BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC: Rm 7,18-25a
18 Thưa anh em,tôi
biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy,
muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.19 Sự thiện tôi
muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.20
Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều
đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi.
21 Bởi đó tôi khám phá
ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay.22
Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa;23
nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu
chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm
sẵn trong các chi thể tôi.
24 Tôi thật là một
người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?25
Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!
ĐÁP CA: Tv 118
Đ. Lạy Chúa,
thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con. (c
68b)
66 Xin dạy con hiểu cho tường, xét
cho đúng, vì con vẫn tin vào mệnh lệnh Ngài. 68 Chúa nhân hậu, hay
làm ơn làm phúc,thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con.
76 Xin Chúa lấy tình thương mà an
ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây. 77 Xin chạnh lòng thương
cho con được sống, vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê.
93 Con nguyện chẳng hề quên huấn
lệnh Ngài, vì nhờ đó, Ngài đã cho con được sống.94 Con thuộc về
Chúa, xin Ngài cứu độ, bởi con tìm kiếm huấn lệnh Ngài.
BÀI GIẢNG
THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA !
Cuộc sống nào cũng có chọn lựa,
chọn lựa là nhờ vào dấu chỉ. Lãnh vực hữu hình còn cần dấu chỉ, thì lãnh vực
siêu hình càng cần dấu chỉ hơn.
I* THẨM ĐỊNH DẤU
CHỈ TRONG SINH HOẠT CUỘC SỐNG.
- Đứng vệ đường muốn đón xe đi
sớm, phải nhận ra đâu là dấu xe chở khách đang tiến tới thì ra đón ngay, nếu
không xe chạy qua mà cứ phải đứng đội nắng!
- Cô cậu yêu nhau lại rất nhạy bén
trước dấu hiệu: nàng mới ẹ ho, chàng liền hỏi: “Em cảm hả!”
- Người đi biển phải biết thẩm
định trước ráng trời, để ra khơi tung lưới hay phải ngưng việc.
- …
II* THẨM ĐỊNH DẤU
CHỈ ĐỂ SỐNG ĐẠO.
Vậy với ai
muốn sống nhân ái, Đức Giêsu dạy phải chọn cách sống qua dấu chỉ: “Khi các
ngươi thấy mây mọc bên Đoài, tức khắc các ngươi nói: Mưa đang kéo đến. Khi thấy
gió nồm thổi, các ngươi nói: Trời hanh.” Rồi Chúa trách: “Quân giả hình, nhìn dấu trời
đất các ngươi biết thẩm định, còn về thời buổi này sao các ngươi lại không biết
thẩm định?” (Lc 12, 54-56 : Tin Mừng). Chúa muốn
mọi người Kitô hữu khi nhìn mây kéo đến che kín mặt trời biết nhận ra đó là dấu
nhắc nhở cho họ về thời ân sủng cứu độ:
1- Dấu chỉ ta phải có Chúa để được sống.
Chiều thứ Sáu Tuần Thánh, khi Con
Thiên Chúa bị treo trên thập giá, là đỉnh cao sự bất hòa của lũ người bất tín
đòi loại trừ “người nói phạm thượng”
ra khỏi mặt đất (x Mt 26,65-66). Thế là họ quyết định đóng đinh Đấng cứu độ
loài người trên thập giá. Lúc ấy mới ba giờ chiều mà trời đã ập tối, vì mây kéo
đến che phủ hoàn cầu. Hiện tượng này trở thành dấu chỉ loài người đắm chìm trong bóng tối sự chết vì mất Chúa (x Lc
23,44).
Vậy ta
cần phải tìm cách kết hợp với Chúa Giêsu để được sống, bởi lẽ ai không có Ngài
là chết (1Ga 5,12).
2- Dấu chỉ phải thứ tha để được tha thứ.
Mây che phủ mặt trời lúc ba giờ
chiều vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, còn trở nên dấu chỉ Đức Giêsu đòi ta phải tha cho kẻ xúc phạm đến mình
mới có tình yêu giống Ngài. Vì lúc ấy Con Đấng Tối Cao, Đấng vô tội mà còn
đến trước mặt Chúa Cha để làm hòa với kẻ hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”
(Lc 23, 34).
Có hai
lý do phải làm hòa với kẻ hại ta :
a. Ta cũng là tội nhân cần được Chúa tha thứ. Vì có ai trong loài người vô tội đâu! Cả đến thánh Phao-lô còn thú nhận
sự yếu hèn của mình: “Tôi biết rằng sự thiện không ở
trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể
muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi
không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19: Bài đọc năm lẻ).
b.
Đồng loại là chi thể
của ta. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: “Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và
nhẫn nại! Hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, hãy thiết tha duy trì sự
hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa và gắn bó với nhau. Chỉ
có một thân thể, một Thần Khí, chỉ có một Chúa, một niềm tin, một Phép Rửa. Chỉ
có một Thiên Chúa là Cha của mọi người”.
Bởi đó, không ai được tự ý làm điều gì ngoài ý Cha trên trời, nên thánh
Phaolô nói: “Tôi là tù nhân trong Chúa,
và tôi khuyên anh em hãy sống xứng đáng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho
anh em” (Ep 4,1-6: Bài đọc năm chẵn).
Vậy mỗi
khi tham dự Phụng Vụ, nhất là khi dâng Lễ, ta cũng phải làm hòa với kẻ hại mình
bằng cách cầu xin Chúa tha tội cho họ như Chúa đã tha tội cho ta (x Mt 6,12: Kinh
Lạy Cha ; Mt 18,35).
Thánh
Phaolô khi bị những người Do Thái tố tội ông với chính quyền Roma để tống ông
vào ngục. Ngồi trong tù, ông cũng tìm cách làm hòa: Ông cho mời các đồng bào
của ông tới và phân phô: “Dẫu tôi không
làm gì chống lại dân tộc, hay trái với Luật Lệ của tổ tiên, từ Giêrusalem tôi
đã bị nộp vào tay người Roma. Họ đã xét xử tôi, và muốn tha bổng, vì họ không
thấy nơi tôi một tội trạng nào đáng phải tử hình. Nhưng người Do Thái cự tuyệt,
làm tôi bất đắc dĩ phải kháng cáo lên hoàng đế, song không phải như thể tôi
muốn cáo tội dân tôi. Vậy chính vì lẽ đó mà tôi đã mời các ông đến để giáp
mặt và ngỏ đôi lời với các ông: Nhân vì mối hy vọng của Israel mà tôi đã phải mang xiềng
xích này” (Cv 28,17-20).
Vì thế
muốn có tâm hồn bình an, ta phải tha thứ cho những người xúc phạm đến mình, do
đó thánh Tông Đồ còn căn dặn: “Có nóng
giận sao cho đừng mắc tội, chớ để mặt
trời lặn (mây phủ) mà cơn giận chưa tan” (Ep 4,26). Nói thế là thánh Tông
Đồ có ý hướng lòng về chiều Thứ Sáu Tuần Thánh,vào lúc ba giờ mặt trời lặn,
trước khi tắt thở Đức Giêsu xin với Chúa Cha tha tội cho kẻ hại mình, để bắt
chước Ngài mà cầu nguyện.
Vậy chỉ
người Công Giáo nào có lòng khiêm nhường, hiền hậu như Đức Giêsu trên thập giá, mới có thể sống
sứ điệp yêu thương, được Cha trên trời mạc khải cho,nên Đức Giêsu đã tạ ơn Cha
cho chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời
đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những
người bé mọn” (Mt 11,25: Tung Hô Tin Mừng). Đó cũng là lý do thánh Phaolô
khuyên tiếp: “Đối xử với nhau, anh em
phải có lòng thương xót và tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh
em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).
Có sống
được tâm tư như Đức Giêsu, ta mới có chỗ trong Nước Trời, vì:
-
Mây phủ cũng
là dấu chỉ Ngày Chúa trở lại phán xét thế gian (x Cv 1,11).
-
Mây phủ còn là dấu chỉ Chúa về trời (x Cv 1,9), để
Ngài dọn chỗ cho những ai có tâm tư giống như Ngài (x Pl 2,5 ; Ga 14,2).
Vậy bất
cứ ai đã nhận ra những dấu chỉ như trên để chộp lấy cơ hội mà tiến thân trên
đường Tin, Cậy, Mến, thì họ mới là “dòng
dõi những kẻ tìm kiếm Thánh Nhan Chúa” (Tv 24/23,6: ĐC năm chẵn). Vì họ đã
cầu nguyện cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa,
thánh chỉ Ngài xin dạy cho con” (Tv 119/118,68b: ĐC năm lẻ).
Một bà nọ là người
Công Giáo, sáng nào trước khi gánh xôi đi bán, bà cũng ra giếng trước nhà giặt
một thau quần áo và phơi lên dây ở gần đó.
Và cũng có bà hàng
xóm ngoại giáo ở cạnh nhà, sáng sáng cũng đem quần áo giặt nhờ giếng của bà bán
xôi. Ngày kia, bà hàng xóm sau khi giặt xong, bà ngẩng lên thấy dây phơi đã đầy
kín quần áo, bà liền đưa tay kéo hết quần áo về một bên, rồi phơi quần áo nhà
bà!
Vừa lúc ấy, bà bán
xôi từ trong nhà đi ra, thấy thế liền chửi bà kia thậm tệ! Bà hàng xóm cũng
không kém, bà dùng những lời lẽ chẳng hay ho gì để đấu khẩu với đối phương! Bà
bán xôi tức quá xông đến giật tất cả quần áo của bà hàng xóm xé ra! Bà con lối
xóm thấy vậy chạy đến cản ngăn…!
Ít ngày sau đó, bà
bán xôi đi dự lễ Chúa nhật, khi bà nghe cha đọc bài Phúc Âm: “Khi ngươi đi cùng đối phương ra toà, thì dọc
đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến
quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào
ngục." (Lc 12,58: Tin Mừng).
Bà cảm thấy hối hận
vì hành vi của mình hôm trước, bà liền ra khỏi Nhà Thờ và đi một mạch tới chợ
mua một số bộ quần áo đưa đến nhà bà ngoại giáo ôn tồn nói:
- Chị à, tôi thật
lòng xin lỗi chị, mấy hôm trước tôi quá nóng nên nói những lời không hay với chị, nhất là tôi
đã xé quần áo của các cháu nhà chị, bây giờ tôi biết lỗi, xin chị tha thứ và
nhận số quần áo này cho các cháu nhà chị mặc đỡ !
Trước cử chỉ đó, bà
hàng xóm ngoại giáo đứng sững người ra, nước mắt rưng rưng, bà không dám nhận
số quần áo đó, nhưng bà bán xôi cứ nài ép mãi bà mới chịu nhận. Thế rồi cả hai
bà ôm nhau khóc !
Từ bấy giờ trở đi,
hai gia đình trở nên thân thiết, có gì cũng chia sẻ cho nhau. Sống như thế đã
diễn tả lời thánh Phaolô dạy: “Kẻ thù
ngươi đói, hãy cho nó ăn ; nó khát, hãy cho nó uống. Làm thế, như ngươi đã chất
than hồng trên đầu nó. Chớ để dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng
dữ!” (Rm 12,20-21).
Thời gian ngắn sau,
gia đình bà ngoại giáo xin theo Đạo, tình nghĩa lối xóm càng thêm thắm thiết
đậm đà!
THUỘC LÒNG
Mt 5, 33-34: Khi anh sắp dâng
Lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với
anh, thì hãy để của lễ đó trước bàn thờ, mà đi làm hoà với anh ấy đã, rồi trở
lại dâng lễ vật của mình.
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH