lý do Đức Giêsu có ý vi phạm Luật nghỉ ngày Sabat, cả bốn Tin Mừng ghi lại sáu lần Ngài cứu giúp cho người vào ngày Sabat :
-   Chữa người có tay khô bại (x Mt 12,9t).
-   Cứu một phụ nữ đã còng lưng 18 năm được đứng thẳng (x Lc 13,10t).
-   Chữa lành người bị bệnh phù thũng (x Lc 14,1t).
-   Chữa lành cho người bất toại nằm bên bờ giếng có năm dãy hành lang (x Ga 5,1t).
-   Hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng (x Ga 6,4).
-   Chữa lành người mù từ thuở mới sinh (x Ga 9,16).
Như thế, sáu phép lạ Chúa Giêsu thực hiện trong ngày Sabat làm cho người Do Thái phẫn uất, khiến họ quyết định  giết Ngài, chính lúc đó Ngài trở thành Hy Tế hoàn hảo dâng Chúa Cha để cứu loài người  thay thế cho Phụng Vụ  Do Thái giáo cử hành vào ngày thứ bảy. Phụng Vụ mới này Ngài truyền cho Hội Thánh tiếp tục cử hành để làm hoàn tất  cuộc sáng tạo con người mà thuở khai sinh vũ trụ Thiên Chúa đã khởi sự tạo dựng loài người vào ngày thứ sáu (x St 1,26-27), và còn nhằm đưa cả loài người thoát án phạt của Luật đang đè nặng khỏi bị còng lưng, qua hình ảnh người phụ nữ bị còng lưng 18 năm, khi gặp Đức Giêsu đang giảng Lời trong hội đường Do Thái vào ngày Sabat, Ngài đã đặt tay trên bà, và bà được đứng thẳng tôn vinh Thiên Chúa (x Lc 13,10-13: Tin Mừng).
Ta lưu ý khi Đức Giêsu chữa cho người đàn bà bị còng lưng, Ngài dùng Lời nói và đặt tay trên bà. Đây là dấu chỉ khi ta tham dự Thánh Lễ, Chúa cho ta lành mạnh nhờ ta biết lãnh nhận Lời và rước Chúa Giêsu Phục Sinh, còn  hơn Ngài đặt tay trên thân thể bà bị còng lưng. Nhất là nhờ bốn hiệu quả Chúa ban cho những ai tham dự Phụng Vụ Bí tích Thánh Thể :
a- Đón nhận Lời Chúa trong Phụng Vụ làm ta thoát kiếp thú vật mà trở nên thần thánh:
Thực vậy, hình ảnh bà bị còng lưng 18 năm, nêu dấu chỉ con người dù có thi hành Luật cũng chỉ như loài vật đi ngang: còng lưng đi! Vì con số 18 là hiệu quả của hai thời điểm Chúa Giêsu giảng: Ngài bắt đầu giảng dạy sớm nhất lúc 12 tuổi (x Lc 2,41t), 18 năm sau Ngài im lặng: thì loài người bị còng lưng. Rồi chính thức Ngài rao giảng lúc 30 tuổi (x Lc 3,23), làm cho con người đứng thẳng không còn còng lưng đi ngang như loài vật. Vì thế Đức Giêsu nói với những kẻ không  muốn nghe Ngài giảng dạy: “Trong Luật các ngươi đã viết: Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh, nếu Lề Luật gọi những người được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh (không còn là thú vật), mà Lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ” (Ga 10,34-35)
b- Nhờ Lời Chúa được đón nhận trong Phụng Vụ, Đức Tin của ta mỗi ngày được thêm hoàn hảo.
Thực vậy, hình ảnh người còng lưng còn gợi nhớ đến hình ảnh đứa trẻ đang bò, đặc tính của trẻ nhỏ vươn đến sự trưởng thành. Thánh Phaolô nói: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, tôi hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con, nhưng khi tôi đã trưởng thành, thì tôi loại bỏ những gì là trẻ con” (1Cr 13,11). Thực vậy, con nít nói trước hiểu sau, lớn lên mới suy nghĩ ; trái lại, người trưởng thành suy nghĩ, hiểu rồi mới nói.
c- Ai tham dự Phụng Vụ Bí tích Thánh Thể thì được tha tội, thoát án phạt của Luật.
Thực vậy, người còng lưng là dấu chỉ Luật đè nặng, vì Luật giam người ta trong tội, Luật chỉ có giá trị như quản giáo dẫn ta đến gặp Đấng Giải Phóng là Chúa Giêsu (x Gl 3,22.24). Mà ai gặp được Chúa Giêsu thì được Ngài nâng đỡ, như Ngài nói: “Hết thảy những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi lại sức” (Mt 11,28).
d- Có tham dự Phụng Vụ ta  mới được Chúa cho đứng thẳng, diễn tả người được tự do.
Thực vậy, nhờ Lời Chúa ta đón nhận trong Thánh Lễ, Lời uốn nắn và giúp ta đi con đường Đức Giêsu đã đi (x 1Ga 2,6), nên ta được đồng hóa với Chúa Giêsu (x Gl 2,20), Đấng giải phóng con người thoát nô lệ dục vọng mà sống đời tự do. Vì thế,Đức Giêsu nói với những kẻ chống đối Ngài: “Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ cho các ngươi tự do. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: phàm ai phạm tội là kẻ nô lệ, mà nô lệ không được ở trong nhà, con mới được” (Ga 8,32.34).
Vậy chỉ khi nào chúng ta được hưởng nhờ hiệu quả Phụng Vụ Chúa Giêsu thiết lập, ta mới hiểu được Lời Ngài nói: “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).
Chính vì Chúa Giêsu Phục Sinh đem lại ơn giải phóng tuyệt vời cho kẻ tin theo Ngài như thế, mà thánh Phaolô là một chứng nhân, ông có lời khuyên các tín hữu: “Thưa anh em, chúng ta mang nợ không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo xác thịt,anh em phải chết ; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống… Anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng nhờ Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên với Thiên Chúa: Abba ! Cha ơi ! Chính Thần Khí chứng thực chúng ta là con Thiên Chúa. Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki-tô ;  một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ  cùng được hưởng vinh quang với Ngài”   (Rm 8,12-17: Bài đọc năm lẻ).
Những ai cảm nghiệm được ơn Chúa giải phóng như thánh Phaolô, thì cất lời ngợi khen: “Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa cứu độ” (Tv 68/67, 21a: ĐC năm lẻ).
Bởi thế thánh Tông Đồ lại phải nhắc nhở các tín hữu hãy sống xứng đáng trong cách biểu lộ con người được Chúa Giêsu cứu độ, Ngài giải thoát khỏi cách sống trong u mê lầm lạc: “Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái,  như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và vì chúng ta đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. Vì vậy những chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là những người trong dân thánh. Anh em đừng nói lời thô tục nhảm nhí, trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa, vì được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. Anh em đừng lấy lời hão huyền mà lừa dối nhau, vì như thế làm cho con người sống sai lạc không còn là người thì trở thành loài thú. Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 4,32-5,8: Bài đọc năm chẵn).
Vậy “chúng ta hãy bắt chước Thiên Chúa như con cái được Ngài yêu thương” (Ep 5,1: ĐC năm chẵn), nhờ khi ta đến tham dự Thánh Lễ và cất lời cầu: “Lạy Chúa, Lời Chúa là Sự Thật, xin Chúa lấy Sự Thật mà thánh hiến chúng con” (Ga 17,17b.17a: Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
+ Chúa nâng đỡ những ai sa ngã và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên (Tv 145/144,14).
+ Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin cho những người trông đợi Chúa đừng vì con mà phải thẹn thùng. Lạy Chúa Trời nhà Israel, xin đừng để những ai tìm kiếm Ngài lại vì con mà mang tủi hổ (Tv 69/68,7).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH
  

Gửi phản hồi - thắc mắc

Tên của bạn *
Địa chỉ
Email *
Điện thoại
   
Câu hỏi

Lên đầu trang
Các bài giảng khác: