KHÔNG
NGHE LỜI CHÚA
MÔI TRƯỜNG
SỐNG TRỞ NÊN BẤT HẠNH
Thiên Chúa không chỉ nói với người Do Thái,
mà còn cho hết thảy các dân tộc, nói cho cả tạo vật
- Thời
Cựu Ước, Thiên Chúa chỉ ban Thập Giới cho dân Do Thái ở núi Sinai (x Xh 19t)
- Vào
thời Tân Ước, Chúa Giêsu mới mở rộng lời giảng dạy đến muôn dân: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp
thế gian” (Mt 28,19-20)
và “giảng Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo”(Mc 16,15). Vì vậy
mà thánh Phaolô nói: “Vạn
vật rên xiết quằn quại mong được phục vụ con cái Thiên Chúa, để khỏi lâm cảnh
hư nát, mà được tham dự vào vinh quang con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 20-21).
Những người thờ phượng Thiên Chúa
thuộc giới trí thức, có địa vị cao, lắm tài nhiều của, Chúa càng cần dùng đến
họ để loan báo Lời Chúa. Chính vì vậy mà các cuộc truyền giảng của Chúa Giêsu
nhắm đến dân thành thị, rồi mới đi tới làng lân cận. Cụ thể Ngài thường đến
giảng tại thành phố Khorazin, Betsaida, đặc biệt là Capharnaum, một thành phố thương
mại phồn thịnh, nên dân ở đây là giới trí thức và giàu có, nhưng họ lại không
đón nhận Lời giảng của Ngài! Bởi đó Ngài rên lên, vì khốn khó tai họa sẽ đổ
xuống ngập môi trường họ sống: “Khốn cho ngươi, Khorazin, khốn cho ngươi Betsaiđa, khốn cho
ngươi Capharnaum, dễ thường ngươi sẽ được nhắc lên tận trời sao, ngươi phải
nhào xuống địa ngục! Vì nếu các phép lạ xảy ra ở vùng dân ngọai như Tyrô
và Siđôn, thì họ đã mặc bao bị, ngồi trên tro mà ăn năn hối cải. Bởi vậy đến
ngày phán xét dân ngoại được xét xử khoan dung hơn các ngươi là những kẻ có Đạo!”
(Lc 10,13-16: Tin Mừng).
Thực vậy, Tin Mừng mà thấm vào tâm
hồn người có Đạo trí thức, giầu có, thì họ làm vinh danh Chúa hơn lương dân,
hơn kẻ nghèo. Bởi lẽ “người giầu” khi họ đầu tư tất cả cho việc loan báo Tin Mừng, chắc chắn họ quy tụ
được nhiều người về cho Chúa hơn. Vì thế
thánh Phaolô lên tiếng dạy: “Làm sao anh em phải giầu có như Đức Kitô, để
làm cho người nghèo được trở nên giầu có”
(2Cr 8, 9). Cho nên các Tông Đồ Đức Giêsu tuyển chọn, đặc biệt Phaolô, ông
là người giàu có về danh dự, dòng tộc, bởi vì ông thuộc dòng Benjamin, con
chính thức của tổ phụ Giacop, về thân thế ông là một Biệt phái xuất sắc giữ
Luật Môsê (x Pl 3,5), về mặt xã hội ông lại có quốc tịch Roma, nên được pháp
luật Roma bảo vệ (x Cv 22,3), về văn hóa ông là học trò xuất sắc của tôn sư
Gamaliel (x Cv 22,26). Chính nhờ sự giàu có về gia sản tinh thần này, mà khi
ông Phaolo được Chúa kêu gọi làm Tông Đồ, ông đã trở nên vị Tông Đồ xuất sắc không
thua các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5).
Trái lại, người giàu có như nguyên
tổ Adam, Eva được Chúa trao cả vũ trụ làm chủ, lại không thực hành Lời Thiên
Chúa, vườn địa đường họ đang sống hạnh
phúc trở nên địa ngục: Adam muốn xa lánh vợ, ông trách Chúa đã dựng nên
người phụ nữ, con trai cả là Cain lại đập chết Abel, em ông, vì ganh tỵ Chúa
nhận của lễ Abel mà không nhận lễ vật của Cain ; Lamek cháu của Adam, bắt đầu
lấy hai vợ và còn đòi báo thù 70x7, đó chính là gai góc đã mọc lên trong môi
trường sống của Adam, Eva (x St 3.4).
Ta cần lưu ý: Đức Giêsu không nói:
“Ai không nghe Lời tôi thì tai họa sẽ ập
đến”, mà Ngài nói: “Ai không nghe lời môn đệ tôi là khước từ tôi
và chống lại Cha tôi, thì sẽ bị xét xử nghiêm khắc” (x Lc 10,14-16: Tin
Mừng). Bởi lẽ những kẻ chống đối chân lý đã giết Đức Giêsu, thì không phải giết
được Ngài là dập được chân lý. Trái lại, kẻ giết Ngài quá ngu dại: nếu chúng
không giết Ngài, thì chỉ có mình Ngài công bố Lời Chúa Cha, còn giết Ngài, thì sau
ba ngày Ngài sống lại, không chỉ có các Tông Đồ tích cực rao giảng Lời Chúa mà
còn có cả giáo dân, đi đâu họ cũng nói về Tin Mừng Chúa Kitô (x Cv 8,4), thậm
chí Chúa còn dùng cả Maria Madalena, người tội lỗi, đưa Tin Mừng Phục Sinh đầu
tiên cho các Tông Đồ (x Ga 20,16t). Mà ai đã được nghe Lời Chúa nhiều, người đó
sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn ; kẻ không được nghe mà làm điều trái ý Chúa thì bị đòn
ít hơn (x Lc 12,47-48). Đó cũng là lý do Đức Giêsu không chỉ chúc dữ cho cá
nhân nào khước từ Lời Chúa mà còn chúc dữ cho cả môi trường họ đang dung thân.
Chúa muốn ông Gióp nhận ra Lời
Chúa là Lời toàn năng: “Lời có sức truyền
khiến muôn vật trong vũ trụ phải vâng phục: chỉ định vị trí cho vừng đông, giũ
sạch hết mọi gian tà, làm cho đất thay đổi mầu sắc, làm cho muôn loài xuất hiện
tựa tấm áo lộng lẫy huy hoàng, tước đoạt ánh sáng ác nhân, và bẻ gãy tay chúng
đã từng tung hoành ; Lời Chúa đã từng mở lối cho người vào âm phủ. Và Chúa hỏi
Gióp: “Ngươi có biết con đường nào dẫn đến nơi ở của ánh sáng không? và có biết
đâu là nơi bóng tối cư ngụ không?”
Ông Gióp phải cúi đầu trước tôn nhan Chúa, nhận biết mình quá tầm
thường, nhỏ bé, không biết thưa lại với Chúa điều gì, chỉ biết đưa tay lên che
miệng lại” (G
38,1.12-21 ; 40, 3-5: Bài đọc năm chẵn).
Do đó trước uy quyền của Lời Chúa,
mọi đầu gối phải quỳ xuống cung kính cầu xin: “Lạy Chúa, xin dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (Tv 139/138,24b: ĐC
năm chẵn).
Lời Chúa thật quá uy quyền, nên bất
cứ cộng đoàn nào, xứ đạo nào, gia đình nào, không có trái tim nghe Lời Chúa thì
chắc chắn tai họa sẽ ập xuống trên môi trường họ sống ! Hội Thánh muốn mọi
người phải phản tỉnh, sám hối, như tâm tình sám hối và cầu nguyện của dân Do Thái
trong thời lưu đày Babylon: “Lạy Chúa chúng tôi, Chúa qủa là Đấng công minh,
còn chúng tôi, những người Giuđa và dân cư Giêrusalem, các vua và thủ lãnh, tư
tế và ngôn sứ cũng như các bậc cha ông, chúng tôi phải hổ ngươi bẽ mặt như hôm
nay thì cũng đáng tội! Vì tất cả chúng tôi đã bất tuân nghe Lời Chúa,
cho nên sự việc đã xảy ra như hôm nay, những bất hạnh và lời nguyền rủa vẫn
theo đuổi chúng tôi”. (Br
1,15-22: Bài đọc năm lẻ). Thế nên kẻ có tội phải khiêm tốn và thành tâm kêu xin
cùng Chúa: “Lạy Chúa, để danh Ngài rạng
rỡ, xin giải thoát chúng con” (Tv 79/78,9bc: ĐC năm lẻ).
Qua trải nghiệm của dân Do Thái không
nghe Lời Chúa do các ngôn sứ loan báo, mà còn gặp tai họa khủng khiếp suốt dòng
lịch sử dân tộc này, thì thử hỏi những người khước từ Lời Chúa do Hội Thánh rao
giảng, chà đạp Con Thiên Chúa hằng sống, xúc phạm đến tình yêu Chúa Cha, thì
không có lời cầu khẩn nào, không có lễ tế nào đền tội nó được (x Dt 10,26-31).
Chàng
Giêrônimô rất say mê những tác phẩm bằng tiếng La Tinh của Cicéron, lúc nào
trên tay chàng cũng mang cuốn sách này, trước khi ngủ chàng phải đọc mấy trang
cho đến khi rơi vào giấc ngủ. Lần kia, chàng nằm mơ thấy mình bị điệu đến trước
Tòa Chúa để chịu xét xử. Chàng phải run
lên vì thấy Chúa ngồi trên Ngai uy quyền, bên phải Chúa là các thiên thần cầm
roi ; bên trái Chúa là bầy satan cầm xiềng xích, gươm giáo, gậy gộc. Chúa lên
tiếng hỏi :
-
Ngươi là môn đệ của ai? Nếu thành thật thì án
giảm, ngoan cố mà nói dối, thì sẽ bị đòn và trao cho quỷ lôi xuống hỏa ngục!
-
Dạ, con là môn đệ của Chúa.
-
Không đúng, thiên thần đâu cho tên này một trận
đòn.
Sau
trận đòn thứ nhất, Chúa lại cho Giêrônimô đứng dậy, hỏi tiếp:
-
Ngươi là môn đệ của ai? Nếu còn ngoan cố nói dối,
thì đòn sẽ gia tăng.
-
Dạ, con là môn đệ của Chúa Giêsu ạ.
-
Không phải, vẫn nói dối, thiên thần đâu gia tăng
đánh đòn cho Ta.
Sau
trận đòn thứ hai, Chúa lại cho Giêrônimô đứng dậy,và hỏi
-
Này Giêrônimô, nếu quá tam ba lần nói dối, thì Ta
sẽ giao cho quỷ lôi ngươi đi. Ngươi là môn đệ của ai?
Nghe
được quỷ sẽ lôi đi, Giêrônimô quá sợ, chàng suy nghĩ một lát, rồi thưa
-
Dạ, con là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô ạ.
-
Quá láo, ngươi không phải là môn đệ của Ta, ngươi
là môn đệ của Cicéron. Quỷ đâu lôi nó xuống hỏa ngục!
Vì
quá sợ hãi làm chàng bừng tỉnh dậy, nắn tay chân thấy mình còn sống, mừng quá
vì đó chỉ là giấc mơ, chứ nếu là thật thì hết đường cứu thoát! Chàng quỳ ngay
xuống tạ ơn Chúa!
Từ
bấy giờ Giêrônimô dẹp bỏ tất cả các tác phẩm do tay người đời viết, chỉ ôm lấy
cuốn Kinh Thánh vào rừng ăn chay cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa. Thời gian sau
chàng trở về xin vào Dòng tu, và được làm Linh mục, và chính Linh mục Giêrônimô
đã dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh, gọi là Bản Phổ Thông
(Vulgata), được Hội Thánh dùng đọc trong Phụng Vụ. Ngài đã viết nhiều tác phẩm
chú giải Kinh Thánh gọi là cuốn Kinh Thánh Bảy Cột, ngài giảng dạy rất xuất
sắc. Trong cơn bệnh nguy tử, rất nhiều tín hữu đứng vây quanh khóc nức nở, vì
biết sắp mất một thầy dạy Đức Tin tuyệt vời! Ngài quay mặt nhìn mọi người với
ánh mắt trìu mến và nói: “Ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.
Nói đoạn, ngài trút hơi thở !
Vậy “ngày hôm nay, anh em chớ cứng
lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa” (Tv 95/94,8ab: Tung Hô Tin Mừng)
THUỘC LÒNG.
Ai khinh thường luật Môsê, sẽ bị
xử tử thẳng tay. Phương chi kẻ chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao
ước thánh hiến mình và nhục mạ Thần khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem,
kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy! (Dt
10, 28-29)