BÀI ĐỌC 1 VÀ 2 (NẾU CÓ)
BÀI ĐỌC I : Is 5,1-7
1 Tôi xin hát tặng
bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn
nho trên sườn đồi mầu mỡ. 2 Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho
quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những
mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại. 3 Vậy bây giờ, dân
Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa hỡi, xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho. 4
Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong
trái tốt, sao nó sinh nho dại? 5 Vậy bây giờ tôi cho các người biết tôi
đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan
hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo. 6 Tôi sẽ biến thửa
vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; sẽ
truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.7 Vườn nho của Đức Chúa
các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy
chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn
là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.
ĐÁP CA : Tv 79
Đ. Vườn nho của
Chúa là nhà Israel.
(Is 5,7a)
9 Gốc nho
này, Chúa bứng từ Ai-cập, đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, 12 nhánh
vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả.
13 Tường
rào nó, vậy sao Ngài phá đổ ? Khách qua đường mặc sức hái mà ăn! 14
Heo rừng vào phá phách, dã thú gặm tan hoang.
15 Lạy
Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm
nom vườn nho cũ,16 bảo vệ cây tay hữu Chúa đã trồng, và chồi non
được Ngài ban sức mạnh.
19 Chúng
con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con
xưng tụng danh Ngài. 20 Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn, xin phục hồi
chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời để chúng con được ơn cứu độ.
BÀI ĐỌC II : Pl 4,6-9
6 Thưa anh em, anh em
đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van
xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7
Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng
trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.8 Ngoài ra, thưa anh
em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì
là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen,
thì xin anh em hãy để ý.9 Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận,
đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn
bình an sẽ ở với anh em.
BÀI GIẢNG
CHỈ CÓ CHÚA KITÔ BIẾN DỮ RA LÀNH !
Ngụ ngôn“tá
điền vườn nho” (Mt 21, 33-43 : Tin Mừng), đọc lên ai cũng hiểu vườn nho
đó là dân Do Thái, như ngôn sứ Isaia đã nói : “Vườn nho của Chúa là nhà Israel” (Is 5,7a : Đáp ca). Họ
là giống nho Thiên Chúa tuyển lựa trong các dân tộc, Ngài bứng nó khỏi đất Ai Cập,
vất vả đem về trồng trên miền đất Chúa hứa
ban chảy sữa và mật (x Xh 3,8.17), để rồi từ dân tộc này, phát xuất ơn cứu độ
cho muôn dân, vì Chúa muốn “ơn cứu độ
xuất phát từ Do Thái” (x Ga 4,22b). Ngôn sứ Isaia gọi đó là “vườn
nho tốt, ngọt lịm của Giavê”, nhưng khi Con Thiên Chúa đến thu hoạch, nó
không phải là nho ngọt mà là nho chua loét, mang chất độc giết người, không ai
có thể dùng được! Chủ vườn nho (Thiên Chúa) giận dữ, ông phá nhà máy làm rượu
nho đã xây dựng giữa vườn (thánh điện Giêrusalem bị Roma tàn phá năm 70), ông
còn cho gở bỏ hàng rào tháp canh, bỏ vườn hoang cho thú dữ tha hồ đến giày xéo
: Israel bị xóa tên trên bản đồ thế giới cho tới sau Đệ Nhị thế chiến (39-45),
Liên Hiệp Quốc mới tạo điều kiện cho họ trở về lập quốc, nhưng cho đến ngày nay
ranh giới lãnh thổ của họ vẫn chưa được xác định, vì sự tranh chấp lãnh thổ
giữa Palestin và Israel luôn diễn ra! (x Is 5,1-7 : Bài đọc I).
Bởi thế Đức Giêsu đã dùng ngụ ngôn Tá Điền Và Vườn Nho để giải
thích ý nghĩa vườn nho của ngôn sứ Isaia (5,1-7) và áp dụng cho Do Thái có
truyền thống chối từ ơn cứu độ : Các tá điền (Do Thái) túm lấy các tôi tớ (ngôn
sứ), người thì bị chúng ném đá, người thì bị chúng giết chết, thậm chí chúng
cũng không tha chết con trai chủ vườn
nho (không tha cho Đức Giêsu) ; sau cùng chúng lôi xác cậu vứt bỏ ngoài vườn,
điều này làm ứng nghiệm sách Luật của họ : “Vật
sát tế đền tội phải hủy ngoài thành” (Lv 16,27). Nhưng Thiên Chúa đã dùng
Ngài như “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ,
lại trở nên đá tảng góc tường, và để thấy rõ giá trị công trình của Thiên
Chúa thật là kỳ diệu trước mắt chúng ta”
(Mt 21,42 : Tin Mừng),chắc chắn Đức Giêsu muốn nhắc đến chuyện mười anh em cùng
cha khác mẹ đã lập mưu thâm độc loại trừ ông Giuse, người con cả, con chính
thức được quyền thừa kế gia tài của cha, ra khỏi gia đình, để chúng chia nhau
gia tài của cha già Giacop. Nhưng Chúa thương ông Giuse, Ngài luôn biến dữ ra
lành cho ông :
- Đáng
lẽ ông bị đập chết, thì họ lại đổi ý nhốt ông xuống giếng cạn, chờ những người
buôn nô lệ đi ngang qua bán đưa qua Ai Cập.
- Đáng
lẽ ông bị làm nô lệ cho gia đình giàu có Phutipha, thì ông lại được chủ nhà tín
nhiệm đặt làm quản gia coi sóc tài sản của ông.
- Đáng
lẽ ông bị bà vợ của ông Phutipha có tính dâm đãng dụ dỗ, nhưng ông không đồng
tình. Ngay lúc ấy chồng bà đi vắng về, bà lại cáo gian ông là đã châm chọc bà, nên
Giuse bị tống vào ngục, thì trong ngục ông lại được đặt làm trưởng tù.
- Đáng
lẽ ông bị chết rũ tù thì ông lại được vua Pharaôn cất nhắc làm tể tướng toàn đế
quốc Ai Cập. Ông trọn quyền bán hoặc cấp lương thực cho cả thế giới thời hạn
hán mất mùa, trong số đó có cả các anh
em đã mưu hại ông trước đây,cũng đang lâm cảnh chết đói, lại được ông Giuse
cung cấp lương thực dư thừa mà không tốn tiền (x St 37t).
Tuy thế ông Giuse chỉ
lo cho bao tử đồng loại, nhưng vẫn thua xa Chúa Giêsu qua Tử Nạn và Phục Sinh,
Ngài trở nên nguyên nhân cứu độ đời đời
cho hết thảy những ai tùng phục Ngài mãi đến ngày cánh chung. Thật đúng là “hết
những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Ngài đồng công cộng tác biến mọi sự nên tốt
đẹp” (Rm 8,28).
Ngụ ngôn này chắc chắn
Chúa muốn người Công Giáo mỗi khi bắt tay vào công việc gì thì hãy nhớ “làm
tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không cho người đời” (Cl 3,23), cả đến
việc “ăn
uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên
Chúa” (1Cr 10,31). Muốn sống tinh thần này, ta phải có giờ cầu nguyện, nhất
là hiệp dâng Thánh Lễ, để nhờ hiệu quả của Thánh Lễ giúp ta sống được lời giáo
huấn của thánh Phêrô : “Ai có nói thì nói
Lời Chúa, ai phục vụ thì phục vụ bằng sức lực Chúa ban, có thế trong mọi việc
ta làm mới tôn vinh Thiên Chúa” (1Pr 4,11), có thế ta mới có hoa trái việc
lành hơn nho ngọt dâng lên Chúa, thể
hiện lòng tôn trọng con trai chủ vườn nho (Đức Giêsu). Nhưng tiếc thay nhìn vào
thực tế, bất cứ ai cũng có 24 giờ mỗi ngày để sống và làm việc, thì người ta hầu
hết dành trọn ngày nhằm thu lợi làm thỏa mãn nhu cầu thân xác, nên không còn giờ
nào dành cho “Chủ Vườn Nho” là tiết chất ngọt của linh hồn nhờ việc lành đã
làm, thể hiện lòng tin yêu Chúa, và phục vụ đồng loại như Chúa Giêsu, thì làm
sao người ấy là đầu mùa dâng lên Chúa được? (x Gc 1,18). Sống như thế còn tồi
tệ hơn người Do Thái, tệ hơn nho chua loét, nho độc, dù đã được tháp vào Cây Nho thật ngọt
là Chúa Giêsu khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy!
Nhìn vào lịch sử dân
tộc Do Thái, ai cũng thấy họ phạm tội tày trời, vì giết “con trai duy nhất của ông chủ vườn nho”, chính họ
cũng không chịu nổi nên đã rên lên : “Ác
giả, ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn
nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông !” (Mt 21,41 : Tin Mừng). Cả
ngôn sứ Isaia cũng đồng ý phải phá vườn nho dại là Israel đi (x Bài đọc I). Thế nhưng,
người con trai chủ vườn – Đức Giê-su - khi
thắng chúng (phục sinh), Ngài đã không tiêu diệt chúng, mà trái lại, Ngài biến
chúng từ nho dại trở nên giống nho tốt
cho Nước Thiên Chúa ! Cụ thể, ông Saulô là loại nho quý nhất đối với nhà Israel,
vì ông rất giỏi về văn hóa, là học trò của tôn sư Gamaliel (x Cv 22,3), ông nắm
vững Giao Ước cũ và nhiệt tâm đem thi thành, cũng như bảo vệ các truyền thống
của cha ông đã dạy, nên ông ôm áo cho người ta ném đá Phó tế Stêphanô cho chết,
và xông vào các tư gia bắt được bất cứ ai, đàn ông hay đàn bà, người lớn hay
trẻ con theo đạo Công Giáo, thì ông xiềng trói họ lại (x Cv 7,58 ; 8,1-3). Sau
đó ông còn xông về Đama để nhằm triệt hạ giáo đoàn này (x Cv 9). Vì thế không
những ông đã trở thành nho chua loét mà còn trở thành nho độc hại. Thế mà Đức
Giêsu Phục Sinh đã chộp lấy ông (x Pl 3,12), bắt ông đi học giáo lý nơi các môn
đệ Ngài, những người bị xã hội kết án là “vô
học thức” (x Cv 4,13), ông đã ngoan
ngoãn làm theo. Sau khi được lãnh Bí tích Thánh Tẩy, được tháp vào Chúa Giêsu Phục sinh, ông đã trở nên nho tốt tuyệt hảo,
sinh nhiều trái ngon ngọt không thua các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5), Chúa
còn tín nhiệm trao cho ông sứ mệnh làm Tông Đồ dân ngoại (x Gl 2,8), như Ngài
đã nói với các môn đệ : “Chính Thầy đã
chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái
của anh em tồn tại” (Ga 15,16 : Tung Hô Tin Mừng).
Với trải nghiệm ấy,
thánh Phaolô thật có lý lên tiếng khuyên nhủ các tín hữu thuộc giáo đoàn Philíp
: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong
mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước
mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện.7 Và bình an của Thiên
Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết
hợp với Đức Ki-tô Giê-su.Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân
thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem
lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để
ý.Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi
tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.”
(Pl 4,6-9 : Bài đọc II). Đó là chất “ngọt” tiết ra từ cành nho dại Saulô sau
khi được tháp vào gốc nho tốt là Chúa Giêsu - viên đá bị người ta thải loại, đã trở thành
đá góc tường ! (x Mt 21,42 : Tin Mừng).
Vậy được ở trong vườn
nho của Thiên Chúa (Hội Thánh), ta không
còn sợ những tá điền gian ác, không sợ nho chua, một khi ta được thông hiệp với
Chúa Giêsu Phục Sinh nhờ Bí tích Khai Tâm, Ngài cho ta nghị lực dám liều chết
vì Tin Mừng, nghĩa là cùng bị đập như Ngài, mới tuôn trào nước hằng sống, đúng
như Lời Đức Giêsu đã nói : “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi,
hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những
dòng nước hằng sống.” (Ga 7,38).
Chân lý này đã được
báo trước : Chúa bảo ông Môsê dùng gậy đập vào tảng đá để có nước cho dân uống,
ông đã đập tới hai lần (x Ds 20,11), mà tảng đá đó chính là Đức Kitô (x 1Cr
10,4), Đức Kitô đã bị đập, thì những kẻ
theo Ngài cũng cùng chung số phận (x Ga 13, 36 ; 15,20 ; 21,18-19).
Phi hành gia James
Irwin, lái chiếc phi thuyền Apolo 15 sau khi đã đáp xuống nguyệt cầu, ông đào
được một tạ đá đưa về trái đất, và ông đem đi khắp thế giới để nói về sự thành
công vĩ đại của khóa học không gian ngày
nay. Ngày 8/3/1973, James Irwin đã nói chuyện tại rạp Thống Nhất ở Sàigòn như
sau :
Có ba loại đá tượng trưng cho ba lãnh vực :
a- Đá mê tín của những người bạc nhược, không tận dụng khả năng của
mình, mà chỉ duy tin vào sức thần thiêng giải quyết trong mọi lãnh vực cuộc
sống. Loại đá mê tín này khiến nhiều người lầm,vì tin rằng cứ rờ vào khỏi bệnh
tật, thoát hoạn nạn, hết rủi ro, được bình an!
b- Đá
nguyệt cầu, tượng
trưng cho tài khéo của khối óc và nỗ lực làm việc của con người cộng tác với ơn
Thiên Chúa. Sự thành công này, nhiều
người đã quá cao vọng, đi đến chỗ cực đoan và kiêu ngạo,tưởng khoa học
sẽ giải quyết thỏa đáng mọi khát vọng của con người ! Nhưng nếu có ai tài giỏi
hơn tôi khi ngồi vào phi thuyền đi vào không gian, mới thấy con người quá nhỏ
bé, so với quyền lực của vũ trụ, và số phận người ta quá mỏng manh như bong bóng xà phòng trong không
khí ! Do đó phải biết rằng khoa học không bao giờ làm ra được cái máy nói dối,
chỉ những kẻ phủ nhận Thiên Chúa mới nói dối mà lại cho là khôn ngoan!
c- Đá
Ki-tô. Ngồi vào
phi thuyền mới thấy con người không thể cậy dựa hoàn toàn vào sức mạnh của phàm
nhân. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này chỉ còn trông cậy vào sự nâng đỡ của Thượng
Đế cho con người một niềm tin, niềm phó thác và sự bình tĩnh, bởi vì “Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi
nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,nằm dưới âm
ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện, đến ở nơi
chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh
giữ lấy con.” (Tv 139/138, 7-10)
Do đó ơn Chúa phù trợ giúp
cho chuyến bay của tôi được thành công rực rỡ, là tôi tin vào Đức Ki-tô, vì nếu
Ngài ngoảnh mặt đi trong chốc lát, là tôi chết ngay (x Tv 104/103,29)! Vậy ngồi
ở trong phi thuyền nếu biết tin vào Đức Kitô để đi đến nơi an toàn, thì người ở
trong Hội Thánh tin vào Đức Kitô, chắc chắn được Ngài trợ giúp,điều chỉnh cách
sống Đạo, mới có thể bay về tới Thiên cung , nơi mọi người tin Chúa đang mong
chờ !
THUỘC LÒNG.
Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và
Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được ! (Ga 15,5)
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH