BÀI GIẢNG
CHỌN
VIỆC TỐT NHẤT
Qua các Bài đọc trong Phụng Vụ hôm
nay cho chúng ta 8 xác tín về cách sống Đạo, để trở nên người tốt nhất:
- Ta phải tìm thấy niềm vui, hạnh phúc khi được phục vụ đồng
loại, chứ không phải để đồng loại phục vụ mình.
- Lương thực chính của ta là thực hành ý Chúa, chứ không
phải khao khát lương thực làm khoái khẩu no bụng.
- Có tâm hồn khao khát nghe Lời Chúa, ta mới thực là Hiền Thê
của Chúa Kitô.
- Có tâm hồn nghe Lời
Chúa là dấu chỉ ta đã được lên trời.
- Có tâm hồn nghe Lời Chúa, ta mới biết cách phục vụ đẹp
lòng Chúa nhất.
- Có tâm hồn nghe Lời Chúa, ta mới thực sự thuộc về đàn
chiên được Chúa chăm sóc.
- Có tâm hồn nghe Lời Chúa, ta mới khám ra mình có tội, sinh
lòng sám hối, là việc tốt nhất trước mặt Chúa.
- Chúa cần tình yêu của ta hơn là ta dâng lễ vật cho Ngài.
1- TA PHẢI TÌM THẤY
NIỀM VUI, HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC PHỤC VỤ ĐỒNG LOẠI, CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỒNG LOẠI PHỤC
VỤ MÌNH
“Chúa Giê-su là Thầy, là Chúa mà còn muốn trở nên như một tên nô lệ cúi
xuống rửa chân cho các môn đệ” (x Ga 13,1-15) ; bởi vì Ngài đã dạy các môn
đệ: “Muốn
làm lớn phải làm tôi tớ mọi người, cũng như Thầy đến không phải để được hầu hạ,
nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc loài người” (Mt
20,24-28). Chính vì vậy mà Chúa Giêsu khi đến nhà hai chị em Mátta và Maria, dù
Ngài đang đói bụng, nhưng Ngài cứ thao thao giảng Lời cho cô Maria, mà không
quan tâm đến việc bảo cô xuống bếp giúp chị đang loay hoay bận rộn dọn bữa tiệc
đãi Đức Giêsu (x Lc 10,40: Tin Mừng).
2- LƯƠNG THỰC CHÍNH
CỦA TA LÀ THỰC HÀNH Ý CHÚA, CHỨ KHÔNG PHẢI KHAO KHÁT LƯƠNG THỰC LÀM KHOÁI KHẨU NO
BỤNG
Chính Chúa Giêsu đang lúc đói
khát, đến nỗi Ngài xin nước giếng uống nơi phụ nữ miền Samari, thế mà khi các môn đệ Ngài đi mua
bánh về để mời Thầy, Ngài lại nói:
“Thầy phải ăn một thứ lương thực
mà anh em không biết”. Môn đệ nói với nhau:
“Phải chăng đã có ai đem bánh cho
Thầy rồi ?” Đức Giêsu nói với họ: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã
sai Thầy và chu toàn công việc của Ngài” (Ga 4,7.31-34). Nhất là Con Thiên
Chúa vào trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa, mà: “Nước
Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công chính bình an và hoan
lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17).
Hoan lạc trong Thánh Thần cụ thể là Đức Giêsu hân hoan gặp được tâm hồn khao
khát nghe Lời Chúa như cô Maria cứ ngồi dưới chân Ngài mà nghe Lời Ngài giảng (x
Lc 10,29: Tin Mừng). Như thế là cô Maria
đã tìm được của ăn lưu lại cho sự sống đời đời, vì Đức Giêsu đã nói: “Người
ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra”
(Mt 4,4). Cũng bởi vì thế mà Chúa đã nói:
“Ta mà đói, Ta đâu thèm nói cho ngươi hay, vì trái đất với muôn loài
do Ta dựng nên. Thịt bò há là thực phẩm Ta ăn? Máu dê phải chăng là đồ Ta uống?
Trong khi đó, chính ngươi (như cô Mát-ta) coi thường Lời Ta sửa dạy, Lời Ta
truyền ngươi đem quẳng sau lưng !” (Tv 50/49, 12-14).
Bởi thế những kẻ chỉ tìm của vật
chất nuôi thân, thì Đức Giêsu lên tiếng dạy:
“Đừng lao công vì lương thực hư
nát, nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời” (Ga 6,26-27).
Vậy “hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước
và sự công chính của Người, còn các điều khác Người sẽ ban thêm sau” (Mt
6,33)
3- CÓ TÂM HỒN KHAO KHÁT
NGHE LỜI CHÚA, TA MỚI THỰC LÀ HIỀN THÊ CỦA CHÚA KI-TÔ
Đức Giê-su đã nói với cô chị Matta
chỉ chú ý lo bữa ăn: “Matta, Matta, con lo lắng xôn xôn về nhiều
chuyện, cần thì ít thôi, một điều đã đủ, Maria em con đã chọn phần tốt nhất, và
sẽ không bị ai giựt mất” (Lc 10,41-42: Tin Mừng), và Ngài cũng nói với mọi người: “Chiên
của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho
chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai giựt được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi,
Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai giựt được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10,27-30). Như thế Đức Giêsu
đã ba lần nói về người có tâm hồn nghe Lời Ngài, thì không ai có thể giựt người ấy khỏi tay Thiên Chúa. Đức Giêsu
chủ ý dùng động từ giựt là có ý
khẳng định Ngài hơn ông Hô-sê: Vì Chúa
xe định ông Hôsê lấy cô Gômơ có tính dâm đãng làm vợ. Mà theo Luật Do Thái thời
bấy giờ cho phép ông ly dị, nhưng ông quyết tâm trung thành với cô vợ bất trung,
thậm chí đã nhiều lần cô đi theo tình lang, mà ông vẫn kiên nhẫn tìm vợ về,
lòng kề lòng thỏ thẻ tâm sự và tặng nhiều báu vật, nhưng cô vẫn còn là loại gái
ngựa chứng, thì ông Hôsê lại nghĩ kế giữ
vợ: “Phen
này trước mặt các tình nhân của nó, ta sẽ phơi bày ra cái đáng hổ thẹn của nó,
và không ai giựt nó khỏi tay ta được!”
(Hs 2,12)
Đầu cuộc đời công khai của Đức
Giê-su, Ngài tự nhận mình là hiện thân ông Giacop đi tìm cô nàng vừa ý để kết duyên, và Ngài đã
tìm được ông Nathanael, ông này cứ ngồi dưới gốc cây vả say mê đọc Thánh Kinh
với mục đích để truyền giảng, rồi đến với Ngài, đây là mẫu người Chúa đã tuyển
chọn để trở nên Hiền Thê của Ngài khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy (x 2Cr 11,2).
Như vậy là Đức Giêsu tự đặt mình vào lúc ông Gia-cóp đi tìm người vừa ý để xe
duyên, mà Ngài nói với mọi người có tâm nghe Lời Chúa, rồi đến với Ngài: “Quả
thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra và các thiên
thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người” (x Ga 1,45-51 = St 28,10-17).
Bởi vậy, khi ta có tâm hồn nghe
Lời Chúa, dù ta còn là kẻ bất trung phạm tội, Đức Giêsu không thể thua ông Hôsê
yêu cô vợ dâm. Thánh Augustin gọi: “Đây
là tội hồng phúc” .
4- CÓ TÂM HỒN NGHE LỜI CHÚA LÀ DẤU CHỈ TA ĐÃ ĐƯỢC LÊN TRỜI
Chị Maria có trái tim nghe Lời
Chúa, nên đã được Đức Giêsu khen: “Maria
đã chọn phần tốt nhất”, vì sau này cô được Chúa cho lên trời cũng lại
được phúc “nghe Lời khôn tả”, như Tông Đồ Phaolô đã được phúc này khi Chúa
cho ông lên đến tầng trời thứ ba (x 2Cr 12,4t). Vì thế ông Tông Đồ nói:
“Nếu tôi còn sống trong xác phàm là để hoạt động có hiệu quả trong việc rao
giảng Tin Mừng, hai đường đó tôi thấy đều có lợi” (Pl 1,22-24). Như thế ông
Phaolô lấy việc giảng Tin Mừng ở trần gian cũng như được phúc ở Thiên đàng rồi
vậy.
Nhưng đừng quên một điều rất quan
trọng: Muốn rao giảng Tin Mừng, phải
được hiệp thông với các chủ chăn trong Hội Thánh để nhận lệnh Sai Đi, vì “làm sao có thể rao giảng nếu không được sai
đi” (Rm 10,15a). Vì lý do đó mà thánh Tông Đồ nói: “Người
đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con
của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên,cũng
chẳng lên Giê-ru-sa-lem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc
tôi đã sang xứ Ả-rập, rồi lại trở về Đa-mát.Ba năm sau tôi mới lên
Giê-ru-sa-lem diện kiến ông Kê-pha, và ở lại với ông mười lăm ngày.Tôi đã không
gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Gia-cô-bê, người anh em của Chúa. Nhưng
lúc ấy các Hội Thánh Đức Ki-tô tại miền Giu-đê không biết mặt tôi.Họ chỉ nghe
nói rằng: "Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin
mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt",và vì tôi họ tôn vinh Thiên Chúa.”
(Gl 1, 16-22: Bài đọc năm chẵn).
Tông Đồ Phaolô đã biểu lộ cách
sống Đạo gương mẫu như thế đã trở nên chứng nhân cho Chúa, và để làm ứng nghiệm
lời cầu: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 139/138,
24b: ĐC năm chẵn).
Thế thì, Đức Giêsu vào nhà hai chị
em Matta và Maria, Ngài say sưa giảng Lời, Ngài làm mẫu cho ông Phaolô được
Chúa cho sống trên đời để giảng Tin Mừng
; còn cô Maria là tiền trưng cho ông Phaolô được Chúa cho lên trời để nghe Lời
khôn tả.
5- CÓ TÂM HỒN NGHE
LỜI CHÚA, TA MỚI BIẾT CÁCH PHỤC VỤ ĐẸP LÒNG CHÚA NHẤT
Thực vậy, cô Maria em của Mátta,
lúc ngồi dưới chân Đức Giêsu nghe Ngài giảng dạy, hay lúc đi lấy dầu thơm xức
chân Ngài, sau khi Ngài cho em là Ladarô sống lại, đều bị người đời phê bình
chê bai (x Lc 10,38-42: Tin Mừng ; Ga 12,1-11).
Nhưng cả hai lần cô Maria bị người đời tấn công, chỉ có Đức Giêsu lại lên tiếng
bênh vực: “Maria đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,42) ; hoặc “để mặc chị ấy, ngõ hầu chị còn giữ lại dầu
cho ngày liệm táng Ta, vì những kẻ nghèo khó vẫn có luôn với các ngươi, còn
Thầy không phải bao giờ các ngươi cũng
có” (Ga 12,7-8).
6- CÓ TÂM HỒN NGHE
LỜI CHÚA, TA MỚI THỰC SỰ THUỘC VỀ ĐÀN CHIÊN ĐƯỢC CHÚA CHĂM SÓC
Đức Giêsu đã xác định: “Chiên
tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi, tôi ban cho chúng sự
sống đời đời, trái lại ai không tin tôi và không nghe lời tôi, nó không thuộc
về đàn chiên của tôi” (Ga 10,26-28). Như thế, không phải đợi đến khi tắt
thở, ta mới biết ta được Chúa đón nhận hay bị khai trừ trước tòa án ! (x Mt
25,31-46) Mà ngay từ khi ta còn sống, ta không nghe Lời Chúa, ta không phải là
chiên của Ngài, nên không được Ngài chăm sóc, bởi vì mục tử chỉ chăm sóc chiên
của mình.
7- CÓ TÂM HỒN NGHE
LỜI CHÚA, TA MỚI KHÁM RA MÌNH CÓ TỘI ĐỂ SINH LÒNG SÁM HỐI, LÀ VIỆC TỐT NHẤT TRƯỚC
MẶT CHÚA
Thực vậy, “Lời Chúa là tấm gương soi mặt linh hồn” (Gc 1,23), vì “chỉ ngang qua Lời Chúa, ta mới biết mình có
tội” (Rm 7,7), từ đó ta biết mình bất xứng, chẳng ai thương ta, ngoại trừ
Chúa Giê-su, bởi vì Ngài đến trần gian để tìm cứu những kẻ có tội biết sám hối
(x Lc 5,32).
Để minh chứng chân lý này, Đức Giêsu
đã kể dụ ngôn: Ông Biệt phái và ông thu
thuế cùng đến nhà thờ cầu nguyện. Ông Biệt phái thì khoe công đức với Chúa, nên
bị Chúa đuổi về tay không ; trái lại ông thu thuế, cúi sâu đấm ngực,
nhận biết mình có tội, chẳng ai thương ngoại trừ Thiên Chúa, thì ông thu
thuế này được Chúa chúc phúc trở nên người công chính (x Lc 18,9-14). Chính vì
vậy mà anh trộm lành nhờ sám hối, trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, anh đã
được song hành với Đức Giêsu vào Thiên Đàng, ngay từ lúc Ngài bị treo trên thập
giá (x Lc 23,40-43).
Kìa dân thành Ninivê, dù là dân
ngoại, nhưng sau khi được nghe Lời Chúa qua miệng ông Giona rao giảng, kết quả
là từ vua cho đến dân, cả súc vật đều sám hối ăn năn, nên được Chúa tha phạt
cho cả thành (x Gn 3,1-10: Bài đọc năm
lẻ). Thế nên, nhờ Lời Chúa ta nhận biết tội
mình sinh lòng sám hối, và kêu cầu Chúa xót thương: “Ôi lạy
Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào ai đứng vững!” (Tv 130/129,3: ĐC năm lẻ). Vậy:
o
Làm
điều tốt theo Luật dạy, đó là tốt thôi.
o
Biết
sám hối nhờ Luật dạy, mới là tốt hơn.
o
Nghe
Lời Chúa, sám hối tội, làm điều tốt, quả là tốt nhất.
8- CHÚA CẦN TÌNH YÊU
CỦA TA HƠN LÀ TA DÂNG LỄ VẬT CHO NGÀI
Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Hôsê: “Ta
muốn tình yêu chứ không muốn lễ vật, Ta ưa việc học biết Thiên Chúa hơn là của
lễ toàn thiêu !” (Hs 6,6).
Do đó, nếu cô Matta phục vụ bữa ăn
tiếp đón Đức Giêsu mà cô tỏ ra yêu thương Thầy cũng như em mình, thì chắc chắn
cô không bị Đức Giêsu trách. Bởi lẽ :
-
Nếu
cô Matta bắt chước bà Sara làm bánh đãi ba người khách mà miệng vẫn nở nụ cười, thì chắc chắn được Thiên Chúa chúc lành
hơn bà Sara trong tuổi già được Chúa cho sinh con (x St 18).
-
Nếu
cô Matta biết sống đơn giản như Đức Giêsu dạy:
“Chỉ có một điều cần thiết mà thôi”
(Lc 10,42a), điều cần ấy là: bất cứ làm
việc gì cũng do tình yêu Chúa thúc đẩy (x 2Cr 5,14), đó cũng là chọn phần tốt
nhất như cô Maria ngồi nghe Lời Chúa (Lc 10,42 :Tin Mừng).
Thế nên sống yêu là hãy sống đơn
giản trong việc hưởng dùng của cải vật chất:
“Một điều đã đủ” mới có điều
kiện để nghe Lời Chúa như cô Maria đã được Đức Giêsu khen: “Đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai giựt
mất” (Lc 10, 42b).
- Nếu cô Matta đừng kết án Chúa: “Cả Thầy
không biết quan tâm tới tôi ? Hãy bảo em tôi xuống bếp giúp tôi ?” (Lc
10,40) Mà cô Matta lại lên tiếng nói với em:
“Chị đã lớn tuổi, học khó nhớ hơn em, em để chị lo việc bàn ăn đãi Thầy,
còn em cứ ngồi nghe Thầy giảng dạy, sau bữa ăn em nói lại cho chị nghe những Lời
Thầy đã dạy”, thì như vậy cô Matta mới phục vụ vì yêu. Nhưng rất tiếc cô tự mãn
cho việc bếp núc của mình quan trọng hơn việc Thầy giảng Lời, quan trọng hơn cô
em cứ ngồi nghe Lời Chúa. Và như thế thâm tâm của Mát-ta muốn nói: “Có
thực mới vực được đạo”, như thế Thầy
và em sống không thực tế.
Vậy nếu ai sống được 8 điều trên
đây, chắc chắn người đó đạt được sự sống phục sinh, một sự sống dồi dào bởi Chúa
Giêsu Phục Sinh ban cho, vì số 8 là dấu chỉ sự phục sinh từ cõi chết ! (Chúa
chết ngày thứ 6, an táng ngày thứ 7, ngày thứ 8 Ngài phục sinh). Đúng là “phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên
Chúa” (x Lc 11,28: Tung Hô Tin
Mừng).
THUỘC LÒNG.
+ Khởi điểm đích thực đạt tới đức khôn ngoan là thật lòng ham muốn học
hỏi (Kn 6,17).
+ Ta muốn tình yêu chứ không muốn lễ vật, Ta ưa việc nhận
biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu (Hs 6,6).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH