BÀI GIẢNG
QUẢ
CẢM LÀ TÂM THỨC NGƯỜI ĐI DÂNG LỄ
“Thời gian đã mãn, đến buổi siêu thăng, Đức Giêsu qủa cảm đi lên
Giêrusalem” (Lc 9,51: Tin Mừng – bản dịch NTT).
-
“Thời gian đã mãn”: Là lúc Chúa Con hoàn
tất sứ mệnh Chúa Cha trao cho Ngài vào đời để cứu độ loài người.
-
“Đến buổi siêu thăng”: Chúa Giêsu qua sự chết, sống
lại, lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, hằng chuyển cầu cho ai đến tham dự Phụng
Vụ Ngài đã thiết lập và truyền cho Hội Thánh cử hành.
-
“Đức Giêsu quả cảm lên Giêrusalem”: Ngài
biết trước lên Giêrusalem lần này dự lễ
Vượt Qua, là sẽ bị bắt, bị đánh đập, bị khạc nhổ vào mặt, hạ nhục tối đa và đem
đóng đinh vào thập giá, nhưng Ngài vẫn quả cảm để vựơt qua.
Như thế, khi Đức Giêsu đi dâng Lễ
để hoàn tất ơn cứu độ cho những ai muốn theo Ngài, họ cũng phải có tinh thần
quả cảm vựơt qua mọi rào cản trên đừơng đến Nhà Thờ, như Ngài phải qủa cảm vượt
qua đau khổ, tủi nhục, và sự chết để siêu thăng về cùng Chúa Cha. Nhất là phải quả cảm vượt qua sự oán thù của
những kẻ xúc phạm đến mình.
Chính vì thế mà Đức Giêsu không
cho phép hai ông Giacôbê và Gioan xin lửa từ trời xuống đốt dân ở Samari, Ngài
quở mắng các ông, rồi Thầy trò đi sang làng khác (x Lc 9,54-55: Tin Mừng).
Sở dĩ dân Samari không đón tiếp
Đức Giêsu và các môn đệ, cũng có nghĩa là họ không muốn theo Đức Giêsu đi dâng Lễ
ở Giêrusalem, vì mối thù truyền kiếp khai mào từ thời lưu đày bên Babylon :
§ Năm 721 trước Công nguyên, vua Assur bắt dân Israel ở Samari
đi lưu đày, và cho dân ngoại đến Samari sinh sống. Những người Do Thái còn lại,
họ đã xây Đền Thờ kính Chúa ở núi Garizim trong miền Samari. Như thế là chống lại truyền thống cha ông họ
xưa nay vẫn tôn thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem! Lúc đó đền thờ Giêrusalem vẫn còn,
mãi đến 134 năm sau,tức là vào năm 587 trước Công nguyên, đền thờ Giêrusalem
mới bị phá (x Is 40-55).
§
Năm 539 trước Công
nguyên, những ngừơi Do Thái lưu đày từ Babylon
được vua Cyros cho họ hồi hương tái thiết Đền Thờ Giêrusalem (x Is 45), thì lại
bị dân ở Samari gây khó dễ, vì họ chỉ muốn mọi người thờ Chúa ở Garizim.
§
Năm 200 trước Công
nguyên, những người thờ Chúa ở Giêrusalem lại kéo đến Garizim đập phá Đền Thờ của người Do Thái ở
Samari!
Đó là lý do khi những người Do
Thái ở Samari thấy Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài muốn ghé lại Samari, rồi
mới tiếp tục lên Giêrusalem dự Lễ, thì dân vùng này không đón tiếp! Thấy thế
các ông Giacôbê và ông Gioan tưởng Thầy mình cũng giống tinh thần của ngôn sứ
Êlya, nên hai ông hỏi ý kiến Đức Giêsu: “Thưa
Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”
(Lc 9,54: Tin Mừng). Vì nhiều người nói Đức Giêsu là ông Êlya tái xuất hiện (x
Mt 17,10), mà xưa kia ông Êlya đã xin lửa phóng xuống thiêu rụi năm mươi người
muốn đến bắt ông (x 2V 1,9-10).
Nhưng tinh thần Đức Giêsu không
phải như ngôn sứ Êlya, vì thế Ngài cấm các ông không được trả thù, và họ phải
rẽ qua lối khác mà đi, lối ấy chính là lòng nhân ái mà Đức Giêsu muốn các Tông
Đồ cũng như mọi người Công Giáo cùng chung bước! Họ không đón nhận mình, thì
mình lại đón nhận họ bằng trái tim yêu thương, để khi đi dâng Lễ ta cầu nguyện
cho họ. Quả thật lúc Đức Giêsu dâng Lễ, Ngài bị treo trên thập giá, là cao điểm
sự bất hòa của nhiều người, Ngài đã đến trước mặt Chúa Cha làm hòa với họ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm”
(Lc 23,34). Như vậy, dâng Lễ để cầu nguyện cho kẻ làm mất lòng ta là hành động
quả cảm để trở nên một của lễ với Chúa Giêsu.Vì chỉ có Chúa mới hoán cải lòng
kẻ ác, khiến họ lại muốn theo mình đi dâng Lễ, như ngôn sứ Dacarya nói về vinh
quang của đền thờ Giêrusalem sau khi đã được tái thiết: “Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến. Dân thành
này sẽ đến thành khác mà nói rằng: “Nào ta cùng đi để cầu nguyện trước mặt Đức
Chúa và tìm kiếm Chúa các đạo binh; cả tôi nữa, tôi cũng đi!” Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ
đến tìm kiếm Chúa các đạo binh ở
Giê-ru-sa-lem và cầu
nguyện trước nhan thánh Đức Chúa. Trong ngày ấy mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc
sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: “Chúng tôi muốn đi với anh em, vì
chúng tôi đã biết rằng Thiên Chúa ở với anh em” (Dr 8,20-23: Bài đọc năm
lẻ). Bởi vì “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”
(Dr 8,23: ĐC năm lẻ), và Ngài làm cho chúng ta trở nên người phục vụ giống như
Ngài: “Con Người đến để phục vụ, và hiến
mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45b: Tung Hô Tin Mừng).
Kìa ông Gióp trong giai đoạn đầu
Chúa cho phép satan thử thách những gì bên ngoài thân xác ông: nội trong một
ngày tài sản và đàn con của ông bị quỷ dập tiêu tùng! Ông Gióp vẫn quả cảm (gân) cất lời tạ ơn: “Chúa
đã ban cho nay Ngài lại lấy đi, xin chúc tụng danh Chúa” (G 1,21b).
Nhưng giai đoạn hai, satan tấn công vào chính thân thể ông: từ đầu xuống chân
ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính. Ông ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà
gãi. Bấy giờ, vợ ông bảo: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn
của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!”
Nhưng ông Gióp đáp lại: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón
nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận hay sao?”
Rồi ba người bạn của ông Gióp nghe biết tất cả những tai họa xảy đến cho ông,
họ kéo nhau đến thấy ông Gióp, họ bật khóc và ngồi xuống đất bên cạnh ông, suốt
bảy ngày đêm chẳng nói với ông một lời, vì họ thấy rằng nỗi đau khổ của ông quá
lớn ! (x G 2, 5-13)
Vì sức chịu đựng của con người có
giới hạn, nên ông Gióp xuống tinh thần và bắt đầu than: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời… Sao tôi không chết đi lúc
vừa mới sinh, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy
tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm? Chẳng vậy, thì giờ đây tôi đã nằm xuống yên hàn,
đã an giấc nghỉ ngơi…”. Lúc đó Chúa đã mở miệng ông nói tiên tri về những
người được Chúa cứu độ: “Khi đã an giấc
nghỉ ngơi, kẻ hung tàn không còn quấy phá nữa, cũng tại đó người kiệt sức được
nghỉ ngơi. Sao Người lại ban ánh sáng cho kẻ khốn cùng, ban sự sống cho ai nuốt
cay ngậm đắng? Họ là những người mong
chết mà không được, tìm cái chết hơn cả tìm kho báu. Họ phấn khởi mừng vui, hân hoan vì tìm thấy
phần mộ.Sao lại ban ánh sáng và sự sống cho kẻ chẳng biết mình đi
đâu, cho kẻ bị Thiên Chúa giam hãm tư bề?” (G 3,1-3.11-17.20-23: Bài đọc
năm chẵn).
Dù Chúa cho phép satan thử thách
Gióp, một thử thách đau khổ quá sức như kết tinh mọi đau khổ của loài người,
nhưng đó cũng chỉ là hình ảnh mờ nhạt về những đau khổ Đức Giêsu phải chịu suốt
cuộc đời công khai, đỉnh cao là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Và như thế Đức
Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, Đấng vô tội, nhưng vì là Con nên Cha cũng để cho
kẻ ác đánh đòn, huống chi loài người chúng ta là kẻ yếu hèn, tội lỗi, Thiên
Chúa muốn uốn nắn ta nên giống hình ảnh Ngài, để Ngài nhận ta làm con, thì càng
có lý để Ngài cho ta ăn đòn (x Dt 12,6), có thế ta mới được thông phần vào sự
thánh thiện của Ngài (x Dt 12,10). Khi gặp thử thách đau khổ quá sức chịu đựng
như ông Gióp, nhất là bị người thân như vợ ông Gióp mỉa mai Đức Tin và cầu cho
ta chết sớm, thì ta hãy tưởng nhớ đến “Đấng
đã cam chịu cho kẻ tội lỗi chống đối mình, hầu ta khỏi sờn lòng nản chí. Quả
thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, ta chưa chống trả đến mức phải đổ máu
đâu!” (Dt 12,3-4).
Vậy khi tham dự Hy Tế Thập Giá của
Chúa Giêsu, ta hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, trước Thánh Nhan đêm ngày con kêu
cứu. Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài, xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức”
(Tv 88/87,2-3: ĐC năm chẵn). Vì nhờ “Đức
Ki-tô đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Ngài có thể đáp cứu những ai bị thử
thách” (Dt 2,18).
THUỘC LÒNG
Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu cho những kẻ tội lỗi
chống đối mình, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu
với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức phải đổ máu (Dt 12,3-4).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH