BÀI GIẢNG
CÂY NÀO GIỐNG ĐÓ
Đức Giêsu nói:
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu,
cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở
bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!Người tốt thì
lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho
tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6,43-45: Tin Mừng).
Vì thế trong
dân gian nói: “Cây nào giống đó, rau nào
sâu đó”. Thực vậy, Đức Tin Công Giáo phân biệt hai loại người trên trái đất:
- Loại người sinh ra từ gốc tổ Adam thứ nhất và Eva xưa, đó là loại người sinh ra từ gốc cây độc.
- Loại người được tái sinh bởi Adam cuối cùng (Chúa Giêsu) nhờ Hội Thánh là Eva mới rao giảng Tin Mừng. Đó là loại người sinh ra từ gốc cây lành.
1/ LOẠI NGƯỜI SINH RA TỪ GỐC CÂY ĐỘC
Vì Adam, Eva
nghe lời satan xúi giục muốn vơ vét hết mọi của thế gian Chúa đã dựng nên, kể
cả trái Chúa cấm ăn, vì họ tin chắc rằng như thế là khôn ngoan, được hạnh phúc
như Thiên Chúa. Nhưng họ đưa sự chết vào đời (x St 3). Như thế là họ đã bị biến
chất thành “cây độc”, phun nọc độc giết người làm cho cả dòng giống họ phải
chết. Đúng như Lời Kinh Thánh nói: “Cửa
họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ, chúng chứa
đầy mồm nọc độc rắn hổ mang, miệng độc dữ điêu ngoa những buông lời nguyền rủa.
Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc họa. Chúng
chẳng biết con đường đưa tới bình an, chẳng thấy cần phải kính sợ Chúa Trời”
(Rm 3,13-18).
Nọc độc ứa
trào từ giống dòng Adam thứ nhất, chỉ vì tham ăn trái Chúa cấm. Tội này vẫn còn
di căn đến cả những người Công Giáo! Đan cử như giáo đoàn Côrinthô, họ chẳng
thiếu của nuôi thân, thế mà lại mê ăn cả của cúng cho ngẫu thần là thông hiệp
với ma quỷ. Thánh Phaolô phải lên tiếng: “Anh
em hãy lánh xa việc thờ ngẫu tượng. khi ta nâng chén chục mà cảm tạ Thiên Chúa,
há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Giêsu Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh
Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Những ai ăn tế phẩm, há
chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao? Đồ cúng là cúng cho ma quỷ,
chứ không phải cho Thiên Chúa ; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ.
Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được ; anh em
không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được”
(1Cr 10,14-22: Bài đọc năm chẵn). Thế thì mê ăn của cúng chẳng khác nào Adam,
Eva mê ăn trái Chúa cấm, nên sự chết ập đến!
Ngày nay
nhiều người Công Giáo đến Nhà Thờ dự Lễ, rồi ra về lại đến thầy bói, thầy cúng
xin xăm, gieo quẻ, xin thầy tướng số lời chỉ giáo, thì có khác gì các tín hữu
thuộc giáo đoàn Côrinthô rước Lễ rồi ăn của cúng?!
2/ LOẠI NGƯỜI ĐƯỢC SINH RA TỪ CÂY LÀNH
Đây là những
người được tái sinh bởi Adam cuối cùng (Chúa Giêsu) và Eva Mới (Hội Thánh). Quả
thật, người Công Giáo được Hội Thánh sinh ra bởi Lời Chúa (x Gc 1,18) và bởi Chúa
Giêsu Phục Sinh (x Cv 2,38), khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy và còn tiếp tục hằng
ngày được thanh tẩy, giáo dục và nuôi dưỡng nhờ Bí tích Thánh Thể. Thực vậy,
a- Tất cả những ai được
tái sinh nhờ Bí tích Thánh Tẩy thì đã được tháp vào Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài
thực là “Cây Tốt Lành, Cây Sự Sống” (x Ga 11,25), họ như cành nho dại được tháp
vào gốc nho thật tốt, thật ngon ngọt, mới sinh nhiều trái tốt lành làm vinh
hiển Chúa (x Ga 15).
b- Ai đã được tháp vào
Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Tẩy, thì đều được trở nên con người mới trong Chúa
Giêsu, vì con người cũ đã qua đi, để con người mới được thành sự (x 2Cr 5,17),
có thế họ mới thoát ra khỏi kiếp sinh vật (x 1Cr 15,45 ; Gv 3,18-19). Cho nên
họ còn phải được nuôi dưỡng bằng lương thực đặc biệt bởi Trời ban cho là Thịt
Máu Chúa Kitô (Bí tích Thánh Thể), để họ được thông hiệp vào sự sống dồi dào
của Thiên Chúa (x Ga 6,57 ; 10,10), trở nên cùng một dòng giống với Thiên Chúa,
vì cùng xương thịt với Chúa Giêsu (x Dt
2,11.14), đến như được đồng hóa với Chúa Giêsu Phục Sinh (x Gl 2,20). Bởi thế,
thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Ki-tô ở trong
anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban
cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính” (Rm 8,10). Nên
vào ngày cánh chung, xác hồn họ được sống lại vinh hiển (x Ga 6,54). Đúng như thánh
Gioan nói: “Hiện giờ chúng ta là con
Thiên Chúa ;nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta
biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Ga 3,2). Đây là hiệu quả của những
người khi còn sống hằng ngày dâng Thánh Lễ mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con sẽ dâng lễ tế tạ ơn Ngài”
(Tv 116/115,17a :ĐC năm chẵn).
Qua trải nghiệm đời sống Đạo của
thánh Phaolô: Trước khi ông được Chúa
Giêsu chộp lấy, ông là kẻ ngu đần xây nhà trên cát (x Lc 6,49: Tin Mừng),
dù ông triệt để giữ Luật Môsê để thờ phượng Chúa, ông vẫn chưa tách ra khỏi
Adam thứ nhất. Cụ thể ông đã đưa sự chết
đến cho những người vô tội ở Đama. Hình ảnh một luồng ánh sáng từ Trời phóng
xuống xô ngã Phaolô trên đường Đama, minh họa kẻ ngu đần xây nhà trên cát, mưa
giông báo tố ập đến làm sụp đổ tan tành (x Lc 6,49), không phải chỉ hại ông mà
thôi, lại còn gây họa cho cả những người ông biết đến! Ông đúng là cây độc sinh
trái giết người!
Khi ông Phaolô được Chúa xót thương, ông trở thành người khôn xây nhà
trên đá (x Lc
6,47-48: Tin Mừng), ông được Chúa ban ơn bội phần hơn tội đã phạm (x Rm 5,20),
nhờ đó ông nhận biết mình là người mù Đức Tin, nên ông khiêm tốn đi học Giáo Lý
nơi môn đệ Đức Giêsu, người mà trước đó ông
căm ghét muốn triệt hạ, và còn là người bị dân chúng khinh dể vô học thức (x Cv
4,13). Nhất là ông còn được Đức Giêsu trực tiếp dạy Giáo Lý ba năm ở Ả Rập, rồi
ông về Giêrusalem hiệp thông với các Tông Đồ thượng đẳng mà Đức Giêsu đã chọn
trước Phục Sinh (x Gl 1.2), để lấy lại uy tín ông mới được sai đi làm Tông Đồ
cho muôn dân. Ông Phaolô chính là cây
lành sinh trái lành, để ông trở nên người mẫu cho người loài người tội lỗi,
mù Đức Tin, trở về với Chúa, như ông nói với Giám mục Timôthê, môn đệ ông: “Đức Ki-tô Giê-su đã đến thế gian, để cứu
những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì
Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu
tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời.”
(1Tm 1,15-16: Bài đọc năm lẻ). Ông Phaolô trở nên người mẫu cho nhân loại trở về với Chúa như thế, là
vì ông đã biết cộng tác với ơn Chúa để thực hành Lời Chúa dạy: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy. Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy” (Ga 14,23: Tung
Hô Tin Mừng). Ước gì muôn dân rập theo mẫu sống Đạo của ông Phaolô, để cùng cất
lời ngợi khen danh Chúa: “Chúc tụng danh
thánh Chúa, từ bây giờ cho đến mãi muôn đời” (Tv 113/112,2: ĐC năm lẻ).
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu bước vào trần gian để cứu những kẻ tội lỗi, trong
số đó tôi là người thứ nhất (1Tm 1,15).
Linh mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH