BÀI GIẢNG
ĐỂ LÀM
TÔNG ĐỒ CỦA ĐỨC KI-TÔ
Đức Giêsu không
chỉ muốn chọn 12 người Do Thái làm Tông Đồ để xây dựng Hội Thánh, mà Ngài còn
muốn chọn muôn dân cùng chung tay góp sức làm cho ơn cứu độ bao trùm cả thế
giới (x Mt 28,10-20).
Để trở thành Tông
Đồ của Đức Kitô, hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng và học hỏi ơn
gọi làm Tông Đồ của ông Matthêu:
-
Ý thức về tội của mình.
-
Năng hiệp dâng Thánh Lễ.
-
Chọn việc tốt nhất.
I. Ý THỨC VỀ TỘI CỦA MÌNH
Càng ý thức mình là kẻ tội lỗi mà
đi theo Chúa Giêsu thì càng làm vinh danh ngài. Đó là lý do Đức Giê-su nói: "Tôi không đến để kêu gọi người công chính,
mà là những kẻ tội lỗi." (Mt 9,13b: Tin Mừng).
Chúa không kêu gọi người công
chính là Ngài không kêu gọi người tự mãn vào việc tuân giữ Lề Luật Mô-sê mà
khinh dể người khác (x Lc 18,9), đến nỗi trở nên quyết liệt chống đối Đức
Giê-su, và không muốn cho ai theo Ngài (x Ga 7,47-48).
Trước mặt Thiên Chúa không ai được
kể là người công chính (x Tv 143/142,2). Đó là lý do thánh Phao-lô nhắc lại Lời
Kinh Thánh: “Không có ai công chính, một
người cũng không. Hết thảy đều lầm lạc hư đốn cả lũ. Hành thiện không còn có
ai, một người cũng không” (Tv 14/13,1-3 =
Rm 3,10-12). Vì lẽ đó mà “Luật lập
ra cho loài người vô luân, chứ không phải cho người được công chính trong Chúa
Ki-tô” (1Tm 1,9). Nhưng “ai đã được
công chính trong Chúa Ki-tô, thì phải là người ngao ngán cực phiền trước thói
phóng đãng của lũ người phi pháp” (2 Pr 2,7).
“Vi trùng phi pháp” xâm nhập linh
hồn người ta, duy chỉ có “Lương Y Giêsu” mới chữa lành (x Cv 4,12). Bởi thế Giê-su
trả lời cho kẻ chê trách Ngài đã dùng bữa với bọn thu thuế và quân tội lỗi: “Có
cần đến lương, hẳn không phải là người lành
mạnh mà là kẻ đau ốm. đi mà học lời này là gì: Ta chuộng nhân nghĩa chứ
không phải là lễ tế.” (Mt 9,12-13a: Tin Mừng).
Sở dĩ người ta kết án ông Lêvi (Matthêu) làm nghề thu thuế
là kẻ có tội vì hai lý do:
1- Người thu thuế dễ lạm dụng quyền do đế quốc Roma cho: Thời ấy Roma không trực tiếp
đứng ra thu thuế người Do Thái, mà họ trao cho người địa phương thầu. Người thu
thuế chỉ cần nộp đủ số tiền thuế Roma đã quy định, nên họ dễ dựa vào kẽ hở của
Luật để tìm cách thu cao hơn mức thuế đã ấn định mà người dân phải nộp. Đó là
cách gian lận để làm giàu. Chính ông Giakêu cũng đã thú nhận tội này với Đức
Giê-su, qua việc ông xin đền gấp bốn đối với những ai ông đã làm thiệt hại (x
Lc 19,8b).
2- Người thu thuế dưới cái nhìn của dân Do-thái
còn phạm thêm hai loại tội :
· Phản quốc:
lấy thuế của dân tộc nộp cho ngoại xâm, là củng cố ách thống trị của đế quốc
đang đè nặng trên dân tộc ! Đó là hành động “rước voi về giày mồ”.
· Phản đạo:
vì người Do-thái vẫn hằng tin tưởng vào Thiên Chúa mà cầu nguyện rằng: “Người ta cậy vào chiến xa pháo mã, còn dân
chúng tôi chỉ trông chờ vào danh Chúa mà thôi” (Tv 20/19,8). Thế mà bọn thu
thuế đã lấy thuế của người đồng chủng mà nộp cho ngoại bang, là một cách trông
cậy vào thế lực của kẻ ngoại hơn là trông cậy vào Thiên Chúa. Nói cách khác: đặt
uy danh Chúa dưới quyền lực của đế quốc Roma !
Nhưng ai biết ăn năn sám hối tội
mình, thì đều đáng được Đức Giê-su kêu gọi để nên chứng nhân cho Ngài, một khi
họ cảm nghiệm được “ở đâu tội lỗi nhiều, ở đó ân sủng Chúa ban càng chan chứa” (Rm
5,20).
Trong lịch sử cứu độ, người nào
biết khiêm tốn thú nhận tội lỗi mình trước mặt Chúa, thì người ấy lại được Chúa
làm việc lớn. Cụ thể như :
C Ông Phê-rô được làm Giáo hoàng.
Trong số 12 môn đệ Đức Giê-su
chọn, chỉ ông Phê-rô thú nhận với Thầy: “Xin
Thầy xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8), nên ông đã được Chúa đặt làm
Giáo hoàng tiên khởi (x Mt 16,18), bởi đó trước khi Ngài chính thức trao quyền
lãnh đạo Hội Thánh cho ông, Ngài đã khéo léo, tế nhị nhắc đến ba lần ông đã
chối Thầy, bằng cách ba lần Ngài hỏi: “Con
có yêu Thầy không ?” (x Ga 21,15t).
C Ông Phao-lô được làm Tông Đồ muôn dân :
Chính Phaolô đã thú nhận tội với
nhiều người: “Tôi đã bắt bớ đạo Chúa đến
chết chóc cũng không trừ, xiềng xích và tống giam đàn ông đàn bà” (Cv
22,4), và ông hạ mình đi học giáo lý nơi các môn đệ Đức Giê-su bị mang tiếng là
“những kẻ vô học thức” (x Cv 4,13).
Ông còn khiêm tốn thú nhận những tội trong lãnh vực luân lý đạo đức với các
giáo đoàn :
· Chẳng có gì lành cư ngụ trong tôi,
sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ, tôi không muốn,tôi lại cứ làm (Rm
7,18-19).
· Để mạc khải cao siêu khỏi làm tôi
quá tự tôn, thì tôi đã được một cái dằm đâm vào thân xác, một thần sứ satan, để
nó vả mặt tôi. Về điều ấy, đã ba lần, tôi nài xin Chúa cho nó rời khỏi tôi.
Nhưng Ngài đã phán bảo tôi: Ơn Ta đủ cho ngươi. Vì chưng quyền năng trong yếu
đuối mới viên thành” (2Cr 12,7-9). Vì thế Chúa nhốt lại như lời ông nói: Tôi là tù nhân trong Chúa” (Ep 4,1: Bài
đọc). Chúa đặt ông làm Tông Đồ muôn dân, còn 12 Tông Đồ kia chỉ lo cho dân Israel
(x Gl 2,2.7), nên ông khoe với giáo đoàn Corintho: “Thiết tưởng nào tôi thua gì những Tông Đồ thượng đẳng” (2Cr 11,5).
Ông được Chúa ban cho thành công hơn các Tông Đồ Đức Giê-su đã chọn trước Phục
Sinh.
Vậy trong loài người không ai được
có mặc cảm mình là kẻ tội lỗi bất xứng, không đáng được Chúa kêu gọi làm Tông
Đồ cho Ngài. Bởi vì cả đến tên trộm lành, suốt cuộc đời hắn chỉ làm khổ người
ta. Khi bị đóng đinh trên thập giá hắn biết sám hối tội, xin Chúa thương xót,
và xin được theo Ngài, hắn đã trở nên người mẫu động viên tất cả những kẻ tội
lỗi biết sám hối tội mình mà đến với Chúa Giê-su, để được ơn hơn lòng mong ước
(x Lc 23,43 ; Ep 3,20).
II. NĂNG HIỆP DÂNG THÁNH LỄ
Hình ảnh bữa tiệc Đức Giê-su ngồi
chung với những người tội lỗi tại nhà ông Mát-thêu (x Mt 9,10: Tin Mừng), trở
thành dấu chỉ bữa tiệc Thánh Thể Chúa mời gọi mọi người tham dự.
Ta biết ai được dự tiệc với Chúa
Giê-su là dấu chỉ người đó được ơn giải phóng, được giao hòa với Thiên Chúa,
được cứu độ. Chân lý này đã được diễn tả qua hình ảnh ông Gioakim, vua Do-thái
thất trận đã bị tù ở bên Babylon.
Ngày vua Babylon đăng quang, khi vua đã toàn thắng các nước chư hầu, vua đã
phóng thích cho Gioakim khỏi cảnh tù đày, cho mặc áo vua và ngồi nơi ghế cao
nhất trong bữa tiệc của vua tổ chức (x 2V 25,27-29).
Thực vậy, mạc khải cho chúng ta
biết ơn cứu độ được Chúa ban trọn vẹn cho con người luôn luôn được diễn tả
trong bữa tiệc:
- Ông Mat-thêu dọn
tiệc để mời những người tội lỗi đến đồng bàn với Đức Giê-su và các môn đệ (x Mt 9,10: Tin Mừng).
- Những cô trinh nữ
khôn ngoan được vào dự tiệc cưới với chàng rể (x Mt 25,1-13).
- Người đầy tớ trung
tín làm trọn những nhiệm vụ chủ trao phó, khi chủ về, ông đặt đầy tớ vào bàn
tiệc để hầu hạ (x Lc 12,35-37).
- Đức Giê-su diễn tả
những người được Ngài cứu độ là những khách được mời đến dự tiệc của vua, ai
đến tham dự thì được sống, kẻ khước từ bị chu diệt (x Lc 14,15t).
- Đứa con hoang đường
trở về cũng như người con cả muốn được hưởng hạnh phúc bên cha thì phải dự tiệc
của cha đã dọn (x Lc 15,11t).
- Ngày cánh chung, khi
Chúa cho mọi người từ cõi chết sống lại cả hồn lẫn xác, hạnh phúc nhất là những
người công chính: người biết thương giúp đồng loại, nhằm quy tụ họ về với Chúa,
trở thành những “kẻ bé nhỏ”, để tất cả được vào dự tiệc hoan lạc trong Nước
Thiên Chúa (x Mt 25,31-46).
III. CHỌN
VIỆC TỐT NHẤT
Một việc được gọi
là tốt phải hội đủ ba yếu tố :
-
Bản chất việc đó tốt.
- Thuộc
bổn phận.
- Hoàn
cảnh bắt buộc phải làm trước.
Nhưng việc tốt
cũng có ba cấp độ :
1- Việc tốt thôi. Cụ thể như ông Mát-thêu, nếu ông tôn trọng mọi người, sống công
bằng, thì ông chỉ nên thu thuế đúng mức mà chính quyền đã ấn định, đó mới là một
công chức lương thiện, góp phần điều hành tốt sinh hoạt xã hội. Việc này đơn
thuần là tốt, vì nó nhằm mục đích phục vụ một số người đồng thời, trong một xã
hội nhất định.
2- Việc tốt hơn. Hãy bắt chước ông Mát-thêu đã biết dùng tiền của để quy tụ những kẻ
tội lỗi đến đồng bàn với Đức Giê-su. Như thế là tốt hơn vì ông đã biết sử dụng
thực tại trần thế để xung vào vào việc tập họp mọi thụ tạo, nhất là người tội
lỗi được đồng bàn với Đức Ki-tô, chung lời tôn vinh Chúa Cha (x 1Cr 3, 22-23).
Đó là ta đã đóng góp vào chương trình
cứu độ của Đức Ki-tô, trong một thời nhất định.
3- Việc tốt nhất. Ông Mát-thêu dám tin tưởng vào lời mời gọi của Đức Giê-su: “Hãy theo Ta”, nên ông đã mau mắn bỏ ngay
kế sinh nhai thu thuế là nghề béo bở, rồi ông đi theo Đức Giê-su để đi thu góp
Lời Chúa, một kho tàng cứu độ vô giá, lưu lại cho muôn thế hệ. Cụ thể ta thấy
vai trò ưu thắng của Tin Mừng Mát-thêu trong Phụng vụ Hội Thánh hơn 20 thế kỷ nay,
dù ông bị mang tiếng là kẻ tội lỗi tày trời, đang mải miết bận rộn việc trần
thế, mà Đức Giê-su không xa tránh ông,
trái lại Ngài ân cần đến với ông như một y sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân, và
như ông được tình yêu Đức Giê-su thôi thúc (x 2Cr 5,14) phải đi làm việc tốt
nhất Ngài trao cho là loan Tin Mừng cứu độ. Căn cứ vào việc tốt nhất này, mà
Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 35 có lý để nhắc nhở cho mọi Ki-tô
hữu: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt
động cao quý là truyền bá Tin Mừng cho thế giới, cả lúc họ bận tâm lo lắng việc
trần thế !”
Áp dụng chọn công thức “Tốt Thôi –
Tốt Hơn – Tốt Nhất” vào cuộc sống chúng ta hôm nay, ví dụ: Tôi định xây dựng
một căn nhà tốn tiền tỷ, thì tốt thôi ; nhưng tôi bớt ra 50 triệu đồng để giúp
vốn cho người nghèo có công ăn việc làm, thì tốt hơn ; và nếu tôi quyết định
chỉ dành 900 triệu xây nhà, và dâng cho Hội Thánh 100 triệu để làm phát triển
Tin Mừng, thì tốt nhất. Tưởng rằng nhà xây một tỷ, hoặc 900 triệu thì cũng
tương đương nhau. Nhưng ở nhà 900 triệu chắc chắn được Chúa chúc phúc hơn ; hoặc
ta định ăn sáng tô phở 20.000$, thì tốt thôi ; nhưng ta lại ăn bánh mì, bớt
được 5.000$ để chia sẻ cho người đói, thì tốt hơn ; nhưng nếu để 5.000$ đó đóng
góp vào việc truyền giáo thì tốt nhất! Đó mới thực là người Tông Đồ giỏi của
Chúa.
Như thế việc Tông Đồ không dành
riêng cho hàng giáo sĩ, mà Chúa còn muốn mọi Ki-tô hữu cộng tác khi ý thức thực
hành lời thánh Tông Đồ dạy: “Tôi khuyên nhủ anh em phải sống xứng đáng
với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho: Phải ăn ở khiêm tốn, hiền từ, nhẫn
nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà
Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Vì chỉ có một Thân
Thể, một Thần Khí, một niềm tin, một Phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha của mọi
người. Mỗi người đã nhận được ân sủng tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban: người này
làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác
nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó dân thánh được chuẩn bị để làm công
việc phục vụ, là xây dựng Thân Mình Đức Ki-tô, đạt tới sự xứng hợp trong Đức
Tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng
thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,1-7.11-13: Bài đọc).
Sống được như thế, ta mới hiệp
cùng Hội Thánh dâng lời cầu nguyện: “Lạy
Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy
Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa” (Tung Hô Tin Mừng). Vì nhờ ơn
Chúa trợ lực, các chứng nhân của Chúa đã làm cho muôn dân hô lên: “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu”
(Tv 19/18,5a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Tôi là tù nhân trong Chúa để
sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban (Ep 4,1).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH